Phố Hoài - Bức tranh lập thể về tinh hoa Hà Nội

07:59 28/03/2020
“Phố Hoài” là tác phẩm mới nhất của nhà văn Trần Thị Trường. Tác giả cho biết, cuốn sách được chị viết trong 10 năm. Nhưng có lẽ, thời gian thai nghén phải tính bằng chính cuộc đời chị. Bởi ở đó, người đọc có thể thấy những câu chuyện diễn ra trong quãng thời gian xấp xỉ 70 năm. Đó cũng là thời gian Trần Thị Trường trải nghiệm trên cõi nhân gian.


“Phố Hoài” không được tác giả định dạng thể loại. Cuốn sách gần 400 trang khổ lớn, nhưng không phải tiểu thuyết, không phải truyện dài, cũng không phải tự truyện. Nhân vật trong tác phẩm vừa có những tên tuổi rất thật, vừa có bóng dáng những nguyên mẫu trong đời thực được tác giả "tái tạo/làm mới” cho phù hợp với chủ đích sáng tác. Và vì thế, “Phố Hoài” trở thành một tác phẩm văn học theo một phong cách hoàn toàn mới.

Trên trang cá nhân của mình, nhà văn Nguyễn Thành Phong nhận xét, đây là một tác phẩm "trộn lẫn tất cả các thể loại, từ ghi chép, tản văn, bút ký báo chí, đến như truyện ngắn, và có những chương được dựng nên bằng trí tưởng tượng bởi bút pháp tiểu thuyết. Tất cả là để truyền tải một miền ký ức”.

Nhà văn Trần Thị Trường.

Trong lời đề tựa, nhà văn Tạ Duy Anh, người biên tập tác phẩm, nhận xét: “Phố Hoài là một bảo tàng ngôn ngữ về thời bao cấp, về thời dại dột, về thời lãng mạn và điên rồ, về thời đau khổ đầy hãnh diện nhưng cũng nhiều oán hận, vừa đáng ghi nhớ vừa muốn quên đi thật nhanh. Ở đó con người sống, yêu và làm việc như chạy trốn, một cuộc chạy trốn tuyệt vọng để cuối cùng chỉ tìm thấy một lối thoát duy nhất là phải tiếp tục dấn thân mạnh mẽ hơn vào chính cái cuộc đời đáng sợ ấy”.

Vì sao Tạ Duy Anh lại gọi tác phẩm là "bảo tàng ngôn ngữ”? Lần đầu tiên tôi biết đến một cách định danh như vậy về một tác phẩm văn học. Đó là một nhận xét không thể chí lý hơn. Các nhân vật trong “Phố Hoài” không được khắc hoạ theo cách của các tiểu thuyết gia truyền thống, nghĩa là đi sâu giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, phân tích diễn biến tâm lý dẫn đến hành vi.

Những thông tin như vậy về nhân vật đều được Trần Thị Trường khéo léo giới thiệu như một sự tình cờ ngẫu nhiên, thấy cần thì nói thêm một chút cho rõ hơn. “Phố Hoài” cũng không có quá nhiều xung đột kịch tính.

Tất cả các nhân vật, sự kiện trong “miền ký ức” của tác giả đều được trình bày bằng ngôn ngữ giản dị, và hiện lên chân thực như những hiện vật bảo tàng. Và những câu chuyện của các “hiện vật” này tạo nên hồn cốt của tác phẩm.

Nhà văn Nguyễn Thành Phong viết thêm: "Trong lịch sử Hà Nội hiện đại, có nhiều hạng người. Có công dân hạng một, hạng hai, hạng ba... cho đến lớp người bần hàn. Họ đi qua lịch sử với nhiều tư thế…”. Tác phẩm văn xuôi mới nhất của nhà văn Trần Thị Trường là câu chuyện chủ yếu về những nhân vật "Hà Nội hạng hai" trở xuống.

Rồi ông chỉ ra những điểm mấu chốt trong tác phẩm: "Lớp công dân hạng hai này đã phải sống khốn khổ, nhọc nhằn, nhưng chính họ góp lại mà thành hào hoa văn hiến Hà Nội. Họ có vùi mình làm nghề móc cống trong những không gian đen tối và thối hoắc để kiếm sống, thì họ vẫn cứ hào hoa và tiếp tục sáng tạo nên hào hoa... Họ có thể bị đày ải triền miên trong tù tội, trong đè nén, bất an, thì họ vẫn trung trinh với nghệ thuật, với con người mà họ đã lựa chọn ... Họ có thể đã trao thân, hay trao tình, ngỡ như một thời khắc bồng bột của tuổi trẻ, mà rồi mãi mãi dài lâu chỉ sống duy nhất với tình đầu ấy...".

Không sai. Những nhân vật trong “Phố Hoài” đều là trí thức đã góp phần tạo nên cốt cách Hà Nội - một Hà Nội của những người có học thức sâu rộng, phong cách hào hoa, bản tính trung trinh, và tinh thần dấn thân vì dân tộc, quốc gia, vì cộng đồng.

Thực sự, họ đều là những tinh hoa của Hà Nội. Nhưng sau 1954, với thiên kiến chính trị và sự phân niệt thành phần xuất thân, họ đã trở thành những công dân hạng hai. Bởi họ không thuộc thành phần công nhân hay nông dân, những thành phần được xem là cơ bản và kiên định. Lớp lớp tinh hoa Hà Nội bị dán nhãn “tiểu tư sản”, bị “lề” hóa, bị chối bỏ. Đoạn trường của họ cũng là đoạn trường của Hà Nội. Bi kịch của tinh hoa khiến cho nếp sống Hà Nội trở nên xô bồ, lệch lạc và phần nào đó còn bị “nông thôn hóa”, cho trở nên “cơ bản”.

Tuy nhiên, đã là tinh hoa thì không dễ chết, và không thể chết. Họ có thể ẩn thân, nhưng không khuất thân. Với những cách thức cương nhu khác nhau, các nhân vật chính trong “Phố Hoài” vẫn thản nhiên đương đầu với sự áp đặt của thể chế và kỳ thị xã hội.

Sức sống mãnh liệt của những người Hà Nội chân chính thật đáng nể. Đúng như Nguyễn Thành Phong nhận xét, cho dù cuộc sống có như thế nào đi nữa, “thì chính lớp người này vẫn không, hoặc rất ít bị tha hoá, bị biến mất chất người. Vì thế, những phẩm chất này rồi sẽ được truyền lại cho những đời sau. Đó cũng chính là hy vọng của tương lai Hà Nội.”

Tác phẩm mới của nhà văn Trần Thị Trường.

Toàn bộ “Phố Hoài” toát lên vẻ “thật thà” thật. Nhưng đó là cái thật thà của cuộc sống vốn đã từng diễn ra. Ngôn ngữ văn chương đang ngày một khác. Thủ pháp văn học cũng vậy. Nhà văn có thể tưởng tượng ra nhiều thứ, trừ sự thật. Trí tưởng tượng của nhà văn dù có phong phú đến đâu cũng không thể tạo nên những bức tranh sống động hơn cuộc sống từng diễn ra và đang biến đổi ngày một nhanh. Không phải lúc nào và ở đâu sự duyên dáng chữ nghĩa hay khôn khéo trong bút pháp cũng mang lại những hiệu ứng như mong đợi.

Theo tôi, phương pháp thể hiện theo lối “bảo tàng hóa” các nhân vật và sự kiện ở “Phố Hoài” là sự lựa chọn khôn ngoan, chính xác, và cần thiết của nhà văn Trần Thị Trường. Nó mang lại những hiệu ứng thực sự rất khác so với những tác phẩm viết về thời bao cấp hay bi kịch tinh hoa từng được xuất bản trước đó.

Hơn nữa, cũng chính ở chỗ này, bạn đọc mới thấy được bút lực thâm hậu của Trần Thị Trường: trên nền của hiện thực, chị gợi ra một không gian ảo với những thế lực vô hình, vô ảnh, nhưng quyền lực và áp lực thực sự đáng sợ. Nó có thể triệt tiêu “cái Tôi” của những người thiếu bản lĩnh, có thể đẩy mỗi người vào những bi kịch khác nhau. Nhưng nó không hiển hiện thành một nhân vật văn học cụ thể, điển hình cho quyền lực của cái ác, cái xấu xa, đê tiện. Người đọc chỉ có thể cảm nhận được nó thông qua bi kịch của mỗi nhân vật trong tác phẩm. Đó chẳng phải là sự ảo diệu của ngòi bút mang tên Trần Thị Trường sao?

Mặc dù người đọc cảm nhận được sự bức bối, khốn khổ của cuộc sống của trí thức Hà Nội, trong toàn bộ tác phẩm lại chỉ có vài ba nhân vật gợi nên những cảm nhận về một lớp người xấu xa đê tiện. Nhưng ngay cả những nhân vật này cũng không phải là nguyên nhân chủ đạo tạo nên bi kịch của các nhân vật tinh hoa.

Thậm chí, chính bản thân họ cũng là nạn nhân. Trong “Phố Hoài”, chỉ có một câu chuyện gia đình mang dáng dấp xung đột theo hai tuyến - chính diện và phản diện. Người vợ là nhân vật duy nhất được nhà văn khắc hoạ như một điển hình về sự vị kỷ, tráo trở và đê tiện có chủ đích. Những nhân vật khác chỉ đu theo dòng đời và gắng sống cho phải đạo cốt để yên thân.

“Phố Hoài” có nhiều nhân vật, nhiều mảnh đời, nhiều câu chuyện riêng lẻ. Mỗi nhân vật, mỗi mảnh đời đều gắn với một câu chuyện cụ thể. Giữa các câu chuyện có thể không có sự liên hệ hữu cơ, nhân quả. Nhưng Trần Thị Trường không trình bày tác phẩm theo một tuyến thời gian từ xa đến gần. Các câu chuyện được chị ghép liền nhau, hoặc chồng lên nhau.

Mỗi câu chuyện như một mảng màu riêng, chỉ đến khi đọc hết tác phẩm, người đọc mới hiểu được toàn bộ thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Với cấu trúc như vậy, có thể coi “Phố Hoài” là một bức tranh lập thể tổng hợp về bi kịch tinh hoa Hà Nội.

Tôi muốn mượn lời nhà văn Nguyễn Thành Phong để khép lại bài viết: “Trần Thị Trường đã bền bỉ và dũng cảm viết nên tác phẩm này. Nhà văn thẳng thắn đề cập đến những sai lầm, trung thực với cảm nhận của mình, nhưng không hề cay cú, phẫn uất. Tác phẩm này tràn đầy yêu đương, thương nhớ những gì đã qua và vì thế mà nồng hậu hy vọng dành cho những gì đang tới!”.

Mai Thanh Sơn

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên sau hơn 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước, đưa quan hệ hai nước bước vào chặng phát triển mới, với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác được thúc đẩy thực chất và hiệu quả hơn.

Ngày 30/3, ghi nhận giá lợn hơi tiếp tục giảm, ở miền Bắc, giá lợn tiếp tục giảm xuống mức giá 66.000-67.000 đồng/kg, trong khi đó, TP Cần Thơ hiện có giá lợn hơi cao nhất cả nước, ở mức 76.000 đồng/kg.

Trước tính cấp bách trong việc xây dựng tuyến đường ven biển phía Nam khu vực TP Hồ Chí Minh, ngày 13/3 vừa qua ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTCC thành phố đã gửi kết quả sơ bộ phương án tuyến đường này đến Sở Xây dựng và Liên danh tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh để các đơn vị này tiếp tục hoàn thiện…

Trong cuộc họp báo với Tổng thư ký NATO tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hồi giữa tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa tuyên bố, Mỹ quản lý Greenland là cần thiết để tăng cường an ninh quốc gia và quốc tế. Thực tế, sự quan tâm của ông Trump đối với Greenland lần đầu tiên được bày tỏ vào năm 2019, nhưng chưa bao giờ phát triển thành bất kỳ hành động nào. Nhưng nay, sau 6 năm, người đứng đầu Nhà Trắng lại đang liên tục hối thúc và nỗ lực để Mỹ sớm sở hữu hòn đảo bán tự trị này của Đan Mạch.

Sáng 30/3, tại Hà Nội, Đại tá Phạm Hữu Thinh, Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đã đến kiểm tra, động viên CBCS lực lượng Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh CSCĐ đang chuẩn bị cùng Đội cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an sang Myanmar tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ sau trận động đất xảy ra ngày 28/3, gây hậu quả nặng nề về người và tài sản.

Ngày 30/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Thanh Tân (SN 1989, tạm trú tổ 74, khóm Đông Thịnh 5, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, An Giang) về hành vi “Hủy hoại tài sản”.

Sáng 30/3, tại trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị đã tổ chức buổi gặp mặt, động viên và giao nhiệm vụ cho sáu CBCS ưu tú thuộc tổ Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đặc biệt tinh nhuệ trước khi lên đường tham gia Đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an tại Myanmar.

Được cho là va quẹt giao thông nhưng các phương tiện không hề hấn gì nhưng những người trên xe ô tô 16 chỗ và người điều khiển xe máy tỏ vẻ “nóng nảy”, dừng phương tiện đánh nhau giữa đường…

Có mặt tại các điểm thi kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 năm 2025 do Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG - HCM) tổ chức sáng 30/3, nhiều thí sinh hồi hộp trước giờ thi, có em được phụ huynh đưa đi thi nên cũng an tâm, nhưng đây là kỳ thi quan trọng, dù khá tự tin nhưng các em vẫn có chút lo lắng.

Ghen vì người yêu cũ quen người mới, Lan Anh (16 tuổi) nhắn lên nhóm chat kín có tên “Động yêu tinh” với nội dung “Tất cả chuẩn bị đi bừa” (đánh nhau). Đúng 5 tiếng sau, hàng chục thanh thiếu niên di chuyển trên 20 xe máy cầm theo kiếm Katana và dao quắm tập trung tại khu vực quận Long Biên (Hà Nội) để đi giải quyết mâu thuẫn cho “đàn chị”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.