Một tập truyện xoay quanh đề tài cổ vật

08:42 08/04/2011

Nếu tôi không nhầm thì truyện ngắn đầu tiên của Phạm Xuân Hiếu đăng báo Trung ương là "Viên phi công và nhà khảo cổ" tôi đọc ở Văn nghệ Công an cách đây dăm năm. Sau đó, anh liên tục xuất hiện trên các báo Văn nghệ Trẻ, Người đại biểu nhân dân…

"Người đàn bà và chiếc chén bạc" là cuốn sách đầu tay của anh. Sách in ấn sang trọng, từ bìa tới ruột. Đây là lần đầu tiên tôi được đọc một tập truyện ngắn mà đề tài hầu như chỉ xoay quanh chuyện… cổ vật. Có truyện như giãi bày tâm trạng người say mê cổ vật, bỏ ra bao ngày đi tìm thứ đồ cổ nào đấy, nhưng không thấy, thì bỗng lại nghe tin chỗ ấy chỗ nọ có đồ cổ đang rao bán. Có người do tình cờ mang bán cây lại bán cả cái chậu quý, mãi lúc người mua cây mang về, bán chỉ riêng cái chậu đã hàng nghìn đôla mới ngã ngửa ("Chiếc thống cổ").

Lại có người khi chia tay không có gì tặng bạn, lúc bạn xuống thuyền vội dúi vào tay bạn hai thứ "nhẹ tênh". Nhưng cả người cho và người được cho đều không biết đấy là vật quý; mãi khi kê khai các thứ mang theo mới bất ngờ khi nghe người thẩm vấn hỏi: "Nhà anh nhiều đồ cổ, sao lại vượt biên?". Thì ra bạn anh vô tình cho đôi bát và đôi đũa có từ thời nhà Tống; còn anh cũng là bước đường cùng, nghe ông kia gạ mua là bán ngay hai thứ ấy để mong được "đổi đời" (truyện "Bóng câu").

Một viên phi công Mỹ bị pháo phòng không ta bắn rơi máy bay, trốn vào hang núi. Ở hang tám ngày, nhịn đói, nhịn khát vẫn không chịu ra hàng; nhưng lúc tình cờ phát hiện ra cạnh chỗ nằm có cái giếng nhỏ nước trong veo và trên miệng giếng lại nhìn thấy có chiếc bát, chiếc đĩa, thì với con mắt một người từng tốt nghiệp khoa khảo cổ học, viên phi công nhận ngay ra đó là loại bát đĩa quý chỉ dành riêng cho vua chúa, có niên đại trên dưới nghìn năm. Thế là anh ta quên mình là một phi công đang lẩn trốn, trở lại là người đam mê sưu tầm, nghiên cứu cổ vật, cầm luôn chiếc bát, đĩa và quyết định ra khỏi hang, đầu hàng Cộng sản. Rồi khi quan hệ hai nước Việt - Mỹ trở lại bình thường thì viên phi công Mỹ ngày nào, với lòng kính phục, mến yêu nền văn hóa, lịch sử dân tộc Việt, lại nhiệt tình sang Việt Nam giúp khảo sát cổ vật ở ngay chính vùng đất anh ta trốn ngày nào (truyện "Viên phi công và nhà khảo cổ"). Thế đấy, thông qua cổ vật, hay rộng ra là văn hóa, có thể làm cho con người hiểu nhau, cảm thông nhau, xích lại gần nhau hơn.

Hầu hết các truyện ngắn của Phạm Xuân Hiếu trong tập này đều là truyện kể về những người mê cổ vật, yêu cổ vật đến mất ăn mất ngủ, sẵn sàng đánh đổi không chỉ tiền bạc mà cả sự hiểm nguy để có bằng được thứ đồ cổ mà mình yêu thích. Nhưng đằng sau câu chuyện săn tìm cổ vật là số phận của cả người đi tìm mua đồ cổ và người đang giữ đồ cổ, với những hoàn cảnh, những tâm trạng nhiều khi khá phức tạp, éo le. Có lẽ bản thân cổ vật và những cuộc kiếm tìm đồ cổ đã khiến hầu hết các truyện ngắn trong tập ít nhiều mang tính ly kỳ, dẫu không đến mức "giật gân" nhưng đôi khi cũng hồi hộp đến nghẹt thở, như truyện ngắn "Chiếc bát Thập Ngũ Kê"…

Yêu cổ vật, mê cổ vật về cơ bản chính là yêu văn hóa, và vì yêu văn hóa đến say mê nên mới trằn trọc nghĩ suy tìm cách giữ gìn, bảo tồn cổ vật, chứ còn chỉ nấp dưới danh nghĩa đồ cổ để kiếm tiền thì sớm muộn cũng bị vạ vào thân. Những truyện ngắn trong "Người đàn bà và chiếc chén bạc" vì thế như một hồi chuông cảnh báo về ý thức bảo tồn, lưu giữ cổ vật của con người. Cách viết của Phạm Xuân Hiếu thiên về lối tự sự ở ngôi thứ nhất, chân thật và am tường, mà nếu không phải người say mê đồ cổ, không có kiến thức về cổ vật cũng khó có thể viết nên được. Tuy thế, nếu tác giả gia tăng chút nữa chất hư ảo và tạo dựng tính cách nhân vật phong phú hơn, truyện viết đa thanh và nhịp độ nhanh hơn thì hẳn còn có sức cuốn hút người đọc hơn nữa

Cao Năm

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文