Viết sách về trí thức không thể tùy tiện

13:29 30/11/2020
Cuốn sách "Trí thức Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc", tác giả GS.TS Nguyễn Văn Khánh thuộc danh mục sách Nhà nước đặt hàng, do NXB Chính trị Quốc gia phát hành có không ít lỗi sai.


Sách dày 560 trang, khổ 16x24cm, gồm 2 phần, nội dung tập trung làm rõ những hoạt động và đóng góp của trí thức Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Sách nhiều lỗi

Đáng tiếc là trong phần II giới thiệu tóm tắt thân thế và sự nghiệp của 219 gương mặt trí thức Việt Nam tiêu biểu thì nhiều thông tin sai sót nghiêm trọng. Nhất là những trí thức tiêu biểu thời cận đại và hiện đại, là những trí tuệ uyên bác, có những đóng to lớn cho đất nước như: Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Hoàng Minh Giám, Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Lân, Phạm Huy Thông, Văn Cao, Nguyễn Khắc Viện, Bùi Huy Đáp, Ngụy Như Kontum, Trần Văn Cẩn…

Một cuốn sách nhiều lỗi của GS-TS Nguyễn Văn Khánh.

Xin dẫn một số ví dụ dưới đây để làm rõ những sai sót.

Trang 328-329 viết: "Dương Đức Hiền (1917-1971). Ông quê tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội)…. Năm 1945, ông rút vào hoạt động bí mật, ủng hộ phong trào Việt Minh, rồi cùng nhóm thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam. Thời kỳ còn hoạt động chống thực dân Pháp, ông đại diện cho Đảng Dân chủ trong Chính phủ Lâm thời… Hòa bình lập lại, ông công tác tại Hà Nội và mất năm 1971, thọ 64 tuổi".

Tư liệu năm mất của Dương Đức Hiền được GS.TS Nguyễn Văn Khánh dẫn theo "Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam" của Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế. Đây là thông tin sai.

TS Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), con gái Bộ trưởng Dương Đức Hiền cho rằng, chắc là tác giả viết về cụ nào đó trùng họ tên và tên lót với cha của bà chứ bà không tìm ra được dây mơ rễ má gì từ năm sinh, năm mất, quê quán đến việc làm của cha mình.

Tư liệu chính xác, Bộ trưởng Dương Đức Hiền quê ở huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội), chứ không phải quê tỉnh Hà Đông. Vì thế, Quốc hội đầu tiên năm 1946, ông về ứng cử và trúng cử tại tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh năm 1916 và qua đời năm 1963, khi mới 47 tuổi.

Trang 367-368 mục từ Phan Kế Toại (1892-1992) viết: "Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Chính phủ Trần Trọng Kim cử ông giữ chức Khâm sai Bắc Bộ đến tháng 7-1945 thì từ nhiệm. Trong Cách mạng Tháng Tám, ông tạo điều kiện ủng hộ Việt Minh cướp chính quyền êm thấm tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ… năm 1948, ông được đề cử giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ… Năm 1961, ông về hưu, đến năm 1992, ông mất tại Hà Nội".

Đầu tiên phải nói rằng GS.TS Nguyễn Văn Khánh không dẫn nguồn tư liệu về cụ Phan Kế Toại. Năm 1992 đó là năm mất của cụ bà kế thất Phó Thủ tướng Phan Kế Toại, tên thật là Nguyễn Thị Mão (1903-1992). Còn cụ Phan Kế Toại đã mất từ năm 1973. 

Thứ hai, từ năm 1947, cụ Phan Kế Toại đã được Hồ Chủ tịch bổ nhiệm giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ chứ không phải năm 1948 và cụ giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đến năm 1963 chứ không phải năm 1961. Người kế nhiệm là Bộ trưởng Ung Văn Khiêm. Điều này được ghi rõ trong Lịch sử Bộ Nội vụ. 

Thứ ba, cụ Phan Kế Toại giữ chức Khâm sai Bắc Bộ đến ngày 17-8-1945 (2 ngày trước khi Cách mạng Tháng Tám khởi nghĩa tại Hà Nội) mới từ nhiệm. Nếu cụ từ nhiệm từ tháng 7-1945 rồi thì làm sao có chuyện "Trong Cách mạng Tháng Tám, ông tạo điều kiện ủng hộ Việt Minh cướp chính quyền êm thấm tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ" như GS.TS Nguyễn Văn Khánh viết?

Trang 395 mục từ Hoàng Minh Giám (1904-1995) viết: "Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VII. Giáo sư Hoàng Minh Giám là một trong số những người sáng lập và là Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam (1946). Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh".

Sự thật, Hoàng Minh Giám không tham gia Quốc hội khóa VII. Ông chỉ là Phó Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam. Tác giả cũng chưa cập nhật việc Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng cho ông Hoàng Minh Giám.

Trang 402 mục từ Vũ Đình Hòe (1912-2011) viết "ông nguyên quán làng Nguyên Ngọc". Chúng tôi không rõ đó là địa danh nào. Còn ở phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương chỉ có làng Lương Ngọc là nguyên quán của Bộ trưởng Vũ Đình Hòe. GS.TS Nguyễn Văn Khánh chỉ viết tiểu sử Vũ Đình Hòe đến giai đoạn ông làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1946. Vậy từ năm 1946 đến trước khi mất, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe không làm việc ư? Chúng tôi xin bổ sung: Từ năm 1946 đến 1960, ông Vũ Đình Hòe làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Từ năm 1960 ông công tác tại Viện Luật học - Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và nghỉ hưu năm 1975…

Trang 439 tiểu sử Nguyễn Văn Tố (1889-1947) viết: "Sau Cách mạng Tháng Tám ông giữ chức Bộ trưởng Xã hội trong Chính phủ Lâm thời… Quyền Chủ tịch Quốc hội khóa I, Quốc vụ khanh Chính phủ Liên hiệp Quốc dân".

Nguyễn Văn Tố là Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội trong Chính phủ lâm thời, chứ không phải Bộ Xã hội. Ông là Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên, chứ không phải Quyền Chủ tịch Quốc hội. Nguyễn Văn Tố là Bộ trưởng Không bộ trong Chính phủ Kháng chiến (11/1946) chứ không phải Quốc vụ khanh trong Chính phủ Liên hiệp Quốc dân (3/1946-11/1946).

Trang 452 tiểu sử Nguyễn Bính (1918-1966) viết: "Năm 1956, ông được giao nhiệm vụ phụ trách tờ Trăm hoa và tham gia Nhân văn Giai phẩm". Tờ Trăm hoa là báo tư nhân do Nguyễn Bính bỏ tiền ra xin giấy phép và ra báo, làm sao lại viết "ông được giao nhiệm vụ phụ trách". Đã vậy, Nguyễn Bính còn được "giao nhiệm vụ" để mà "tham gia Nhân văn Giai phẩm" thì thật nực cười.

In sách đính chính

Một trang mắc lỗi trong cuốn sách.

Trong chương 7, phần I, khi viết về những trí thức tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm nhiều thông tin sai. Trong chú thích trang 209, tác giả cho biết sử dụng tư liệu trên Bách khoa thư mở Wikipedia ngày 1-11-2013. Chúng tôi thấy ngay tên nhạc sĩ Tử Phác ở trang 209 này cũng bị viết sai thành Tư Pháp hoặc Từ Phác. Đến trang 212 liệt kê các tờ báo ra đời trong thời kỳ Nhân văn Giai phẩm có tờ "Hà Nội mới". Đây là thông tin sai bởi vì ngày 25-1-1968 tờ Hà Nội mới số 1 mới ra đời trên cơ sở hợp nhất hai tờ báo Thủ đô Hà Nội và báo Thời mới. 

Cũng vẫn trang này, tác giả viết "Báo Nhân văn do Phan Khôi đứng đầu, Trần Dần làm Thư ký" là sai vì nhà văn Trần Dần chưa bao giờ làm Thư ký tòa soạn báo Nhân văn, mà đó là… họa sĩ Trần Duy.

Còn nhiều những lỗi sai khác về các nhân vật thời trung đại như Lê Tư Thành tức Lê Thánh Tông (tr. 360), Đỗ Nhuận (tr. 479),… sai chú thích bức ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp tại Phủ Chủ tịch năm 1945 thành năm 1950, chú thích sai ảnh các văn nghệ sĩ tại chiến khu Việt Bắc (1951) do nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu chụp thành những thành viên Hội Văn hóa Cứu quốc (1946)… Nhưng thiết nghĩ, nếu chúng tôi liệt kê hết ra thì phải in thêm một cuốn sách để đính chính.

Bình luận về hàng loạt lỗi sai nêu trên, nhà báo Lê Minh Quốc, tác giả nhiều cuốn sách về trí thức Việt Nam (Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Chuyện tình chính khách Việt Nam…) cho biết:

"Trong học thuật, tôi nghĩ rằng, hầu hết các trí thức nghiên cứu đều cẩn trọng, cân nhắc từng câu chữ nhưng rồi không tránh khỏi "lực bất tòng tâm", dẫn đến sai sót và một khi có người đã chỉ ra là điều đáng quý. Tôi nhận thấy: GS.TS Nguyễn Văn Khánh đã thiếu cẩn trọng khi đối chiếu, sử dụng, cập nhật các nguồn tài liệu. Điều này, dù muốn châm chước (vì lý do khách quan gì đó từ phía người biên soạn chăng?) nhưng cũng khó có thể.

Lại đáng tiếc nữa là thông tin có tính cách phổ thông cũng sai sót, chẳng hạn Tử Phác nhầm Tư Pháp, Từ Phác; Trần Duy nhầm Trần Dần, làng Lương Ngọc nhầm Nguyên Ngọc v.v… Một quyển sách được biên soạn từ một GS.TS lại lỗi như thế này, khiến chúng ta phải suy nghĩ".

Kiều Mai Sơn

Liên quan vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” xảy ra tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Sở KH&CN TP Huế), hôm nay (14/5), Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã thực hiện khám xét trụ sở Công ty Cổ phần dịch vụ tư vấn môi trường (DVTVMT) Hải Âu tại số 3 Tân Thới Nhất 20, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Lúc 3h ngày 13/5, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường giao thông thuộc khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Điểm sạt lở nằm cặp bờ trái sông Bằng Tăng, cách cầu Mương Khai khoảng 400 mét về hướng QL91.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm qua (14/5), khu vực Tây Bắc, Việt Bắc đã có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa nhiều nơi trên 60mm như: Tả Lèng (Lai Châu) 138.2mm, thị trấn Sa Pa (Lào Cai) 68.6mm, Cảm Nhân (Yên Bái) 77.6mm, Thái Hòa (Tuyên Quang) 63.4mm…

Công ty TNHH Godwaypharma mới bị UBND TP Hồ Chí Minh quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,9 tỷ đồng do sử dụng hàng tấn nguyên liệu hết hạn để sản xuất bột đạm hương socola, nhưng trên trang web của công ty này quảng cáo và cam kết 100% chữa khỏi bệnh ung thư.

Với hành vi chỉ đạo kế toán trưởng và thủ quỹ bỏ ngoài sổ sách tài chính kế toán nhiều nguồn thu dịch vụ và một số hoạt động sự nghiệp khác để sử dụng trái quy định pháp luật, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công thương miền Trung đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Sáng 14/5, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân trong CAND năm 2025. Lễ phát động được truyền trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an tại Hà Nội đến điểm cầu Công an các địa phương.

Ngày 14/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc đối với Văn Mạnh Thắng (SN 1972, HKTT tại khu Đình, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn) về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 14/5, Công an tỉnh Thái Bình cho biết đang điều tra vụ án mạng do mẫu thuẫn tình cảm, xảy ra tại xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Ngày 14/5, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết đã tham mưu UBND  thành phố ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Godwaypharma, do ông Võ Xuân Hoàng (SN 1971, Chủ tịch Công ty, địa chỉ trụ sở chính: 147 Bùi Công Trừng, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh).

Chưa bao giờ ranh giới giữa "đỉnh cao" và "vực sâu" của các idol mạng lại mong manh đến vậy. Các nền tảng mạng xã hội như TikTok đã tạo ra một "chiếc máy tốc độ" sản sinh người nổi tiếng chỉ sau vài clip viral.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.