Đọc "Giọt nước mắt người lính", truyện ngắn của Nguyễn Đăng An, NXB Hội Nhà văn, 2019

Vẫn tin vào nước mắt

08:17 13/06/2020
Mở rộng biên độ phản ánh đời sống xã hội là nét ưu trội trong tập truyện ngắn thứ ba "Giọt nước mắt người lính" của Nguyễn Đăng An. Mười bảy truyện trong tập đều là những hình tượng nghệ thuật sinh động về đời sống và con người thời đại đầy những biến đổi quyết liệt, phức tạp và bất ngờ. 


Là người trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa dày dặn, tác giả đã dẫn dắt người đọc vào những cảnh ngộ, số phận, hoàn cảnh hết sức điển hình: Chiến tranh, hòa bình, đời sống của người Việt ở nước ngoài, cuộc đấu tranh của lực lượng Công an nhân dân diệt trừ cái xấu, cái ác bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên đời sống, những bi kịch đời người...

Là nhà văn của lực lượng Công an nhưng tác giả không hề bó buộc ngòi bút vào cái gọi là đề tài. Đọc Nguyễn Đăng An thấy tác giả mở lòng, hướng ngòi bút vào những bể dâu của đời người. Mỗi truyện như một lát cắt đời sống trong tính phức tạp, phong phú của nó với chứa chất những xung đột, mâu thuẫn gay gắt và quyết liệt khi xã hội bước vào thời hậu chiến, vào cơ chế thị trường, khi thế giới đã trở nên phẳng hơn bao giờ hết.

Nhà văn Nguyễn Đăng An.

Hai mảng hiện thực lớn tác giả quan tâm: Chiến tranh và những hệ lụy của nó, sự tha hóa và biến dạng nhân cách của con người thời đại dưới áp lực của mưu sinh và tiền tài, danh vọng. Cũng viết về chiến tranh, nhưng ngòi bút Nguyễn Đăng An có cách riêng của mình để đi vào lòng người như "Ba chàng trai làng Nhãn".

Tốt nghiệp phổ thông (hệ 10 năm) Minh - Trí - Thao đều có giấy báo đi học nước ngoài. Nhưng Minh và Thao đã viết đơn bằng máu, tình nguyện xung phong đi bộ đội. Cả hai vun vén cho Trí đi Liên-Xô học Toán (vì ba năm liền anh được giải môn Toán toàn miền Bắc).

Minh đã hy sinh ở chiến trường, Thao trở về sau chiến tranh - một thương binh, sống cuộc đời bình thường. Chỉ có Trí là thành đạt sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài về. Anh không phụ bạc bạn bè và người thân, cái tâm mách bảo anh làm nhiều việc tình nghĩa, giúp bạn bè và đồng loại. Anh đã cùng Thao vào tận miền Nam, tìm người phế binh Việt Nam Cộng hòa để giúp đỡ (đó là người trong một trận huyết chiến đánh xáp la cà, chính Thao đã chúc mũi lê của mình xuống, chỉ đâm vào chân khiến anh ta bị thương).

Trí đã suy nghĩ nung nấu: "Cuộc chiến tranh đi qua đã hơn 30 năm rồi, khoảng thời gian nửa đời người đã đủ để xóa đi lòng hận thù của hai phía". Đó chính là tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc mà chúng ta đang kiên trì thực hiện trên tinh thần đoàn kết, nhân văn cao cả của tình đồng bào cùng con Rồng cháu Tiên, chung dòng máu Lạc Hồng.

Chiến tranh muôn thuở là hủy diệt, đau thương. Dẫu nó qua rồi nhưng hậu họa vẫn khôn lường, rình rập lấy đi tính mạng và hạnh phúc nhỏ bé của mỗi người dân lương thiện chỉ luôn khao khát hòa bình. Di họa chiến tranh mà người phụ nữ có tên Dạ Lan ("Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm") phải gánh trên đôi vai nhỏ bé của mình thật là khủng khiếp: Người chồng đầu đã chết vì chất độc da cam (dioxin), hai đứa con - những nạn nhân của chiến tranh - thì sống trong hình hài kỳ quái, đau thương vô bờ bến một kiếp làm người.

Đó là sức mạnh tố cáo chiến tranh bằng hình tượng nghệ thuật. Tất nhiên, Nguyễn Đăng An không phải là người duy nhất hay đầu tiên viết về nạn nhân dioxin. Nhưng ở đây là cách tiếp cận sự thật. Hóa ra con người dù có chạy trốn đến chân trời góc bể, dù có cạn cả nước mắt thì nỗi đau dioxin vẫn không buông tha. Nếu chúng ta không quên lãng và thờ ơ thì không thể quay lưng trước nỗi đau của hơn 3 triệu người Việt Nam đang từng ngày gánh chịu nỗi đau da cam. Nói theo cách của nhà thơ Nga C. Ximônôp: "Nỗi đau này không của riêng ai!".

Nhưng dẫu sao thì nỗi đau lớn này nhiều người biết, nhiều người chia sẻ. Có những nỗi đau âm thầm, dai dẳng, giày vò lương tâm của người lính tên Thư ("Giọt nước mắt người lính"), khi trở về sau chiến tranh thì Đào, vợ anh, đã có con với chính bố đẻ của mình.

Còn gì trớ trêu hơn, bất hạnh hơn. Trong chiến trận, Thư cũng như những người lính khác đã nén đau thương thành căm thù để chiến đấu và chiến thắng. Nhưng trong hòa bình và đời thường thì phải hành xử thế nào với bố mình và vợ mình trước tình huống "con của vợ là em trai của mình" (?!). Mô-tip cốt truyện và chủ đề này độc giả đã bắt gặp trong truyện ngắn "Mùi thuốc súng" của Nguyễn Văn Thọ và tiểu thuyết "Cánh đồng lưu lạc" của Hoàng Đình Quang.

Nhưng vì sao lại có sự trớ trêu đó? Có nhiều nguyên nhân: Mẹ Thư mất khi anh mười tuổi, bố anh gà trống nuôi con, trước khi vào bộ đội, Thư cưới Đào nhưng tình yêu của họ không đơm hoa kết trái vì Thư còn quá thơ ngây chuyện vợ chồng, việc báo tử Thư là một nhầm lẫn ngẫu nhiên trong chiến tranh,... Ở đây ngẫu nhiên và tất nhiên khó rạch ròi. Tôi thấy tác giả khéo léo để độc giả phán xét công/ tội, đúng/sai với từng nhân vật.

Cuối cùng không ai khác, chính Thư phải quyết định giải thoát cho mỗi người. Anh vào miền Nam sống với ba má nuôi trong chiến tranh đã cưu mang mình. Anh cũng bị nhiễm dioxin. Trước lúc mất, anh viết hai lá thư cho bố và vợ (kèm theo đơn ly hôn để Đào dễ dàng ứng xử). Đọc dòng cuối thư anh viết cho vợ, độc giả khó kìm được nước mắt: "Chúc dì khỏe, may mắn và hạnh phúc".

Tình yêu của con người trong chiến tranh phải trải qua lửa đỏ và nước lạnh. Ít người được may mắn và nhận cái kết có hậu như chị Tươi ("Tân hôn muộn") khi được người yêu đầu đời là Minh đã không quản gian lao đi tìm bằng được cố nhân vì chị Tươi bị thương nặng (có nguy cơ không thể làm vợ, làm mẹ) nên đã chạy trốn tình yêu.

Tác phẩm mới ra mắt bạn đọc của nhà văn Nguyễn Đăng An.

Một mảng truyện khác trong tập, ngòi bút tác giả hướng tới tái hiện "những chuyện không muốn viết". Đó là thói cuồng danh khiến cho con người lầm lạc, đánh mất nhân tâm với bạn bè như nhân vật Cường ("Gã háo danh") đã bày mưu tính kế chiếm đoạt sở hữu trí tuệ (Luận án Tiến sỹ) của người bạn thân là Hùng. Thậm tệ hơn anh ta còn nhờ bọn xấu ngoài xã hội âm mưu sát hại Hùng.

Kết cục là Cường bị tuyên án 15 năm tù, nhưng do cải tạo tốt và có sự bảo lãnh của Hùng nên được ra tù sớm. Hơn thế, Hùng còn giang tay cưu mang, giúp đỡ Cường khi nhận anh ta về làm việc ở cơ quan mình. Nhưng cái thói xấu này dẫu sao cũng là giữa người dưng nước lã với nhau.

Đồng tiền đã tha hóa, làm méo mó nhân cách của những đứa con với bậc sinh thành mình ("Căn nhà triệu đô"). Hai đứa con trai của ông Tuệ (một vị Tướng về hưu) đã không muốn bố mình kết hôn với bà Mai vì chúng sợ sau đó nếu có chuyện gì thì của nả phải phân chia. Sau hơn hai mươi năm vợ mất, ông Tuệ thấy đã đến lúc cần có cuộc sống cho riêng mình lúc về già, nhưng hai đứa con trai phản ứng quyết liệt. Thậm chí ông phải nói: "Các anh về đi". Vậy là cha con từ nhau vì chuyện tiền bạc.

Ngay từ khi cầm bút viết văn, tôi đã nhận thấy Nguyễn Đăng An có sở trường về truyện ngắn. Tập truyện đầu tay "Thiên nga lạc bầy" (1990) đã báo hiệu thiên hướng viết truyện ngắn của anh. Đến tập truyện thứ hai "Người đàn bà nghịch cát" (2013), độc giả đã nhớ được tên tuổi một cây bút truyện ngắn có triển vọng.

"Giọt nước mắt người lính" (2019), đã phát lộ đúng sở trường của cây bút có duyên với một thể loại rất khó viết. Đến nay, đã có thể nói về những nét biệt sắc của truyện ngắn Nguyễn Đăng An: nghiêng về kiểu truyện truyền thống - có cốt truyện tiêu biểu, tính cách nhân vật rõ nét, tình huống truyện nổi trội, các chi tiết điển hình, đoạn kết gây ấn tượng ("Tân hôn muộn", "Ba chàng trai làng Nhãn", "Mẹ xóm Đoài", "Bi kịch đời người", "Thiên nga lạc bầy", "Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm", "Giọt nước mắt người lính",...).

Những truyện viết về quá khứ thường được tác giả ưu ái hơn, ngòi bút duy tình phát huy tối đa những cảm xúc thẩm mỹ tốt đẹp, khơi gợi những tình cảm cao quý của con người trong chiến tranh, trong thời bao cấp khốn khó nhưng thanh sạch tâm hồn. Những truyện viết về sự tuế toái, éo le, cắc cớ của thời buổi kim tiền, nói công bằng, Nguyễn Đăng An không ghi đậm dấu ấn bằng các cây bút khác như Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ,...

Trong "Giọt nước mắt người lính", độc giả thấy Nguyễn Đăng An đã có những tìm tòi hình thức thể loại bằng cách viết các kiểu truyện ngắn đan xen: Ngụ ngôn hiện đại ("Cặp ve màu ánh kim"), giả tưởng ("Lời thề chân lý"), luận đề ("Cú đấm muộn"), trinh thám ("Thiên nga lạc bầy")...

Viết truyện ngắn, Nguyễn Đăng An không chú mục vào các khoảnh khắc hay chốc lát (moment), mà chú tâm tới tái hiện những đoạn đời quan trọng của mỗi nhân vật. Vì thế, mỗi truyện ngắn đều ẩn chứa mầm mống của tiểu thuyết. Âu cũng là cái tạng văn của tác giả.

Hà Nội, tháng 6-2020

Bùi Việt Thắng

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文