Nguyễn Thanh Mừng với ngữ pháp ý tưởng

08:00 17/02/2015
Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa cho ra mắt tập thơ thứ 3 "Ngữ pháp gió" của nhà thơ đất võ Nguyễn Thanh Mừng. Sách dày 77 trang với 49 thi phẩm, trong đó có tới 38 bài lục bát, một thể thơ sở trường được anh viết nhiều trong những năm gần đây.

Cũng như gió, "Ngữ pháp gió" có sức liên tưởng vượt ra ngoài ngữ pháp của câu chữ thông thường. Nguyễn Thanh Mừng không viết cao sang, chỉ lấy cái quen làm lạ chuyện đời thường, lấy cái thường để dắt người đọc bước vào một thế giới sắc màu ngôn ngữ.

Đó là một vùng quê Hoài Ân còn nguyên vẹn trong kí ức, một miền Trung nắng gió, lớn hơn còn là một dải đất Rồng Tiên từ thời mở cõi. Trước tiên là những kí ức về làng, về cái thời "phá bẫy bẻ nò", với "lưng trâu áo vải" của chốn xưa. Mở đầu tập thơ, anh viết: "Rằng từ sỏi đá sim mua/ mẹ tôi đã xếp nắng mưa thành làng" (Bên sườn núi), ý thơ đã lặng vào một khoảng không của không gian làng Việt Nam, hình ảnh làng có sự hiện diện hữu hình của sỏi đá sim mua nhưng cũng đầy những công lao vô hình của mẹ mà tồn tại bao đời. Vẫn những đặc sản của núi rừng như "bờ ao", "hoa khế", "trái sim", "trái vông đồng", "trái chà là"… nhưng câu chữ trong tập thơ của anh vẫn cứ sang trọng như thường. Không dửng dưng mà trong bài "Dù mình không còn trẻ", anh viết: "Trái sim chín dại chín khờ/ người thơ ngây trẻ đã thơ ngây già".

Có phải trước lẽ tự nhiên, con người thấy mình vẫn thế dù bao nhiêu năm, thoắt trẻ rồi cũng già đấy, ăn thua chi những cuộc hý trường.

Bởi sinh ra trên vùng đất Bình Định, nơi có tới hai vương triều, hai kinh thành trong lịch sử dân tộc nên trong suy nghĩ của mình, Nguyễn Thanh Mừng cũng thường nói đến lịch sử như một lẽ thường. Một phần lớn trong tập thơ là những ngổn ngang về văn hóa, lịch sử như Đồ Bàn, Thành Hoàng Đế; những cung triều, lăng tẩm; những hiển hách, đau thương, trầm tích; những khát vọng u hoài. Những câu thơ "Thưa tôi gié lúa Rồng Tiên/ bước chân Giao Chỉ dạt bên Chiêm Thành" (Một đêm xuân Hà Nội) hoặc "Dở dang cuộc rượu Thăng Long/ tôi về bù khú rêu rong Đồ Bàn/ hoàng cung nay đã hóa vàng/ cộ xe thế nhịp xe loan kiệu rồng… " (Chợ âm dương) vừa ẩn chứa cái tôi cá nhân của kẻ tình si lữ thứ ưa bù khú với anh em bạn bè, vừa là hồi quang một kết cuộc lịch sử của ngày xưa và cả bây giờ.

Bìa tập thơ "Ngữ pháp gió" của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng.

Nếu như trong tập "Ngàn xưa" (1998), anh viết: "Nghe đồn vua xứ Chà Bàn/ dâng miền Ô Lý rước nàng vu quy/ tôi mang rượu đến biên thuỳ/ hắt lên mây trắng biệt ly cả cười/…" (Đám cưới Huyền Trân) để nhắc đến sự thật lịch sử giữa chuyện tình vua Chăm Pa Chế Mân và công chúa Đại Việt Huyền Trân một thời thì trong "Ngữ pháp gió", cảm thức lịch sử vẫn chủ đạo. Anh nghiêm trang với cái thời "Bảy trăm năm lẻ Phật hoàng/ gả con vượt biển băng ngàn Chămpa" để nói về vua cha Trần Nhân Tông, ông tổ của Trúc Lâm Yên Tử và câu chuyện lịch sử liên quan đến quốc gia dân tộc với tiếng nói của tuổi trẻ hôm nay như một thức nhận điệp trùng: "tát vơi sông dại biển điên/ để tìm vớt lúm đồng tiền Huyền Trân" (Chợ âm dương).

Dù ở cảm thức lịch sử hay thế sự nhân sinh, sự thể hiện đều bắt đầu từ cuộc sống đời thường. Cái ăn và cái chơi của anh thành thơ hết sức bình dị kiểu như "Bạn bè ngẫu hứng lai rai", từ thành Đồ Bàn đến Thăng Long, Yên Tử, Côn Sơn lên đến đỉnh Mẫu Sơn rồi vào tận Sài Gòn. Những cuộc ta bà nhập nhẹm rượu thơ với người tri kỉ, anh vừa nhu mì trong "chập chùng kí ức lúa khoai" nhưng đôi lúc bản tính cũng thét gào không kém phần ngông nghênh và hào phóng.

Câu chuyện nhặt được trái dừa khô trong chuyến đi thực tế năm nào, rồi vì vội vàng, không dao rựa để bổ trái dừa uống nước, anh đành để tạm bên đường hẹn khi trở lại. Vậy mà công việc bộn bề lỡ quên bẵng đi, bao năm trở lại chốn này thì trái dừa ngày ấy đã thành cây xanh tốt. Câu chuyện tưởng như khó tin nhưng có lí, và nó thành thơ có duyên, tài tình như thế này: "Bao năm trở lại chốn này/ lặng nhìn kiệt tác lỡ tay mà thành" (Trái dừa nhặt được). Bài thơ "Rìa thị trấn" như một thước phim quay chậm: "Rạ rơm nhẹ nhẹ nhàng nhàng/ mây đầu bến xửng lửng sang cuối nguồn/ có người đuổi bướm bắt chuồn/ bày cờ ra lại buồn buồn xếp vô/ Có người miệng niệm nam mô/ mỗi khi bẻ bánh tráng khô trên đầu", ở đó người đạo diễn đã dựng được cuộc sống và cả cái ẩn sâu thâm trầm, sâu lắng trong cuộc sống với những điều tưởng không có gì. Thơ anh đã nói được cái hồn của cuộc sống, có thể nó buồn vui, ái ố đủ điều nhưng đọng lại trong lòng người đọc là một tâm trạng thăm thẳm dư ba.

Nguyễn Thanh Mừng có cốt khí riêng của một nghệ sĩ thời hiện đại: "Ngửa đầu uống một kinh thành/ nét mày Phật Thệ vừa thanh thản cười/ giang tay viết giữa mây trời/ câu thơ hào sảng tặng người hào hoa" (Uống nước dừa bên tháp Vijaya), thật chỉ mỗi động tác uống và viết thôi cũng đủ làm nên bản tính thi sĩ miền Trung.

Mấy mươi năm đĩnh đạc chốn quan trường, anh cảm nhận nhiều điều, để rồi tự thấy mình "Trắng đen râu tóc phân trần/ nửa phần tục lụy nửa phần quy y" (Cú pháp đầu xuân), anh hóa thân "Tôi giờ thành gã mục đồng/ lùng mua ráo trọi gàu sòng chợ phiên" (Chợ âm dương). Vì sao thế, có phải vì sự nhiễu nhương hý trường trong cái thời lẫn lộn "bịp bợm với anh hùng, ếch nhái với hùm beo, diều quạ với phượng hoàng" (Uống cà phê với Nguyễn Mộng Giác và Tạ Chí Đại Trường) hay không?

Nhìn đời vui buồn là thế, hạnh phúc là thế nhưng có đôi lúc anh tự trào cho mình là: "một rồ dại giữa anh hùng/ một vô danh giữa chập chùng tuổi tên" (Một đêm xuân Hà Nội) để cho đời thanh thản. Có khi tự trả lời mình, anh viết "Ừ mình cũng thích làm vua/ sông chưa đến lũ bỗng thừa con đê" (Rượu phế tích). Không những thế, trước nỗi đau của rừng "Rừng thiêng gục xuống quê nhà/ ta sa vòng xoáy lâu la thương trường/ ruột gan khốc liệt quay cuồng/ cuộc chơi vét mật moi xương cạn cùng" (Trại gấu nuôi lấy mật).

Trước thời gian lịch sử của rêu bám lên kinh thành Huế hư không, trước nỗi đau của từng con chim én xỏ xâu bày bán trước hàng rượu, anh cũng tần ngần đau xé ruột gan. Anh thấy và viết thành thơ, viết là để "những mong gieo ý vào lời" nhưng đôi lúc đành bó tay chấp nhận quy luật cuộc đời "khác chi gieo mạ dưới trời bão giông" (Gậy xuân).

Cái tôi ngông của Nguyễn Thanh Mừng còn được thể hiện qua những động tác bình thường với các động từ mạnh "nắm", "ném" "hú", "tung", "tháo",… đậm và rõ, làm nên một giọng điệu riêng biệt khó lẫn vào ai: "Tôi cầm một nắm đên tàn/ ném vào thành lũy bàng hoàng cung đao", "một ôm rượu hú gọi trăng/ nhờ trăng rót xuống vĩnh hằng làm tin" (Rượu nguyện), "Đêm nay người nhớ người quên/ tôi như linh mục tháo phên giáo đường" (Một đêm xuân Hà Nội), "Tôi tung áo mão phóng cuồng/ thành trì mây nước đế vương giang hồ" (Thủy triều và bói cá).

Cách nói tưng tửng, kiểu cười giòn tan sảng khoái lảnh lói dễ gần ấy vận vào trong thơ, thơ liền theo lời nói, cho nên đọc nhiều câu thơ của anh, người đọc cảm thấy ý tưởng như những mũi tên lửa tinh khôn lựa người dung nạp để chia sẻ dung hòa. Đọc những câu thơ: "Tình yêu có một chính quyền/ hai người nguyên thủy ngang nhiên điều hành" (Chúa xuân) hoặc "Rủ nhau nghiêm trọng bán đi/ tầm thường cũng bán rồi thì lại mua/ huyền vi của một chơi đùa/ rất chưa nghiêm trọng và chưa tầm thường" (Vô tư), "Còng lưng gánh một vô cùng/ bù nhìn đuổi quạ anh hùng ruộng dưa/ lửa thì cũ khói thì xưa/ chỉ còn có mỗi gió mưa mới hoài" (Bên đời), không phải ai cũng có thể dễ dàng nhận biết anh định nói điều gì.

Để chuyển tải ý tưởng của mình trong "Ngữ pháp gió", Nguyễn Thanh Mừng vẫn sử dụng số nhiều thể thơ lục bát, một thể thơ sở trường được anh viết bằng ngôn ngữ, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Nhận xét về thơ lục bát của Nguyễn Thanh Mừng, nhà thơ Ngô Minh viết: "Nếu có ai hỏi: Nhà thơ nào viết lục bát dễ thương nhất miền Trung hiện nay?

Tôi sẽ trả lời ngay rằng: Nếu tìm được hai người, nhất định trong đó có Nguyễn Thanh Mừng! Vâng, lục bát của Nguyễn Thanh Mừng vừa hiện đại vừa phảng phất phong vị cổ điển, nhẹ như không mà thâm trầm trĩu nặng…".  Đọc thơ anh, người đọc cảm thấy thích thú, vui đấy nhưng cũng có thể bất chợt buồn vì nó xoáy sâu vào trong cái tôi bản thể của mỗi người. Nhà thơ Bằng Việt nhận xét: "Ngữ pháp gió là một tập thơ ngông, một cái ngông đủ sang trọng, lại hồn nhiên đáng yêu và hoàn toàn chấp nhận được ở thời chúng ta đang sống".

Đào Tấn Trực

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Nhiều công trình, dự án trên địa bàn Thủ đô đang được triển khai nên nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng tăng cao dẫn đến tình trạng xe vi phạm quá khổ, quá tải có thể tái diễn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Tối 18/5, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Hà Nội) đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở đến các đơn vị thi công, doanh nghiệp kinh doanh vận tải và đội ngũ lái xe bảo đảm TTATGT.

Hơn 1 tháng sau khi giải vô địch các câu lạc bộ Pencak Silat Quốc gia 2024 khép lại, tranh cãi một lần nữa nổi lên. Lần này, câu chuyện xoay quanh một VĐV bị đơn vị chủ quản cũ cấm thi đấu, nhưng vẫn đầu quân cho một địa phương khác và lên ngôi vô địch.

Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), trong những ngày gần đây, các học giả, các hãng truyền thông quốc tế đã đăng tải nhiều bài viết ca ngợi cuộc đời nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

“Tôi đã được gặp rất nhiều người từng tiếp xúc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động và những kỷ niệm đã nằm lòng về Người. Qua câu chuyện của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ Bác Hồ. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo của riêng Việt Nam, ông còn là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới”, nhà văn người Mỹ Lady Borton nói.

Tại buổi tọa đàm về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV tổ chức 17/5, đại diện Cục CSGT, Bộ Công an đã trả lời về nồng độ cồn do uống nước hoa quả, sirô trong xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. 

Tối 18/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Khoa Minh về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文