Mỹ học tiếng cười Tú Xương!

16:00 26/11/2020
Cây đại thụ trào phúng Tú Xương nở hoa kết trái trào phúng tươi rói là nhờ có gốc rễ tình yêu rất khỏe bám sâu chắc vào hiện thực cuộc đời để hút chất dinh dưỡng văn hóa yêu thương, thông cảm, bênh vực, đòi một sự thay đổi xã hội để con người được sống "cho ra cái giống người"!


Để tạo ra tiếng cười luôn cần ba yếu tố cơ bản, một là bản chất đáng cười của đối tượng, hai là sự tinh nhạy nắm bắt những nét bản chất xã hội của chủ thể cười, ba là nghệ thuật trào phúng lôi cuốn bắt người ta phải cười. Mới chỉ có hai yếu tố đầu thì mới là văn phê phán, phải có yếu tố thứ ba và phối hợp thống nhất hoàn chỉnh trong một thế giới nghệ thuật mới có tiếng cười trào phúng. 

Thời đại và con người Tú Xương đã đáp ứng những điều kiện ấy một cách đầy đủ, hoàn chỉnh, thống nhất để nâng tầm nhà thơ trở thành nhà trào phúng vĩ đại của dân tộc. Một nhà văn lớn có khi không là nhà trào phúng nhưng đã là nhà trào phúng lớn thì luôn là nhà văn kiệt xuất. 

Nhìn ngay vào văn học Việt Nam cũng thấy quy luật này với Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Chí Minh, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… 

Nhà thơ Tú Xương - Tranh chân dung. 

Tiếng cười luôn là một mã văn hóa của thời đại, của dân tộc nên giải mã tiếng cười sẽ tìm được bản chất, xu thế thời đại và tâm hồn, tính cách dân tộc. Các nhà trào phúng lớn thực sự là những nhà văn hóa lớn.

Trường hợp thời đại và con người Tú Xương là rất tiêu biểu cho cơ sở, điều kiện để có tiếng cười trào phúng. Những cái đảo điên, lố lăng, hợm hĩnh, xấu xí ở thời ấy là rất đáng cười. Đó là điều kiện trước nhất. 

Với chủ thể cười, ngoài sự nhạy cảm nắm bắt bản chất trạng thái xã hội còn là tấm lòng nóng bỏng yêu thương con người và cuộc đời, càng yêu thương bao nhiêu càng căm ghét những gì đi ngược lại, phản lại con người bấy nhiêu. 

Cây đại thụ trào phúng Tú Xương nở hoa kết trái trào phúng tươi rói là nhờ có gốc rễ tình yêu rất khỏe bám sâu chắc vào hiện thực cuộc đời để hút chất dinh dưỡng văn hóa yêu thương, thông cảm, bênh vực, đòi một sự thay đổi xã hội để con người được sống "cho ra cái giống người"!

Nhìn vào nội dung cụ thể trong thơ Tú Xương cũng thấy chỉ có ông, chưa nói tới năng khiếu, là người có đủ thẩm quyền cao nhất về vốn sống để vạch trần bản chất thối nát của xã hội thời đó, để tạo ra một mô hình "lộn ngược" của thế giới đáng cười đó. 

Với các lý do sau: 

Một, có đủ sự hiểu biết của nhà Nho về đời sống văn hóa Việt. Không thể không nhắc tới sự ảnh hưởng của mỹ học Nho gia ưa châm biếm. 

Hai, là "thổ công" của thành Nam Định, chứng kiến trực tiếp hoặc gián tiếp những thay đổi "trời kia xui khiến sông nên bãi" ("Vị Hoàng hoài cổ"). 

Ba, trực tiếp là "thí sinh" với tám lần đi thi (Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy - "Buồn thi hỏng"), gần trường thi (Được gần trường ốc vùng Nam Định - "Buồn thi hỏng") với bao cảm xúc (Đau quá đòn hằn/ Rát hơn lửa bỏng - "Hỏng khoa Canh Tý "- 1900; Thi không ăn ớt thế mà cay - "Hễ mai tớ hỏng") nên nắm rõ, biết tường tận những chuyện đảo điên nơi trường thi (Thi thế mới là thi/ Ới khỉ ơi là khỉ! - "Than sự thi")...

Ba lý do này cũng là những mạch nguồn để có ba nội dung cơ bản trong thơ ông, xét về đại thể có ba bức tranh ngược đời tiêu biểu chính: Bức tranh "phố nửa làng"; Bức tranh "Trường thi"; Bức tranh "Gia đình". 

Cấu trúc chung của ba bức tranh này là ba nhóm mâu thuẫn không dung hòa như nước với lửa, mỗi nhóm mâu thuẫn như một "siêu truyện" đẻ ra bao nhiêu câu chuyện có cốt truyện, có nhân vật, tình tiết, chi tiết, ngôn ngữ của tiếng cười. 

Thế nên mỗi bài thơ gần như là một câu chuyện trào phúng để cùng làm giàu có thêm phong cách tiếng cười đa dạng về sắc thái, cung bậc, khi thì đả kích, mỉa mai, khi thì chế giễu, bỡn cợt, khi lại hài hước, suồng sã. 

Có tiếng cười bốp chát hả hê như chửi vào mặt đối tượng, khi lại bóng gió, ám chỉ thâm thúy. Có tiếng cười ra nước mắt đau đớn, chua chát, ngậm ngùi. Lại có cả tiếng cười bông lơn đùa cợt vui vẻ… Trào phúng Tú Xương như một từ điển về hình thức tiếng cười Việt Nam.

Hiện nay, trong giáo trình giảng dạy của các trường báo chí hiện đại ở một số nước tiên tiến (theo hiểu biết cá nhân người viết) đều coi "hỏi" là phương pháp điều tra cơ bản, vì thông dụng, tiện lợi, nhanh gọn và hiệu quả. Tất nhiên trong thơ Tú Xương có rất nhiều câu hỏi, có cả những câu hỏi tu từ nhưng phần nhiều là những câu hỏi mang tính "điều tra". 

Kỳ thi Hương ở Nam Định - Ảnh tư liệu.

Hỏi để làm rõ thông tin góp phần vạch ra sự thật của thông tin: "Học trò chúng nó tội gì thế?" ("Chế ông Đốc học"); "Chẳng hay gian dối vì đâu vậy?" ("Chế ông Huyện"); "Hàn lâm tu soạn kém gì ai?" ("Đùa ông Hàn"); "Hỏi lão đâu ta? Lão ở Liêm/ Xuân thu ướm hỏi đà bao tá?" ("Già chơi trống bỏi"); "Thọ kia mày có biết hay chăng?" ("Để vợ chơi nhăng"); "Cô Ký kia sao mà chết ngay?" ("Mồng Hai Tết viếng cô Ký"); 

"Ông Cử thứ năm con cái ai?/ Thứ năm ông Cử ai làm nổi?" ("Ông Cử thứ năm"); "Này này hương thí đỗ năm nào?" ("Thi phúc");  Lại có khi hỏi cả mình: "Trải mấy mươi năm vẫn thế ru?/ Rằng khôn? Rằng dại? Lại rằng ngu?" ("Hỏi mình"); Thậm chí hỏi trời: "Trời sinh ta ở trên đời biết chi?" ("Hỏi ông trời"); "Bắc thang lên hỏi ông cầm sổ?" ("Khóc anh rể và chị"). Hỏi trăng: "Nước đã mấy con, con nước lớn?/ Trăng bao nhiêu tuổi, tuổi trăng già?" ("Hỏi trăng, hỏi nước"). 

Hỏi thời gian, thời thế: "Xuân ơi, ta hỏi xuân xem nhé/ Quả đất còn bao độ chuyển vần?" ("Hỏi xuân"). Hỏi "trong ấy" (tức Kinh đô Huế): "Dám hỏi những ai nơi cố quận/ Rằng xuân, xuân mãi thế ru mà?" ("Xuân"). Hỏi "đất": "Có đất nào như đất ấy không?" ("Đất Vị Hoàng"). Có cả những lời "hỏi thăm": "Tôi hỏi thăm ông đến tận nhà" ("Ông Ấm Điền"); "Hỏi thăm quê quán nơi mô?/ Không học mà sao cũng gọi đồ?" ("Giễu ông đồ Bốn ở phố Hàng Sắt");…

Là nhà "điều tra" nên ông nhận thấy sớm hơn tất cả về một trạng thái "ngược đời", "lạ đời" của xã hội. Thương đời "Những là thương cả cho đời bạc" ("Hỏi mình") nhưng càng buồn thêm vì bất lực, vì không thể làm sao thay đổi được trạng thái phong hóa đồi bại đang ngày một thê thảm. Vì thế mà thơ ông ngập tràn nỗi buồn, ngoài nỗi "buồn thi hỏng" (tên một bài thơ): "Bụng buồn còn muốn nói năng chi/ Đệ nhất buồn là cái hỏng thi", còn là buồn nhân thế và thời thế: "Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn" ("Hát tuồng"); "Sao đang vui vẻ ra buồn bã" ("Nhớ bạn phương trời"). 

Và rất nhiều tâm trạng "chán" và "ngán": "Ngán nỗi hàng phường khi cúng tế" ("Phường nhơ"), "chán": "Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng" ("Mùa nực mặc áo bông"), "ngao ngán, ngẩn ngơ": "Khiến người ngao ngán, ngẩn ngơ sao" ("Cái nợ"); "Vì ai lận đận cho mình ngẩn ngơ" ("Áo bông che bạn"). 

Cũng rất nhiều trạng thái "tiếc": "Nào ai có tiếc ai đâu?" ("Áo bông che bạn"), "Tỉnh ra lại tiếc người trong mộng" ("Chiêm bao")… Có một chủ đề "hoài cổ" trong thơ ông mà bài "Sông lấp" là rất tiêu biểu: "Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò"…

Bi kịch thời đại và bi kịch cá nhân dồn tụ, nén chặt vào tâm hồn con người thi nhân Tú Xương nên thơ ông đầy sự bức bối "Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông". Đầy bóng đêm "Đêm sao đêm mãi thế ru mà?" ("Đêm dài"), "Kìa cái đêm nay mới gọi đêm" ("Dạ hoài")… Có thể viết một tiểu luận nghiên cứu dài về hình tượng bóng đêm này. Đầy sự "bối rối": "Bối rối tình duyên cơn gió thoảng" ("Đêm hè"). Cũng đầy sự trăn trở vật vã "Nào ai là kẻ tìm ta đó/ Đốt đuốc mà soi kẻo lẫn nhà?" ("Đêm dài");… Bi kịch vẫn là bi kịch. Bóng đêm vẫn "dài". 

Nên cũng dễ hiểu có lúc đau mắt mà ông lại muốn mù hẳn: "Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ/ Giương mắt làm chi buổi bạc tình!?" ("Đau mắt")… Ta cũng hiểu vì sao ông rất hay "than đời" mà ngay tên bài thơ cũng thể hiện: "Câu đối than thân", "Câu đối than đời", "Than sự thi", "Than đạo học", "Than nghèo", "Gần Tết than việc nhà", "Than thân chưa đạt", "Than cùng"… Than là cảm thán, hướng về phía trữ tình, ngay tên bài thơ cũng cho thấy đó là cái lõi của những bi kịch mang tính cá nhân. 

Còn với bi kịch thời thế thì, đúng với sự nhạy cảm và năng khiếu trào phúng sở trường thì Tú Xương rất hay đùa, bỡn, chế, giễu, chửi… với tên các bài thơ: "Chế ông đốc học", "Đùa ông phủ", "Giễu ông đội", "Chế ông huyện", "Đùa ông hàn", "Bỡn ông ấm Điền", "Đùa bạn vào nhà pha", "Giễu ông đồ Bốn ở phố Hàng Sắt", "Chửi cậu ấm", "Chế gái đĩ", "Giễu người thi đỗ", "Bỡn ông phó bảng"… Đấy là chưa kể những bài "khen", bài "mừng" thực ra cũng là những lời giễu, chửi, như bài "Mừng ông lang", "Mừng ông cử lấy vợ kế", "Khen người Hàng Sắt". 

Ông lấy cả bi kịch mình ra để cười nên ta thấy mảng thơ viết về cá nhân nhà thơ là đa dạng nhất về giọng, ngoài giọng chung của bi kịch như ngậm ngùi, xót xa, đau đớn, cay đắng, còn là các cung bậc của hài kịch tiếng cười đùa bỡn, chế giễu, châm biếm, mỉa mai…

Nguyễn Thanh Tú

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

Sáng ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự phát biểu chỉ đạo. Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư hỗ trợ phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn trong chuyển đổi số ngân hàng"...

Thanh tra Bộ Giáo dục- Đào tạo vừa có kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (gọi tắt Công ty IDP) có trụ sở đặt tại số 161-161A, đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Tàu cá mang số hiệu QB 92198 TS của ngư dân Quảng Bình đang đánh bắt trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ thì bất ngờ bốc cháy dữ dội. Trên tàu có 7 ngư dân may mắn đã được cứu nạn an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文