Nỗi nhớ trong thi ca Việt

15:53 17/12/2020
Nỗi nhớ, theo tôi chính là giá trị tinh thần đầu tiên mà Tạo hóa đã ban cho các sinh linh. Nỗi nhớ giúp chúng ta có những nhận biết và kiến thức đầu tiên về thế giới, rồi tiếp tục tái hiện những nhận biết ấy, để trở thành hành trang mỗi ngày cho đời sống con người.


Nỗi nhớ, theo tôi chính là giá trị tinh thần đầu tiên mà Tạo hóa đã ban cho các sinh linh. Nỗi nhớ giúp chúng ta có những nhận biết và kiến thức đầu tiên về thế giới, rồi tiếp tục tái hiện những nhận biết ấy, để trở thành hành trang mỗi ngày cho đời sống con người. 

Từ khi còn là một đứa trẻ mới lọt lòng, nỗi nhớ khiến ta phân biệt được những người lạ và người quen, nỗi nhớ tạo ra những mối dây liên kết thẳm sâu và thiêng liêng giữa đứa trẻ với mẹ cha, ông bà, anh chị em ruột thịt. 

Thế nên sau này, khi những người thân yêu lần lượt rời xa chúng ta về thế giới bên kia, thì trong tâm hồn chúng ta, bao bóng hình ấy đều trở về cùng nỗi nhớ: "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương" (Ca dao), "Còn nhớ những ngày ấy, những đêm trường giá lạnh. Và cha nằm ôm con, sưởi ấm những canh dài" (Tình cha - Nhạc và lời: Ngọc Sơn). 

Càng lớn lên, thế giới tâm hồn càng phát triển và hoàn thiện thì dường như nỗi nhớ trong mỗi con người đều lớn hơn. Từ một đứa trẻ thành một thiếu niên rồi một thanh niên, người con ấy xa dần vòng tay của mẹ, và nỗi nhớ hiện về không chỉ là người thân mà còn là cả bóng hình quê hương với bao kỷ niệm ấu thơ. 

Nỗi nhớ quê hương ấy đã chảy từ bao áng thi ca cổ điển như ''Hoàng Hạc lâu'' của ''Thôi Hiệu'', ''Tràng Giang'' của Huy Cận… cho đến thi ca hiện đại sau này: "Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay/ Quê hương là con diều biếc/ Tuổi thơ con thả trên đồng/ Quê hương là con đò nhỏ/ Êm đềm khua nước ven sông" (Quê hương - Thơ: Đỗ Trung Quân, Nhạc: Giáp Văn Thạch). "Tôi xa quê hương bao năm tháng qua. Nhưng trong trái tim không bao giờ xa. Lời mẹ ru con hiu hiu trưa hè. Mùa lụt nước lũ bắt cá giữa đồng" (Quê hương tuổi thơ tôi - Từ Huy).

Trong tiếng Việt, từ "nhớ" ngoài việc hoạt động với vai trò của một động từ trong cấu trúc đơn tiết thì còn có khả năng kết hợp với một số yếu tố khác để tạo nên những cấu trúc song tiết, khiến nỗi nhớ dường như có thêm nhiều chiều kích hơn, day dứt khôn nguôi hơn. 

Điểm độc đáo là, tất cả những cấu trúc song tiết này đều có khả năng thay đổi trật tự - vị trí cho nhau, điều mà không phải động từ nào trong tiếng Việt cũng có khả năng làm được. Ta có bốn cặp: nhớ thương - thương nhớ, nhớ mong - mong nhớ, nhớ tiếc - tiếc nhớ và nhớ nhung - nhung nhớ. 

Trong bốn cặp song tiết trên, ba cặp đầu có thể được coi như những từ ghép đẳng lập, chỉ riêng đơn vị cuối cùng - nhớ nhung - là một từ láy. Có phải vì âm hưởng mượt mà, mềm mại của chữ "nhung" không mà mỗi lần bắt gặp từ này, lòng tôi lại thấy bâng khuâng với bao nỗi niềm xa vắng vọng về: "Rồi mùa hè đã qua, trở lại mái trường xưa. Nhìn lên phía hàng cây, xanh bao la nhớ nhung" (Mùa hè đã qua - Ca khúc trong phim 12A và 4H), "Ôi những con thuyền giấy, tháng năm tuổi thơ đã đi về đâu, để mình tôi nhớ nhung bây giờ" (Trở về dòng sông tuổi thơ - Nhạc và lời: Hoàng Hiệp), "Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa. Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương" (Đêm đông - Nguyễn Văn Thương).

Từ chỗ nhớ con người, nhớ những không gian, người ta còn nhớ cả thời gian, những khoảnh khắc hay những tháng năm đã đi qua không trở lại bao giờ, mang theo nó cả tuổi trẻ cùng bao buồn vui: "Làm sao về được mùa đông. Dòng sông đôi bờ cát trắng. Làm sao về được mùa đông. Mùa thu cây cầu đã gẫy" (Nỗi nhớ mùa đông - Thơ: Thảo Phương, nhạc: Phú Quang), "Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người. Lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai. Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi. Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi" (Nhớ mùa thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn)

Mỗi con người từng gặp, mỗi vùng đất đã đi qua đều có thể trở thành nỗi nhớ: "Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ/ Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương/ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn" (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên). Và đâu chỉ có nhớ con người, nhớ không gian, nhớ thời gian, những con vật nuôi của chúng ta cũng trở thành nỗi nhớ: "Tao chờ mày đã lâu/ Cơm phần mày để cửa/ Sao không về hả chó?/ Tao nhớ mày lắm đó/ Vàng ơi là Vàng ơi!" (Sao không về Vàng ơi - Trần Đăng Khoa)

Tôi chủ định dành một phần riêng để nói về nỗi nhớ trong tình yêu đôi lứa. Có lẽ đây là một trong những nỗi nhớ làm tốn nhiều giấy mực nhất của mọi dân tộc, mọi thời đại. 

Tất cả những câu chuyện tình trên cuộc đời này, dù hạnh phúc hay xót xa, dù gần gũi hay xa xôi, dù suôn sẻ hay trái ngang trắc trở, đều để lại trong lòng những người yêu nhau cảm xúc về nỗi nhớ. Ôi nỗi nhớ muôn hình vạn trạng, có nỗi nhớ rạo rực bồi hồi, có nỗi nhớ phấp phỏng, da diết, có nỗi nhớ cồn cào, cháy bỏng, có nỗi nhớ lặng lẽ, âm thầm. 

Khi người con gái nhớ người con trai, hình như cũng có những nét thật riêng biệt. Từ trong ca dao, nỗi nhớ ấy đã thổn thức nghẹn ngào: "Khăn thương nhớ ai/ Khăn rơi xuống đất/ Khăn thương nhớ ai/ Khăn vắt lên vai/ Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt/ Mắt thương nhớ ai/ Mà mắt không khô". 

Sang đến thơ hiện đại, nỗi nhớ của người con gái thẳm sâu, khắc khoải, bền bỉ thủy chung: "Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức" (Sóng - Xuân Quỳnh), "Ngày xa anh em bỗng hóa đơn côi/ Gió cũng chẳng vô tình ngang cửa nữa/ Một chiếc lá rơi cũng làm em nhớ/ Áp mặt lên trăng mới biết trăng gầy" (Đêm Hà Nội nhớ - Bùi Sim Sim). 

Nỗi nhớ của người con gái khiến cho ta mủi lòng rưng rưng bởi sự mong manh, cần được nương tựa và che chở: "Em nhớ anh/ Như nhớ linh hồn mình/ Một hôm nắng vàng bỏ chơi xa/ Để lại xác thân này ngơ ngác?/ Em kêu anh/ Như tiếng con nai tác/ Vọng qua triền đồi mơ…" (Nhớ - Hàm Anh). 

Ngược với nỗi nhớ của người con gái, nỗi nhớ của người con trai thường được diễn tả như một bùng cháy dữ dội, một mãnh liệt thiêu đốt: "Nhớ em như một vết thương/ Trong lòng như vỡ mảnh gương trong lòng/ Tay cầm cốc thủy tinh trong/ Trong tay bóp nát máu ròng ròng sa" (Xuân Diệu), "Em xa quá bóng đêm thì vây bủa. Nỗi nhớ không chép được thành lời. Rồi sẽ cũ những vần kỷ niệm. Kéo anh về vẫn chỉ em thôi…" (Lúc em xa - Hồng Thanh Quang). 

Nỗi nhớ trong ái tình, đôi khi được diễn tả một cách tha thiết và vô vọng hơn, bằng hai chữ "tương tư": "Quân tại Tương giang đầu/ Thiếp tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thủy" (Chàng thì ở tận đầu sông/ Cô đơn mình thiếp cuối dòng chơi vơi/ Nhớ thương chẳng thấy mặt người/ Uống chung con nước trông vời Tương giang), "Gió mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng". 

Khi đôi lứa đã thành vợ thành chồng, nỗi nhớ của tình yêu khi đó lại có thêm nhiều màu sắc. Có nỗi nhớ của vợ với chồng: "Nhớ chàng như mảnh trăng đầy/ Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm" (Tự quân chi xuất hĩ - Trương Cửu Linh, Ngô Tất Tố dịch). Có nỗi nhớ của chồng với vợ: "Tôi nhớ vợ tôi lắm/ Xin anh về hai ngày/ Nhà tôi ở Mường Lay/ Cuối con sông Nậm Rốm/ Ngày kia tôi sẽ đến/ Lại cầm súng được ngay/ Tôi sẽ bắn đúng Tây/ Vì tay có hơi vợ" (Nhớ vợ - Cầm Vĩnh Ui). 

Và khi người vợ đã không còn nữa thì nỗi nhớ ấy là những giọt nước mắt thẳm vào trong như những lời ca mà nhạc sĩ Thanh Tùng đã viết: "Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên. Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên. Bao đêm tôi đã một mình nhớ em. Đêm nay tôi lại một mình…" (Một mình).

Bàn về nỗi nhớ mãi mãi là không đủ, bởi như thi sĩ Nguyễn Bính đã từng thốt lên: "Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ/ Em thử quay xem được mấy vòng?/ Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ/ Em thử lào xem được mấy thưng?". Một nhà thơ trẻ gần đây là Huyền Thư cũng viết: "Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu?". 

Có những nỗi nhớ siêu hình không bút mực nào tả nổi, như khi ta đang ở một nơi mà lại nhớ chính về nơi đó: "Chiều nay có một người du khách/ Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên" (Nguyễn Bính). Có nỗi nhớ như trong Kinh Thánh viết: "Tôi phải nhớ: Tôi phải chết!". Thế nhưng đồng hành cùng nỗi nhớ, con người ta còn cần học cách để Quên. Đó là điều mà chúng tôi sẽ bàn tiếp trong một bài viết khác…

Đỗ Anh Vũ

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文