Sự từ chối đúng lúc

14:36 12/09/2019
Chỉ trong vài ngày, chuyện đồng loạt các ca sỹ, nghệ sỹ Việt Nam rút khỏi đề cử của giải thưởng Asia Artist Awards 2019 (AAA) đã thực sự tạo nên một làn sóng mạnh mẽ có thể khiến Ban tổ chức giải thưởng phải nghĩ đến chuyện thay đổi nội dung của lễ trao giải được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam. 

Và hiệu ứng của sự quay lưng hàng loạt ấy cũng làm dấy lên rất nhiều câu hỏi trong cộng đồng người hâm mộ showbiz. Nhưng nếu nhìn nhận sự việc một cách khách quan, chúng ta có thể nhận thấy rằng, dù là tự phát đi nữa, chuyện rút lui của hàng loạt ngôi sao giải trí Việt lần này là đúng lúc, và phù hợp.

Thực tế, AAA không phải là một giải thưởng uy tín và lâu đời, dù nó có vẻ đình đám trong vài năm gần đây. Được xây dựng bởi một tạp chí của Hàn Quốc (Money Today) cùng hai thương hiệu truyền thông cũng của Hàn Quốc là StarNews và MTN, AAA mới chỉ trải qua 3 mùa trao giải mà thôi.

Cả ba mùa, lễ trao giải đều được tổ chức ở Hàn Quốc (hai lần ở Seoul và một lần ở Incheon) và ở mùa giải 2019 này, Ban tổ chức quyết định đưa lễ trao giải về Việt Nam (Sân vận động Mỹ Đình). Lý do khá đơn giản: lực lượng người hâm mộ văn hoá đại chúng Hàn Quốc ở Việt Nam rất đông và Việt Nam là một thị trường mà ngành giải trí Hàn Quốc đã và đang khai thác rất mạnh mẽ suốt nhiều năm qua để tạo lợi thế cho các nhãn hàng và sản phẩm Hàn Quốc ở thị trường này.

Việc AAA được tổ chức ở Việt Nam ban đầu thu hút khá nhiều sự quan tâm của những nghệ sỹ giải trí trong nước, nhưng ít ai ngờ rằng chẳng bao lâu sau đó, lần lượt các cái tên như Erik, Đức Phúc, Chi Pu, Nhan Phúc Vinh, Only C, Lou Hoàng… đều tuyên bố quay lưng lại với giải thưởng, dẫn tới việc Ban tổ chức phải đóng cổng bình chọn cho hạng mục "Nghệ sỹ Việt được yêu thích nhất".

Như vậy,  ý đồ tạo ra một hạng mục giải thưởng cho người Việt để phù hợp với việc đưa lễ trao giải về Việt Nam đã phá sản và nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lễ trao giải lần này rất nhiều.

Được biết (từ vài nghệ sỹ muốn giấu tên), ban đầu Ban tổ chức có ý định mời Sơn Tùng M-TP tham gia vào hạng mục giải thưởng, nhưng nam ca sỹ gốc Thái Bình đã từ chối. Lời từ chối ấy là hoàn toàn bình thường, bởi với những gì mà Sơn Tùng đã đạt được, việc tham gia vào một giải thưởng chưa nhiều bề dày, nặng tính thương mại như AAA là chuyện không cần thiết. Nhưng động thái dùng bộ đôi Jack & K-ICM để thay thế Sơn Tùng M-TP đã khiến khá nhiều nghệ sỹ giải trí Việt Nam phật lòng.

Một ca-nhạc sỹ trẻ nổi tiếng cho biết "Đứng chung với Jack & K-ICM thì nhiều người rút là phải bởi họ gần như đoạt giải chắc chắn rồi. Hơn nữa, cái cách bình chọn có vẻ không được rõ ràng lắm". Nhiều nghệ sỹ khác cũng cho biết, bản thân AAA ở Hàn Quốc cũng bị chỉ trích khá nhiều và việc họ từ chối AAA cũng bởi cách mời tham dự của Ban tổ chức là rất nghiệp dư nên nghệ sỹ Việt cảm thấy không được tôn trọng.

Ngoài ra, việc mỗi tin nhắn bình chọn có chi phí tới 15 ngàn đồng cũng khiến đa số nghệ sỹ Việt cân nhắc khi mà khán giả của họ là học sinh, sinh viên.

Chuyện nhận lời hay từ chối một sự kiện nào đó hoàn toàn là quyết định rất cá nhân của mỗi người, nhưng có thể nhận thấy sự phản ứng này là một tín hiệu tích cực. Chúng ta đã nhận thấy, và nói rất nhiều về chuyện văn hoá đại chúng Hàn Quốc đang xâm thực và tạo ảnh hưởng quá mạnh lên giới trẻ Việt Nam nhiều năm qua. Chính điều đó đã khiến nhiều nghệ sỹ, công ty giải trí Việt Nam đi theo mô hình Hàn Quốc.

Và khi họ mang một giải thưởng của họ, dù mang tiếng là "Giải thưởng nghệ sỹ châu Á" sang trống rong cờ mở ở ngay trên đất nước chúng ta mà thiếu đi sự trân trọng với nghệ sỹ bản địa, chắc chắn việc quay lưng lại với giải thưởng ấy là một thái độ đúng đắn.

Và cũng từ sự quay lưng lại với giải thưởng AAA này, có lẽ cũng đã đến lúc nghệ sỹ giải trí và người hâm mộ Việt Nam cần phải tỉnh thức để không bị ảnh hưởng, trở thành những bản copy của người Hàn Quốc. Giữ được cái chất của Việt Nam, người nghệ sỹ Việt sẽ càng có giá trị hơn.

Đặc biệt là ở trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà sự copy quá mức của nhiều nghệ sỹ trẻ đã khiến cho các công ty giải trí Hàn Quốc cho rằng họ có thể xem nhẹ chính một lực lượng đã ủng hộ và cổ xúy họ mạnh mẽ trong nhiều năm qua. 
Văn Đoàn

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文