Bản tình ca Trường Lệ
Bãi biển Sầm Sơn kéo dài tới 6km có hình dạng trăng lưỡi liềm luôn dậy sóng trắng xóa. Nhưng điểm nhấn lại chính là dãy núi Trường Lệ ở phía Đông Nam thành phố. Dãy núi Trường Lệ còn có tên Sầm Sơn. Có lẽ bãi cát dưới chân núi và thành phố được đặt tên từ dãy núi này. Trong dân gian luôn truyền miệng câu ca: "Sầm Sơn phong cảnh hữu tình/ Hòn Kéo cao nhất, hòn Ngành thứ hai/ Thứ ba hòn núi Phú Thai/ Thứ tư Cổ Giải - nằm ngoài đầu Voi".
Núi mười sáu ngọn hoa cương
Dãy núi Trường Lệ được cấu trúc từ sự phong hóa của đá hoa cương diệp thạch hơn 300 triệu năm trước. Đỉnh cao nhất là Hòn Kéo chỉ ở mức xấp xỉ 85 mét. Nhưng điều thú vị dãy núi này được hình dung như một người phụ nữ nằm ngủ. Vì thế ngọn nguồn hình dãy núi mười sáu ngọn này chính là chuyện cổ về một người đàn bà có chửa bị chết trong một đại nạn hồng thủy đã trôi dạt vào làng Kẻ Trường (nay phường Trường Sơn).
Những người dân đánh cá ở đây thương cảm đưa bà lên bờ rồi đắp đất đá quanh thi hài thành dáng núi Trường Lệ ngày nay. Do đó những cung đường lượn quanh núi được ví như những đường cong của người phụ nữ xinh đẹp. Dân gian đã gieo những vần thơ rằng: "Eo Trường Lệ trôi dịu dàng/ Biển tung bọt sóng bay ngang mắt cười/ Đèo thông chim lảnh lót vui/ Bên đồi Trống-Mái mây vời vợi xanh".
Chúng tôi tới Sầm Sơn đúng thời điểm mọi người đang chuẩn bị cho khung cảnh của "Lễ Hội tình yêu" hàng năm. Ai nấy đều háo hức kết những khóm hoa cúc và hoa mào gà rực rỡ bên cụm tượng đá khổng lồ Trống - Mái. Thiên nhiên đã ban tặng cho người dân nơi đây một kỳ quan sống động về một biểu tượng cho tình yêu bất tử. Dân quanh vùng ai cũng đều thuộc lòng câu chuyện tình yêu sâu nặng của một đôi trai gái. Chàng ngư phủ đã cứu vớt một con cò bị bão tố vùi dập nơi Vũng Tiên vách núi Trường Lệ. Chàng chăm sóc và nuôi cò hết lòng thương cảm. Cò trắng quấn quýt và biết ơn chàng không nỡ bay đi. Chàng ngư phủ có biết đâu cò chính là nàng tiên trên trời bị lạc dưới trần gian.
Ngày mỗi ngày nàng chăm sóc lại chàng ngư phủ đền đáp ơn sâu nghĩa nặng. Tình yêu chớm nở, nàng tiên bỏ thân cò sống hạnh phúc bên mái nhà tranh cùng chàng. Nhưng rồi hạnh phúc chưa được bao lâu thì Ngọc Hoàng cho đòi nàng phải về trời. Lại hay tin nàng đã kết hôn với người hạ giới Ngọc Hoàng nổi giận cho Thiên Lôi xuống trừng phạt. Nhưng nàng dùng phép của mình biến hai người thành một đôi chim cu đá khổng lồ trọn kiếp bên nhau. Tình yêu son sắt của hai người đã được người đời ghi nhận: "Trống-Mái tình chồng vợ/ Quấn quýt nhau trọn đời/ Nguyện không bay về trời/ Hạnh phúc nơi trần thế".
Điều kỳ lạ sau này bãi cát trong vũng Tiên ấy trở thành bãi tắm Tiên kỳ diệu mà không nơi nào có được. Và đó cũng chính là sự bí ẩn của dẫy núi Trường Lệ cùng sự xuất hiện đền Cô Tiên trên ngọn núi Đầu Voi. Điểm nhấn trên dãy núi Trường Lệ còn thêm sự độc đáo với ngôi đền Độc Cước trên đỉnh non Cổ Giải (ngay trên đầu bãi tắm A). Truyền kỳ rằng, đền thờ một thánh nhân đã tự xẻ đôi thân mình để đánh quỷ trên núi và dưới biển cứu giúp muôn dân. Biểu trưng linh thiêng thần Độc Cước (một chân) chính là bức tượng bán thân bổ dọc cùng những vân mây kỳ bí. Tên thánh đã được tôn vinh "Độc Cước chân nhân". Huyền thoại còn ghi thần Độc Cước chính là con trai của người đàn bà chửa tạo nên dẫy núi Trường Lệ (Sầm Sơn ngày nay).
Khúc bi tráng biển khơi
Sau khi rời đền Cô Tiên chúng tôi đi dọc bãi biển Sầm Sơn. Giọng đọc thơ của cô hướng dẫn viên còn ngân nga mãi niềm vui. Đó là hình ảnh về bãi tắm tiên (Vũng Tiên) in đậm trong tâm tưởng: "Chàng về bãi biển tắm Tiên/ Sóng xô vú cát hiện lên trắng ngời". Ngay sau đó bất chợt xe phanh gấp lại. Phía trước chúng tôi là bức tượng một cô gái xách cặp mặc áo dài trắng với đôi mắt cương nghị sâu thẳm. Ai nấy bị hút tâm trí vào dáng vóc của cô gái qua cánh áo dài bay trước làn gió biển.
Cô hướng dẫn viên nói với chúng tôi đó là chân dung nữ anh hùng, liệt sĩ Công an nhân dân Nguyễn Thị Lợi. Cô cho biết chiếc cặp da trên tay anh hùng Nguyễn Thị Lợi chính là thùng chứa 30kg thuốc nổ. Nữ chiến sĩ Công an Nguyễn Thị Lợi đã làm giấy cam kết sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc và nhận nhiệm vụ đánh đắm tàu chiến của giặc Pháp (năm 1950). Đây là chiến công đặc sắc nhất của nữ chiến sĩ Công an khi một mình tiêu diệt 200 sĩ quan và binh lính Pháp. Câu chuyện ngày ấy vẫn nóng bỏng nhiệt huyết cách mạng của đội ngũ chiến sĩ CAND cho tới ngày nay.
Hình ảnh anh hùng Nguyễn Thị Lợi một mình leo lên con tàu chiến (được gọi là chiến hạm Amyot D'Inville) hiện ra trước mắt chúng tôi thật hào hùng. Tà áo dài tung bay trước những con gió gầm gào trên sóng biển. Nguyễn Thị Lợi là chiến sĩ tình báo của Ty Công an Thanh Hóa và Kim Sơn (vùng chiến khu tự do của cách mạng). Khi đó thực dân Pháp huy động hạm tàu lớn đưa đoàn quân thiện chiến tấn công vào vùng tự do Thanh-Nghệ Tĩnh. Hạm tàu của chúng đỗ tại bến cảng Sầm Sơn và định đổ bộ từ đây.
Ngay lập tức Ty Công an Thanh Hóa nhận nhiệm vụ đánh tan âm mưu của kẻ địch. Trưởng Ty Công an Hoàng Đạo đã khéo léo dựng lên một màn kịch bất ngờ để đưa được chiến sĩ Nguyễn Thị Lợi lên chiến hạm Amyot D'Inville. Tình báo viên Nguyễn Thị Lợi trong vai "Phu nhân Quốc Vụ Khanh" theo lời hẹn được hộ tống lên chiến hạm. Khi đó Nguyễn Thị Lợi ung dung tự tại leo lên tàu với chiếc cặp da trên tay. Khi chúng đưa "Phu nhân Quốc Vụ Khanh" vào phòng riêng lập tức chốt bom được khai hỏa. Tiếng nổ vang động cả vùng biển Sầm Sơn dậy sóng. Tổ điệp báo vừa vào tới bờ đều thoát nạn. Tất cả chiến sĩ đều quỳ xuống tiễn biệt nữ chiến sĩ dũng cảm vô song của đơn vị.
Khi đó nữ chiến sĩ tình báo Nguyễn Thị Lợi (bí số A18) vừa tròn tuổi 40. Chiến công của chị là một đòn quyết liệt đánh tan âm mưu đen tối của giặc Pháp tấn công ra vùng tự do Liên khu 4 ngày đó. Sự hy sinh của chiến sĩ Công an Nguyễn Thị Lợi là bất tử. Chiến công ấy ghi dấu ấn to lớn vào truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam. Liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1995).
Giọng nữ hướng dẫn viên nghẹn ngào trước muôn vàn lớp sóng dồn dập vỗ bờ. Câu chuyện một hình tượng nữ anh hùng tiếp nối truyền thống quê hương của Bà Triệu làm rung động tâm hồn chúng tôi. Hiện tên người nữ anh hùng này đã được ghi danh trên một con đường của thành phố Sầm Sơn. Cùng với đó tượng anh hùng Nguyễn Thị Lợi còn được dựng trong khuôn viên trụ sở Công an tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời một trường PTTH tại đây cũng được đặt tên Nguyễn Thị Lợi để các em ghi nhớ công ơn của người nữ anh hùng trên quê hương. Những bài ca hào sảng luôn vang lên trước biển Đông ngập tràn sóng gió. Dấu ấn lịch sử và văn hóa vang dội khắp nơi: "Xưa Trường Lệ-Người đàn bà nằm chắn sóng/ Nay Sầm Sơn-Nữ anh hùng giữ biển khơi".
Lễ hội tình yêu
Những ngôi đền trên triền núi Trường Lệ (Sầm Sơn) đều có lịch sử hình thành ngàn năm với những ngày lễ hàng năm rất độc đáo. Chúng tôi được người quản lý đền Độc Cước cho biết hàng năm lễ hội thần được diễn ra vào ngày 16 tháng Hai âm lịch. Đồng thời người dân thành phố Sầm Sơn còn tổ chức "Lê Hội cầu phúc" hay "Lễ hội tình yêu" hòn Trống-Mái cũng vào đúng ngày này. Đó là lễ hội vinh danh sự thủy chung son sắt cho hạnh phúc trăm năm trong mọi gia đình. Hình tượng những cặp gà trống gà mái hoặc những đôi chim câu được hình tượng hóa với biểu trưng về hạnh phúc lứa đôi.
Chúng tôi lắng nghe những điệu hát văn được các bạn trẻ đang tập luyện tại quán nghinh phong trên đền Độc Cước. Những vũ điệu tình yêu được chuẩn bị từ sớm chào đón xuân trở về. Tiếng ca cùng tiếng trống và kèn réo rắt trong làn điệu văn làm rộn ràng những du khách tới đây. Những bạn trẻ say sưa nổi trống: "Nào nhảy đi nhịp bước em tôi/ Vũ điệu tình ru mời ru gọi/ Tay trong tay ríu ran ngày hội/ Lòng thầm mơ Loan-Phượng thành đôi" (Ghi từ lễ hội tình yêu Sầm Sơn - Hoàng Vũ).