Nhà văn và vận mệnh Tổ quốc
Nhân đọc "Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược" của Lê Văn Ba, NXB Hội Nhà văn, 2015.
Trong cuộc cách mạng giành độc lập tự do cho dân tộc, nhà văn Việt Nam đã có nhiều đóng góp đáng kể. Không chỉ bằng các tác phẩm văn học, mà nhiều nhà văn đã chấp nhận hiểm nguy, họ đã dấn thân hoạt động như một chiến sỹ cách mạng thực thụ. Không ít nhà văn đã phải trải qua tù đày với các trò tra tấn cực hình của quân xâm lược.
Tập sách "Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược" của nhà báo, nhà văn Lê Văn Ba, với gần 1.500 trang in khổ to, là một công trình khảo cứu, nghiên cứu kỹ lưỡng và đầy đủ. Điều đáng ghi nhận, qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, có gần hai trăm nhà văn từng bị bắt bớ, tù đày trong các nhà tù của quân xâm lược. Con số này, chứng tỏ lòng yêu Tổ quốc của các nhà văn Việt Nam sâu đậm nhường nào.
Tập sách chia làm ba phần. Phần một: Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân phương Bắc xâm lược dưới thời các triều đình phong kiến. Đó là các chí sỹ yêu nước, đồng thời là các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, như: Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Nguyễn Phi Khanh, Tuệ Tĩnh, Giang Văn Minh… Bài thơ "Cảm hoài" của Đặng Dung phản ánh khí tiết của một lớp người:
Việc đời bối rối tuổi già vay
Trời đất vô cùng một cuộc say
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa
Giáp gột sông trời khó vạch mây
Thù trả chưa xong đầu đã bạc
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
(Phan Kế Bính dịch)
Phần hai: Nhà văn Việt Nam bị bắt giam trong các nhà tù của thực dân Pháp, phát xít Nhật. Đây là thời kỳ rất nhiều nhà văn, nhà thơ bị bắt giam trong các nhà tù trong nước. Như nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Sơn La, nhà tù Côn Đảo… Một số người còn bị bắt giam ở các nhà tù nước ngoài, như nhà tù La Santé, La Roquette (Pháp), đảo tù Guyane (Nam Mỹ), Madagasca (châu Phi), nhà tù Quảng Châu, Liễu Châu (Trung Quốc)…
Nhiều người nổi tiếng, như Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Nguyễn Hữu Huân, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh… cho đến Tản Đà, Ngô Tất Tố, Đặng Thai Mai, Lan Khai, Trúc Khê, Tố Hữu, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Thôi Hữu, Hải Triều… đều đã phải trải qua tù đày tại các nhà tù của quân xâm lược. Bài thơ "Nhắn bạn" của Hoàng Văn Thụ được viết trong xà lim tử hình Hỏa Lò, Hà Nội năm 1944, mang đầy khí phách của một nhà thơ, nhà cách mạng;
Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo đuổi mộng tung hoành
Hỡi bạn gần xa hăng chiến đấu
Trước sau xin giữ tấm lòng thành.
Tuy thân gái liễu yếu đào tơ, lại là một tiểu thư Hà Nội, nữ sỹ Vân Đài khi bị bắt giam trong nhà tù hiến binh Nhật (1944), đã viết bài thơ mang đầy khí phách, cốt cách của mình:
Năm tám ngày giam trại hiến binh
Bao nhiêu hình phạt vẫn xem khinh
Roi tra điện kẹp, càng căm uất
Xích sắt cùm lim, phớt cực hình…
Tố Hữu, nhà thơ cách mạng, năm 1939, năm ông 19 tuổi, bị thực dân Pháp bắt, từng bị giam trong các nhà giam ở Thừa Phủ, Lao Bảo, Đakmin… Năm 1942, ông vượt ngục và tiếp tục hoạt động, lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại thành phố Huế quê hương ông. Những bài thơ trong tù của Tố Hữu đã tạo ra sức mạnh cho hàng ngàn, hàng vạn chiến sỹ, được tập hợp in trong tập "Thơ" (1946), sau này tuyển chọn in trong phần Xiềng xích ở cuốn thơ "Từ ấy" (1959). Nhà thơ Sóng Hồng (tức nhà cách mạng Trường Chinh) từng đánh giá "Thơ Tố Hữu có sức mạnh to lớn, chinh phục được hàng triệu trái tim quần chúng".
Nguyễn Đình Thi, một người tài hoa trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật như: thơ, văn, kịch, nhạc… Ông cũng là người tham gia cách mạng ngay từ thời trẻ tuổi. Ông đã hai lần bị bọn giặc bắt giam. Năm 18 tuổi (1942) bị giam ở Trại giam sở mật thám Hải Phòng. Năm 1943, bị giam ở nhà tù Nam Định, nhà tù Hỏa Lò.
Nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn của những người thống khổ, cũng từng hai lần bị giặc bắt vào tù. Năm 1939, bị giam ở nhà tù Hải Phòng. Năm 1940, bị đày lên trại Bắc Mê (Hà Giang). Chính những năm tháng tù đày khốc liệt này đã cho nhà văn nhiều thực tế để viết nên những tác phẩm phản ánh sinh động về nhà tù, như: "Tết của tù đàn bà" (1939), "Cuộc sống" (1943).
Nhà phê bình văn học Hải Triều, ngoài việc viết những bài chính luận sắc bén về quan điểm nghệ thuật, từng in trên các báo Cờ đỏ, Tin Tức, Dân, Hồn trẻ… ông còn là nhà hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1931, đang ở Sài Gòn, ông bị thực dân Pháp bắt đưa về Huế xử kết án 9 năm tù khổ sai và 8 năm quản thúc. Ông đã để lại những tác phẩm tiêu biểu, như "Duy tâm hay duy vật" (1935), "Văn sĩ và xã hội" (1937), tuyển tập "Về văn học nghệ thuật" xuất bản sau khi ông mất.
Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi, quê ở Hưng Yên, 15 tuổi, đã tham gia hoạt động cách mạng. Ông từng bị giam ở nhà giam Hưng Yên, nhà tù Hỏa Lò. Năm 1945, ông là Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Hưng Yên. Ngoài việc hoạt động cách mạng, ông còn viết nhiều tiểu thuyết, nhiều vở kịch công diễn rộng rãi trong quần chúng, góp phần tạo sức mạnh cho quân dân chiến thắng quân xâm lược.
Nhà thơ Chu Hà, năm 1939 bị kết án ba năm tù tại nhà tù Sơn La. Năm 1944, ông lại bị bắt lần thứ hai. Trong thời gian bị giam tù ở nhà tù Sơn La, ông từng tham gia biên tập Báo Suối reo. Những bài "Xuân nở trong tù", "Đêm xà lim"… về sau được đưa vào sách giáo khoa, các tuyển tập văn học cách mạng. Nhà thơ Hoàng Công Khanh từng bị tù giam tại nhà tù Sơn La.
Nhà thơ Vĩnh Mai từng bị tù tại nhà tù Lao Bảo. Nhà văn Tô Hoài từng bị giam tại nhà tù Nam Định, nhà tù Hỏa Lò. Nhà văn lãng tử Nguyễn Tuân cũng từng hai lần bị quân xâm lược bắt vào tù tại Sài Gòn, Nam Định. Quỳnh Dao, nhà thơ của "Trường thơ loạn", bạn thân của nhà thơ Hàn Mặc Tử, sớm tham gia cách mạng nên cũng bị bắt tù giam tại nhà tù Hỏa Lò. Trong nhà tù, Quỳnh Dao vẫn nhiệt huyết viết báo, làm thơ để cổ vũ cách mạng. Ông cũng là người được ban chỉ huy vượt ngục đêm 10-3-1945 xếp vào đội ngũ đầu tiên chui cống ngầm vượt ngục cùng các đồng chí Đỗ Mười, Thôi Hữu…
Phần ba của cuốn sách viết về các nhà văn bị bắt, tù giam trong thời kỳ đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam nước ta. Đó là các nhà văn Vũ Hạnh, Sơn Nam, Trần Kim Trắc, Lê Vĩnh Hòa, Võ Quê, Chim Trắng, Viễn Phương, Trần Quang Long, Ngô Kha…
Năm 1955, Nguyễn Đức Dũng (tên thật của nhà văn Vũ Hạnh) từng bị tù giam tại trại giam Chợ Được, Quảng Nam. Những ngày trong nhà tù, cảm kích trước tấm gương kiên trung bất khuất, chấp nhận sự hy sinh cho cách mạng của người bạn tù, về sau, ông đã lấy tên người bạn tù hy sinh đó, là Vũ Hạnh, để làm bút danh cho mình. Nhà văn Sơn Nam, nhà văn của đồng đất và sông nước Nam Bộ cũng đã ba lần bị quân xâm lược bắt tù giam. Chính thời gian trong tù, ông đã viết bài thơ "Hương rừng Cà Mau", khởi hứng cảm xúc để sau này ông viết tập văn xuôi đặc sắc "Hương rừng Cà Mau".
Nhà thơ Trần Quang Long, một người hoạt động tích cực trong phong trào thanh niên, sinh viên đấu tranh ở thành thị miền Nam. Năm 1963, Trần Quang Long bị bắt giam. Năm 1964, ông lại bị bắt tù vì bài thơ "Hồi kết cuộc" đăng trên báo Dân. Nhà thơ Ngô Kha, người Huế, sinh năm 1935, mất năm 1973, đã ba lần bị địch bắt giam cuối cùng bị thủ tiêu. Tuy thời gian sống ngắn ngủi, vậy mà Ngô Kha đã để lại cho đời một số tác phẩm văn học tiêu biểu: "Hoa cô độc" (1961), "Ngụ ngôn người đãng trí" (1969), "Trường ca Hòa bình" (1969)…
Tác giả cuốn "Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược" là nhà báo, nhà văn Lê Văn Ba. Ông là tác giả của hàng trăm bài báo và hơn chục cuốn sách văn học. Riêng viết về nhà tù, Lê Văn Ba đã cho xuất bản: "Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò" (2004), "Thơ viết trong nhà tù Hỏa Lò" (2006), "Nhà tù Hỏa Lò, trường học yêu nước và cách mạng" (2009)… Điều đặc biệt, ông cũng đã từng bị quân xâm lược bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò năm 1952, vì tội tham gia hoạt động học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội. Vì thế, cuốn sách được ra đời trong thực tế tươi ròng và sống động của tác giả.
Việc tổ chức, sắp xếp tư liệu công phu và khoa học. Với tiêu chí những nhà văn Việt Nam từng trong nhà tù quân xâm lược nên tác giả chỉ lấy các nhà văn từng bị quân xâm lược bắt tù, xếp thứ tự các nhà văn theo thời gian bị vào tù. Đồng thời, trích giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của mỗi tác giả viết trong tù, hoặc viết về nhà tù. Vì thế, người đọc dễ cảm nhận và dễ hệ thống kiến thức. Cuốn sách "Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược" đã góp phần khẳng định vai trò, vị trí và sự đóng góp của các nhà văn Việt Nam với vận mệnh Tổ quốc.
Tháng 7/2015