Công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật: Đi tìm những "con mắt xanh"

10:00 04/10/2024

Lý luận phê bình nói chung và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (LLPBVHNT) nói riêng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng sáng tác và thưởng thức của công chúng. Những năm gần đây công tác LLPBVHNT đã có những bước chuyển tích cực, tuy nhiên so với thực tiễn sáng tác vẫn còn khá trầm lắng.

Nhiều chuyên gia nhận định, so với thực tiễn sáng tác sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp hiện nay, công tác phê bình chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình. Sự thiếu hụt về đội ngũ cán bộ làm công tác phê bình văn học, nghệ thuật, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật như: âm nhạc, múa, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh… diễn ra từ nhiều năm qua chưa thực sự được khắc phục.

Thiếu người tâm huyết, có nghề

PGS.TS Phan Trọng Thưởng - Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng LLPBVHNT Trung ương từng khẳng định: “Đội ngũ làm công tác LLPBVHNT từ Trung ương tới địa phương có vẻ đông đảo, nhưng thực tế đang thiếu trầm trọng người tâm huyết, có nghề, có bản lĩnh và kinh nghiệm để đảm đương tốt nhiệm vụ”. Thực tế cho thấy, hầu hết các hội VHNT địa phương thiếu lực lượng làm công tác lý luận phê bình. Chi hội lý luận phê bình thường có số lượng ít hơn rất nhiều so với chi hội thơ, văn xuôi… Thậm chí có hội VHNT một số tỉnh còn thiếu chi hội lý luận phê bình.

Công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật: Đi tìm những
PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp, nguyên Viện trưởng Viện Văn học tập huấn cho Chi hội Lý luận phê bình và văn nghệ dân gian (Hội liên hiệp VHNT tỉnh Phú Thọ).

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNT Trung ương nhận định lạc quan hơn, ông cho rằng hoạt động LLPBVHNT có nhiều chuyển biến so với trước, xuất hiện những “con mắt xanh” mới soi rọi vào đời sống văn học, nghệ thuật thông qua ngòi bút vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, mang nhiều phương pháp nghiên cứu mới, thúc đẩy hoạt động sáng tạo và thưởng thức phát triển đúng hướng. Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với yêu cầu đặt ra. Thực tiễn đó đòi hỏi cần có đội ngũ những nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, nhạy bén với thời cuộc. Tuy nhiên, làm thế nào để xây dựng được lực lượng làm công tác lý luận phê bình đáp ứng được yêu cầu nói trên, quả là vấn đề còn khá nan giải.

Những lý do cơ bản có thể kể ra là: Thứ nhất, thiếu một lực lượng được đào tạo bài bản từ các trường đại học. Đội ngũ làm công tác lý luận phê bình ở địa phương hiện nay phần lớn là nhà giáo, nhà báo và nhà nghiên cứu văn học. Họ cơ bản tự học qua thực tế, trên một nền tảng được học lý thuyết chung, khá hàn lâm tại các trường đại học. Vả lại, kiến thức được trang bị đối với các trường không chuyên về lý luận phê bình thì như vậy đã là đủ, đủ cho việc dạy học (Nếu là học các trường đại học sư phạm) và đủ để viết những vấn đề liên quan chứ không chuyên sâu về LLPBVHNT.

Thứ hai, thiếu một lực lượng yêu thích công việc này để có nhu cầu vào Hội VHNT địa phương. Việc thiếu một lực lượng cần thiết để làm công tác LLPBVH có một lý do dễ hiểu vì tác phẩm LLPBVH khó đọc hơn so với các sáng tác thơ hoặc truyện ngắn, tiểu thuyết. Bản thân mỗi tác giả cũng là một bạn đọc. Họ sẽ thích đọc những gì xuôi tai, giàu cảm xúc, để lại dư âm qua hệ thống ngôn từ, hình ảnh hoặc cấu tứ, kết cấu hấp dẫn. Về điều đó, các sáng tác văn, thơ… đáp ứng dễ hơn so với tác phẩm lý luận phê bình. Tác phẩm lý luận phê bình đọc đã khó viết còn khó hơn. Bởi thế, số người yêu thích công việc này không nhiều.

Thứ ba, “thiếu trầm trọng người tâm huyết, có nghề, có bản lĩnh và kinh nghiệm để đảm đương tốt nhiệm vụ”. Thực tế tại một số hội VHNT địa phương cho thấy, đã có hội viên muốn vào chi hội thơ, nhưng vì số lượng Chi hội thơ đông, nên khó vào. Vậy nên họ đi đường vòng, làm đơn xin vào Chi hội LLPBVH, sau một thời gian ngắn thì xin chuyển sang Chi hội thơ. Số đang ở Chi hội LLPB thì có người lực bất tòng tâm, có tâm huyết đấy nhưng “thiếu nghề” vì không được đào tạo bài bản. Có người thì được đào tạo nhưng thiếu bản lĩnh, ngại nói đến vấn đề tồn tại, ngại “chê”, ngại “phê bình”, không muốn làm mất lòng ai nên khi cầm bút viết là chỉ khen, chỉ ca ngợi một chiều…

Làm tốt công tác LLPBVHNT có ý nghĩa quan trọng trong việc kích thích văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng cao. Biết là vậy, nhưng số người tâm huyết cho công việc này còn ít, chưa kể, nếu chỉ tâm huyết thôi là chưa đủ. Số người có nghề cũng không nhiều, phần lớn họ chưa được đào tạo bài bản. Một số ít sau khi học đại học thì tự học hoặc thi thoảng được tham gia các lớp tập huấn ngắn ngày, mang tính chất “trại viết” chỉ khoảng 4- 5 ngày/lớp. Lực lượng có bản lĩnh và kinh nghiệm cũng chưa nhiều, đặc biệt là thiếu bản lĩnh. Đôi khi còn tâm lý e ngại hoặc sự nể nang, né tránh để đổi lấy sự êm ả cho các mối quan hệ đồng nghiệp…

Chưa có cơ chế khuyến khích người làm lý luận, phê bình

Bên cạnh lý do thiếu đội ngũ làm lý luận phê bình thì lý do về cơ chế cũng không kém phần quan trọng. Hầu hết đội ngũ này đã không chuyên trách, chỉ “tay ngang”, lại chưa được trả thù lao xứng đáng cho mỗi bài viết khi được xuất hiện trên báo chí. Phần lớn các báo vẫn tính nhuận bút cho LLPBVH như văn xuôi nói chung (tính theo số chữ, số trang…) nên chưa có tính động viên, khích lệ cao đối với người viết.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, phát biểu đề dẫn Tọa đàm "Tìm giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật" (5/2023).

Để việc phát triển đội ngũ, kết nạp và bồi dưỡng hội viên mới làm công tác lý luận phê bình, nhằm phát triển và trẻ hóa đội ngũ, đáp ứng yêu cầu của thời đại, rất cần một sự trọng thị và cơ chế thỏa đáng. Khi nhuận bút mỗi bài viết tương ứng công sức, trí tuệ của người viết bỏ ra thì chính điều đó góp một phần không nhỏ vào việc khích lệ các cây bút lý luận, phê bình nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo.

Không thể phủ nhận, vai trò của công tác lý luận phê bình nói chung và LLPBVH nói riêng. Nếu như trước đây, khá nhiều người quan niệm phê bình văn học chỉ như cái bóng “ăn theo” sáng tác thì ngày nay, khoa học và thực tiễn đã chứng minh LLPBVH còn có chức năng định hướng và điều chỉnh dư luận về các vấn đề văn học, ở cả tầm vi mô và vĩ mô. Một tác phẩm văn học có thể sang lên, sáng lên nhờ phê bình. Một trào lưu, khuynh hướng văn học có thể được định hình, được đánh giá đúng mức tránh sự hoài nghi hoặc hoang mang của dư luận…. Thực tiễn đó đòi hỏi cần có đội ngũ những nhà LLPBVHNT về chuyên môn, vững về bản lĩnh, nhạy bén với thời cuộc. Nhưng làm thế nào để xây dựng được lực lượng làm công tác này đông đảo hơn, chất lượng hơn? Đó là điều nhiều người trăn trở, đặc biệt là những người làm công tác lý luận phê bình nói chung và LLPBVHNT nói riêng.

Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật phải bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ các nhà phê bình chuyên nghiệp sắc sảo, tinh, nhạy nhưng phải có quan điểm đúng mực, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, đủ để định hướng, tạo niềm tin cho công chúng. Các trường đại học và các đơn vị chức năng có đào tạo chuyên ngành về công tác lý luận phê bình cần trang bị cho sinh viên những kiến thức mới về lý luận, phê bình và thực trạng đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay; cần chú trọng tinh tuyển những bài giảng để bổ sung kiến thức giúp cho công tác lý luận phê bình được nâng lên.

Các cơ quan chức năng cần tổ chức các hội thảo khoa học để trao đổi, thống nhất việc chỉ đạo, định hướng, quản lý, tổ chức hoạt động và xử lý các vấn đề nhạy cảm, quan trọng, phức tạp trong đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay. Các hội và chi hội có chức năng về lĩnh vực LLPBVHNT cần quan tâm phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp đội ngũ để bổ sung lực lượng chuyên sâu cho công tác này.

Và, điều quan trọng là sứ mệnh của người cầm bút làm công tác lý luận phê bình là phải nâng cao chất lượng tác phẩm, không thể "gác bút” chờ đợi những bước chuyển về cơ chế, chính sách và điều kiện làm nghề. Các nhà LLPBVHNT, ngoài trau dồi bản lĩnh, cần phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, không ngừng tích lũy kiến thức và gắn bó sâu sát với đời sống thực tiễn.

Hiện tại, thiết nghĩ đội ngũ những người làm công tác LLPBVHNT cần tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê và không ngừng tự học, tự bồi dưỡng kiến thức lý luận và thực tế để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Và, mỗi cây viết đều có thể giúp nhà quản lý phát triển đội ngũ bằng việc phát hiện nhân tài để bổ sung lực lượng cho mạnh, cho chuyên sâu và trách nhiệm với bản thân, với cuộc sống văn chương.

Đỗ Nguyên Thương

Mấy năm trong công cuộc "đốt lò", xảy ra bao chuyện bi hài. Không ít vị lãnh đạo mới hôm qua còn "lên lớp" khuyên răn cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ phải trọng chữ đức, phải liêm, chính, không tham ô, tham nhũng, không suy thoái, vậy mà hôm sau bị khui lộ biết bao chuyện giật mình. Trong hội thảo, hội nghị, những bài học về giáo dục đạo đức, liêm, chính vẫn diễn ra đều đặn, người học vẫn mải miết học, người dạy say sưa dạy, nhưng ngoài đời dường như nhiều người lại coi việc dạy và làm là hai phạm trù tách biệt nhau.

Dự thảo luật được xây dựng nhằm bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Lúc 23h20 ngày 11/5, Đội Cảnh sát 113, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được tin báo từ bến xe khách liên tỉnh Đà Lạt, có một đối tượng trộm xe ôtô loại 16 chỗ ngồi để ở khu vực bãi đậu xe.

Là một trong những điểm mỏ được quy hoạch, cấp phép để phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn, thế nhưng suốt gần 1 năm qua, hai mỏ đất san lấp của doanh nghiệp tại Nghệ An đã buộc phải ngừng hoạt động vì bị người dân vô cớ ngăn cản dù chủ đầu tư không có bất cứ hoạt động nào gây phương hại hay ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. 

30/4 - ngày đất nước thống nhất - là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. 50 năm đã qua, thế hệ cha anh từng bước qua chiến tranh, nếm trải khói lửa và dựng xây hòa bình. Giờ đây, trong ngày hội lớn của non sông, hàng triệu người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, cùng nhau viết tiếp ước mơ hòa bình của thế hệ đi trước. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được giá trị của hòa bình...

Sau gần một năm ra đời và hoạt động, lực lượng tham gia đảm bảo ANTT cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đắc lực cho lực lượng Công an làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, tuyên truyền phổ biến pháp luật và triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tội phạm.

Dưới nhiều hình thức dẫn dụ, các App cờ bạc đang len lỏi vào học đường khiến bậc phụ huynh lo lắng. Để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng này, ngành giáo dục và cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, giúp học sinh nâng cao cảnh giác.

Theo dự kiến, Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An sẽ đưa bị can Lê Thanh Nhất Nguyên, sinh năm 1991, ngụ số 191A, ấp Lập Thành, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (nơi được gọi là “Tịnh thất bồng lai”) ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị can Lê Tùng Vân, sinh năm 1932 (cùng ngụ địa chỉ trên) ra xét xử về tội loạn luân trong tháng 5 này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.