Tranh giả: Chống bằng cách nào?

08:10 17/08/2017
Chuyện thị trường tranh Việt Nam ngập tràn tranh giả, tranh chép dẫn đến việc các nhà sưu tầm mất niềm tin và khiến cho hội họa khủng hoảng đầu ra trong một giai đoạn khá dài đã không còn mới nữa.Nhưng khi tờ New York Times có một bài báo của ký giả Richard C.Paddock với tiêu đề "Nghệ thuật Việt Nam chưa bao giờ hút khách đến thế, nhưng thị trường tràn ngập đồ giả" thì câu chuyện cũ ấy bỗng dậy sóng trở lại.


Và ngay lập tức, giới hội họa trong nước đã đưa ra những quan điểm riêng của mình về vấn nạn ấy. Thậm chí, có những họa sỹ còn mong mỏi có biện pháp xử lý hình sự đối với nạn tranh giả.

Thực tế, đề xuất xử lý hình sự đối với nạn tranh giả của giới họa sỹ là một đòi hỏi chính đáng. Ví dụ như trường hợp của họa sỹ Phạm An Hải chẳng hạn. Bức tranh "Dư âm phố" của ông vẫn còn được lưu giữ tại nhà nhưng lại có một khách hàng mua bức tranh y chang từ nhà ông Bảo Khánh, một người quen của hoạ sỹ Phạm An Hải, và chắc chắn đó là tranh giả.

Họa sỹ Phạm An Hải đã chụp bức tranh của mình để giới thiệu trên mạng xã hội và đó chính là cơ sở để những kẻ làm tranh giả có thể sao chép lại. Rõ ràng, ở vụ việc này, dấu hiệu hình sự là có và việc xử lý hình sự nếu có cũng hoàn toàn hợp lý. Giả sử có một vài vụ án điểm xử lý hình sự những đối tượng làm tranh giả, chắc chắn nó sẽ có tác động mạnh mẽ đến hoạt động ngầm trong thị trường hội họa và khiến nhiều kẻ đang rắp tâm muốn làm tranh giả, tranh nhái sẽ phải chùn tay.

Nhưng thực chất, vấn đề của hội họa Việt Nam có phải chỉ nằm ở tranh giả? Không đơn giản như vậy. Nếu thực tế chỉ có một lực lượng chuyên đi "chép tranh" khiến các họa sỹ phải lao đao, mất uy tín thì việc xử lý hình sự có thể giúp ngăn chặn phần nào.

Song, có không ít họa sỹ đã tự sao chép chính tranh của mình. Đây chính là hành vi chống lại nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật, nguyên tắc trân trọng tuyệt đối giá trị nguyên bản. Và việc tự sao chép chính mình này có thể xử lý hình sự được không? Rất khó. Đơn giản, nó do chính tác giả làm ra thì không thể nào nói đó là tranh giả, tranh nhái, giống như việc làm hàng giả, hàng nhái đơn thuần.

Vậy thì đâu là giải pháp thực sự để làm sạch thị trường tranh Việt Nam, đặc biệt ở giai đoạn quốc tế bắt đầu có sự quan tâm trở lại đối với mỹ thuật Việt Nam và thời đại bắt đầu cho thấy các giá trị văn hoá đang là nền tảng vững chắc để thúc đẩy phát triển nền kinh tế? Mọi biện pháp xử lý được đề xuất, như kiến nghị xử lý hình sự nêu trên, thực ra chỉ là chữa bệnh, chứ không phải phòng bệnh. Phòng bệnh mới trị được vào căn nguyên của căn bệnh và những người chịu trách nhiệm phòng bệnh không ai khác, chính là giới hội họa.

Đã đến lúc Hội Mỹ thuật Việt Nam nên thành lập một hội đồng xác nhận tác phẩm, với tiêu chí: nhanh, nhạy, chuẩn. Ví dụ, một họa sỹ A, sau khi sáng tác 1 tác phẩm, có thể gửi đến Hội Mỹ thuật yêu cầu xác nhận bản gốc và trong vòng 1 ngày, Hội cung cấp chứng thư xác nhận ấy (tất nhiên là song ngữ, có ghi chú rõ ngày sáng tác, có đóng dấu xác nhận sau lưng bức tranh).

Với bản xác nhận của Hội Mỹ thuật, một pháp nhân thứ ba, họa sỹ nắm trong tay 2 văn bản quan trọng nhất là chứng thư của Hội cùng xác nhận xuất xứ do chính mình cung cấp. Trình tự ấy chắc chắn không thể được thực hiện với các bức tranh giả. Còn với tranh chính họa sỹ tự sao chép lại tác phẩm của chính mình, họ cũng không có cách nào để xin được 1 chứng thư của Hội Mỹ thuật cho 2 sản phẩm cùng một tiêu bản.

Và nếu hoạt động của hội đồng thẩm định cung cấp chứng thư của Hội Mỹ thuật linh động, như một dịch vụ có thu phí đàng hoàng, Hội hoàn toàn có thể đến tận xưởng vẽ của họa sỹ để cung cấp chứng thư khi có yêu cầu.

Tất nhiên, đó là giải pháp cho hiện tại và tương lai, chứ không phải cho những tác phẩm quá khứ, nhất là của những tác giả quá cố. Nhưng nếu không có giải pháp cho hiện tại và tương lai, số lượng tranh không minh định nguồn gốc ở Việt Nam sẽ càng dày thêm lên, càng khiến mỹ thuật Việt Nam xuống giá một cách thảm hại.
Văn Đoàn

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Kyiv Independent ngày 21/11 (giờ Việt Nam) đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng John Healey từ chối xác nhận các báo cáo về việc Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, nhưng ông John Healey đồng thời nêu rõ các hành động của Ukraine trên chiến trường nói lên tất cả.

Sau khi đạt được thỏa thuận, Vũ cung cấp địa chỉ nhận vợt từ nạn nhân nhưng không gửi lại vợt như đã cam kết. Để tạo lòng tin, Vũ còn tạo các hóa đơn vận chuyển giả nhằm đánh lừa nạn nhân rằng mình đã gửi hàng. Sau khi chiếm đoạt được tài sản, Vũ nhanh chóng bán lại trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) khác để thu lợi bất chính.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文