Hình ảnh người phụ nữ trong tập thơ "Tóc dài ơi" của Lê Hồng Thiện
Khác hẳn với các tập thơ trước, tập thơ này ông hoàn toàn viết về người lớn, chủ đề đa dạng, phong phú: ca ngợi quê hương đất nước, với số lượng 85 bài thì nhà thơ đã dành tới 50 bài ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung và vẻ đẹp của người phụ nữ Hưng Yên nói riêng.
Những người con gái sinh ra và lớn lên ở đất nhãn lồng, ngoài vẻ đẹp của trời cho như mắt đen hạt nhãn, nhưng khi đi lễ hội vào mùa hoa nhãn, áo của các bà, các mẹ, các cô gái còn được ướp hương hoa nhãn:
Cánh ong vàng, hoa nhãn vàng
Áo em đi hội dịu dàng thơm hương
Hoặc: "Em đi lễ hội đeo cườm bằng hoa". Đấy là vẻ đẹp "nội địa" được hoa nhãn trang điểm. Còn người ngoại tỉnh về quê nhãn vào mùa hoa nhãn cũng thơm lây, đẹp lây:
Kìa em nón thúng quai xanh
Có người quan họ long lanh mắt nhìn
Má em lúng liếng đồng tiền
Chia tay Phố Hiến bỏ quên nụ cười
Hoa nhãn rơi, nụ cười rơi
Em xinh nghiêng cả khoảng trời Hưng Yên!
Tình yêu nam nữ nảy sinh trên đất Phố Hiến cũng đam mê, mê mẩn:
Tập thơ của nhà thơ Lê Hồng Thiện. |
Mùa xuân đi với người yêu
Đôi chân quên mỏi, nắng chiều quên phai
Chúng mình lạc giữa đền đài
Mẹ cha lạc giữa giêng hai hội làng
Nhà thơ Lê Hồng Thiện không chỉ viết hay về các cô gái xứ Nhãn, ông còn vượt sang cả tỉnh bạn, để yêu, để viết về phụ nữ miền quan họ, nơi có liền anh, liền chị:
Sông Cầu, sông Thương em ơi!
Nhắc tên sông nhớ tóc dài như sông
Từ ngày em đi lấy chồng
Con đò trống vắng khoảng không một người
Tôi đi, tôi đến mình tôi
Bài thơ gửi lại: Em ơi! - Sông Cầu!
Hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch, Ngày Thơ Việt Nam, đi hội thơ, ngoài chức năng để giao lưu với đồng nghiệp, nhà thơ Lê Hồng Thiện cũng quan sát người đẹp để nắm bắt vẻ đẹp của các nữ sĩ và "bắt" được ý thơ:
Chiếu thơ trải sáng sang chiều
Nhịp cầu thơ bắc tình yêu vô bờ
Em về bắt mất câu thơ
Bắt hồn anh để vật vờ chiếu thơ
Trở lại vẻ đẹp của phụ nữ, không chỉ nhất da nhì dáng mà còn đẹp ở người có mái tóc dài. Các cụ ta xưa có câu "Cái răng, cái tóc là góc con người" là vậy. Trong các cuộc thi Hoa hậu, Ban tổ chức chẳng còn chọn người có mái tóc dài đẹp nhất để trao giải đó sao? Thảo nào, nhà thơ Lê Hồng Thiện đã lấy tên cho tập thơ này là "Tóc dài ơi", và anh đã dành gần 20 bài nói về tóc, hoặc liên quan đến tóc, tóc dài, tóc đẹp:
Tóc dài buông xuống gót chân
Tôi buông lục bát không vần tặng em
hoặc:
Em xinh xắn, em tinh khôi
Tuổi mười tám tóc chảy dài trên lưng
Nhà thơ còn cám ơn cha mẹ các cô gái đã sinh ra các cô có mái tóc dài:
Xin cảm ơn mẹ, ơn cha
Cho em mái tóc mượt mà dễ thương
Để tôi đi vấn về vương
Tương tư cô gái cùng trường xóm đê
Sức sống của thơ là hình tượng, là sự liên tưởng, nhìn cây để nhớ hoa, nhìn hôm nay để thấy tương lai của ngày mai. Đọc tập thơ "Tóc dài ơi", thấy nhà thơ Lê Hồng Thiện đã sử dụng phương pháp liên tưởng khá thành công trong một số bài thơ - Ngay cả viết về tóc khi đã ở tuổi thất thập:
Bây giờ tôi vẫn mộng mơ
Gặp ai dài tóc thẫn thờ nhớ ai
Đại từ "ai" ở đây dùng rất chuẩn mực: ai (gặp ai) chỉ người hôm nay cô gái tóc dài hôm nay, còn "nhớ ai" ở cuối câu là chỉ người ngày xưa, hôm xưa.
Ở trên, nhà thơ đã dành khá nhiều bài thơ, câu thơ ngợi ca mái tóc của phụ nữ. Bây giờ cùng xem anh viết về đôi mắt, về áo dài của phụ nữ đẹp không kém tóc dài, về nụ cười:
Nụ cười chen lẫn nụ cười
Mắt chen ánh mắt liếc hoài nhìn nhau
Người chen người đã đành, mắt cũng phải "chen" để nhìn nhau, tìm nhau, người đông ánh mắt nhìn nhau nên mới "chen", câu thơ này hay lên, đẹp lên bởi từ "chen".
Nhà thơ Lê Hồng Thiện và những người bạn văn về thăm mảnh đất Phố Hiến quê ông. |
Lại nữa:
Nào em mắt sắc dao cau
Nào em lúng liếng ăn trầu đỏ môi
Nào em duyên dáng áo dài
Chiếc khăn mỏ quạ như thời mẹ anh
Với cách nhìn, cách viết của nhà thơ đầy thiện cảm với phái đẹp nên làm gì, mặc gì cũng đẹp cả "cấu trúc" hình thể: mắt thì sắc dao cau, vận áo dài thì duyên dáng, đầu đội khăn mỏ quạ thì đẹp như thời mẹ xưa. Với chiếc áo dài của các nữ sinh tựu trường vào mùa thu, đẹp đến nỗi con bướm vàng ở ngoài cửa sổ cũng chờ đợi:
Thu vào mùa đẹp quá
Mắt em soi mùa thu long lanh
Tháng chín mùa thu
Áo dài phơ phất tuổi học trò
Đàn bướm trắng ngẩn ngơ ngoài cửa sổ
Đợi tan trường theo áo trắng đùa nô…
Với ngòi bút đa cảm, đa tình, nhà thơ viết về phụ nữ ở tuổi nào cũng đẹp. Phương ngôn có câu: "Không có phụ nữ xấu. Chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp". Ngay cả khi hong tóc, mà hong dưới trăng thì tóc càng đẹp hơn hong ban ngày, hay trong nhà:
Trăng lên ngời ngợi trăng lên
Em ra hong tóc bên thềm đẹp không…
Tóc em gió thổi khô rồi
Thoắt bao nhiêu ánh sao trời bay đi
Đã ngợi ca các chị, các cô mà không ca ngợi các mẹ là một thiếu sót, thậm chí thiếu sót rất lớn và nghiêm trọng! Mẹ là tất cả, mẹ là nước trong nguồn. Biết bao tao nhân mặc khách anh hùng thi nhân đều từ mẹ mà ra. Thông qua hình ảnh bà mẹ đi lễ chùa, Lê Hồng Thiện viết:
Mẹ tôi tuổi đã tám mươi
Tóc như mây trắng da mồi nhăn nheo
Một cơi oản quả mang theo
Sáng xuân náo nức chuông reo bên chùa…
Mẹ đi cầu phúc, cầu lành
Cầu tài, cầu đức để dành cháu con
Bình yên cho nước, cho non…
Đúng là bà mẹ Việt Nam anh hùng - lo cho con cháu, còn lo việc nước.
Hình ảnh bà mẹ đi lễ chùa vừa rất chân chất vừa như một biểu tượng đẹp đẽ, lạc quan:
Trầm hương nghi ngút khói bay
Lưng còng võng xuống, hai tay khấn hoài
Lung linh nến tỏa phật đài
Nơi đây có một khoảng trời thâm nghiêm
Run run bước khỏi cửa thiền
Nhai trầu bỏm bẻm mẹ quên tuổi già.
Nội dung của tập thơ "Tóc dài ơi!" còn đề cập đến tình yêu thủy chung của phụ nữ xưa nay: xa xưa là trong bài thơ "Chuyện tình Chử Đồng Tử": "Đơn sơ vật chất mà giàu ái ân" để: "Tận cùng yêu đến mê say/ Dưới đất chưa thỏa thì bay lên trời".
Rồi những là:
Nhà tranh, bão tố phiêu diêu
Cột tình, kèo nghĩa không xiêu vẹo long
Cha mẹ chúng ta lạc quan, thủy chung, để đạt thành quả trong lao động:
Mẹ ơi lúa vẫn xanh đồng
Cha ơi! Lúa vẫn trổ bông hạt vàng
(Ngày xưa của mẹ)
Chúng ta thấy trước đây ở những tập thơ viết cho thiếu nhi của Lê Hồng Thiện là sự ngộ nghĩnh, hồn nhiên, trong trẻo, giàu tính phát hiện, giáo dục trẻ thơ qua hình tượng. Nay ở tập thơ "Tóc dài ơi" viết cho người lớn, thấy ông lãng mạn, giàu tính nhân văn, giàu xúc cảm yêu đương, đam mê vẻ đẹp của phụ nữ trên nhiều chiều thủy chung, trung hậu, đảm đang, lao động cần cù, chất phác. Tôi càng yêu mến nhà thơ Lê Hồng Thiện ở tuổi thất thập mà ông vẫn viết đều đặn, vẫn tỏ ra rất sung sức...