Kẻ hiệp bên sông Đáy

10:37 10/09/2020
Hương Ngải quê tôi và xã Tam Hiệp (Phúc Thọ-Hà Nội) chỉ cách nhau một cánh đồng. Thuở học trò lần nào về quê tôi cũng đi tắt qua làng Tam Hiệp cho nhanh. Có lần trời đã tối, tôi rẽ vào con đường nhỏ ra cánh đồng nhưng ai dè lạc vào khu miếu cô hồn hoang vu. Tiếng gió từ sông Đáy ào về rít lên từng cơn như tiếng người hú. Đàn đom đóm bay tung tỏa. Những bông lau trắng rờn rợn ngả nghiêng. Tôi quàng chân chạy như ma đuổi phía sau...


Những phiên chợ quê

Khi lớn lên tôi mới biết miếu cô hồn của xã Tam Hiệp chính là nơi các nghĩa binh quân Hai Bà Trưng bị giặc Hán sát hại. Tam Hiệp là quê của danh tướng Đỗ Năng Tế đã cùng Hai Bà Trưng đánh Đông dẹp Bắc đem lại độc lập cho dân tộc (từ năm 40 đến 43). Sau đó nhà Hán lại tấn công xâm lược nước ta. Hai Bà Trưng thất trận đã tự vẫn trên sông Hát Giang (đoạn đầu sông Đáy). Tướng công Đỗ Năng Tế đã tập hợp nghĩa binh tiếp tục chiến đấu chống giặc. Nhưng nghiệp không thành và ngài cũng hy sinh ngay ở quê nhà. Đền thờ Tướng công đã được các triều đại phong kiến trước đây cấp nhiều sắc phong; nay cũng được nhà nước xếp hạng "Di tích lịch sử văn hóa" cấp quốc gia.

Cầu Phùng.

Đặc biệt ký ức tuổi thơ tôi còn gắn với những phiên chợ Hiệp bên sông cùng đồng mía và bãi ngô. Tam Hiệp nằm bên Hữu ngạn sông Đáy nhưng lại ở ngay cầu Phùng và đập tràn nên thuyền bè ra vào tấp nập. Mấy thôn của xã chạy dọc bên đê sông. Không ít lần con nước lớn dâng lên mênh mông cắt ngang mặt đập tràn vào làng như một rốn nước. Nhất là khi cầu Phùng bị bom Mỹ đánh sập, tất cả đều phải đi đường tạm dưới mạn đập nước. Tôi thường đi đò để về Hiệp cho kịp phiên chợ. 

Người dân Tam Hiệp khéo tay và ham công tiếc việc. Họ là những người đi tiên phong làm những mặt hàng thị trường cho dù thời kỳ bao cấp còn bị cấm đoán (1970-1985). Dòng sông Đáy đã bao phen giúp những người dân bí mật chuyển những túi vải vụn và sợi mua được trong nội thành. Họ khâu yếm dãi cho trẻ em hoặc làm dải rút quần mang đi bán. Có lần tôi đã giúp một người làng gửi bó "xu chiêng" vào chiếc cặp học sinh qua đò nhằm tránh con mắt soi mói của cán bộ thuế chặn tịch thu. 

Cà dầm tương nhà bà Trịnh (cụm 6 xã Tam Hiệp).

Sau này chợ Hiệp biến thành nơi chuyên bán quần áo tự may khi đất nước cởi mở vào đầu năm 1990. Không còn thời kỳ dấm dúi ôm chiếc máy khâu nấp ở bờ sông Đáy chờ đến tối mới dám vác về làng. Những người thợ may Tam Hiệp bắt đầu sản xuất quần áo trẻ em. Nhà nào cũng có máy khâu chứ không còn khâu tay đến chảy máu như ngày xưa. Thiên hạ kéo về thầu sạch những kiện quần áo trẻ em. Mẫu mã nào cũng cân hết. Hàng đã đẹp lại rẻ nên cứ đến phiên chợ khách thập phương nô nức kéo về mua sắm. Có thể nói Tam Hiệp là chợ quần áo đầu mối đầu tiên ở xứ Đoài mây trắng, trên bến dưới thuyền suốt mấy mươi năm cho đến khi cầu Phùng được xây dựng lại.

Tôi càng không thể ngờ đường làng Tam Hiệp thành phố may lúc nào không hay. Dọc đường chính của mấy thôn san sát những cửa hàng với biển hiệu đầy màu sắc. Theo thống kê ở xã thì có tới 5.000 người làm nghề may. Trước là quần áo trẻ em giờ thêm các mẫu trang phục cho mọi lứa tuổi cùng với nghề làm thú nhồi bông ra đời. Hàng xuất không kịp theo yêu cầu. 

Ngay trên chợ Đồng Xuân cũng có tới một tầng do người Tam Hiệp thuê để phân phối quần áo đi khắp các chợ tỉnh vùng miền. Xa nhất là chợ Quy Đạt (Quảng Bình) cũng có quầy chuyên bán quần áo Tam Hiệp. Ấy là chưa nói Tam Hiệp còn có không ít hộ chuyên may xuất khẩu sang Lào và Campuchia.

Nghệ nhân làm đặc sản cà dầm tương Nguyễn Việt Tiệp.

Hàng chục công ty và xí nghiệp may đã biến làng nghề trở thành phố xá sầm uất. Thời gian ngỡ như già nua theo năm tháng, nhưng phố may làng Hiệp lại ngày một trẻ trung xuân sắc bên sông. Tôi như người của làng và già nua cùng bạn bè nơi đây. Lần nào đứng bên bờ sông Đáy tôi đều nhớ tới những câu thơ nặng trĩu nỗi lòng của thi sĩ Nguyễn Quang Thiều. Anh viết: "Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi… chiều nay tôi trở lại/ Mẹ tôi đã già như cát bên bờ/ Ôi mùi tóc khô mùi tóc của mẹ tôi/ Tôi quỳ xuống vốc cát ấp lên mặt/ Tôi khóc/ Cát từ mặt tôi chảy xuống ròng ròng" (Sông Đáy).

Người viết sử làng

Sau này tôi còn có dịp thân quen với thày giáo Thành, một chủ nhiệm CLB thơ "Hương quê" ở gần phố may. Ông là một nhà giáo ưu tú của Tam Hiệp. Thày giáo Trần Huy Thành (sinh năm 1943) được coi là nhà viết sử làng và của huyện Phúc Thọ với ba cuốn sách đã được in. 

Nhưng điều thú vị nhất là thày giáo Thành là người cùng bạn yêu thơ đã thành lập câu lạc bộ thơ sớm nhất trong vùng xứ Đoài (1992). Đã ngót ba mươi năm hồn thơ của một "già làng" luôn luôn lộng gió bên con sông quê. Gần đây tôi đã giúp ông sắp xếp lại sách báo và tài liệu trong căn nhà cổ vì bị mối xông. Những giá sách được coi là kho báu sau hơn nửa thế kỷ bôn ba đó đây. Ông đi dạy nhiều nơi trong tỉnh (Hà Tây cũ), cuối cùng làm Hiệu trưởng trường làng ở xã Ngọc Tảo cũng bên sông Đáy.

Nhà giáo ưu tú Trần Huy Thành.

Thày giáo Thành khoe có bộ sưu tập những bức thư của học trò gửi trong hàng chục năm qua. Tập thư được đóng quyển cẩn thận và được coi là di sản tinh thần quý giá trong đời của thày. Đó là tình cảm của hàng trăm học trò thân yêu đã bôn ba khắp mọi miền tổ quốc. Nói rồi ông lim dim nhớ lại những vần thơ mà một cô học trò đã gửi về: "Mai mỗi người một ngả/ Em lại về trường xưa/ Vẫn còn nghe văng vẳng/ Tiếng thành Thành giảng thơ" (Nguyễn Thị Quỳnh). Đó còn là những bức thư của những học trò chuyên văn (lớp 9) do thày đã dạy dỗ trong nhiều năm với 30 giải quốc gia. 

Có nữ sinh Phan Thị Bê (ở Phú Xuyên) vào Bến Tre công tác khi trở về quê thăm thày đã nghẹn ngào khi đọc lại bức thư gửi thày cách đây 40 năm. Nhà giáo ưu tú Trần Huy Thành luôn coi tập thư của học trò là điểm tựa an ủi về tinh thần cho tuổi già. Bởi ở mỗi bức thư là một gương mặt thân quen và gợi lại bao kỷ niệm đã qua. Thật đúng với hình ảnh người chở đò bên sông: "Đó là đôi mắt chờ mong/ Lái đò đưa khách sang sông mỗi ngày/ Người đi khuất khuất chân mây/ Nhớ chăng tới bến ngô gầy sông quê" (Bến xưa-Hoàng Duy)

Tôi chợt phát hiện ra thày giáo Thành còn có một tập thơ rất khác lạ. Đó là bản thảo ghép những câu thơ chọn lọc của những nhà thơ đã tặng sách cho thày. Để cảm thụ cho đến tận cùng hồn thơ của mỗi người thày chọn những câu thơ hay để ghép lại. Vừa giữ nguyên câu thơ của mỗi tác giả và ghép sao cho có ý nghĩa và vần điệu tự nhiên quả là kỳ công. Tôi có cảm giác đó là những bông hoa mới nở trong vườn hoa nhiều màu sắc. Thày cho đó là một cách đọc và học thơ để tìm ra được điều gì đó cho riêng mình. Một trò chơi "nghệ thuật sắp đặt" để những câu thơ hay được bay lên bởi những cánh thơ diệu kỳ.

Dân dã món cà dầm tương

Có lần thầy giáo Thành mời tôi ăn cơm và nói sẽ khao tôi một món đặc sản của Tam Hiệp. Mâm cơm bày ra đúng với nghĩa rau dưa và cút rượu ngô. Tôi bất ngờ phát hiện ra món cà bát muối dầm tương mà hồi còn bé đã được ăn ở chợ. Ký ức dội về với vị thơm dịu của tương đậu đồng quê. Đúng như thày giáo nói, tất cả đều là sản phẩm của phù sa sông Đáy. Cà trồng bên bãi sông của làng Hát Môn. Đậu làm tương của bãi sông Tam Hiệp. Còn nữa gạo nếp và ngô làm mốc tương cũng đều gặt ở đồng làng.

Sau đó, thày giáo Thành dẫn tôi sang một nhà sản xuất cà dầm tương chuyên nghiệp trong xã. Đó là gia đình nhà vợ chồng nghệ nhân Tiệp-Trịnh ở cụm 6. Đây là một trong mươi nhà còn lại trong làng làm món ẩm thực dân dã này. Nó đã trở thành đặc sản của làng. Cà bát dầm tương được ủ trong nửa năm mới nức hương và đậm đà vị thơm. Chả thế người làng đi đâu cũng luôn nhớ tới món ăn đồng quê: "Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai giãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường năm nao".

Vương Tâm

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Với nghĩa cử cao đẹp “giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, Thượng úy Biện Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文