PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: "Lịch sử vẫn còn nhiều khoảng mờ..."
- Trong mấy năm gần đây, ông liên tục có những kịch bản văn học được chuyển thể sang sân khấu cải lương gây tiếng vang, một "Mai Hắc Đế" huyền thoại, một "Chuyện tình Khâu Vai" lãng mạn, đầy chất thơ và bây giờ là một "Hừng Đông" bi tráng. Xin ông cho biết, ông đã bén duyên với cải lương như thế nào?
+ Cũng rất tình cờ, trong một chuyến đi Trường Sa từ năm 2012, trong đoàn tôi có hai nghệ sĩ cải lương. Lần đó, có cuộc phát động sáng tác thơ về Trường Sa của Đoàn công tác, tôi đã viết bài thơ "Bâng khuâng Trường Sa", được nhiều người thích. Mấy nghệ sĩ đã lấy bài thơ đó về phổ thành một bài cải lương vọng cổ. Sau đó, họ sang xin tôi một số bài thơ để chuyển thể sang ca cải lương như thế.
Thấy rất có duyên, họ nhờ tôi viết kịch bản - vì thực tế sân khấu hiện nay của ta rất thiếu kịch bản, nhất là cải lương. Lúc đó tôi nghĩ không thể, đúng ra là chưa thể viết được vì quá bận. Nhưng trong đầu tôi đã có sẵn những thứ mình say mê, ấp ủ như Chuyện tình Khâu Vai, Nàng Tô Thị, rồi các nhân vật lịch sử luôn trở đi trở lại trong tâm khảm tôi như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Phan Đăng Lưu, ... Và tôi đã bắt đầu bằng "Chuyện tình Khâu Vai", không ngờ vở cải lương lại gây được tiếng vang, vì đó là một câu chuyện tình rất thơ, nhiều người đánh giá là "Romeo và Juliet" của Việt Nam.
Rồi đến cuối năm 2014, chính đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên lại muốn nhờ tôi viết tiếp kịch bản nữa. Thực ra đã có một đề tài nằm sẵn trong đầu tôi là cụ Mai Hắc Đế. Tôi cho rằng, lịch sử, hậu thế và các nhà khoa học chưa đánh giá đúng tầm vóc của cụ, thậm chí có những chi tiết và đánh giá sai về cụ. Như thế, chúng ta rất có lỗi lớn với tiền nhân, với lịch sử. Có rất nhiều khoảng mờ về cụ mà chúng ta cần làm sáng lên, rõ lên.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ. |
-Tôi cũng biết những nhân vật lịch sử trong tác phẩm của ông đều có những khoảng trống, những góc khuất mà các nhà khoa học chưa đánh giá đúng vị thế, vai trò lịch sử của họ. Vì sao ông lại chọn cụ Mai Hắc Đế và Phan Đăng Lưu?
+Tôi rất thích nghiên cứu lịch sử, nhất là những con người vĩ đại đã sinh ra trên chính quê hương xứ Nghệ của mình. Vì thế, tôi luôn bị họ ám ảnh. Họ là những con người có nhiều góc khuất, thậm chí hậu thế còn hiểu sai, hiểu nửa vời về họ. Những sai sót này không phải do tôi nhận ra mà từ sách vở lưu lại. Với cụ Mai Hắc Đế, con người đó tầm vóc lớn hơn những gì con cháu nghĩ về ông.
Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu đã được chuẩn bị rất công phu cách đây 1300 năm. Và lần đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm, Mai Hắc Đế đã biết liên kết với Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân để đánh đuổi nhà Đường, theo chiến thuật bó đũa rừng cây cụm vào nhau mới chiến thắng. Ông còn bắt tay với nhóm Đường Lâm ở Sơn Tây, nhóm Điều Yêu ở Hải Phòng để liên kết trong ngoài, tạo sức mạnh to lớn chống giặc ngoại xâm. Tầm vóc đó, trí tuệ đó lừng lẫy lắm chứ, vĩ đại lắm chứ, vậy nhưng sự hiểu biết của chúng ta còn hạn hẹp, nông cạn.
Vở diễn "Mai Hắc Đế" đã góp phần giúp mọi người thấy được tầm vóc của cuộc khởi nghĩa do Mai Thúc Loan-Mai Hắc Đế lãnh đạo. Còn với nhân vật Phan Đăng Lưu, ông là một người chịu nhiều hy sinh, nếu không nói là cả sự thiệt thòi. Lịch sử vẫn chưa công bằng với ông. Phan Đăng Lưu là một nhà cách mạng, một nhà báo, nhà văn tài hoa lỗi lạc, trong thời khắc quan trọng của lịch sử, tại cuộc họp Xứ ủy Bắc Kỳ, ông đã đề cử đồng chí Trường Chinh làm quyền Tổng Bí thư của Đảng, còn mình thì tự nguyện đi vào nơi máu lửa, nơi mà cái chết quá cận kề. Dù lúc đó, ông được tín nhiệm giới thiệu vào vị trí này. Ông là thành viên duy nhất của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương đến thời điểm đó chưa bị giặc bắt.
Trong máu lửa, Đảng và các đảng viên của Đảng phải xả thân vì nhân dân, no đói, sống chết cùng nhân dân, vì nhân dân, vì đất nước. Và ông đã hy sinh như thế. Một “Hừng đông” được vẽ lên bằng máu, bằng lý tưởng sáng ngời của những trái tim yêu nước như thế.
- Vâng, tôi rất xúc động khi xem vở mới nhất của ông về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Một đề tài tưởng chừng như khô cứng nhưng được chuyển tải một cách nhuần nhị, thấm thía.
+ Cách đây gần 20 năm, tôi đã viết bài báo đầu tiên về Phan Đăng Lưu. Trong số lãnh đạo tiền bối, ông là người học cao, biết rộng, có vốn ngoại ngữ tuyệt vời. Là một trí thức uyên thâm nên ông nhìn nhận các vấn đề rất sâu sắc. Vở kịch chỉ là một lát cắt trong cuộc đời ông thôi. Chính ông phát hiện ra rằng thời cơ khởi nghĩa Nam Kỳ chưa chín muồi, cần phải chuẩn bị kỹ hơn, cần chờ lúc Nhật và Pháp đánh nhau, lúc ấy khởi nghĩa mới thắng lợi. Ông đã thuyết phục các đồng chí ở Xứ ủy Nam Kỳ, nhưng phần đông vẫn sôi sục. Ông đành ra Bắc, trước hết là để triệu tập Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương trên cơ sở tổ chức và nhân sự của Xứ ủy Bắc Kỳ; bầu đồng chí Quyền Tổng Bí thư của Đảng (lúc đó đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vừa bị giặc bắt); xin chủ trương cho hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ; đề nghị từ lúc đó, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng nên đứng chân ở Bắc Kỳ.
Xong các việc lớn đó, ông vội vàng vào Nam để hoãn khởi nghĩa nhưng không kịp, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra đêm 22 rạng sáng 23 tháng 11 năm 1940 và bị dìm trong biển máu. Dấn thân vào thời khắc đó, ông chấp nhận có thể sẽ phải hi sinh tính mạng. Gia đình cụ Phan Đăng Lưu đến xem vở kịch đã khóc, khóc rất nhiều vì các tài liệu lịch sử và hậu thế chưa đánh giá đúng vai trò của ông, những đóng góp to lớn của ông, khóc vì sự hy sinh quả cảm, tự giác, bình thản đi vào nơi máu lửa của ông.
- Khai thác đề tài lịch sử để chạm tới trái tim khán giả quả là một con đường gian nan. Ông làm sao để giữ được tính chân thực của lịch sử mà vẫn hấp dẫn khán giả?
+Những nhân vật, những sự kiện đã đóng đinh trong lịch sử thì mình không thay đổi được. Nhưng có những "chiếc đinh" sai, hời hợt.. vẫn có thể thay thế. Sách giáo khoa lịch sử vẫn còn ghi cuộc khởi nghĩa Hoan Châu của Mai Thúc Loan năm 722. Như thế, mới nổ ra đã bị dập tắt, trong khi nhiều cuốn sách của ta và của Trung Quốc như "Đại Việt Sử kí Toàn thư", "Việt điện u linh", "Khâm định Việt sử thông giám cương mục", "Hương Lãm Mai Đế ký", "Đại Việt sử ký tiền biên", "Đại Nam thống nhất chí", "Lịch triều hiến chương loại chí", "Nghệ An ký", "Đại Nam thực lục", "Thiên Nam ngữ lục"…; các bộ sử Trung Quốc như Tân Đường thư, Cựu Đường thư, Tống sử giám, Quảng Tây thông chí…; một số tài liệu gần đây như Kỷ yếu Hội thảo khoa học kỉ niệm 1300 năm khởi nghĩa Hoan Châu (do Viện Hàn lâm KHXHVN phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức tại Nam Đàn, Nghệ An năm 2013); Mai Hắc Đế, truyền thuyết và huyền thoại (tác giả Đinh Văn Hiến, Đinh Lê Yên)…đều ghi cuộc khởi nghĩa rất lớn này nổ ra năm 713, bị nhà Đường đưa đại quân sang đàn áp năm 722 và năm đó thành Tống Bình mới thất thủ.
Làm nghệ thuật, chúng ta có quyền hư cấu, biến tấu để lịch sử không bị "đóng băng", khô cứng, nhất là cho phép nhà văn mặc sức "nhào nặn" các nhân vật phụ. Trong vở "Mai Hắc Đế", tôi đưa nhân vật Vương Bột vào đối thoại với Mai Thúc Loan, không gian mờ ảo, huyền thoại, thấm đẫm chất văn hóa, dạt dào thi ca đã góp phần tạo nên tính hấp dẫn cho vở kịch. Tôi muốn gửi gắm một thông điệp rằng người Việt rất công bằng, ai đến đây xâm lược thì chúng tôi sẽ đánh cho không còn mảnh giáp, nhưng nếu họ đến với tư cách là sứ giả của thi ca, hòa bình thì chúng ta mở rộng vòng tay giao hảo, người có tài có đức được tôn thờ như Vương Bột chẳng hạn. Bằng chứng giờ vẫn có đền thờ Vương Bột ở Nghệ An.
Hơn nữa, những nhân vật tôi viết đều là những con người mà tôi đã đọc, nghiên cứu về họ rất sâu. Nó ngấm vào máu, trở thành nỗi ám ảnh của mình. Vì làm được điều trên, tôi luôn tôn trọng sự sáng tạo của đạo diễn, đồng ý để đạo diễn và ê kíp "phù phép", dù họ ít tuổi hơn mình, trong một góc nhìn nào đó, họ là cấp dưới của mình.
Điều này, theo tôi, không phải ai cũng có thể chia sẻ. Tất nhiên, tôi khá kỹ lưỡng trong công việc, khi dựng vở, tôi khuyến nghị và tạo điều kiện cho đạo diễn và diễn viên đi "thực tế" vùng đất, không gian mà nhân vật đã sống, hoạt động; tìm hiểu kỹ đời sống người dân nơi đó, ăn cơm, uống nước chè xanh, nghe họ hát dân ca, tạo cho họ hóa thân, nhập vai với nhiều xúc cảm, để tác phẩm không bị xa rời lịch sử, xa rời đời sống. Họ đã đi hàng trăm km lên tận Đồng Văn- Mèo Vạc để thấm, hiểu, thậm chí vui buồn, đớn đau, hạnh phúc với "Chuyện tình Khâu Vai", rồi về Nam Đàn - Nghệ An để hiểu về cụ Mai Hắc Đế, những người thân trong gia đình cụ cách nay 1300 năm; về Yên Thành, Nghệ An để hiểu về thân thế, quê hương, sự nghiệp của cụ Phan Đăng Lưu…
Các diễn viên chính trong vở cải lương “Chuyện tình Khâu Vai”. |
- Những câu chuyện ông viết về các nhân vật lịch sử từ rất lâu rồi nhưng vẫn mang thông điệp của thời đại như tinh thần đoàn kết các vùng miền, dân tộc, đoàn kết quốc tế, sự xả thân vì đất nước của những người lãnh đạo. Phải chăng, đó là cốt lõi trong sức sống của những tác phẩm của ông?
+ Từ tư tưởng của cụ Mai Hắc Đế, sự liên kết trong ngoài để đánh đuổi ngoại xâm, đến cụ Phan Đăng Lưu, gần chúng ta hơn, đều cho thấy họ là những con người xả thân vì đất nước. Như Bác Hồ từng nói, Đảng không có một lợi ích nào khác ngoài hạnh phúc của nhân dân, thế hệ của Bác, của các nhà cách mạng tiền bối như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, họ là những người khi đi làm cách mạng là cầm chắc chuyện tù đày, cầm chắc cái chết, nhưng lòng rất thanh thản. Họ sẵn sàng xả thân vì một lý tưởng rất cao đẹp. Thực tế, không ai làm vấy bẩn Đảng bằng chính các đảng viên vì những toan tính thấp hèn.
Từ Đại hội XII trở về trước, chúng ta đã có một chặng đường dài hơn 80 năm của Đảng, 30 năm Đổi mới của đất nước. Đây là thời điểm chúng ta nhìn lại, soi mình trong mắt người dân. Nếu Đảng cùng sống chết với dân, no đói với dân, vui buồn với dân thì Đảng mới là lực lượng lãnh đạo có uy tín của cách mạng, Đảng của Dân, "lòng dân yêu Đảng như là yêu con" câu thơ của Tố Hữu hay quá, sâu sắc quá, "đời" quá! Làm sao Đảng dám xả thân vì nhân dân, như cụ Mai Hắc Đế, như nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Sự hy sinh của các tiền nhân nhẹ tựa lông hồng, họ coi cái chết rất thanh thản, chết vì dân và sống cũng vì dân. Điều này, có thể giờ mọi người coi là sáo mòn, nhưng nếu anh nói bằng con tim, khối óc rất tỉnh táo thì không hề sáo rỗng.
- Ở vị trí của ông, công việc rất bận rộn, ông dành thời gian lúc nào cho sáng tạo?
+ Tôi thường viết sau 22h đêm, mọi người đi ngủ thì tôi làm việc. Tôi quen với việc thức muộn đến 1-2 sáng. Làm những vở lịch sử, công đoạn sưu tập, xử lý tài liệu rất công phu, kỹ lưỡng, còn khi viết lại khá nhẹ vì mình đã ngấm và hiểu sự kiện, nhân vật, bối cảnh lịch sử, đã hóa thân vào câu chuyện. Tuy nhiên, tôi cũng bị áp lực rất lớn khi viết. Vì công việc hiện nay tôi đang gánh vác, nếu viết sai, viết dở, viết ẩu, chắc là "búa rìu" dư luận cũng nhiều hơn, nặng hơn.
- Có lúc nào ông thấy con người chính trị mâu thuẫn với con người sáng tạo trong ông hay không?
+ Tôi có một bản tự kiểm điểm vui bằng thơ, xin nói rõ là khá tếu táo, tự giễu mình là chính, cho vui, mở đầu bằng "Ngẫm mình công ít tội nhiều/ gặp người má thắm dễ liêu xiêu lòng/ Công danh tạm gọi là xong/ Tình tang, thơ thẩn đèo bòng chưa qua…”. Thơ thì ít, thẩn thì nhiều, ai nghe, xin đại xá!
- Có lẽ chừng ấy cũng đủ hiểu con người ưu thời mẫn thế trong ông. Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.