“Hà Hương phong nguyệt” – tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam?
Giữa tháng 6, khi bộ “Hà Hương phong nguyệt” được coi là trọn vẹn nhất (tính đến thời điểm này) công bố sau gần 100 năm “tuyệt tích giang hồ”, cuộc tranh cãi xuất hiện thêm nhiều ý kiến mới mẻ.
Từ cuốn sách bán chạy đến cái án “dâm thư”
“Hà Hương phong nguyệt” là tác phẩm đầu tay của nhà văn “khét tiếng” Lê Hoằng Mưu. Tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng dưới dạng feuilleton (truyện đăng nhiều kỳ) trên báo “Nông cổ mín đàm” vào ngày 20-7-1912 với nhan đề “Truyện nàng Hà Hương”.
Truyện đăng đều đặn đến số báo ngày 29-5-1915 thì ngưng không rõ lý do dù nội dung vẫn chưa kết thúc. Do được độc giả yêu thích, năm 1914, Lê Hoằng Mưu mạnh dạn tập hợp in thành sách lấy tên mới là “Hà Hương phong nguyệt truyện” gồm 6 tập.
Lý do Lê Hoằng Mưu viết truyện này được ông nói rõ trong lời tựa: “Đồng bang hằng đọc truyện Tào diễn nghĩa, thông hiểu tích xưa, chẳng phải là chẳng ích chẳng vui. Nhưng mà coi bấy nhiêu đó hoài, lẽ khi cũng mỏi mắt đọc cang qua, nhàm tai nghe binh cách chớ?
Xét vậy nên tôi đặt bộ “Hà Hương phong nguyệt” nầy ra, thật là truyện đặt theo việc tình người đời, chẳng mượn tích ngoại phang gio diễn, để cho đồng bang cơn rảnh mua vui, lúc buồn xem tiêu khiển”.
Tác phẩm kể về cuộc đời của nàng Hà Hương – một cô gái phóng túng, đa tình và mưu mô. Các nhà nghiên cứu đánh giá có lẽ trong thơ văn Việt Nam cùng thời và trước đó, chưa từng thấy nhân vật nữ nào táo bạo trong chuyện ái tình như Hà Hương.
Những ham muốn gần gũi trần tục, những lời ve vãn bướm ong với chú Xã, với Ái Nghĩa, những chi tiết miêu tả chuyện ái ân một cách trực diện của Hà Hương được trình bày dày đặc trong tác phẩm. Mà lạ hơn nữa, trong những cuộc tình thoáng qua ấy, Hà Hương bao giờ cũng nắm trọn vai trò chủ động trong khi hình tượng người phụ nữ khi đó luôn gắn liền với tứ đức, tam tòng.
Bộ “Hà Hương phong nguyệt” trở lại trọn vẹn sau gần 100 năm thất lạc đã làm sáng tỏ nhiều tranh cãi. |
Lý giải về lý do Lê Hoằng Mưu được giới văn chương bấy giờ tán tụng là “có sách bán chạy như tôm tươi giữa chợ buổi sớm”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng, có thể xem “Hà Hương phong nguyệt” là một trong những tác phẩm khởi đầu cho văn học đại chúng Việt Nam.
Bên cạnh sự táo bạo, mới mẻ của cốt truyện, lộ trình đến với độc giả của cuốn sách này là một lộ trình vô cùng hiệu quả về mặt thương mại: đăng báo trước thu hút một lượng độc giả trung thành cho tác phẩm, sau đó in sách. Việc này cũng giống như nhiều tác phẩm đại chúng bây giờ ra mắt độc giả trên mạng Internet trước, có được lượng người hâm mộ hùng hậu rồi mới in sách như một cách đảm bảo nguồn thu và khuếch trương tên tuổi.
Nhưng hơn 10 năm sau, cuốn sách gây nên cuộc bút chiến dữ dội. Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, cuộc bút chiến nổ ra từ bài báo “Dâm thơ” đăng trên tờ “Công luận báo” năm 1923 của Nguyễn Háo Đàng. Sau đó, nhiều nhà báo vào cuộc. Họ cho rằng tác phẩm “làm cho phong hoá nước nhà trở nên suy đồi, tội viết sách phong tình rất đê tiện rồi ấn hành mà rải bán trong dân gian gợi cái tính xác thịt của loài rời gia đình, tội làm cho dân trong nước trở nên đê tiện hèn yếu”.
Vậy “Hà Hương phong nguyệt” có bị kết án oan? Đọc lại các tình tiết mây mưa bị quy là làm suy đồi phong hóa, nhà thơ Lê Minh Quốc nhận thấy tác giả miêu tả rất ý nhị bằng thơ văn chứ không hề thô tục. Theo ông, “dâm thư” chỉ là cái cớ để người ta đả kích, mạt sát tác phẩm này. Bởi khi quan niệm khắt khe của Nho giáo về tình yêu nam nữ vẫn ăn sâu, người ta không thể chấp nhận Hà Hương – một nhân vật phản diện, biểu tượng diễn ngôn tính dục quá mới mẻ mà Lê Hoằng Mưu xây dựng thành nhân vật chính.
TS Võ Văn Nhơn phân tích: “Kiểu nhân vật biểu tượng cho sự cám dỗ của sắc dục này chưa hề có trong văn học truyền thống. Tác phẩm bị lên án vì đã chuyển tải một quan niệm không truyền thống về tình yêu, luân lý trong thời điểm nhân dân Nam Bộ cần cổ súy cho đạo đức truyền thống, cho tình yêu nước để có sức mạnh chiến đấu với giặc ngoại xâm hơn là những tình cảm cá nhân ngang trái, buông thả”. Dưới áp lực dư luận, tác phẩm bị chính quyền thực dân Pháp tịch thu và tiêu hủy. Do vậy, thế hệ sau này khó tiếp xúc với văn bản gốc.
Hành trình đi tìm “Hà Hương phong nguyệt” của TS Võ Văn Nhơn bắt đầu cách đây 10 năm khi ông tình cờ đọc nhận định của nhà nghiên cứu Bằng Giang trong công trình “Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930”: “Còn tiểu thuyết (không nói truyện ngắn) thì cũng chỉ bắt đầu với “Hà Hương phong nguyệt” của Lê Hoằng Mưu đăng báo năm 1912 và in thành sách năm 1915”.
Hiểu rõ tầm quan trọng và vị trí của “Hà Hương phong nguyệt” trong lịch sử tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, ông và cộng sự đi khắp thư viện ở Việt Nam để truy tìm. Nhưng họ chỉ tìm được tập 3. Riêng các số báo “Nông cổ mín đàm” năm 1913, 1914 lại không được lưu trữ đầy đủ nên việc tập hợp trọn vẹn tác phẩm trở nên khó khăn. Phải đến năm 2014, họ mới tìm được 6 tập ở Thư viện Quốc gia Pháp.
Quá trình dày công sưu tầm, chỉnh lý, sắp xếp “Hà Hương phong nguyệt” cho nguyên hình, nguyên dạng của TS Võ Văn Nhơn mất khá nhiều thời gian. Vì bản in báo có nhiều phần thất lạc nên trong cuốn “Hà Hương phong nguyệt” công bố lần này, phần 1 và phần 3 là bản in trên báo, phần 2 phải lấy từ bản in sách. Bản in báo có lối hành văn hiện đại hơn so với bản in sách (do chiều theo thị hiếu của độc giả lúc đó nên khi tập hợp phần đã in feuilleton trên báo để in sách, Lê Hoằng Mưu đã chuốt gọt theo hướng giảm số câu văn xuôi, tăng số câu văn vần).
Tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam?
Trước đây, quyển tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên được xem là “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách xuất bản năm 1925. Nhưng với các phát hiện gần đây, vấn đề này đã được xem xét lại. Trong công trình “Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930”, nhà nghiên cứu Bằng Giang từng khẳng định: “Từ truyện “Thầy Lazaro Phiền” (1887) của Nguyễn Trọng Quản đến “Hoàng Tố Anh hàm oan” (1910) của Trần Thiên Trung, “Phan yên ngoại sử - Tiết phụ gian truân” (1910) của Trương Duy Toản phải mất hết 23 năm.
Số trang của hai tác phẩm này cộng lại cũng chỉ được có 103. Chỉ mới đáng kể là truyện ngắn chứ chưa phải là tiểu thuyết. Đến năm 1912, “Truyện nàng Hà Hương” của Lê Hoằng Mưu đăng trên “Nông cổ mín đàm” từ 20-7-1912 mới đáng kể là tiểu thuyết”.
Nghiên cứu, sưu tầm và chỉnh lý tác phẩm này, TS Võ Văn Nhơn phân tích: “Hiện thực phản ánh trong tác phẩm khá rộng lớn, có thể xem đây là một xã hội Nam Bộ ở đầu thế kỷ XX được thu nhỏ. Trong tác phẩm có các gia đình giàu lẫn những gia cảnh nghèo hèn; có cảnh Sài Gòn đô hội phồn hoa bên cạnh cảnh nghèo hèn thôn dã; có cảnh tòa xử án, trạng sư biện hộ...
“Hà Hương phong nguyệt” ra đời vào thập niên thứ hai của thế kỷ XX, vì thế vẫn còn mang những dấu vết của giai đoạn giao thời. Ghi là Roman Fantastique (tiểu thuyết) nhưng câu văn của tác phẩm rất gần với thơ, với văn biền ngẫu. Nhưng với dung lượng đáng kể, với hệ thống nhân vật đa dạng, ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, đặc biệt là nghệ thuật phân tích tâm lý khá đặc sắc, tác phẩm này của Lê Hoằng Mưu có những bước đột phá vượt bậc so với các nhà văn cùng thời, xứng đáng là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam Bộ, của Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy không đồng tình với nhận định này. Ông cho rằng: “Nếu phân tích hai chữ tiểu thuyết thì rõ. Tiểu là nhỏ, bé và thuyết là nói hay kể một câu chuyện. Bất kể ngắn hay dài chúng đều là tiểu thuyết cả. Do đó, trong “Đại Nam quốc âm tự vị”, Huỳnh Tịnh Của định nghĩa tiểu thuyết là “chuyện nói chơi, sách nói về chuyện ngoài, chuyện đặt để”.
Và dĩ nhiên hoàn toàn không có chữ “truyện dài” trong các định nghĩa ấy. Với cách hiểu nầy, tôi nghĩ rằng, “Hà Hương phong nguyệt” không phải là tiểu thuyết đầu tiên”. Ông đề nghị, nếu tác phẩm có tái bản, thì nên ghi “Hà Hương phong nguyệt, tiểu thuyết dài, nhiều tình tiết đầu tiên của Việt Nam”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc cũng cùng quan điểm. Theo ông, xét về cách hành văn với phong cách biền ngẫu của “Hà Hương phong nguyệt”, câu chữ du dương, nhịp nhàng vần điệu thì gọi chính xác nhất vẫn là truyện thơ, một sự nối dài của truyện thơ nôm khuyết danh “Lâm tuyền kỳ ngộ”, “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Chàng Chuối tân truyện”… Có khác chăng là hình thức biểu hiện của từng câu thơ không xuống dòng.
Một khi đã gọi tiểu thuyết hiện đại, trước hết phải căn cứ vào cách hành văn, diễn đạt các con chữ. Đó chính là yếu tố quan trọng nhất. Các tiêu chí: “Với dung lượng đáng kể, với hệ thống nhân vật đa dạng, ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, đặc biệt là nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật khá đặc sắc”, chỉ là yếu tố phụ, là cần nhưng vẫn chưa đủ.
TS Hà Thanh Vân cho rằng việc tác phẩm này có phải là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam hay không không quan trọng. Cái quan trọng là giá trị mà nó đem lại cho nền văn học sử Việt Nam. Sẽ không có gì tranh cãi nếu coi đây là tiểu thuyết quốc ngữ về nữ quyền đầu tiên của nước ta.
Việc công bố trọn vẹn tác phẩm này là một sự kiện quan trọng, góp phần làm rõ hơn diện mạo, hành trình ban đầu hình thành thể loại tiểu thuyết hiện đại ở Nam Bộ và Việt Nam nói chung.