Trái tim nhỏ chớ pha màu chất xám

10:31 11/04/2019
"Nên nhớ, một sáng kiến táo bạo mà thiếu cân nhắc kỹ lưỡng, thường bại hơn là thành. Một dân tộc mà tính liều lĩnh vượt qua cả sự khôn ngoan, thường hay chìm vào bể dâu".


Một người bạn của tôi đã viết như thế khi đề cập đến trường hợp em bé Vi Quyết Chiến, 13 tuổi, một mình đạp xe từ Sơn La xuống Hà Nội thăm em trai sinh non đang nằm viện. Hàng trăm người cũng đã đồng tình với cái nhìn đó, hơi nâng quan điểm một chút, để phê phán đó là hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ, dại dột... không nên khuyến khích. Người nóng nảy còn cho rằng với cậu bé ấy, phụ huynh, người lớn nên tháo thắt lưng hơn là khen ngợi, thán phục.

Tôi nghĩ khác. Bạn viết không sai. Nhưng tất cả những lời khuyên, phân tích về trách nhiệm, lý trí, hiểu biết... nên dành cho người lớn, bởi đó là tư duy và trách nhiệm của người lớn. Lỗi, nếu có, là người lớn không quan tâm đầy đủ với trẻ em để giữ chúng lại đúng lúc, đúng mức trong cái lý nên - cần.

Còn em bé ấy, mới 13 tuổi, tất cả những điều đó nếu có tồn tại trong đầu thì cũng rất mờ nhạt, mờ hơn rất nhiều tình anh em đã thôi thúc cháu. 13 tuổi, ai trong chúng ta không từng nhìn đời bằng tam đoạn luận "có đường thì mình đi, người ta đi được mình đi được, đi là sẽ tới?". Với tôi, đó là vẻ đẹp nông nổi của nghị lực, hồn nhiên nhưng không đáng trách.

Tôi khẳng định: em bé ấy có kỹ năng sống tốt gấp nhiều lần bạn bè cùng tuổi ở nơi khác, hoàn cảnh khác. Đối với em, vượt đèo dốc từ Sơn La xuống Hà Nội chẳng qua chỉ là việc nối dài, nhân lên nhiều lần con đường mấp mô trong làng trong bản của em thôi. Em không định lập kỳ tích, chỉ bị thôi thúc bởi khao khát được nhìn thấy đứa em trai. Em không băn khoăn việc dùng xe đạp không phanh vượt hàng trăm cây số đèo dốc là anh hùng hay liều lĩnh. Đi để được gặp, được thơm lên má đứa em bé bỏng mới sinh đang ốm nằm viện thì không liên quan gì đến anh hùng hay liều lĩnh.

Đừng gọi việc dùng dép phanh xe khi đổ dốc của em là ngốc nghếch, thiếu hiểu biết hay dại dột. Đó là kỹ năng đấy. Tôi thích nghĩ xa hơn: những má phanh tốt giúp ta an toàn hơn trên đường, nhưng nếu chỉ trông chờ, phụ thuộc vào những má phanh trách nhiệm, đường đời ta chắc chắn sẽ chậm lại, chẳng đi tới đâu xa được cả.

Sự dại dột, vì thế càng đáng khâm phục và cảm động. Xin đừng vụt thắt lưng lên giấc mơ con trẻ. Không phải cuộc sống này tốt đẹp hơn bởi khá nhiều điều điên rồ xuất phát từ yêu thương đó sao? Và, những gì đi ra từ trái tim thì không bao giờ là điên rồ hay ngu ngốc. Em bé ấy không làm đúng như điều người lớn mong muốn, nhưng lại dám làm rất đúng với điều em muốn. Và đã làm được. Một kỳ tích cho chính đời em đã được xác lập mà không định trước.

Người lớn luôn nhìn thấy phần trách nhiệm, luôn đòi trẻ em phải "già nua" minh định đúng sai mà quên mất việc lắng nghe giấc mơ con trẻ. Cũng quên mất, những lời khuyên ấy là trách nhiệm của chính mình. Tôi không phải kẻ nổi loạn, không khuyến khích hay tụng ca sự liều lĩnh, chỉ đơn giản là tôi cảm động. Giữa hỗn mang những bại hoại tình người, tôi nhìn thấy ven đường nét đẹp của một bông hoa hoang dại. Quan trọng là em bé ấy đã đến Hà Nội bình an. Nếu không dám đặt chân lên pedal và phanh xe bằng dép, hẳn là em đã không có cơ hội đó. Nếu không dám đi, vĩnh viễn em cũng không bao giờ biết mình có thể đi nổi hay không. Nếu to tát kiểu người lớn, sao không nghĩ em bé ấy đã rớt lại dọc đường ở Hòa Bình, nhưng đã và sẽ không rớt lại trong suốt đường đời?

Dẫu sao, kết thúc câu chuyện vẫn là sự bình an, có hậu. Tôi không nhìn câu chuyện theo kiểu một bài học giáo dục công dân tiểu học. Tôi muốn đọc chuyến đi như một đoạn thơ. Vậy thì thôi, cân phân sai đúng làm gì? Đời vẫn đẹp. Và "trái tim nhỏ chớ pha màu chất xám"!

Đó cũng là một câu thơ mà một người bạn khác của tôi từng viết.
Nguyễn Hồng Lam

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

Ngày 1/5, Công an TP Cần Thơ cho biết, cơ quan điều tra đã bắt giữ đối tượng Võ Chí Cường (SN 1995, ngụ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) để làm rõ về hành vi giết người và cố ý gây thương tích. Cường bị bắt khi đang lẩn trốn ngoài cánh đồng tại ấp Thới Trung, xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ).

Từ trưa 1/5, sau 5 ngày nghỉ lễ, người dân từ khắp các tỉnh thành đã quay trở lại Hà Nội. Theo đó, trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, hướng về trung tâm Hà Nội, lượng phương tiện cũng gia tăng nhanh chóng dẫn đến tình trạng ùn ứ, các phương tiện di chuyển chậm dần.

Ngót 70 năm trước, để có được chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thực hiện trọn vẹn khát vọng hòa bình, độc lập, tự do bằng ý chí tự lực, tự cường, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương. Đằng sau kỳ tích xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,… đã có những sự hy sinh thầm lặng.

LTS: Ngày 27/4/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Thái Nguyên triển khai 6 mô hình điểm về Đề án 06. Đến ngày 30/6/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ phối hợp UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai 21 mô hình điểm về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (bao hàm 6 mô hình nêu trên). Đến nay, sau gần một năm triển khai, 17 mô hình cơ bản hoàn thành, 4 mô hình đang thực hiện, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文