Nàng Tô Thị không hóa đá!?

16:19 23/10/2020
Đến nay trong vốn từ vựng tiếng Việt vẫn có nhiều từ ghép với âm “đá”. Để chỉ một vấn đề mang tính điểm tựa hay nền móng người ta dùng “hòn đá tảng”, chỉ sự vững vàng, không chịu sự tác động của ngoại cảnh thì “vững như bàn thạch”, chỉ sự bền lâu mà tốt, khỏe mạnh thì “nồi đồng cối đá”...


Nhân vật lịch sử nào đáng kính sẽ được người đời “dựng tượng đá” hoặc xây mộ đá. Ngôi chùa/đền nào thiêng được làm bằng đá... Như vậy “đá” là vật thiêng. Điều này mang tính phổ quát, không chỉ trong văn hóa Việt mà hầu như có ở mọi nền văn hóa. 

Vấn đề có “gốc gác” ở quan niệm cổ xưa là đá luôn được lấy từ núi đá, mà núi đá thì gắn liền với sự vững chãi, vững bền muôn thuở. Hơn nữa núi đá chính là một “phiên bản” của “cây vũ trụ” nối đất và trời, rồi thành “cây” chống trời.. 

“Vật tổ” xa xưa nhất là “trụ trời” trong thần thoại “Thần trụ trời” được đắp bằng (đất) đá. Thế nên người phương Đông xưa để bà Nữ Oa vá trời bằng “đá”. Chỉ có như vậy truyện mới chuyển tải được cái ý nghĩa con người ta có quyết tâm thật lớn lao thì có thể làm được những việc không tưởng! 

Tượng nàng Tô Thị (Lạng Sơn).

Thế nên các đền chùa ít nhiều đều dùng đá làm vật liệu. Và thường xây dựng trên núi đá hoặc gần núi đá. Phong thủy phương Đông coi hướng nhà đẹp nhất là tựa vào núi đá và hướng ra biển cả (hoặc mênh mông như biển cả). Khái niệm còn rớt lại đến hôm nay là “đá phong thủy” tức người ta lấy đá làm “vật phong thủy” vì quan niệm “đá” có linh hồn. Theo nhiều người “chơi đá” thì mỗi hòn đá cũng có “tâm trạng”, “tính cách” như người vậy... Không biết có đúng không! Nhưng rõ ràng người ta tìm được những thanh đàn đá độc đáo, đặc sắc mà gõ lên âm thanh như có linh hồn vậy... 

Và sự thật, ở Ấn Độ, các bậc tu sỹ luôn tu tập và chỉ có thể “đắc đạo” trên núi đá. Các vị tiên trong truyền thuyết Trung Hoa cổ cũng luôn sống trên núi (đá), thậm chí chơi cờ trên núi (đá) và bàn cờ tất nhiên cũng bằng... đá. Ở văn hóa Việt, như đã phần nào nói ở trên, các vị chân tu, các văn nhân... cũng lấy núi (đá) làm môi trường sống, hoạt động. Thiền phái Trúc Lâm của Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng lấy núi (đá) thiêng Yên Tử làm nơi thiền tọa...

Tất nhiên nàng Tô Thị trong “Sự tích núi Vọng phu” phải “hóa thân” vào đá! Có người hóa đá thì có đá hóa người. Chàng Thạch Sanh chẳng phải sinh ra (Sanh) từ đá (Thạch) đó sao?! Thì ra từ cội nguồn xa xưa đá cũng quý, cũng thiêng liêng như con người!

Nhưng nàng Tô Thị hóa đá không hề đơn giản chỉ là “hóa đá” mà cái lõi của truyện là cả một “trầm tích” được kết đọng lại bao nhiêu là lớp mã nguyên thủy. Ngày nay người ta gọi là “cổ mẫu” (hoặc “mẫu gốc”)!

Truyện rằng: Một gia đình hạnh phúc nọ một hôm cha mẹ đi làm ăn xa dặn hai con (anh trai 7, 8 tuổi và em gái 4, 5 tuổi) ở nhà trông nom nhau. Thằng anh rất chiều em, thấy con chim bay trên trời nó liền lấy hòn đá ném với suy nghĩ bắt chim cho em chơi. Hòn đá oan nghiệt không trúng chim mà quay lại rơi trúng vào đầu đứa em. Máu me bê bết, đứa em ngất đi. Thằng anh sợ quá bỏ trốn biệt. Tỉnh dậy nghĩ vì mình mà anh trốn. Cha mẹ về sẽ mắng. Đứa em cũng bỏ đi...

Hai mươi năm sau ở vùng biên ải nọ có một cặp vợ chồng hạnh phúc cùng đứa con mới hơn tuổi. Một hôm ông trời mưa gió run rủi thế nào người chồng đau đớn bỗng nhận ra mình mắc tội loạn luân đã lấy đứa em ruột. Giải pháp duy nhất là bỏ đi. Người chồng/anh dặn vợ/em ở nhà nuôi con. Mình đi xa quyết chí làm giàu. Người vợ/em một mực can ngăn... Người chồng đi một ngày người vợ bồng con ra ngõ ngóng chồng một ngày. Người chồng đi một tháng, một năm... Nàng bồng con lên núi cao để ngóng chồng cho rõ hơn. Ông trời thương tình hóa mẹ con họ thành đá! Dân gian gọi hòn đá ấy là tượng nàng Tô Thị hay núi Vọng phu. “Vọng” là nhìn nhưng là nhìn xa xăm. Nên núi ấy còn gọi là núi Ngóng chồng, núi Trông chồng...

Có ý kiến trách người chồng có phần nhẫn tâm và vô trách nhiệm. Hiểu vậy là “hiện đại hóa” cổ tích. Nếu nói ra ư? Giải quyết được chuyện gì? Hơn nữa lại làm thêm một bi kịch đau đớn bội phần ở người em/vợ. Rồi cả hai cùng chua xót, bẽ bàng. Thôi, thà một mình anh ôm mối bi kịch ấy, còn hơn để em biết sự thật phũ phàng! Đây đâu phải chuyện chia sẻ. Đây là chuyện hy sinh. Giải pháp duy nhất là câm lặng. Ra đi trong đau khổ câm lặng! Mà như thế càng ngàn lần đau khổ. Nhưng một mình anh chịu!!!

Đàn đá Khánh Sơn.

Truyện sử dụng các mô típ quen thuộc của cổ tích: ra đi và lấy nhầm nhau. Rất nhiều truyện nhân vật “bỏ đi”, “ra đi”... Người vợ bỏ đi. Người chồng ra đi. Người em út buồn rầu, tủi thân mà bỏ đi... Ra đi để thay đổi, ra đi để kiếm tìm một thân phận mới tốt đẹp hơn... Nhưng đấy lại là cả một câu chuyện khác!  

Mô típ lấy nhầm nhau là dấu vết của tục quần hôn nhưng đã rất nhạt để nổi lên chủ đề tình nghĩa vợ chồng. Đúng là người Việt trọng tình, duy tình. Thế nên mới để cho ba vợ chồng nhà nọ bất tử hóa và nồng nàn mãi bên nhau trong hình tượng ngọn lửa bập bùng cháy giữa ba ông đầu rau vững chãi (Sự tích ông đầu rau). 

Ở truyện “Sự tích núi Vọng phu” này thì người vợ hóa đá. Tại sao không hóa thành cây, thành đất, thành cỏ, thành nước...? Mà lại thành đá. Như đã nói ở trên, đá là linh thiêng, đá là vĩnh cửu, đá là bất tử. Dân gian đã vĩnh cửu hóa, bất tử hóa, thiêng liêng hóa hình tượng người vợ chờ chồng. Đúng hơn là thiêng hóa, bất tử hóa, vĩnh cửu hóa tình nghĩa con người. Có gì quý hơn con người đâu. Cái quý nhất của con người là tình nghĩa. Đây là câu chuyện rất hay về tình người. Còn người Việt Nam sẽ còn những câu chuyện như vậy. 

Thế nên, theo các tác giả Nguyễn Dược - Trung Hải trong “Sổ tay địa danh Việt Nam” (NXB Giáo dục năm 1998), không chỉ một hòn Vọng phu ở Tam Thanh – Lạng Sơn mà nước ta hiện nay có tới 7 hòn Vọng Phu ở các tỉnh khác, là Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên.

Việt Nam là đất nước của tình nghĩa, tình người, sâu sắc lắm, sâu nặng lắm! Một “cổ mẫu” Vọng phu sẽ “đẻ” ra biết bao “Vọng phu” khác. Thời hiện đại, năm 1983 khi tiếng súng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đang phẫn nộ, mạnh mẽ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có hai câu thơ nhức nhối: “Biên giới giờ này đạn giặc xoáy vào đêm/ Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt” (Đêm trên sân ga). “Lối tắt”, những lối tắt! Thời ấy người viết bài này là một trong những người trực tiếp đi tìm những “lối tắt” ấy đã tận thấy bao bà mẹ, người chị bồng con, gồng gánh chạy giặc theo những “lối tắt” ấy. Còn những đàn ông? Họ phải chặn giặc ở tuyến đầu! Trong số bà mẹ, người chị ấy, có người trở thành “Hòn Vọng phu”?! Câu thơ đúng và hay nhức nhối!

Biết bao mong ngóng, trông đợi, chờ mong, hy vọng, khắc khoải dồn tụ vào chữ “vọng” ấy!

Cần phải đặt truyện này vào cả một nền “văn hóa đá” của các dân tộc trên đất nước Việt Nam này để thấu hiểu, thấu cảm và kính trọng cái sự truyền cảm tài năng mà cảm động của dân gian qua hình tượng núi Vọng phu hóa đá bất tử.

Đá là nơi ở, nơi che chắn, đá từng là nhà. Loài người ngày xưa ban đầu chẳng phải là ở trong hang đá đó sao? Đến nay người ta vẫn thấy có chuyện những bộ tộc ít người khước từ cuộc sống hiện đại mà bỏ vào hang đá sống! Người Raglai Tây Nguyên có truyện “Tiếng hát của người Đá” kể núi đá có linh hồn người là vì do người nhập vào đá. Thế là từ đó người thờ thần Núi, thực ra cũng là thờ người.

Đá là sự sống, là sự tái sinh. Thế nên hầu hết các dân tộc có tín ngường phồn thực đều thờ linga và yoni bằng đá. Chỉ cách nay ít năm vẫn còn phong tục đón dâu ở một số nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ là trước khi cô dâu về đến nhà chồng người ta lấy cái chày giã vào cối đá mấy tiếng thật to với hàm ý vợ chồng khỏe mạnh mà sinh nhiều con...

Đá là hòa hợp, yêu thương. Đó là những hòn đá hình người nằm cạnh nhau, chồng lên nhau... mãi mãi như đá. Thế là dân gian gọi một cách thi vị đầy ý nghĩa là hòn Trống Mái (Sầm Sơn, Hạ Long); Hòn Chồng Vợ (Khánh Hòa)… Khi có gió biển thổi những hòn đá ấy lại phát ra âm thanh, thứ âm thanh chồng vợ quấn quýt, hổn hển, rã rời trong hoan lạc yêu đương...

Đá là nghệ thuật. Ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) và Ninh Sơn (Ninh Thuận), người ta sưu tầm được hơn 90 thanh nhạc cụ bằng đá do người Raglai cất giữ, làm chủ, sử dụng đã từ rất lâu đời...

Như vậy nàng Tô Thị hóa đá chính là một cách thiêng hóa, bất tử hóa, vĩnh cửu hóa tình người!

Nguyễn Thanh Tú

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị liên quan; khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét đối với 9 bị can liên quan để điều tra, làm rõ.

Quảng cáo làm giấy tờ, bằng cấp giả nhanh với giá rẻ trên nhiều trang mạng xã hội; thông qua hệ thống chuyển phát bưu điện, hàng chục ngàn giấy tờ giả, bằng cấp giả do đường dây của Nguyễn Thành Thái và Trần Xuân Hiển sản xuất đã được chuyển đi nhiều tỉnh thành trong toàn quốc, kiếm lợi bất chính trên 100 tỷ đồng.

Mỗi một vụ hỏa hoạn xảy ra, không chỉ là hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy, mà qua đó cho thấy, sự cần thiết trong việc trang bị các kiến thức, kỹ năng thoát nạn tự cứu mình. Những người sống sót trong các vụ hỏa hoạn đã chia sẻ những kinh nghiệm để thoát khỏi “biển lửa”. Đây chính là kiến thức “bỏ túi” quan trọng, cẩm nang “Cháy - kỹ năng phòng và thoát nạn”.

Ngày 24/5, Công an huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cho biết, đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam tài xế Trần Quang Đạt (SN 1975, ngụ tại phường An Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Chiều 24/5, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác để thảo luận, đề ra lộ trình, giải pháp thực hiện đối với 3 nhóm vấn đề: Đề án 06; Nghị quyết 175 về Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; triển khai Luật Căn cước năm 2023.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文