Dịch giả - nhà văn Nguyễn Bích Lan: Gieo yêu thương trong từng con chữ
Dịch giả - nhà văn Nguyễn Bích Lan vốn mang trong mình căn bệnh nan y nên chỉ đi học đến lớp 8, nhưng đến nay dịch giả Nguyễn Bích Lan đã dịch 54 cuốn sách được xuất bản và có 4 đầu sách sáng tác. Năm 2010, chị vinh dự được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam ở hạng mục Văn học dịch với tác phẩm nổi tiếng “Triệu phú khu ổ chuột” và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay trong năm đó.
Hành trình vượt lên nghịch cảnh và những nỗ lực không ngừng của dịch giả - nhà văn Nguyễn Bích Lan cũng chính là hành trình chị gieo yêu thương trong từng con chữ...
- Thưa dịch giả Nguyễn Bích Lan, được biết ngoài dịch thuật là công việc chính, chị còn sáng tác văn học. Tập truyện “Heidi” do chị dịch vừa được NXB Phụ nữ ra mắt là cuốn sách dịch thứ bao nhiêu của chị?
+ “Heidi” là cuốn sách dịch thứ 54 của tôi. Nếu kể cả sách sáng tác thì cho đến thời điểm này tôi đã xuất bản 58 cuốn sách. Số sách tôi dịch đã vượt tuổi tôi và gần gấp đôi số năm tôi phải sống chung với căn bệnh nan y mà nhiều bạn đọc đã biết.
- Tác phẩm “Heidi” do NXB Phụ nữ ấn hành có slogan là “Cuốn sách dành cho trẻ em và những ai yêu trẻ em” và buổi giao lưu ra mắt cuốn sách này cũng xoay quanh chủ đề này. Theo chị, điều gì ở “Heidi” làm lay động trái tim độc giả?
+ “Heidi” là tác phẩm văn học kinh điển của nhà văn Thuỵ Sĩ Johanna Spyri. Sức sống của tác phẩm này đã được thời gian kiểm chứng qua hơn 100 năm và những giá trị của nó không hề lỗi thời. Đó là bởi nó là câu chuyện về lòng tốt, về tình yêu thương có thể lay động trái tim bạn đọc thuộc mọi lứa tuổi. Đọc “Heidi” chúng ta thấy lòng tốt có thể chữa lành những vết thương, thay đổi số phận của những người bất hạnh, khiến những trái tim chai sạn và chán chường yêu đời trở lại. Đặc biệt, lòng tốt cùng với sự kiên trì có thể tạo ra sự kỳ diệu.
- Tối 7/10 vừa qua, buổi giao lưu - ra mắt tác phẩm “Heidi” mới diễn ra, nhưng theo thông báo trên trang cá nhân của chị, trước đó cuốn sách này đã bị “cháy hàng” và đang được NXB in thêm để phục vụ “Hội sách Hà Nội”. Chị có thể chia sẻ thêm về tin vui này?
+ Bạn có thể thấy sách tôi dịch thường nằm trong số những sách bán chạy, chẳng hạn như “Triệu phú khu ổ chuột”, “Cây cam ngọt của tôi”, “Được học”… Tuy nhiên chưa từng có cuốn sách nào tôi dịch được in nối bản sau chưa đầy hai tuần ra mắt độc giả như cuốn “Heidi”. Nếu xét con số thống kê về tỉ lệ người đọc sách còn rất khiêm tốn ở nước ta - trung bình mỗi người Việt Nam đọc chưa đến 2 cuốn sách một năm - thì số lượng bản in 2.000 cuốn “Heidi” được bán hết trong vòng một năm đã đáng mừng rồi, chứ chưa nói đến một tháng. Bạn đọc của tôi gọi đây là “một vụ cháy sách rực rỡ” và chúng ta cần có nhiều vụ “cháy sách” như thế trong thời buổi mà cả trẻ em lẫn người lớn đều rất dễ nghiện Tiktok nói riêng và Internet nói chung.
- Là người mang trong mình căn bệnh nan y với thân hình bé nhỏ chưa đầy 30kg, nhưng hơn 20 năm qua chị vẫn duy trì việc dịch sách kiêm sáng tác văn học. Chị có thể kể cho độc giả báo Văn nghệ Công an biết chị đã làm thế nào để hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ ngay cả đối với người khỏe mạnh như vậy? Động lực nào đã khiến chị vượt qua những khó khăn, trở ngại về sức khỏe để duy trì việc dịch thuật và sáng tác?
+ Dù mang căn bệnh chưa có thuốc chữa hơn 30 năm nay, tôi vẫn làm việc 9 tiếng một ngày. Xét cho cùng, tình trạng không đi lại được bình thường của tôi tưởng là bất lợi nhưng hóa ra lại là một thuận lợi: tôi không tốn thời gian đi lại, không mắc kẹt trong những đám tắc đường, vì thế tôi có nhiều thời gian để làm việc hơn. Động lực thúc đẩy tôi chính là tình yêu bản thân, yêu gia đình và yêu cuộc sống mà tôi đã khám phá và bồi đắp qua những khó khăn đặc biệt trong hành trình sống của mình. Niềm mong muốn xã hội ta tiến bộ, văn minh hơn để con trẻ của chúng ta được sống trong môi trường lành mạnh, tốt lành hơn cũng thúc đẩy tôi dịch thật nhiều sách hay để thu hút ngày càng nhiều người đọc sách.
- Gần đây, các tác phẩm mà chị chuyển ngữ thường là do chị tự tìm nguồn bản thảo hay được các NXB đặt hàng? Nhuận bút dành cho sách dịch thuật ở Việt Nam rất khiêm tốn mà các dịch giả vẫn nói vui với nhau là “dịch sách vì đam mê”. Với cá nhân chị điều này có đúng không?
+ Từ chỗ chỉ ngồi đó đợi NXB giao sách cho dịch, từ lâu tôi đã tiến đến chỗ chủ động tìm các cuốn sách mà tôi thích, những cuốn sách tôi thấy cần phải dịch sang tiếng Việt để nhiều người Việt có thể tiếp cận chúng. Chỉ khi dịch những cuốn mình thực sự thích, tôi mới có thể dịch hay, dịch trong tâm trạng cảm hứng tràn đầy và như thế mới có thể cho ra một bản dịch tốt. Những cuốn sách tôi dịch được nhiều bạn đọc tìm kiếm như “Được học”, “Heidi” là tôi chọn nguyên tác và giới thiệu với nhà xuất bản. Đôi khi nhà xuất bản cũng có những cuốn sách rất hay hợp với “gu” dịch của tôi và trong trường hợp đó khi được mời tôi rất ít khi từ chối. Về nhuận bút, tôi muốn nói rằng tôi sống được nhờ nhuận bút dịch sách và viết sách và những năm gần đây tôi còn có thể trích một phần thu nhập của mình để giúp đỡ những em học sinh khuyết tật có ý chí theo đuổi giáo dục. Cuốn tự truyện “Không gục ngã” của tôi đã xuất bản lần thứ 11, cuốn sách dịch “Được học” đã in tới lần thứ 8 trong vòng 4 năm, và cuốn sách “Heidi” cháy hàng sau 10 ngày phát hành, bạn cứ nhìn những thực tế đó bạn sẽ tin rằng người cầm bút như tôi sống được nhờ viết sách, dịch sách là có thật.
- Nhiều năm nay, dịch giả - nhà văn Nguyễn Bích Lan còn được biết đến là một “nhân tố khuyến đọc” đầy uy tín. Chị có thể chia sẻ về niềm hạnh phúc khi trở thành một “nhân tố khuyến đọc” được bạn đọc nhiều lứa tuổi yêu thương, tin cậy?
+ Nếu theo dõi hành trình sống của tôi bạn sẽ thấy những cuốn sách đã thay đổi cuộc sống của tôi theo hướng tốt đẹp như thế nào. Không có những cuốn sách, tôi không biết phải tự học như thế nào để trở thành một người có kiến thức, có trải nghiệm văn chương đủ để dịch gần 60 cuốn sách. Chính vì vậy tôi mong muốn khuyến khích càng nhiều người đọc sách nhất trong khả năng của mình. Tôi sử dụng trang Facebook cá nhân của mình như nền tảng để tôi có thể khuyến đọc bằng cách giới thiệu các cuốn sách hay, sách mới xuất bản cho mọi lứa tuổi. Tôi đã cùng các độc giả của mình gửi sách tặng các thư viện buôn làng ở Đắk Nông, Sơn La, và một số trường học vùng xa khác. Trong năm 2023 này, tôi hiện thực hóa ý tưởng “Thắp sáng các góc nhỏ” ở nhiều nơi bằng những cuốn sách hay.
- Theo quan sát của tôi, chị là người sống “nương tựa” vào sách và thiên nhiên. Vậy trong những cuộc trò chuyện của chị với trẻ em, chị thích nói với chúng điều gì nhất?
+ Tôi muốn nói với con trẻ tất cả những điều gì có thể kích thích chúng nuôi những ước mơ lớn, hướng tới cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc. Trẻ bây giờ phải học nhiều quá, sống xa cách với thiên nhiên và đó là lỗi của người lớn chúng ta. Hãy hỏi một đứa trẻ rằng con có thích học không, hàng ngày con có cảm thấy vui không? Và bạn chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời khiến bạn nếu yêu và quan tâm đến trẻ con phải suy nghĩ và trăn trở rất nhiều!
- Xin cảm ơn dịch giả - nhà văn Nguyễn Bích Lan!