Kia
Mobifone

Ấn tượng tuổi thơ – Nhìn từ phê bình phân tâm học!

Thứ Năm, 02/09/2021, 17:59

Ông tổ của phân tâm học (psychanalyse) là Sigmund Freud (1856-1939) có ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống tinh thần nhân loại thế kỷ XX. Bắt rễ ở mảnh đất y học, cây phân tâm học lớn lên chia thành nhiều cành nhánh rồi vươn sang bầu trời của tâm lý học, thần kinh học, văn hóa học, nhân học, phê bình văn học...

Cống hiến lớn nhất của Freud là tìm ra vô thức, khái niệm này quan trọng đến mức ảnh hưởng đến hầu hết mọi lĩnh vực. Nhờ đó người ta mới nhận thấy cái phần quan trọng của con người, “phần chìm của tảng băng” là “vô thức”. Các bộ môn văn chương, nghệ thuật, tôn giáo, luật học, giáo dục học, mỹ học... đều lấy “vô thức” như một chìa khóa công cụ để mở ra thế giới của riêng mình. Triết học văn hóa đang vận dụng ánh sáng từ “vô thức” để cắt nghĩa, lý giải một số lĩnh vực còn sâu kín. Nói thế kỷ XXI là thế kỷ của tâm linh, một phần dựa trên căn cứ là sự phát hiện “vô thức” của phân tâm học.

Ấn tượng tuổi thơ – Nhìn từ phê bình phân tâm học! -0
Nhà văn L. Tolstoy (1828-1910).

Tên khái niệm “phê bình phân tâm học” đã cho thấy hướng nghiên cứu này chủ yếu dựa trên lý thuyết về phân tâm học để đưa ra những diễn giải mới về quá trình sáng tạo, về tiếp nhận, ý nghĩa, giá trị thẩm mỹ của văn chương... Nhờ đó mà đối tượng nghiên cứu được mở ra về bề rộng, bề sâu, bề xa. Như một tòa tháp có ba chân móng chắc chắn là phê bình phân tâm học tiểu sử, phê bình phân tâm học văn bản, phê bình phân tâm học người đọc nên nếu chỉ khảo cứu một chân móng của chuyên ngành sẽ không hiểu cấu trúc của tòa tháp, mà phải tìm hiểu cả ba.

Với phê bình phân tâm học tiểu sử thì ấn tượng tuổi thơ là quan trọng nhất. Xét từ góc độ sinh học, cấu trúc nhân cách người gần như đã ổn định khi đứa trẻ 5,6 tuổi. Như vậy sự hình thành tính cách, năng khiếu, thiên hướng nghề nghiệp... đã có từ rất sớm. Phương ngữ người Việt có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ” là rất khoa học. Có thể dễ dàng tìm thấy ấn tượng tuổi thơ, nhất là ấn tượng về gia đình có trong sáng tác của nhiều nhà văn, tất nhiên sự đậm nhạt là khác nhau.

Nhưng những ấn tượng mang tính bi kịch thì sâu đậm hơn. “Đòn đau nhớ đời” là vậy. Những “đòn roi” của cuộc đời đã in thấu vào nơi thẳm sâu nhất đâu đó của ký ức để rồi bật ra một cách vô thức, có thể neo vào chi tiết, hình ảnh có thể gắn với tính cách nhân vật... Trả lời câu hỏi những yếu tố nào để thành nhà văn, Hêminuây nói “phải có một tuổi thơ không vui sướng!”.

Theo một khảo sát khoa học thì trong 436 nhà văn nổi tiếng (nước ngoài) có 47 người mồ côi cha; 18 người mồ côi mẹ; 12 người mồ côi cả cha mẹ; 34 người phải chứng kiến gia cảnh suy tàn, tan nát; 24 người phải nương nhờ người khác vì cha mẹ bất hòa... Ví như nghiên cứu về tác giả E.Pô thì con đường tiểu sử sẽ giúp ta tiệm cận gần và chính xác hơn tư tưởng nghệ thuật cũng như phong cách tác giả.

E.Pô mồ côi cha từ khi mới sinh, ba tuổi lại mồ côi mẹ. Mẹ ông là thiếu phụ trẻ đẹp nhưng mắc bệnh nặng mà cứ chết dần. Đứa trẻ hơn hai tuổi là E.Pô cứ ngày ngày quanh quẩn bên giường bệnh chứng kiến cái chết từ từ đến với người thân yêu nhất... Ấn tượng đau thương đó ăn sâu vào “vô thức”, khi lớn lên, E.Pô thể hiện điều ấy sâu đậm trong trang văn...

Dù sinh ra trong gia đình quý tộc lừng lẫy nhất nước Nga nhưng L. Tolstoy lại có một tuổi thơ bất hạnh, mẹ qua đời khi mới 2 tuổi, sau đó là mồ côi cha. Cuộc sống xô đẩy cậu bé luôn phải xê dịch nay đây mai đó. Đã thế cậu lại có bề ngoài xấu xí. Những điều ấy đã tạo ở nhà văn tương lai niềm bi quan. Nhà văn tự nhận xét về mình đầy mặc cảm: “một kẻ bất tài, xấu xí, vụng về, ít học, cộc cằn, nhàm chán, kiêu ngạo nhưng thực tế thì nhút nhát như một đứa trẻ”.

Ông trời bù đắp thiệt thòi cho cậu bằng cách phú cho một tình yêu thánh thiện khi mới 9, 10 tuổi. Người yêu của cậu là Sonia Kolosina 9 tuổi, họ hàng xa với gia đình. “Nàng” như một thiên thần kéo cậu ra khỏi bóng tối của sầu muộn hờn tủi. Mối tình sâu sắc, lớn lao đến mức sau này ở tuổi 75, Tolstoy vẫn nói rằng “Tình yêu lớn nhất của tôi là từ những ngày còn rất bé, đó là Sonia Kolosina”.

Khi lớn lên nhà văn không nguôi tưởng tượng về người mẹ: “Tôi đi bộ trong vườn và tôi nghĩ về mẹ tôi, người mẹ mà tôi không nhớ bất cứ điều gì về bà nhưng vẫn là một hình mẫu lý tưởng, thánh thiện. Tôi chưa bao giờ nghe bất cứ điều gì không hay về bà”. Có thể hình mẫu ấy trong tưởng tượng và hình dáng thiên thần của tình yêu đầu đời đã kết tinh trong tâm trí để rồi tượng hình thành nhân vật nữ sống mãi trong tâm trí bạn đọc - nàng Anna Karenina!

Bôđơle 6 tuổi cha chết, mẹ lấy chồng, bố dượng lại rất ác độc. Gia đình Rút xô rất nghèo. Bố làm thợ chữa đồng hồ, mẹ mất sớm, 14 tuổi đã tự phải lang thang kiếm sống. Cápca sinh ra đã ốm yếu, nhà nghèo, bố nghiện ngập, vũ phu...

Ấn tượng tuổi thơ – Nhìn từ phê bình phân tâm học! -0
Đi tìm “lá diêu bông”...!!!

Ở ta rõ nhất là Vũ Trọng Phụng, sinh ra trong một gia đình “nghèo gia truyền”, bố mất sớm, bà già, mẹ yếu, lại sớm chứng kiến những cảnh lố lăng bát nháo của đô thị (phố Hàng Bạc, trung tâm của đô thị Hà thành) buổi Tây hóa. Mặt trái đời với những cảnh tranh giành, cướp giật, ăn hiếp, đĩ điếm... nơi phố phường hằn vết vào cảm nhận để rồi sau này nảy nở sống động trên trang viết của ông. Nhân vật bà Phó Đoan có nguyên mẫu là một bà nhà giàu nổi tiếng Hàng Bạc tên tục là Bé Tý... Như một lẽ tự nhiên cái “nhỡn quan vô nghĩa lý”, “chó đểu”... trở thành cảm hứng sáng tạo của nhà văn này.

Vũ sinh ra vốn yếu nhược về cơ thể nên mắc bệnh lao, ngày đó thuộc “tứ chứng nan y”. Chưa đủ kết luận căn bệnh này liên quan đến tính “dâm” (như một số sách báo đề cập) nhưng có thể bản năng sinh tồn đã kích thích người bệnh quan tâm, tò mò đến nó như là một niềm khát sống (!?). Lớn lên trong cảnh nghèo đói, xã hội đảo điên, bi quan với mình, với đời, Vũ sớm tìm đến sách tử vi, tướng số, theo một số người cùng thời kể lại thì Vũ rất giỏi “món” này... 14 tuổi phải tự thân đi kiếm sống, khi trở thành nhà văn thì phải viết để nuôi cả nhà, nuôi bà, nuôi mẹ, nuôi vợ, nuôi con, nuôi mình... Tất cả những điều ấy góp phần hình thành một thế giới nghệ thuật Vũ Trọng Phụng có ba vùng ám ảnh là tính dục, tâm linh và đám đông.

Nhà văn tiêu biểu nữa là Nguyên Hồng. Có thể khẳng định những nhân vật mang tinh thần nhân đạo chủ nghĩa thống thiết của ông sau này là sự in bóng một thời ấu thơ cậu bé Hồng tha thiết, khao khát đến đau đớn thèm một bàn tay người mẹ xoa vào tấm lưng gãi rôm cho đứa con mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng, bị cả nhà nội ghẻ lạnh...!!!

Tại sao nhiều nhà văn tài năng có quá khứ bất hạnh? Có phải bi kịch với họ đã trở thành một thứ “tài sản”? Nhìn từ phân tâm học, có thể lý giải thế này chăng: Một là, bất kỳ nghịch cảnh nào cũng hình thành nên một cái nhìn đời phức tạp, có khi ngược với số đông. Mà với văn chương, việc đầu tiên là phải có một cái nhìn nghệ thuật độc đáo. Bi kịch tuổi thơ đã giúp các nhà văn này tạo ra cái nhìn ấy. Hai là, văn chương là bài học thấu hiểu đời, thấu cảm người, cộng cảm nhân tình rồi truyền cảm đến người đọc bằng hình tượng nghệ thuật. Quá trình ấy đã hình thành rất sớm, gặp cơ hội nó được thể hiện ra thành những hình tượng ám ảnh. Có gì ám ảnh hơn bằng nỗi đau kể về nỗi đau!?

Dĩ nhiên có nhiều nhà văn tài năng không có tuổi thơ bi kịch nhưng lại được cuộc đời tạo cho những cơ hội để có ấn tượng để đời. Sinh ra trong gia đình quan lại, được học chữ Nho, sớm học tiếng Pháp, nhất là được tiếp xúc với cảnh quan trường cùng bao bi hài kịch trong xã hội đen tối nên đã giúp cho nhà văn Nguyễn Công Hoan có một quan niệm độc đáo: cuộc đời là một sân khấu hài kịch, con người là diễn viên trên sân khấu ấy. Để rồi ông có những trang văn đặc sắc về chế độ phản động, mục ruỗng, về con người tha hóa trong môi trường phi nhân tính.

Hoàng Cầm sẽ không là nhà thơ tình yêu nếu không có một thời thơ dại cậu bé Bùi Tằng Việt có một mối tình thơ ngây nhưng nồng nàn với một người chị xứ Kinh Bắc: “Em mười hai tuổi tìm theo chị/ Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa/ Đi ngày tháng lụi tìm không thấy/ Dải yếm lòng trai mải phất cờ” (“Quả vườn ổi”)...

Không ai muốn con mình sống trong bi kịch để trở thành nhà văn. Nhưng có thể rút ra bài học: việc giáo dục con trẻ mang tính quyết định tới tương lai! Cách giáo dục tốt nhất là tạo ra môi trường giáo dục tốt!

Nguyễn Thanh Tú