Cõi thơ của nhà thơ Dương Kỳ Anh

10:48 10/03/2024

Tôi mượn chữ CÕI THƠ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong bài viết  "Cõi người, cõi thơ" in trang đầu tập thơ mới xuất bản "Dương Kỳ Anh thơ chọn" (NXB Hội Nhà văn, 2023).

Theo nhà thơ Lê Quốc Hán trong bài viết: "Cảm thức thời gian trong thơ Dương  Kỳ Anh" đăng trên Báo "Văn nghệ Công an" thì Dương Kỳ Anh đã xuất bản năm tập rưỡi thơ từ năm 1978 đến năm 2016. Bởi vậy khi cầm tập thơ mới xuất bản ông tặng, tôi hỏi: "Tuyển tập sao mỏng thế này, có hơn 200 trang?". Dương Kỳ Anh bảo: "Không phải tuyển tập, chỉ là những bài thơ tự chọn, nhiều bài chưa in trong các tập trước, cũng chưa in báo...".

Tôi đã đọc tiểu thuyết "Cõi ta bà" của Dương Kỳ Anh in năm 2008 do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Cuốn tiểu thuyết hấp dẫn từ trang đầu đến trang cuối, tôi đọc một mạch không rời tay. Tiểu thuyết "Cõi ta bà" kể về một vị tiến sĩ lăn lộn trong "cõi ta bà" để tìm chính mình! Nay tôi đọc bài viết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều "Cõi người, cõi thơ" tôi tâm đắc vì ông đã tìm ra ý tưởng sâu xa trong thơ Dương Kỳ Anh.  Trong bất cứ đề tài nào hay bất cứ đối tượng nào thì thi sĩ Dương Kỳ Anh cũng chỉ một con đường đi tìm chính mình và giá trị người trong cái thế giới luôn biến động này. "...Con phải đi qua hàng vạn dặm, qua tuyết, qua mưa, qua đói, qua rét. Để tìm chính mình...".

Đây là câu thơ ông viết trong bài thơ cho con gái đang học ở xứ sở sương mù. Sương mù, hay tuyết, hay mưa, hay đói rét là những thách thức, những đe dọa luôn hiện hữu trước mọi số phận. Nhưng con người phải đi qua để tìm cái điều mà nhân loại đã và đang đi tìm hết thời này đến thời khác: tìm chính mình.  Đấy là câu hỏi lớn nhất mà thi sĩ Dương Kỳ Anh đặt ra trong mọi bài thơ của mình... Có hiểu mình mới có thể hiểu người, xưa nay là vậy.

Trong CÕI THƠ của nhà thơ Dương Kỳ Anh nhiều bài thơ, nhiều câu thơ thấm đượm lẽ đời, thấm đượm sự minh triết. Tôi đã đọc cuốn "Minh triết của tôi" (NXB Hội Nhà văn, 2019) cũng như cuốn "Mệnh trời và ý dân" (NXB Văn học, 2017)  của Dương Kỳ Anh và hiểu rằng trong văn và thơ ông luôn tìm đến sự minh triết của CÕI ĐỜI để hóa thân vào cõi thơ, cõi văn của ông.

Tôi tâm đắc với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi ông viết: " ...Mỗi ngày tôi gặp mình tôi mỗi ngày". Dương Kỳ Anh viết như vậy. Đọc câu thơ đó, tôi nhìn ra xung quanh và cũng chỉ thấy mỗi tôi. Sâu thẳm trong cõi đời là vậy. Mỗi người phải tự nhận ra chính cái tôi của riêng mình. Cái nhỏ bé nhất là TA và cái lớn nhất cũng là TA.

Dương Kỳ Anh viết:

Trời cao đất dày
Một mình ta đi
Một mình ta đến
Một mình ta về...

Thực sự tôi muốn khắc bốn câu thơ này lên đá và đặt ở những nơi chốn con người đi qua lại hàng ngày ồn ã, trần tục, chen lấn, háo danh và độc ác để ai đó nhìn thấy ngồi xuống đọc và suy ngẫm...".

Dương Kỳ Anh là người khởi xướng việc thi Hoa hậu ở nước Việt Nam thống nhất, do đó người ta thường gọi ông là "Cha đẻ các cuộc thi Hoa hậu Việt". Nhiều lần tâm sự trên báo, trên truyền hình ông nói vì tôi là nhà thơ, yêu cái đẹp nên mới nghĩ đến việc thi Hoa hậu.

 Đọc nhiều bài thơ của ông nói về vẻ đẹp của thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá và nhất là vẻ đẹp của con người tôi cảm nhận những ý tưởng sâu xa mà ông muốn gửi gắm: "...Hoa ẩn mình chỉ để tỏa hương thôi" (Hoa mộc lan).

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bình rất hay:  "Câu cuối cùng của bài thơ tựa một bông hoa vừa nở đến cánh cuối cùng và vẻ đẹp trọn vẹn của bài thơ đã hiện ra. Bài thơ tràn ngập tinh thần THIỀN. Bài thơ là một trải nghiệm sâu sắc. Cái cõi người mênh mông và ô tạp như ta từng biết. Và trong cái ồn ã, ô tạp ấy, cái đẹp vẫn ngự trị. Cái đẹp chỉ ẩn đâu đó và đợi con người bước tới gọi tên để hiện ra. Điều quan trọng là ta có nhìn thấy cái ĐẸP trong chốn ấy không. Chỉ một câu thơ mong manh như một cánh hoa mà chứa đựng một tư tưởng. Thơ ca kỳ diệu là vậy...".

Nhiều năm nay Dương Kỳ Anh sống ở nhà vườn Sóc Sơn với bốn bề cỏ cây hoa lá. Tôi rất thích những bài thơ ông viết về đề tài này. Không phải chỉ là tả tình, tả cảnh mà ông đã từ cỏ cây hoa lá để nói về triết lý sâu xa của cõi người. Bài thơ "Hoa dại" là một ví dụ:

Vườn ta hoa dại nở đầy lối đi
Người khôn ở chốn kinh kỳ
Biết đâu hoa dại nở vì người khôn
Sáng nay một trận mưa nguồn
Dại không như nước chảy tuôn ngang trời
Người khôn ở chốn xa xôi
Có bông hoa dại vì người mà khôn...

Dương Kỳ Anh hay nói về DẠI, KHÔN của cõi đời này:

...Bây giờ đợi cánh hoa xuân
Ngày xanh lẫn vào tóc bạc
Bước dại vẫn còn ngơ ngác
Bước khôn sao cứ ngập ngừng...

                  (Đợi cánh hoa xuân)

Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam chúc mừng nhà thơ Dương Kỳ Anh trong lễ ra mắt sách.

Sinh thời nhà thơ Trinh Đường thường nói về "nhành mai vàng thời gian" trong thơ Dương Kỳ Anh. Trong một bài viết đăng trên báo gần đây nhà thơ Lê Quốc Hán có nhắc lại điều này mà ông gọi là "cảm thức thời gian".

...Thời gian rũ áo không quay lại
Bảng lảng ngàn năm sương khói ơi
Đất trời như thực như mơ ấy
Xin một cành non hái với đời...

                     (Thời gian rũ áo)

Bài thơ "Trước lăng Khải Định" mà sinh thời nhà thơ Phạm Tiến Duật trong một bài viết đăng trên Báo Văn nghệ đã nói đến cái "sướng khoái" của người nông dân chân đất khi được "bá vai vua" và hai câu cuối của bài thơ này nhà thơ Nguyễn Trong Tạo sinh thời cũng trong một bài viết đăng trên Báo Tiền phong về thơ Dương Kỳ Anh đã thốt lên: "Tôi đọc hai câu thơ của Dương Kỳ Anh mà lạnh người".

...Đời người như ngọn gió qua
Bao triều vua cũng chỉ là hư không!

Theo như tôi biết nhà thơ Dương Kỳ Anh đã đến nhiều nước trên thế giới và ông đã ghi lại cảm xúc của mình qua những bài thơ. Nhưng, không phải như một số người là để khoe! Với Dương Kỳ Anh là một sự chiêm nghiệm sâu xa . Tôi rất thích bài "Ghi ở đấu trường La Mã". 

Máu, nước mắt, tiếng hổ gầm và tiếng kêu than của những người nô lệ
Thời gian đã rêu phong những tiếng thét gào
Tôi chỉ thấy du khách nói cười trên khổ đau của ngàn năm trước
Những khổ đau bây giờ người đời sau nghĩ sao!

Bài thơ viết về đấu trường thời La Mã ở thủ đô nước Ý, nơi mà xưa kia là đấu trường của những người nô lệ với thú dữ để mua vui cho vua chúa, nơi được coi là một trong bảy kỳ quan thế giới, chỉ có bốn câu mà quá khứ, hiện tại và tương lai hiện lên với triết lý sâu xa!

Bài thơ "Tượng người đàn bà ngoại tình ở vườn Lúc Xăm Bua (Paris-Pháp) cũng vậy:

Tượng người đàn bà ngoại tình với nụ cười viên mãn
Tôi nhìn lên, thần Dớt đã chau mày
Tiếng sét ái tình có thể làm nổ tung tất cả
Sao tượng người đàn bà ngoại tình vẫn ngự ở nơi đây?!

Đứng dưới tháp đồng hồ nổi tiếng Bigben ở Luân Đôn thủ đô nước Anh nhà thơ Dương Kỳ Anh ngẫm về thời gian và hai câu cuối cùng ông viết: " ... Ta/ Chúa tể của thời gian...".

Trong cuốn "Đổi mới làm mới thơ" (NXB Hội Nhà văn, ấn hành năm 2020) nhà thơ Dương Kỳ Anh bày tỏ quan điểm của mình về đổi mới, làm mới thơ hiện nay. Ông cho rằng đổi mới, làm mới thơ là từ cảm nhận, tư tưởng, ý tưởng ... mới, chứ không chỉ là đổi mới theo kiểu làm xiếc con chữ, quay ngang, quay ngược, rối rắm khó hiểu hay những triết lý vụn vặt... Đọc "Dương Kỳ Anh thơ chọn" tôi thấy ông hoàn toàn nhất quán với quan điểm này!

Có hai bài thơ in trong tập này tôi đã đọc trên Facebook của ông là bài "Mẹ ra đi trong đêm" và "Bài thơ người đi tìm phần mộ em trai mình" nhiều người đọc, tôi đọc mà trào nước mắt. Nhà thơ Dương Thuấn cho rằng đó là hai bài thơ "Để đời" đáng được đưa vào sách giáo khoa.

Bài thơ "Một chiều" trong tập này tôi biết cũng được nhiều người ưa thích khi in trên báo. Thật giản dị, trong sáng, dễ hiểu nhưng cũng rất sâu sắc, giàu sức cảm, sức mở... Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã thốt lên khi đọc tới hai câu cuối:

...Đời như một cuộc trốn tìm
Tự mình bịt lấy mắt mình mà trông...

Thì giật mình kinh hãi. Viết thế là đã tận cùng mọi nhẽ. Viết thế là đã nhìn xuyên tất cả...".

Dương Kỳ Anh luôn tâm đắc với ý tưởng của ông cha mình về thơ  "Ý tại, ngôn ngoại".  Lời ít ý nhiều. Ẩn sau con chữ là sự sâu xa của tư tưởng, cảm xúc.

Tiêu biểu là bài thơ "Con đường".

Người đi trên đường
Ngoái lại
Vẫn là con đường ấy

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bình: " ...Bài thơ chỉ có 10 chữ. Tôi đọc đi đọc lại bài này nhiều lần. Nhưng sau mỗi lần đọc bài thơ này lại thấy nó dài ra, dài ra và dài vô tận. Bài thơ đếm bằng mắt là 10 chữ nhưng đọc bằng cả cuộc đời và có thể cả kiếp sau và kiếp sau nữa...".

  Thơ là vậy và nhà thơ Dương Kỳ Anh qua tập "Dương Kỳ Anh thơ chọn" cũng là vậy.

Thảo Dương

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã may mắn thoát chết và hiện đã vượt qua cơn nguy kịch sau khi bị một thành phần chính trị đối lập bắn 4 phát đạn vào vùng bụng hôm 15/5. Châu Âu bị một phen chấn động bởi vụ ám sát chính trị hiếm hoi xảy ra giữa những căng thẳng chính trị, ngoại giao xung quanh cuộc chiến tại Ukraine.

Nhiều công trình, dự án trên địa bàn Thủ đô đang được triển khai nên nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng tăng cao dẫn đến tình trạng xe vi phạm quá khổ, quá tải có thể tái diễn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Tối 18/5, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Hà Nội) đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở đến các đơn vị thi công, doanh nghiệp kinh doanh vận tải và đội ngũ lái xe bảo đảm TTATGT.

Một nhóm 9 du khách, thanh thiếu niên khi vui chơi, tắm biển tại bãi biển Đà Nẵng đã gặp sự cố đuối nước. Mặc dù lực lượng cứu hộ cứu nạn bãi biển tích cực ứng cứu, nhưng do sóng to, khu vực tắm có biển báo cấm tắm nguy hiểm nên trong số 8 du khách đưa vào bờ, có 2 du khách đã tử vong, 1 nạn nhân mất tích.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (nay là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh) đã triển khai được 18 năm (từ 2006). Đó là quãng thời gian đủ dài để đánh giá về hiệu lực, hiệu quả trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文