Ngỡ ngàng sông Côn
Thành Hoàng Đế trên dòng sông lịch sử
Xứ sở cao nguyên An Khê của người Ba Na hiện vẫn con lưu giữ nguyên khu vực luyện quân của anh em nhà Tây Sơn. Đó là nơi có cái tên vang danh "Tây Sơn thượng đạo". Rừng núi An Khê rậm rạp hiểm trở với con đèo độc đạo lắm hùm beo. Ba anh em nhà Tây Sơn lấy An Khê làm căn cứ khởi nghĩa (1771). Về đường thủy có con sông Ba hợp dòng và cũng là nơi sông Côn chảy qua. Nguyễn Nhạc đã từng bao lần đi dọc sông Côn về tới An Nhơn để mua vũ khí và thăm dò quân sự.
Hơn nữa dọc sông còn có làng võ nổi tiếng cũng là nơi ba anh em nhà Tây Sơn học đánh cung kiếm và võ thuật. Cuộc khởi nghĩa cũng bắt đầu xuất phát từ sông Côn tràn xuống đồng bằng (1788) trong chiến dịch tiêu diệt Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Từ đây cuộc chinh chiến của ba anh em nhà Tây Sơn liên tiếp thắng lợi. Cuối cùng Nguyễn Nhạc xưng Vương về An Nhơn xây kinh đô.
Toàn cảnh di tích Thành Hoàng Đế. |
Huyện An Nhơn nơi sông Côn chảy qua một thời được coi là trung tâm vương quốc Chăm xưa (thời tiểu vương cuối cùng ViJaya). Sau khi thất thủ ở vùng Quảng Nam (do quân đội Lê Hoàn tấn công) vua Chăm rút về vùng sông Côn xây kinh thành Đồ Bàn (thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn). Triều đại này trị vì ở đây kéo dài 5 thế kỷ (999-1471).
Nước sông Côn đã tắm máu của hàng chục vạn quân sĩ từ các vương triều ngoại bang đến tấn công thành Đồ Bàn. Hết nước Xiêm hay Chân Lạp lại đến quân Nguyên Mông hay Khơ Me và Đại Việt. Đây là những cuộc chiến tranh xâm lược hay trả thù lẫn nhau. Vì chính quân đội Chiêm Thành cũng hay đi đánh chiếm khắp nơi để mở rộng bờ cõi. Do vậy thành Đồ Bàn là trung tâm của những trận mạc đẫm máu trong những cuôc giao tranh. Cuối cùng thành Đồ Bàn bị đánh tan bởi quân đội vua Lê Thánh Tông vào năm 1741. Vua Chăm cùng triều đình phải rút về vùng phía nam đèo Cù Mông đóng đô (Phú Yên-Ninh Thuận). Thành Đồ Bàn bị phá hủy và bỏ hoang từ đó.
Nhưng rồi hơn 300 năm sau thành Đồ Bàn trở nên sống động và được Hoàng Đế Nguyễn Nhạc cho xây dựng thành kinh đô mới (Thành Hoàng Đế-năm 1778). Đó chính là triều đại của ba anh em nhà Tây Sơn trên sông Côn. Nhưng rồi tới năm 1799, thành đã bị quân đội Nguyễn Ánh chiếm đóng và đổi tên là thành Bình Định.
Ngoài những di tích Chăm còn lại từ thời Đồ Bàn thì Thành Hoàng Đế cũng chỉ còn lại dấu tích lầu bát giác cùng bia khắc ghi công lao của các danh tướng Ngô Tùng Châu và Võ Tánh thời đánh nhau với quân Tây Sơn (năm 1800). Sinh thời cố thi sĩ Chế Lan Viên đã từng có dịp về đây. Ông đã viết: "Thành Đồ Bàn cũng không thôi nức nở/ Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe/ Từ một làng xa xôi báo tiếng mõ/ Tan dần trong yên lặng của đồng quê" (trích trong Điêu Tàn).
Góc sông Côn trên thượng nguồn Tây Nguyên. |
Đặc biệt dấu ấn tháp Cánh Tiên cổ của người Chăm được coi là di sản độc đáo của Bình Định. Nó mang đậm phong cách kiến trúc tháp Bình Định. Đó là ấn tượng hoành tráng với những hình khối lớn gắn với đá xanh. Trong khi đó các góc tường xòe nở như những cánh tiên (tạo hình bông hoa). Tháp được bảo tồn nguyên giá trị nghệ thuật Chăm (từ thế kỷ 12 tới nay) độc đáo khác hẳn những nơi khác.
Men nồng hương quê
Điều khá thú vị khi chúng tôi về tới Bảo tàng Quang Trung nơi ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ được sinh ra. Cũng tại nơi đây ba anh em nhà Tây Sơn đã luyện võ ăn nước sông Côn mà lớn lên. Bảo tàng được xây dựng ngay trên mảnh đất xưa tại làng quê (nay thuộc khối 1 thị xã Phong Phú, huyện Tây Sơn).
Và đặc biệt chúng tôi còn được thưởng thức rượu của vùng quê Tây Sơn tam kiệt. Trưởng đoàn còn đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ của Yến Lan từng viết: "Lắc chiếc lọ sành còn rượu nhìn/ Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly".
Người ta còn truyền rằng trong cuộc hành quân thần tốc từ miền Trung ra đánh quân Thanh, quân sĩ Tây Sơn đã đem theo rượu được chưng cất từ nguồn nước sông Côn. Đó là một phần sức mạnh tinh thần của quê hương Bình Định đem lại sự lãng mạn trong chiến thắng huy hoàng của dân tộc ta tại gò Đống Đa vĩ đại.
Sau khi rời Bảo tàng Quang Trung, chúng tôi được mời đi thưởng rượu Bầu Đá. Có người giải thích rượu xứ Nẫu-Bình Định ngon ở nguồn nước sông Côn. Dọc triền sông chảy qua ba huyện của đất võ Bình Định có tới cả mươi làng nấu rượu. Dòng sông Côn tạo nên một vùng văn hóa rượu Tây Sơn. Trong đó rượu làng Bầu Đá được mệnh danh đệ nhất tửu miền Trung Nam bộ. Đây cũng là đặc sản của Bình Định. Bởi nơi đây nức tiếng "Dòng sông Côn thấm tình non nước/ Dân làng nghề cất được rượu ngon/ Giữ nghề từng lớp cháu con/ Trải qua dâu bể vẫn còn nghề tinh".
Thực ra bàu nước và những tảng đá xưa không còn nữa. Làng gò Cù Lâm (xã Nhơn Lộc-An Nhơn) chưng cất rượu từ nước giếng nhưng vẫn giữ cái tên Bầu Đá làm thương hiệu. Đặc điểm của rượu Bàu Đá có "giọng men" của vùng Sơn Tây (hạ đạo) với hình ảnh/ "Rượu đầy ly bọt trắng tinh/ Chung vui đối tửu lung linh đất trời". Rượu cất được bao giờ cũng trên 50 độ. Không ít nhà chưng rượu có nồng độ cồn cao hơn nhưng khi đốt lửa để nướng mực thì chỉ thấy hương rượu bay lên thơm ngọt cả làn môi. Lửa cũng trong veo như rượu vậy.
Khi chúng tôi trò chuyện với bà chủ hàng rượu Ba Trương mới hay làng Bàu Đá còn làm ra được loại rượu đậu xanh trộn nếp (8kg đậu xanh trộn 2kg nếp). Một đặc sản mới của Bình Định. Dư vị ngọt của rượu đậu xanh Bầu Đá là điểm nổi bật mà ít nơi nào có. Rượu mạnh bao giờ cũng nồng đượm hương thơm ở lưỡi, cuối cùng là vị ngọt ở cuống họng. Đó chính là dư vị chưng cất được từ con nước sông Côn đọng lại.
Bà chủ Ba Trương kể chúng tôi nghe về ông tổ làng rượu Bầu Đá chính là người nấu rượu ở vùng Tây Sơn về dậy nghề. Tổ nghề tên là Hương Lễ định cư nơi đây hơn 100 năm trước. Gia đình tổ đã từng nấu rượu cho quân sĩ Tây Sơn uống trong khi luyện ở võ trường trên An Khê (Tây Sơn thượng đạo). Sau chiến tranh loạn lạc, tổ Hương Lễ đã dừng chân nơi đây vì thấy mạch nguồn nước sông ngọt mát. Ông nấu rượu mưu sinh và truyền lại cho dân làng Bàu Đá. Cứ theo cách làm của ông từ xưa, rượu Bàu Đá vẫn giữ nguyên hương vị và nức tiếng thơm ngon trong thiên hạ.
Thi sĩ Nguyễn Duy đã từng đến nếm rượu nơi đây. Ông sửng sốt vì độ nồng đượm cùng dư vị đặc sắc của rượu Bầu Đá nên đã tôn vinh là "Đệ nhất danh tửu". Nhà thơ Văn Thắng (Bình Định) còn trao gửi với những vần thơ: "Nước vòng Thành, mát trong như ngọc/ Ủ men nồng hạt thóc đồng quê/ Em đem cất rượu mà mê/ Gửi tình Bàu Đá đi về muôn nơi" (Giọt rượu hương quê)
"Nẫu ca"
Nhưng có lẽ điều dị biệt nhất ở Bình Định là dòng văn hóa của xứ Nẫu đã hình thành hồn nhiên và hấp dẫn nhất trên sông Côn. Những câu ca bài chòi và điệu dân vũ Apsara như một đặc sản của vùng biển xứ Chăm nơi con sông Côn chảy ra. Thổ âm và khẩu ngữ của người Bình Định giống như vùng đất Phú Yên có những nét tương đồng. Rượu vào giọng "Nẫu" của chủ nhà càng tô đậm nét phong dao cổ xưa. Họ nói mà ngỡ như hát. Chúng tôi nghe không rõ lời nhưng nhìn bước chân và nghe âm thanh mới thấy được nét độc đáo của nó.
Con trai bà chủ huơ tay lên như múa bài võ đạo rồi cất tiếng ca. Lời ca rằng: "Thân, trách thân nè. Thân sao chớ lận đận nè/ Mình, trách mình nè, số phận chớ sao hẩm hiu/ Chớ bởi thân tui/ Tui cực khổ, tui eo nghèo/ Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo Nẫu rồi..." (Trách thân). Quả nhiên phải có người phiên dịch chúng tôi mới hiểu chữ "Nẫu" ở đây là người ta. Cứ thế nhịp điệu của bài chòi đung đưa với những giọt rượu rơi xuống bầu chai. Bên ngoài sông Côn cũng như bị ướp hương men. Dòng nước cứ chao đi chao lại trong con gió từ trên cao nguyên Bazan tràn về.