Âm nhạc Đoàn Bổng - Bài ca còn vang mãi

12:37 28/01/2024

Nhạc sĩ Đoàn Bổng tên khai sinh là Đoàn Chí Bổng, sinh năm 1943, tại Thường Tín, Hà Đông, an cư và gắn bó máu thịt với Hà Nội. Ông là người có năng khiếu âm nhạc, say mê, miệt mài sáng tạo nghệ thuật. Bạn đọc, bạn nghe trân quý ngưỡng mộ ông ở cả phương diện sáng tác thơ và nhạc. Riêng mảng âm nhạc, ông để lại cho đời những bản tình ca và hùng ca bất hủ.

Tấm lòng son sắt với người vợ tào khang

Từ sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội năm 1972, ông công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng. Năm 1975, ông trở lại miền Bắc với người yêu - cô giáo dạy mầm non Trần Kim Loan - hai người làm đám cưới năm 1976. Ông chuyển công tác về Đài truyền hình Việt Nam, từng giữ chức Trưởng phòng ca nhạc Ban Văn nghệ của Đài trong thời gian dài. Bản tính nghệ sĩ, trái tim ông dễ rung cảm trước mọi vẻ đẹp.

Công tác biên tập âm nhạc, tiếp xúc với bao nhiêu văn nghệ sĩ trẻ, nhiều ca sĩ xinh tươi mơn mởn như hoa, nhưng trái tim nhạc sĩ như con thuyền chỉ neo đậu ở bến sông duy nhất là tổ ấm bình dị, thân thương. Chính vì tin tưởng tuyệt đối ở bạn đời, cho dù nhiều người đẹp vây quanh chồng nhưng vợ ông không bao giờ nghi ngờ hay ghen tuông. Nhạc sĩ Đoàn Bổng luôn yêu thương, trân quý, chăm sóc người vợ hiền dịu, ông càng say mê toàn tâm, toàn ý cho những đứa con tinh thần của mình để có được những ca khúc để đời.

"Cây bút vàng" với những tình ca bất hủ.

Không chỉ sáng tác âm nhạc, Đoàn Bổng còn bén duyên với nàng thơ và là nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Hà Nội. Ông trình làng 3 tập thơ, được giới văn chương ghi nhận: “Thơ Đoàn Bổng có giọng điệu riêng, khó lẫn với ai khác”. Văn đàn Việt hiện nay, ông là một trong số hiếm nhạc sĩ vừa sáng tác nhạc vừa làm thơ. Tập thơ “Bắt đầu từ đôi mắt” ra mắt bạn đọc cuối năm 2023 gồm 66 bài là những nét riêng cảm xúc thi vị, tác giả tỏ rõ là người có tâm hồn tinh tế, tài hoa.

Vốn tự tin, luôn nhìn đời bằng thái độ lạc quan, bài thơ nhan đề “Năm cây bút vàng”, ông viết: “Đoàn Bổng/ Nguyễn Cường/ Dương Thụ/ Trần Tiến/ Phú Quang/ Năm cây bút vàng/ Càng mài càng sáng/ Gốc từ núi Tản/ Nguồn cội Hà Tây/ Năm cây bút này/ Tràn đầy nhựa sống”. Bài thơ cô đọng điểm danh và tôn vinh năm nhạc sĩ lứa tuổi 4X… đồng hương xứ Đoài. Mỗi người, bằng tài năng và sáng tạo riêng của mình, có đóng góp quan trọng với nền âm nhạc nói riêng và lĩnh vực văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung. Đoàn Bổng đã sống đúng như ông viết: tận tâm dâng hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật được chưng cất từ trái tim, chắt lọc từ trí tuệ của mình.

Bài thơ “Danh nhân” của nhạc sĩ Đoàn Bổng.

Điểm nổi bật trong sáng tác âm nhạc của Đoàn Bổng, người có “tâm hồn xanh mướt những dòng nhạc, áng thơ” (Dương Viết Á) là phong cách trữ tình tha thiết, đậm chất dân ca. Ca khúc của ông là tiếng nói của tình yêu quê hương đất nước sâu lắng “Về Hà Tây đi em”, “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”, “Rồng lửa trên bầu trời Hà Nội”…; tình cảm hiếu nghĩa với mẹ cha “Mẹ tôi”; “Về bên mẹ” - thơ Tùng Lâm…, nhất là tình yêu lứa đôi say đắm, tha thiết. Hàng loạt tình khúc tiêu biểu của ông như: “Yêu nhau trong hội hoa xuân”, “Một ngày xa em” (thơ Nguyễn Thạc Hân) “Anh đưa em về thưa với mẹ cha”, “Bản tango thời cắp sách”…

Ca khúc của Đoàn Bổng truyền cảm đến người đọc tình yêu sáng trong, chân thành, khỏe khoắn chứ không ủy mỵ, buồn ảo não như một số tác giả khác. Điều này thể hiện tập trung ở tác phẩm “song sinh thơ - nhạc” giữa Lai Vu và Đoàn Bổng qua bài "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em". Sẵn tâm hồn giàu cảm xúc, khi đọc được bài thơ của Lai Vu, ngay lập tức tri âm tìm được tri âm, “đồng thanh tương ứng”, nhạc sĩ thấu cảm sâu sắc với thi nhân đã mang đến cho bạn đọc vẻ đẹp tương phản mà đồng điệu của hai dòng sông cùng bắt nguồn từ Xứ Đoài cổ kính là sông Đáy và sông Đà: “Dòng sông Đáy quê em/ Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa/ Tròn vạnh một góc trời/…Dòng sông Đà quê anh/ Đá dựng ghềnh dựng thác/ Nước reo thành điệu nhạc/ Nguồn than trắng vô biên…”.

Có thể nói, nhà thơ đã hòa nhập hồn mình vào ca từ, giai điệu trong từng nốt nhạc, làm rung ngân lên trong trái tim mỗi người các cung bậc cảm xúc thiết tha trong sáng nhất. Tác phẩm còn ngợi ca vẻ đẹp tuyệt vời của đất mẹ Việt Nam, tri ân quê hương đã hạ sinh ra những dòng sông tuyệt vời, nước chảy êm đềm như “sông trăng”, “sông lụa”, thơ mộng biết bao mà vẫn chở nặng phù sa bồi đắp nên bờ xôi ruộng mật, để con người có những cánh đồng tốt tươi, vàng như “nong kén” mỗi mùa lúa chín vào tháng năm, tháng mười mùa gặt, để cho con người có cuộc sống ấm no. Việc dùng hình ảnh hai dòng sông biểu trưng cho anh và em như tình yêu lứa đôi tuyệt đẹp là sự sáng tạo mới.

Rất nhiều bài hát khác của Đoàn Bổng cũng là những tình khúc được nhiều người yêu thích: “Câu hát gọi xuân về”, “Nỗi nhớ biển xa”, “Cánh bằng lăng”, “Đêm sông Cầu” (phổ thơ Đỗ Trung Lai)... Năm 2024, tuy đã ở tuổi ngoại bát thập nhưng cảm xúc và tình yêu âm nhạc trong ông vẫn luôn tươi trẻ và lãng mạn, đúng như tác giả Quỳnh Nguyên đã nói: nhạc sĩ Đoàn Bổng là người “hát tình ca bằng tâm hồn tuổi đôi mươi”.

Tác giả “bộ tứ bình” và những ca khúc nổi tiếng về lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Là người ham học hỏi, gắn bó với đời sống thực tế của các tầng lớp nhân dân lao động và lực lượng vũ trang đồng thời có bản lĩnh trong sáng tác âm nhạc, Đoàn Bổng đã có 4 tác phẩm được lưa chọn làm ca khúc truyền thống hoặc được khắc tạc vào bia đá để lưu truyền - điều có những nhạc sĩ, nhà thơ mơ ước cả đời có lấy một bài cũng không được.

“Bài ca mặt trận Tổ quốc” trở thành ca khúc truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. “Khúc quân ca Trường Sa” trở thành bài hát truyền thống không chỉ của riêng bộ đội Trường Sa mà còn của toàn thể quân binh chủng Hải quân. Ca khúc “Từ làng Sen con hát bên Người” được lựa chọn làm nhạc nền phát liên tục các ngày trong tuần phục vụ du khách tại khu Di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.

Đặc biệt bài thơ “Niệm khúc” của ông được Bộ Công an chọn tạc trên bia đá trong Di tích An ninh Khu V thời chống Mỹ: “An ninh Khu V thời chống Mỹ/ Trăm người như một rất anh hùng/ Quên thân vì nước, vì dân tộc/ Các anh còn mãi với núi sông”. Từng ý, từng câu cô đọng ấy đã trở thành kim chỉ nam hành động cho cán bộ và chiến sĩ lực lượng vũ trang. Chưa kể còn bài thơ có tên "Danh nhân" được treo trang trọng tại nhà lưu niệm Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Đoàn Bổng là nhạc sĩ viết nhiều, viết thành công về lãnh tụ. Trong cuộc đời, tuy Đoàn Bổng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ một lần lúc còn nhỏ nhưng ấn tượng sâu đậm về một vĩ nhân có trí tuệ anh minh, nhân cách cao đẹp, tấm lòng nhân ái bao dung mà rất gần gũi ấy theo ông đến suốt cuộc đời. Vì thế, trong gia tài âm nhạc hơn 300 tác phẩm dâng tặng cuộc đời, ông có gần chục ca khúc viết về Hồ Chủ tịch.

Tiêu biểu như là các bài: “Hồ Chí Minh, ngọn cờ hòa bình” (thơ Romet Chanđra - nguyên Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới), “Hồ Chí Minh - nhà thơ không của riêng mình”; ca khúc “Hát về Người” (phỏng thơ Phạm Hổ); “Từ làng Sen con hát tên Người”; “Em làm vui lòng Bác”, “Lời Bác dạy truyền mãi mai sau” (thơ Đỗ Văn Phú)…

Qua những ca khúc này hình tượng lãnh tụ hiện lên vừa đẹp đẽ, thanh cao, vừa bình dị, thân thiết, được đông đảo công chúng yêu thích. Đó quả là những áng hùng ca chạm đến con tim người nghe. Có những bài nhiều lần được dàn dựng hợp ca, tốp ca, múa phụ họa và được thể hiện trong các hội diễn ca múa nhạc các địa phương, cơ quan, ban ngành và phát sóng truyền hình cả nước, nhất là những dịp Tết Độc lập hay Kỷ niệm sinh nhật Bác.

Đoàn Bổng là người con ưu tú của mảnh đất Xứ Đoài suốt đời đam mê sáng tạo, tận hiến cho nền âm nhạc và thơ ca dân tộc. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật ông được nhận năm 2023 là sự ghi nhận xứng đáng với những cống hiến của ông. Âm nhạc của Đoàn Bổng như bài ca sẽ còn vang mãi.

Nguyễn Thị Thiện

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文