Nghệ thuật trang trí nhang án gỗ thế kỷ XVII ở Chùa Thầy

11:04 01/04/2021
Nghệ thuật trang trí trên nhang án gỗ thế kỷ XVII ở Chùa Thầy đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Đó là sự tinh xảo, điêu luyện của nhiều kỹ thuật chạm khắc truyền thống, trong đó nổi bật là nghệ thuật chạm bong, chạm thủng, chạm lộng. Những đề tài trang trí trên nhang án gỗ thế kỷ XVII phong phú với những mô típ, hoa văn gắn với những hình tượng linh thiêng như: Rồng, phượng, mây đao mác, hoa, lá...


Nhang án với chức năng là bàn thờ nơi để bày biện một số đồ thờ bên trên như bát hương, chân đèn, đồ cúng lễ… được đặt trang trọng nơi Tam Bảo thờ Phật, khu vực thờ Thánh hoặc thờ Mẫu. Nghệ thuật trang trí nhang án là nghệ thuật chạm khắc các đường nét, màu sắc, hình khối, họa tiết, mô típ một cách hài hòa, để tạo nên giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật.

Mặt trước nhang  án gỗ Chùa Thầy.

Chùa Thầy tên chữ là “Thiên Phúc tự” thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Chùa quay về hướng Nam, phía trước nhìn ra hồ Long Chiểu. Nghệ thuật trang trí trong Chùa Thầy được thể hiện trên thành phần kiến trúc ở cả ba tòa nhà chính (chùa Thượng, chùa Trung, chùa Hạ), đặc biệt trong chùa còn lưu giữ một nhang án gỗ thế kỷ XVII ở tòa thượng điện. Đây là một trong những hiện vật có giá trị về nghệ thuật cao tiêu biểu cho nghệ thuật chặm khắc thế kỷ XVII còn tồn tại đến ngày nay. 

Trong chùa còn có một nhang án gỗ mang phong cách thế kỷ XVIII tại chùa Trung, cùng với kiểu dáng của nhang án thế kỷ XVII như dạng chân quì dạ cá, song về kích thước, mô típ, phong cách thể hiện đã có sự thay đổi khác biệt so với nhang án thuộc thế kỷ XVII. Đến thế kỷ XIX hình thức nhang án chuyển sang kiểu dáng chân cao, phần chân không còn được làm kiểu chân quì như thế kỷ trước, kích thước thu nhỏ lại, mô típ, phong cách chạm đã có sự thay đổi rõ rệt với việc hình chạm khắc không cầu kỳ, phức tạp như ở thế kỷ XVII.

Các mô típ trang trí nhang án Chùa Thầy

Mô típ trang trí hình rồng kết hợp mây đao mác:

Quan sát nhang án gian thượng điện ở Chùa Thầy, mô típ hình rồng đao mác là chủ đạo được dùng trang trí nhang án ở cả bốn mặt. Nghệ thuật trang trí tại Chùa Thầy tương đối giống các chùa khác cùng thời, hình rồng luôn là biểu tượng của sự uy quyền, được vận dụng một cách linh hoạt và hài hòa trong không gian chùa Việt.

Trang trí đường diềm nhang án gỗ Chùa Thầy.

Mô típ rồng kết hợp đao mác trang trí trên nhang án Chùa Thầy đã có sự thay đổi về hình dáng và bố cục nhưng luôn là vị trí chủ đạo trên tổng thể nhang án. Hình rồng được chạm ở phần trung tâm, phần thân, chân, yếm che và không có tai góc. Đối với trang trí được chia ô hộc như ở phần thân nhang án, mô típ hình rồng đã thay đổi về bố cục kiểu dáng. Ở phần thân nhang án, mô típ rồng được thể hiện với chiều nhìn chính diện, lộ rõ gương mặt, mắt mũi, miệng và các đao mác tỏa mạnh lên trên và sang hai bên một cách rõ rệt, dứt khoát. Ở đây các mô típ được thể hiện trong bố cục nhìn thoáng và khỏe khoắn hơn, thể hiện sự uy quyền mạnh mẽ.

Chùa Thầy mô típ hình rồng chầu mặt trời luôn là hình thức phổ biến trên nhang án thế kỷ XVII và còn phổ biến vào giai đoạn sau. Mô típ này ở phần trung tâm của yếm che, nếu ở phần thân chiều hướng không tập trung thì ở phần yếm, hình rồng chầu mặt trời trên nền vân xoắn là điểm nhìn tập trung trên tổng thể nhang án. Hai hình rồng đối xứng, phần này kết hợp rồng, mây cụm, mây đao mác, mặt trời, được trải dài theo chiều ngang, một cách rất thoáng và thoải mái. Mô típ rồng nhìn nghiêng chầu vào giữa, các đao mác được kéo vút ra phía sau, song song các lớp dài, ngắn thay đổi tạo sự chuyển động nhịp nhàng trong hệ thống đao mác. Với đặc trưng rồng thế kỷ XVII chạm đao mác nhọn đầu, đuôi thẳng, mây xoắn...

Mô típ trang trí hình chim Phượng:

Mô típ trang trí hình hoa sen, hoa cúc đường diềm cách điệu:

Hình phượng nhìn nghiêng nhang án Chùa Thầy.

Nhang án tòa Thượng điện Chùa Thầy, mô tip hình Phượng được bố cục trong khuôn hình chữ nhật, đăng đối nhau tạo nên một thể hòa hợp. Nếu như ở thời Mạc hình chim Phượng được thống nhất trang trí kết hợp với mây xoắn, hoa lá thì đến thế kỷ XVII những yếu tố dân gian được phát triển mạnh mẽ hơn, hình tượng chim Phượng có cánh mềm mại, uyển chuyển... 

Nhìn chung Phượng nhang án Chùa Thầy chạm khắc theo hình dáng nhìn nghiêng, không chỉ được chạm trên nhang án gỗ mà còn gắn bó mật thiết trên nhiều vị trí khác trên kiến trúc. Về tạo dáng thì dù chạm ở trên nhang án gỗ hay trên thành phần kiến trúc khác, hình Phượng vẫn luôn giữ những vẻ đẹp điển hình như mỏ quặp, tóc như chim trĩ bay ngược ra phía sau tạo nên những lớp đao xếp mềm mại, cổ của chim Phượng thường được trang trí kiểu khấc, phần thân có đao mác bay ra phía sau, với cách tạo dáng trên và mang những đặc điểm của thế kỷ XVII hình tượng chim Phượng luôn trong tư thế như đang chuyển động. 

Cũng chính bởi cách chạm theo lối này mà gợi ra không gian lớp trước, lớp sau, đan xen, cánh và đuôi của hình chim Phượng cho thấy đây là sự chắt lọc về tạo hình nhưng về bút pháp thể hiện hết sức thoải mái, nét mau, thưa, trầm, bổng các họa tiết, mây, hoa lá... đặc điểm thế kỷ XVII. Hình tượng chim Phượng được chạm dưới hình thức phù điêu, đôi khi có chạm thủng, chạm nông với bố cục đăng đối nhau. 

Nếu như mô típ hình rồng thống nhất có ở cả phần thân, phần chân và yếm che thì mô típ hình Phượng được sử dụng ít hơn, thường nằm ở vị trí phụ, diện tích nhỏ trên tổng thể nhang án và làm cho đề tài thêm phong phú, sinh động. Nhìn chung, về đặc điểm nghệ thuật trang trí hình chim Phượng nhang án Chùa Thầy vẫn tuân theo những nguyên tắc và sự hài hòa của nghệ thuật dân gian truyền thống, phần lớn là hình dáng được thể hiện trong tư thế động, sự tinh tế trong cách chạm hình, khối, nét làm nên đặc điểm riêng mô típ phượng thời này.

Mô típ hoa sen ở Chùa Thầy cũng như ở các chùa khác cùng thời, được trang trí ở nhiều vị trí khác nhau và có vai trò khác nhau. Với nhang án chùa Thầy mô típ hoa sen chủ yếu được trang trí tạo thành đường diềm của các phần trên nhang án, một mặt là để làm đẹp cho bề mặt nhang án, mặt khác làm tăng giá trị nghệ thuật và sự linh thiêng cho nhang án.

Trên tổng thể nhang án gỗ các đường gờ, đường ngăn cách các phần với nhau được trang trí mô típ hình cánh sen, cách thể hiện cánh sen khác nhau tạo nên sự phân biệt giữa các phần một cách dễ dàng. Phần mặt nhang án Chùa Thầy không có trang trí hoa sen. Một phần là kích thước nhang án chùa Thầy hẹp, dãn Hình phượng nhìn nghiêng nhang án Chùa Thầy. phào chỉ các phần với nhau tạo khoảng cách hẹp và trải rộng chiều ngang hơn. Cũng chính sự thay đổi này mà các phần, các mô típ được người nghệ nhân xưa thể hiện phù hợp và tinh tế cho từng nhang án thời kỳ này.

Kỹ thuật và hiệu quả nghệ thuật chạm khắc nhang án Chùa Thầy

Nhang án Chùa Thầy chủ yếu được chạm khắc nổi, chạm lộng và chạm thủng trên bề mặt, kỹ thuật chạm có sự thống nhất giữa bốn mặt với nhau. Nếu như ở phần mặt nhang án được chạm thủng hoa cúc tạo thành đường diềm nhỏ, nối tiếp đến phần thân kỹ thuật đã được thay đổi, kết hợp giữa chạm nổi và chạm thủng trong khuôn hình được định sẵn và ngăn cách bởi các đường chỉ khắc vạch. 

Hình rồng ở nhang án Chùa Thầy được nghệ nhân xưa chạm nổi rất tinh tế và mềm mại, các đường nét chạm trở nên thanh thoát, nhịp nhàng gắn kết chặt chẽ với nhau bằng nét, khối, mảng. Phần chạm thủng được thể hiện dày hơn, tạo không gian sâu vào bên trong nhang án làm tăng độ tương phản đậm nhạt và sự sinh động cho mảng được chạm. 

Đường diềm cánh sen ở nhang án này khác với nhang án khác cùng thời là được chạm thủng cánh sen dẹo. Ngắt giữa phần thân và chân nhang án là được chạm thủng, chạm nổi bởi hàng hoa văn trang trí, phần này nghệ nhân xưa đã khéo léo tạo nên những khoảng trống, khoảng thủng, khoảng rỗng, cùng kỹ thuật chạm hình và nét càng làm cho nhang án trở nên sinh động, phong phú mà vẫn tạo sự linh thiêng sâu lắng.

Hình rồng nhìn chính diện nhang án Chùa Thầy.

Qua việc phân tích về hình thức trang trí nhang án, các mô típ trang trí trên nhang án, kỹ thuật và hiệu quả nghệ thuật chạm khắc nhang án Chùa Thầy, kết hợp với những yếu tố từ không gian, ánh sáng đều đóng một vai trò rất quan trọng. Giá trị nghệ thuật nhang án Chùa Thầy là sự cân bằng hoàn chỉnh các hình thức chạm khắc trang trí, làm nổi bật được nội dung chủ đề, tạo ấn tượng thị giác. 

Nhang án thượng điện Chùa Thầy là sản phẩm thể hiện bàn tay, trí tuệ của người nghệ nhân xưa, mang dấu ấn quan trọng của nghệ thuật chạm khắc, trang trí Việt Nam thế kỷ XVII nói riêng và lịch sử mỹ thuật Việt Nam nói chung.

Lương Thu Hương

Căn cứ hợp đồng của dự án đã ký giữa UBND thành phố và doanh nghiệp dự án là Công ty Trung Nam, thì lịch thu hồi nợ vay của BIDV với Công ty Trung Nam và lịch thu hồi nợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với BIDV được xác định tương ứng theo lịch thanh toán của UBND thành phố theo quy định tại hợp đồng BT của dự án. Thực chất đây là khoản cho vay ứng trước cho nhà đầu tư khi ngân sách thành phố chưa bố trí được nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư.

Cắt khóa, dập lửa, cứu người, cứu hàng hóa...một cách nhanh gọn lẹ của 22 "Tổ liên gia an toàn PCCC" trong Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ do Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức cho thấy người dân đã bắt đầu ý thức được việc PCCC, cứu nạn cứu hộ, có thêm nhiều kinh nghiệm và các Tổ liên gia an toàn PCCC phát huy được hiệu quả...

Hai đối tượng gồm Đào Văn Nhật Tùng (SN 1985) và Lê Văn Minh (SN 1984, cùng trú tại thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Bị phát hiện đang khai thác cát trái phép, Tùng và Minh đã điều khiển tàu tháo chạy rồi dùng ống xịt áp suất lớn phun nước về phía phương tiện của lực lượng chức năng.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện một chiếc xe ô tô đầu kéo gặp sự cố khiến hàng trăm lít dầu nhớt đổ ra đường, Đội CSGT Công an huyện Nghi Lộc phối hợp Tổ công tác Trạm CSGT Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng triển khai thu dọn vết dầu tránh gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông.

Những năm trở lại đây, song song với sự phát triển, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam cũng trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các đối tượng sử dụng công nghệ cao lợi dụng, trục lợi từ các hành vi buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về thương mại điện tử… với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Từ thực tiễn tình hình cho thấy, ngoài việc tạo môi trường thuận lợi để thương mại điện tử phát triển cũng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên không gian mạng.

Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ ngày 9/5 (giờ địa phương) cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bổ sung 37 thực thể Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại do có những hành động được cho là “gây phương hại an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Thông qua việc thường xuyên đi lễ chùa, Bùi Thị Ninh đã tạo mối quan hệ thân thiết với nhiều người ở trong và ngoài tỉnh rồi kêu gọi họ góp vốn để đầu tư kinh doanh. Sau khi nhận tiền, Ninh không sử dụng đúng mục đích đã thỏa thuận mà dùng cho mục đích cá nhân, chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文