Cửa sổ - mở ra cả một thế giới!

12:38 23/09/2021

Triết học văn hóa thời cách mạng công nghiệp 4.0 hay ví cấu trúc nhân cách nhà văn hóa (nhà văn, nghệ sĩ...) như một lâu đài có nền móng là văn hóa dân tộc, các cột chống là tri thức khoa học, đời sống, vốn hiểu biết, các cửa sổ là ngoại ngữ... Những cửa sổ ấy luôn được mở vừa để đón ánh sáng văn hóa từ mọi nơi, vừa để nhìn ra các chân trời tư tưởng...

Hiểu theo ẩn dụ này thì quả thật ngoại ngữ rất quan trọng. Nhà nghiên cứu không có ngoại ngữ chẳng khác nhà không có cửa sổ, tối tăm, bí bích, ngột ngạt... là chí lý. Cũng thật đúng với công việc giao lưu hội nhập thì ngoại ngữ rõ ràng là phương tiện cơ bản và quan trọng nhất!

Nhưng không chỉ ngày nay, mà tận xa xưa, nhân loại đã coi cửa sổ luôn mang chức năng hai chiều: vừa để đón vào gió và ánh sáng vừa để nhìn ra thế giới bên ngoài. Trong văn hóa phương Đông, hình tượng cửa sổ còn mang ý nghĩa tâm linh. Người ta hay nói "cửa sổ tâm linh" tức mở ra và nhận về những gì thuộc về tâm linh. Vấn đề này còn cần nghiên cứu, bàn luận nhưng ít nhiều có tính thực tiễn, khoa học. Ví như ngày trước làm nhà hướng Nam (Lấy vợ đàn bà (hiền hòa?!) làm nhà hướng Nam) là lý tưởng vì phù hợp với khí hậu nóng ẩm, hướng Nam đón nhiều gió, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Nhà ba gian có cửa chính ở giữa, hai bên có hai cửa sổ, đằng sau cũng có hai cửa sổ thì rất thoáng mát. Người ta kiêng đặt cửa sổ ở hai đầu hồi Đông Tây, vì cho rằng quỷ sứ sẽ theo đó mà vào (ngày xưa nghĩa địa thường đặt phía Tây của làng). Nhưng dễ thấy một thực tế là nếu có cửa sổ hướng Đông thì gió (mùa Đông Bắc) lùa, cửa sổ hướng Tây thì nắng chiều xói vào...

Khuê Văn Các!

Chưa thấy giới nghiên cứu ngôn ngữ cho biết hai chữ "cửa sổ" có từ khi nào nhưng trong thơ cụ Nguyễn Khuyến về trước thì đều dùng chữ "song" từ Hán Việt chỉ cửa sổ. "Truyện Kiều" cũng đều dùng chữ "song": "Gương nga vằng vặc đầy song". Cụ Nguyễn Du kết hợp tài tình hai chữ để diễn tả hình ảnh ước lệ mà rất sinh động, như "song đào": "Đài sen nối sáp song đào thêm hương". Đây là cái nhìn từ trong nhà nhìn ra với ba lớp hình ảnh: cửa sổ (song) - sáp được đốt thêm hương cho thơm ở đài sen phía ngoài (cửa sổ) - (những) cây đào. "Song đào" chỉ cây đào ngoài cửa sổ. Tương tự có "song hồ" (cửa sổ dán giấy hồ): "Song hồ nửa khép cánh mây"; "song mai" (cửa sổ trồng cây mai): "Nàng từ chiếc bóng song mai"; "song sa" (cửa sổ căng sa): "Giã chàng nàng mới kịp dời song sa"; "song the" (cửa sổ căng the): "Mây Tần khó kín song the". Sự kết hợp này tăng cường hơn tính ước lệ. Câu thơ bóng bẩy hơn cũng đa hình ảnh hơn. Chỉ hai chữ "song thu" ("Song thu đã khép cánh ngoài") mà có cả con người (điểm nhìn miêu tả), không gian, thời gian, hình ảnh... Rồi "song trăng": "Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời"... Câu này còn cho thấy tâm trạng buồn của nhân vật trong không gian hoang vắng, thê lương ở thời điểm về đêm...

Sau này khi dùng "cửa sổ" thì vẫn giữ lại âm tiết "song" để chỉ những thanh gỗ/sắt gióng hàng song song với nhau vừa để bảo vệ vừa cho vững khung cửa. Giới văn chương hay nói tới cửa sổ mà ít nói tới cửa ra vào, vì nó mang tính tinh thần nhiều hơn. Người ta hay nói "bóng câu qua cửa sổ" có từ tích rất xa xưa. Trang Tử có câu: "Nhân sinh thiên địa chi gian nhược bạch câu chi quá khích" (Đời người trong khoảng trời đất giống như bóng câu qua khe cửa). Sách "Sử ký" cũng có câu tương tự: "Nhân sinh nhất thế gian như bạch câu quá khích" (Người sống ở đời như bóng câu qua cửa). "Bạch câu" nghĩa là bóng con ngựa non ý nói thời gian trôi rất nhanh. Điển cố này rơi vào địa hạt thơ ca nảy ra nhiều câu triết lý về thời gian và đời người, như: "Cũng như cửa sổ ngựa qua/ Nghĩ nào mà ủ mặt hoa cho phiền" ("Lục Vân Tiên" - Nguyễn Đình Chiểu).

"Khuê Văn Các" (gác Khuê Văn) ở Văn Miếu (Hà Nội) như một viên ngọc lấp lánh trong văn hóa Việt. "Khuê" là tên một ngôi sao trong 16 ngôi xếp giống như hình chữ "Văn". Sao Khuê là sao chủ của văn chương. Đặc biệt bốn mặt gác có 4 cửa sổ tròn, mỗi cửa có những thanh gỗ tượng trưng cho các tia sáng của sao Khuê. Tại sao lại cửa sổ tròn mà không vuông hay chữ nhật? Đây là quan niệm "trời tròn đất vuông" rất phù hợp với tên gọi gác Khuê Văn. Dưới mặt đất có hồ Thiên Quang biểu tượng cho đất. Kiến trúc hài hòa, tinh tế này thể hiện rõ nhất khát vọng mảnh đất Việt là nơi tinh hoa văn hóa của trời đất!

Cửa sổ phòng trà.

Có ý kiến cho rằng cửa sổ hình tròn trên gác Khuê Văn ảnh hưởng Phật giáo, là sự phóng chiếu của biểu tượng bánh xe Pháp (Dharmachakra). Đây là vấn đề cần trao đổi, tranh luận nhưng đối sánh với cửa sổ gác Khuê Văn thì bánh xe Pháp biểu tượng cho Công Lý, được chia thành 8 phần thể hiện tư tưởng "Bát chánh đạo": chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Biểu tượng bánh xe này cũng tạo hình cho cửa sổ ở các nhà chùa (!?).

Mở cửa sổ đồng nghĩa với việc mở ra một thế giới. Thế nên logo biểu tượng nhiều nhà xuất bản, nhiều tờ báo thường lấy cửa sổ làm biểu trưng, cùng với đó là hình ảnh chuyên biệt không giống ai. Hàm ý thật hay, tự ví mình như cái cửa sổ mở ra tri thức mới cho độc giả!

Giới kiến trúc phong thủy thế giới hầu như "chúng khẩu đồng từ" cho rằng người Nhật tinh tế nhất trong kiến trúc cửa sổ. Với họ, cửa sổ vừa là nơi đón ánh sáng, đón gió một cách tự nhiên vừa là điểm nhìn ngắm cảnh lý tưởng. Mỹ học kiến trúc đương đại nhấn mạnh tính chủ thể, trong khi đó người Nhật đã đi trước rất lâu khi quan niệm cái đẹp thiên nhiên tùy thuộc vào người xem. Cửa sổ chính là một cái gương khúc xạ cái nhìn ấy. Cảnh vật sẽ đẹp hơn khi được ngắm nhìn qua cửa sổ phù hợp. Do vậy người Nhật có cửa sổ dành cho từng mùa, từng đối tượng chiêm ngưỡng. Cửa sổ tuyết (Yukimi Shoji) dùng ngắm tuyết được che phần không gian phía trên để cái nhìn tập trung vào cảnh tuyết rơi. Cửa trang trí (Kazari Shoji) có tác dụng tăng tính mỹ cảm nghệ thuật của căn phòng. Mỗi khi có ánh sáng ở bên ngoài chiếu vào những hình ảnh sẽ sống động, lung linh hơn. Lại có cửa sổ tròn "khai sáng tâm linh", tức vòng tròn Zen viên mãn, thuần khuyết ảnh hưởng rõ từ đạo Phật...

Người Nhật cũng rất thực tế. Họ lấy ngay hình tượng cửa sổ làm không gian bán hàng hoặc quảng cáo hàng hóa. Các sản phẩm được sắp xếp hệ thống có chủ ý trong mỗi khung cửa sổ rất bắt mắt như mời gọi người mua. Không chỉ thế, trong mỗi khung cửa sổ ấy còn là những cảm hứng kích thích và gợi ra những ý tưởng mới ở du khách. Cũng là cách đánh thức trí tò mò, niềm say mê về một mẫu hàng hóa...

Những chàng lính trẻ Hà Nội thời đánh Mỹ không ai không thuộc bài thơ "Hương thầm" của Phan Thị Thanh Nhàn, vì trong đó có tính cách, tâm trạng và tình yêu của họ được thể hiện rất thật và tinh tế: "Cửa sổ hai nhà cuối phố/ Không hiểu vì sao không khép bao giờ/ Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp/ Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa". Cửa sổ hai nhà ấy luôn mở để "đôi bạn" này luôn nhìn thấy nhau. Đó là một thời trong sáng cực điểm, tinh khiết tận độ: yêu nhau chỉ nhìn nhau! Yêu nhau chỉ dám mượn hương hoa làm cầu nối... Người trai ra trận gói vào hành trang cuộc đời bộ đội hương hoa bưởi ấy để thêm sức mạnh đuổi quân thù... Sau này thế hệ con cháu sẽ đúc bằng vàng biểu tượng khung cửa sổ thời cha ông họ lãng mạn yêu nhau và đánh giặc. Người ta sẽ sưu tầm những chiếc khăn tay nhiều đôi tình nhân tặng nhau khi chia tay để vào trận tuyến, sẽ đưa vào bảo tàng -  Những chiếc khăn thêu hình cửa sổ cùng bầu trời tự do có hai cánh chim chấp chới vỗ cánh...Vì đó là biểu tượng cho sức mạnh Việt Nam, tâm hồn Việt Nam!

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần có tiểu thuyết với cái tên thật gợi: "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ". Bằng giọng văn trong trẻo, thấm đẫm chất thơ, tiểu thuyết mở ra một thế giới thần tiên của tuổi thơ với những người thân thương, tình nghĩa, nhân ái, nhất là một khu vườn tâm hồn tinh khiết, trong trắng của cậu bé với câu chuyện trồng hoa, tắm mưa, những màu xanh của cây cối, tiếng chim hót, hình dáng và màu sắc của chú bướm, cả những chuyến phiêu lưu ly kỳ khi bị lạc... Đây là cuốn sách đáp ứng khá toàn diện hiệu quả thẩm mỹ và tính giáo dục. Với độc giả nói chung tác phẩm như mở ra một cửa sổ liên thông với tâm hồn trẻ em chẳng khác gì "một mảnh vườn phải được cày xới và chăm bón. Chúng cần phải ra hoa và sinh sôi". Đấy là phần việc của người lớn và cả xã hội!

Nguyễn Thanh Tú

LTS: Ngày 27/4/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Thái Nguyên triển khai 6 mô hình điểm về Đề án 06. Đến ngày 30/6/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ phối hợp UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai 21 mô hình điểm về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (bao hàm 6 mô hình nêu trên). Đến nay, sau gần một năm triển khai, 17 mô hình cơ bản hoàn thành, 4 mô hình đang thực hiện, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Rạng sáng 1/5, trận bán kết lượt đi Champions league 2023/2024 đã diễn ra giữa hai đội Bayern và Real Madrid. "Kền kền trắng" vươn lên dẫn trước rồi để đại diện nước Đức dẫn ngược trước khi kết thúc trận đấu với tỷ số hoà.

Từ ngày 6 đến 8/5, các tay vợt bóng bàn Việt Nam bước vào vòng tranh vé dự Olympic Paris 2024 khu vực Đông Nam Á. Hy vọng giành vé dự Olympic Paris 2024, cũng là lần thứ ba góp mặt ở sân chơi này của các nhà quản lý, HLV và các tay vợt bóng bàn Việt Nam là có thật dù biết rằng không dễ thực hiện.

Đã 70 năm đã trôi qua, những người lính tuổi mười tám, đôi mươi năm nào nay tuổi đã cao, chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng ấy vẫn in đậm trong tâm khảm, không thể nào quên.

Nắng nóng gay gắt chấm dứt ở miền Bắc với sự xuất hiện của mưa lớn diện rộng với lượng mưa có nơi trên 50mm, nền nhiệt giảm nhanh gần 10 độ C. Khu vực Trung và Nam Bộ duy trì nắng nóng như "thiêu đốt".

Bắt đầu từ ngày 2/5, thí sinh đang học lớp 12 trên toàn quốc sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 bằng hình thức trực tuyến. Thời gian đăng ký kéo dài đến 17h ngày 10/5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lưu ý, trước khi khai phiếu đăng ký dự thi, thí sinh cần đọc kỹ các mục và bản hướng dẫn ghi phiếu mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, những điểm nào chưa rõ phải hỏi cán bộ tiếp nhận để được hướng dẫn đầy đủ bởi thí sinh chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin khai trong phiếu.

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文