Hà Quảng: “Đến với thơ đương đại”

08:01 15/09/2017
Nhà thơ, nhà phê bình, Nhà giáo Ưu tú Hà Quảng vừa gửi tặng tôi tập “Đến với thơ đương đại” . Đây là tập lý luận phê bình viết khá công phu, tâm huyết của một nhà giáo đã gắn bó với văn chương mấy chục năm qua.   


Nhiều nhận định của ông trong tập sách tôi nghĩ là chuẩn xác: “Nhìn chung các khuynh hướng đổi mới của nghệ thuật đương đại nói chung và văn chương nói riêng đều nghiêng về phương Tây, khác các cụ ta ngày xưa hướng về phương Bắc... Nhưng càng gần đến thế giới hiện đại thì tư duy phương Đông (chủ toàn) lại tìm được thế cân bằng với phương Tây...”.

Tôi đã có lần đi dự hội sách ở Thụy Điển và thấy thơ Đường và thơ cổ điển Việt Nam của các tác giả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... rất được độc giả chú ý. Osho với “Bát nhã tâm kinh” được độc giả phương Tây tìm đọc rất nhiều, cũng như nhiều tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh ở xứ ta...

Không hiểu sao tôi rất tâm đắc với Lão Tử, tuy cũng thích nhiều nhà triết học phương Tây. Nhưng Lão Tử của phương Đông đã trở thành minh triết trên 2.500 năm và sẽ còn mãi, tôi thiển nghĩ vậy.

Trong cuốn “Đến với thơ đương đại” của Hà Quảng có nhiều vấn đề như: "Thơ và sự đổi mới"; "Cách tân và phát triển các thể tài"; "Cách tân và các thủ pháp nghệ thuật"... Và một số nhà thơ Việt Nam đương đại mà tác giả cho là tiêu biểu như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Lê Thái Sơn, Vũ Quần Phương, Lê Quốc Hán...

Nói về thơ đương đại, tôi tâm đắc và đồng tình với ông trong những nhận định về đổi mới thơ hiện nay như: “Nhiều người chỉ quan tâm đến cái mới của thơ trên phương diện sự tân kỳ của các yếu tố hình thức nghệ thuật. Thực ra cái mới của cảm xúc, của chiều sâu trí tuệ, của cách nhìn cuộc sống tạo nên cái mới của thơ chứ không phải là những mô-típ, những hình ảnh mô phỏng hoặc những biểu hiện có vẻ là lạ của hình thức nghệ thuật, của ngôn ngữ thi ca...”.

Cũng có thể nói, cái mới thực sự trong thơ ca cũng như trong nghệ thuật chính là tư tưởng mới, nhận thức mới, cảm nghĩ mới, cách thể hiện mới... Nếu con người sáng tạo ra cái mới vẫn là con người cũ trong nhận thức, trong mọi sự nhìn nhận cuộc sống thì không thể có cái mới trong nghệ thuật, trong thơ ca, bởi nói như Trương Trào trong “U mộng ảnh” (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê): “Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ”. Nếu không có tài năng, không khổ đau, sống chết với nghệ thuật mà chỉ là sự làm mới bằng kỹ xảo ngôn từ thì cũng chỉ là “thuật giả kim hoàn” như người ta thường nói mà thôi.

Tác phẩm mới của nhà phê bình Hà Quảng.

Thơ ca cũng như mọi thứ trên đời này, nói là mới, thực sự mới, đều bao hàm tính sáng tạo, hoặc tạo ra cái mới hoặc tạo ra cách nhìn nhận mới, về hình thức cũng như nội dung. Sự sáng tạo ra cái mới thường qua thể nghiệm, thí nghiệm, bởi vậy đừng coi cái thử nghiệm, thể nghiệm là cái mới, tuy nó là con đường dẫn đến cái mới. Và nói như nhà phê bình, nhà thơ Hà Quảng: “Cái mới cần chú ý cái riêng của Việt Nam. Xóa nhòa hoặc quên điều này chúng tôi nghĩ tác phẩm sẽ không có sức sống”.

Dân gian có câu nói rất hay: "Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào"! Mọi sự bắt chước, làm theo, mọi sự lai căng đẩy đến mức cực đoan dù là trong bất cứ lĩnh vực nào cuối cùng đều bị thời gian đào thải. Đó cũng là điều tác giả cuốn sách “Đến với thơ đương đại” muốn nói đến. “Cái mới của thơ nằm ngay trong quỹ đạo của sự thể hiện cái đẹp chân chính, chứ không là sự ham thanh chuộng lạ cực đoan, mà đồng điệu và cổ vũ cho sự cực đoan này là việc tâm trạng thơ, lắp ghép, đưa ra vô số những kiểu thơ với quy tắc ngữ pháp xa lạ với ngôn ngữ Việt Nam, những tín niệm triết, mỹ ngược với tâm lý, với đời sống Việt rồi khái quát thành tính hiện đại của Thơ”.

Những điều mà nhà phê bình Hà Quảng đưa ra trong cuốn sách, theo thiển nghĩ của tôi là cần thiết trong quá trình làm mới thơ hiện nay. Bởi, không ít người làm thơ ngộ nhận mình, tự cho mình là cách tân, là hiện đại hay hậu hiện đại gì đó bằng sự cực đoan, bằng cách coi thơ như một trò chơi ngôn từ và đẩy đến tận cùng trò chơi này, mà thực ra điều đó người ta đã làm từ lâu, ở nước ta cũng như trên thế giới.

Về những tác giả thơ mà nhà phê bình Hà Quảng đề cập đến trong tập sách, có hai nhà thơ tôi hiểu hơn cả vì họ là bạn học của tôi. Cố nhà thơ Lê Thái Sơn và nhà thơ Lê Quốc Hán. Lê Thái Sơn cùng học một lớp với tôi thời đại học (Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội), còn Lê Quốc Hán học cùng với tôi thời phổ thông (sau tôi một năm). Tôi thấy nhận định của nhà phê bình, Nhà giáo Ưu tú Hà Quảng là xác đáng. Về cố nhà thơ Lê Thái Sơn, ông viết: “Thơ Sơn không thuộc dạng rốt ráo câu chữ, xô bồ hình ảnh, triết lý xa xôi trong quỹ đạo hiện hành. Thơ anh chân thật như vắt ra từ tim, từ cõi lòng...”.

Thời học đại học, Lê Thái Sơn đã bị bệnh tim, cho đến trước khi qua đời, mỗi lần gặp nhau Sơn đều bảo “Mình sống được thế này là lãi rồi...”. Lê Thái Sơn sống chết vì thơ, yêu thơ hơn cả bản thân mình...

Viết về Tiến sỹ Toán học, nhà thơ Lê Quốc Hán, nhà thơ, nhà giáo Hà Quảng cho rằng: “Anh là nhà toán học, cũng là thi sỹ, nhưng điều đáng nói hơn cả hai phương diện sáng tạo đó của con người anh đều được hiển trưng dưới ánh sáng của đức tin ...”. Đọc những tập thơ của Lê Quốc Hán như “Lời khấn nguyện”; “Bến vô cùng”; “Mạc khải”; “Bất biến” ta càng thấy rõ hơn điều đó.

Tôi có một may mắn là thời học phổ thông được học với những người thầy như nhà thơ, nhà phê bình Hà Quảng, cố nhà thơ Xuân Hoài, nhà sử học Lê Văn Khánh (vừa mất)... Chúng tôi học dưới hầm, bằng ánh áng ngọn đền dầu, khi có máy bay, đèn dầu cũng phải tắt, học bằng ánh sáng con đom đóm và học trong tiếng gầm rít của máy bay phản lực, trong tiếng bom nổ xé trời... Những thầy giáo của chúng tôi thời đó cũng ở trọ, cũng sống trong khói lửa đạn bom, cũng đồng cam cộng khổ với học trò, chia nhau từng củ khoai, củ sắn... Các thầy giáo như thầy Hà Quảng không những dạy chúng tôi kiến thức mà còn dạy chúng tôi tình yêu văn chương, niềm say mê văn học, dạy chúng tôi làm người, làm người lương thiện. Nhiều học sinh thời đó đã ra trận, có người hy sinh, nhiều người đã trở thành những công dân có ích, ngay cả khi đang học phổ thông tôi đã chứng kiến những học sinh học cùng lớp với tôi không quản hiểm nguy lao mình đi cứu kho đạn, có người đã hy sinh tại chỗ như liệt sỹ Thìn...

Thời đó, tôi cũng có nhiều bài thơ được đăng trên Báo Thiếu niên Tiền phong, được đưa vào tuyển tập thơ thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng cùng Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ, Đoàn Lam Luyến... Và, thầy Hà Quảng là người động viên, khuyết khích tôi nhiều nhất. Tôi nhớ, có lần thầy còn chép một bài thơ của tôi lên cái bảng đen treo dọc bờ hào giao thông dẫn vào lớp học, cái bảng đen thường thông báo cho học sinh những điều cần biết... Khi trông thấy nhiều thầy cô và học sinh cùng lớp đứng đọc bài thơ của mình, tôi không cầm được nước mắt vì vui sướng!

Tôi mạn phép viết ra những dòng này vì bây giờ, trên các phương tiện truyền thông đang nói về giáo dục hiện nay, có người cho là “thảm họa”. Tôi thiển nghĩ, giáo dục ở nước ta có một thời như thời chúng tôi học phổ thông rồi đại học đã thực sự là một nền giáo dục có hiệu quả, một nền giáo dục thực sự tiến bộ vì đã tạo nên một thế hệ biết làm người, làm công dân tốt, có nhiều cống hiến cho cộng đồng, xã hội...

“Đến với thơ hiện đại” cũng là con đường của một Nhà giáo Ưu tú, một nhà thơ, một nhà phê bình luôn đau đáu với văn chương nghệ thuật. Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Hà Quảng trong bài “Trăng làng” đăng trên Báo Nhân dân cách đây mấy chục năm. Ông viết dưới hào giao thông, viết trong khói lửa chiến tranh mà trong sáng vô cùng: "Chập tối trăng theo về tận ngõ / Áo đẫm mồ hôi trăng mặc đầy...".

Trong ý nghĩ của tôi, đó cũng là một cách “Đến với thơ đương đại” của nhà thơ, nhà phê bình Hà Quảng.

Nhà vườn Sóc Sơn, 8-2017

Dương Kỳ Anh

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

Sáng ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự phát biểu chỉ đạo. Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư hỗ trợ phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn trong chuyển đổi số ngân hàng"...

Thanh tra Bộ Giáo dục- Đào tạo vừa có kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (gọi tắt Công ty IDP) có trụ sở đặt tại số 161-161A, đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Tàu cá mang số hiệu QB 92198 TS của ngư dân Quảng Bình đang đánh bắt trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ thì bất ngờ bốc cháy dữ dội. Trên tàu có 7 ngư dân may mắn đã được cứu nạn an toàn.

Không chỉ sử dụng chữ ký “khô” (dấu chữ ký) của GS Trần Phương – Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường để điều hành các hoạt động, HUBT hiện cũng chưa hoàn thành việc chuyển đổi mô hình từ trường đại học dân lập sang mô hình đại học tư thục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng chưa thành lập được Hội đồng trường (HĐT) theo quy định. Điều đó dẫn tới việc HUBT nhiều năm nay rơi vào tình trạng khủng hoảng công tác quản trị, nội bộ mất đoàn kết; các vụ tố cáo, khiếu nại kéo dài.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文