Viết về quê hương

08:17 07/03/2020
Có những người rất may mắn, họ sinh ra ở những vùng đất có nhiều chuyện lí thú, chỉ cần chép lại những chuyện ấy một cách khéo léo đã đủ hấp dẫn và có thể gây dựng tên tuổi. Quê hương đôi khi cho nhà văn những nguyên liệu “vàng ròng” mà không cần chế tác quá nhiều đã trở thành sản phẩm văn học giá trị.


Salman Rushdie, nhà văn Anh gốc Ấn là một người may mắn như vậy. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Những đứa con của nửa đêm” viết về vùng đất Ấn Độ quê hương. 

Tác phẩm lừng danh này đã đoạt giải Booker năm 1981, đến năm 1993 lại đoạt giải cuốn sách hay nhất trong 25 năm lịch sử giải Booker (Booker of Bookers Prize) và đến năm 2008 một lần nữa đoạt giải cuốn sách hay nhất của 40 năm giải Booker (The Best of Booker), một kì tích vô tiền khoáng hậu. Giải Booker là một trong những giải văn chương uy tín nhất trao tặng cho công dân của Khối thịnh vượng chung Anh và Cộng hoà Ireland gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Những đứa con của nửa đêm” là một cuốn sách vô cùng kì vĩ và phức tạp, những ai từng đọc cuốn này chắc hẳn sẽ choáng ngợp về nó, rất nhiều kiến thức lịch sử, văn hoá, huyền thoại và đời thực xen kẽ, pha trộn và người ta vô cùng ngưỡng mộ tác giả về kiến thức và sự hiểu biết của ông. Nhưng chính Salman Rushdie nói rằng, viết một cuốn tiểu thuyết dài về Ấn Độ rất dễ! Vì ở đấy có bao nhiêu chuyện để kể!

Các tác phẩm văn học thấm đẫm những trang viết về quê hương.

Tất nhiên rồi, Ấn Độ là một quốc gia vĩ đại, một trong những cái nôi của văn minh loài người, nơi khởi sinh những tôn giáo lớn và những nền văn hoá vô cùng đặc sắc đa dạng cùng một lịch sử vô cùng phong phú, phức tạp.

Salman Rushdie may mắn lớn lên ở một quê hương đặc biệt và nó đã nuôi dưỡng, bồi đắp và cung cấp nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để ông khai thác. Những tác phẩm hay nhất của ông đều liên quan tới Ấn Độ hoặc kể về Ấn Độ và tôi tự hỏi nếu Salman Rushdie không có một quê hương như thế, liệu ông có viết nổi “Những đứa con của nửa đêm”?

Một người cũng khai thác chất liệu quê hương và nổi tiếng toàn thế giới là Mạc Ngôn. Mạc Ngôn viết rất nhiều về vùng Đông Bắc Cao Mật của ông và   cũng giống như Salman Rushdie, quê hương của Mạc Ngôn có rất nhiều chuyện hay để kể. Từ phong tục, tập quán, lịch sử, văn hoá và những biến động dữ dội ngay trong thời đại nhà văn là nguồn chất liệu rất dồi dào cho sự viết.

Tất nhiên không nên ngây thơ nghĩ rằng, toàn bộ những gì Mạc Ngôn viết về vùng Đông Bắc Cao Mật là hoàn toàn sự thực về chính nơi ấy. Mạc Ngôn đã mang những đặc sắc của đất nước Trung Quốc về gói trọn trong bình diện địa lí vùng Đông Bắc Cao Mật. Đông Bắc Cao Mật là một vùng đất riêng nhưng cũng là những đặc điểm chung của đất nước Trung Hoa rộng lớn, trong quê hương lớn có quê hương nhỏ và ngược lại.

Tôi dẫn ra ví dụ về Salman Rushdie và Mạc Ngôn để minh chứng rằng những tác giả Âu Mĩ khác nếu viết một câu chuyện kiểu Salman Rushdie hay Mạc Ngôn về vùng đất quê hương họ sẽ không thuận lợi bằng. Ta dễ hình dung sự liên tưởng qua so sánh thế này, ở những vùng địa lí giàu tài nguyên thiên nhiên thì công nghiệp khai khoáng sẽ thuận lợi hơn nhiều so với những vùng đất nghèo nàn, ít khoáng sản. Những người công nhân ở những vùng địa lý nghèo sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, công sức bỏ ra lớn hơn và sự lựa chọn sẽ hạn chế hơn rất nhiều.

Tôi rất thích tập truyện ngắn “Chân trời cũ” của Hồ Dzếnh, một cây viết tài hoa mà phong cách nằm ở khoảng giữa Nguyễn Tuân và Thạch Lam. Trong tập “Chân trời cũ” Hồ Dzếnh chỉ viết về gia đình, người thân của mình, từ người cha mang nửa dòng máu Trung Hoa đến người mẹ, anh trai, chị dâu… Ông chỉ viết về người thân và quê hương bản quán của họ. Quê hương ở đây mang nghĩa những người thân thuộc và bối cảnh sống của họ. Câu chuyện rất giản dị, quẩn quanh trong nhà, ngoài làng mà trang văn nào cũng đầy cảm động, xót xa cùng một nỗi buồn hoang vắng thấm đẫm một thời gian khó.

Tô Hoài cũng viết rất nhiều về cái làng Nghĩa Đô quê hương ông và mang lại thành công cho ông. Và chẳng phải “Dế mèn phiêu lưu kí” là phản chiếu hình ảnh những trò chơi, khám phá của những đứa trẻ ven đô khi tìm hiểu thế giới loài vật sống ở những cánh đồng quanh làng đó sao.

Quê hương rộng hơn nữa của Tô Hoài là Hà Nội và đó cũng là một trong những mảng chủ chốt trong những sáng tác của ông.  Những trang viết về Hà Nội là một trong những phần sáng tác đặc sắc nhất của Tô Hoài và được nhiều người lưu nhớ như  “Chuyện cũ Hà Nội”, “Quê nhà”, “Người ven thành”, “Giữ gìn 36 phố phường”…

Lùi về phía Nam, Nguyễn Ngọc Tư cũng làm nên thành công với những trang viết về vùng đất quê hương Nam Bộ của mình. Đọc văn của Nguyễn Ngọc Tư là cảm nhận được con người, tính cách, khí hậu, cảnh vật của vùng đất quê hương nhà văn. Những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Ngọc Tư như “Cánh đồng bất tận” thấm đượm hương vị vùng sông nước, tính cách người địa phương  Nguyễn Ngọc Tư đã làm cho vùng đất Nam Bộ, con người Nam Bộ sáng rõ hẳn lên trong bản đồ địa lí văn học, làm bản sắc quê hương được nhiều người biết đến hơn. Thậm chí có người nói Nguyễn Ngọc Tư đã thành “đặc sản” của vùng đất Nam bộ.

Cùng về bối cảnh quê hương của các nhà văn, theo quan sát của tôi thì vùng miền núi được khai thác nhiều hơn vùng thành thị. Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp đều có những tác phẩm rất hay viết về miền núi dù quê hương của họ ở vùng xuôi và chỉ có thời gian công tác hoặc dạo qua nơi đó.

Các nhà văn miền xuôi có thể viết về miền núi rất hay nhưng các nhà văn miền núi lại hầu như hiếm người viết về miền xuôi và thành thị. Vì sao vậy? Chính vì sự hấp dẫn về vùng miền địa lý như tôi đề cập ban đầu, miền núi có những “tài nguyên” rất phù hợp với chất liệu văn học. Núi đồi trập trùng, đêm thẳm sâu hoang lạnh, những phong tục đặc trưng là nguồn nguyên liệu dễ khai thác và gợi tò mò.  Miền núi có một sức hút và sự hấp dẫn mà miền xuôi và thành thị đã bão hoà hoặc quá nhiều người khai thác nên cạn kiệt từ lâu.

Thậm chí, một người viết trẻ ở miền núi đã công nhận với tôi rằng, vẫn là câu chuyện của anh về một đám ma người chết, nếu đặt vào bối cảnh miền xuôi thì nó không mấy hấp dẫn nhưng khi đặt câu chuyện  ấy vào khung cảnh của núi rừng thì bỗng thấy hấp dẫn, gợi tò mò. Nào là không khí u ám của núi rừng, tiếng cúng vái ghê rợn của thầy Tào, tục đi qua than hồng, cảnh ăn uống… Tất cả đã làm cho câu chuyện thêm phần huyền bí, lạ lẫm.

Viết về quê hương thì có lợi gì? Trước hết đó là mảnh đất rất quen thuộc với người viết, viết về thứ quen thuộc thì tự tin và cũng dễ hơn. Và nếu may mắn quê hương là một vùng đất đặc sắc, khu biệt thì chỉ cần quan sát những người  xung quanh, lắng nghe các câu chuyện và thổi hồn nghệ thuật vào đó có thể… đã thành công.

Khi tôi mới viết văn, khi biết tôi lớn lên ở vùng Đông Bắc, một người bạn lớn tuổi đã bảo tôi. Cậu chỉ cần viết về vùng quê của mình đã tha hồ tung bút, phải tìm đâu cho xa. Nào là sông Bạch Đằng, núi Yên Tử, biên giới phía Bắc… Và giai đoạn đầu của tôi, nhất là về đề tài lịch sử, tôi hầu như chỉ viết về vùng đất quê hương mình. Đó chính là những lợi thế, may mắn mà đôi khi người viết được thừa hưởng từ nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Thế còn nếu người viết sinh trưởng ở những vùng quê không mấy được ưu đãi về điều kiện văn học thì họ sẽ viết ra sao. Tất nhiên sự lựa chọn sẽ hạn chế hơn nhưng không phải không viết hay được. Trước đây vùng nông thôn, đồng thời là quê hương của nhiều nhà văn được nhiều người viết và viết rất hay.

Từ những người như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… cho đến lớp sau này như Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng… đều có những tác phẩm viết về nông thôn rất đặc sắc. Những nhà văn lớn lên ở thành thị cũng có những tác phẩm rất đáng kể như Khái Hưng, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyên Hồng… 

Nhưng có người sẽ bảo, ngày xưa nhiều chuyện hay chứ bây giờ thành phố và nông thôn tìm được cái gì đặc sắc để viết? Tất nhiên, chủ đề nông thôn và thành thị đã được khai thác rất nhiều, những nhà văn sống ở những vùng đất ấy cũng rất đông, đi theo đường cũ sẽ dễ lặp lại và khó vượt qua được những tên tuổi lớn.

Nhưng chẳng phải những tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, những người sinh trưởng ở Hà Nội và viết về đô thị Hà Nội hiện tại vẫn là những cuốn sách đáng đọc đó sao. Chỉ có đề tài về nông thôn Bắc bộ theo quan sát của tôi thì gần đây hầu như không thấy có cuốn nào thật đáng chú ý hay là do hiếm các nhà văn sinh sống ở đó?

Không ai có quyền chọn quê hương cho mình cũng như không có quyền chọn cha mẹ, đó là một mặc định mà chúng ta phải chấp nhận. Quê hương có thể trù phú, tươi mát hoặc khó khăn, khô cằn. Mỗi vùng đất riêng biệt góp phần bồi đắp tâm hồn con người theo một cách khác nhau và với nghề viết, có thể nó ảnh hưởng ít nhiều tới sự lựa chọn và cách viết. Nhưng dù quê hương có để lại những dấu ấn thế nào, tôi nghĩ những trang viết về vùng đất khai sinh ra mình luôn được người viết trân trọng, biết ơn và yêu quý.

Uông Triều

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文