Ghé Xuân La tìm lại tuổi thơ

10:21 25/09/2021

Tâm sự với khách về cái "chốn tổ" tò he Xuân La đầy thiêng liêng của mình, nghệ nhân Ưu tú Đặng Bá Hạ cho hay, vào cái thuở "ngày xửa… ngày xưa", làng thuộc tổng Phượng Dực, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Ngày nay, Xuân La thuộc xã Phương Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. 

"Tò he cụ bán mấy đồng
Con mua một cái cho chồng con chơi
Chồng con đánh vỡ đánh rơi
Con mua cái khác con chơi một mình"     
      

                          (Đồng dao Bắc Bộ)

Tâm sự với khách về cái "chốn tổ" tò he Xuân La đầy thiêng liêng của mình, nghệ nhân Ưu tú Đặng Bá Hạ cho hay, vào cái thuở "ngày xửa… ngày xưa", làng thuộc tổng Phượng Dực, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Ngày nay, Xuân La thuộc xã Phương Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. 

Kể về tuổi đời của làng nghề nơi mình chôn nhau cắt rốn, lão nghệ nhân già ấy tâm tình, căn cứ vào những tư liệu lịch sử để lại, các nhà khoa học đã khảo cứu ra rằng, nghệ thuật nặn tò he truyền thống ở Xuân La ra đời cách nay đã gần 400 năm. Bảo rằng, tuổi đời làng nghề tò he truyền thống Xuân La chả còn trẻ trung gì nữa là thế.

nghệ nhân ưu tú đăng văn hạ.jpg -0
Nghệ nhân Ưu tú Đăng Văn Hạ.

Lặng phắc trong chốc lát, bất giác nghệ nhân Đặng Bá Hạ bồi hồi nhớ lại, không phải ngay từ lúc mới "khai sinh" cái nghề nặn bột thành hình những nhân vật lịch sử trong và ngoài biên giới. Và, những trái cây, chim muông; đủ loại những con giống… ở làng Xuân La đã mang tên "tò he" đâu. Rồi thì lão nghệ nhân cất giọng ngâm nga bằng cái lối lẩy Kiều cổ kính, rằng: "Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ ba chim cò".

Người Sơn Nam Thượng thuở ấy có câu truyền miệng như trên là bởi, vào thời "bình minh" của làng nghề, những sản phẩm tò he "chim cò" kể trên của làng Xuân La được sử dụng vào việc cúng lễ tại gia; tại hội lễ của trong và ngoài làng Xuân La. Không dừng lại ở đó, chúng còn xuất hiện tại những phiên chợ quê nổi tiếng thuộc vùng Sơn Nam Thượng. Thế nên những con vật ấy được gọi là "đồ chơi chim cò". "Chim cò" được chế bằng bột thành ra ăn được.

Với  tâm hồn lãng mạn đầy phong phú và một khả năng sáng tạo đặc biệt mà trời ban tặng riêng có cho mình ngay từ cái thuở "ban đầu lưu luyến ấy", không chỉ tạo nên những sản phẩm "đồ chơi chim cò" mà người Xuân La còn "hô biến" những món bột màu truyền thống của mình thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... Những sản phẩm đó tạo thành mâm cỗ để người Xuân La thành kính dâng cúng tại đình, chùa. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên ăn được. Và người ta gọi chúng là "con bánh". 

Thời gian sau, những người thợ thủ công chuyên "chế tác" tò he của làng Xuân La nảy ra ý tưởng  gắn vào những thứ "đồ chơi chim cò" - "con bánh" của mình những chiếc kèn ống nhỏ xíu. Ở đầu chiếc kèn ống đó người thợ quét thêm một chút mạch nha. Và khi ngậm vào chiếc kèn ấy để thổi, tức thì những thứ "chim cò" - "con bánh" đó phát ra thứ âm thanh: tò te! 

Từ tên khai sinh thuở sơ khai "đồ chơi chim cò" rồi thì "con bánh", đến lúc này  những sản phẩm được chế từ những nắm bột màu truyến thống của người Xuân La được gọi bằng cái tên mới toanh: tò te! Sau đấy hai từ "tò te" được gọi chệch ra thành "tò he". Và hai tiếng "tò he" tồn tại cho đến cái thời 4.0 nay. Vậy đấy, "sự tích" ra đời của tên gọi "tò he" là như thế, một trang lịch sử.

*

Nghệ nhân Đặng Văn Tiên - người đã và đang "sinh tử" với nghề tổ của làng gần 20 năm trời nay không giấu được niềm kiêu hãnh khi tâm sự với khách thế này: "Tò he, món đồ chơi dân gian là sản phẩm sáng tạo của các thế hệ cha ông người làng Xuân La. Và chỉ có người Xuân La mới có thể làm ra được những món đồ chơi tinh xảo đầy ngộ nghĩnh, đáng yêu từ chính những chất liệu thân thuộc trong đời sống hằng ngày mà thôi. Tò he không chỉ đơn thuần gắn bó với tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân nước mình tại các vùng - miền khác nhau mà hơn thế, nó còn thể hiện được phần nào đó nét đẹp văn hóa làng. Mà văn hóa làng tức là đồng nghĩa với văn hóa Việt, phải không anh?!".

Sản phẩm “Tò he” của làng Xuân La.

Vốn tính cởi mở và thân thiện như tất cả những "con dân" khác của làng Xuân La, anh Tiên kể, nguyên liệu truyền thống để làm tò he không gì khác là bột gạo tẻ. Có điều muốn giữ được độ dẻo bền lâu của bột, người Xuân La thường pha trộn thêm bột nếp theo tỷ lệ: 10 phần gạo tẻ bổ sung một phần nếp. Thường thì người Xuân La ưu tiên chọn thứ nếp cái hoa vàng để pha với gạo tẻ, vì nhẽ, họ sẽ có được thứ bột "như ý" và sẽ dễ dàng cho ra món hàng có chất lượng tốt nhất phục vụ các "thượng đế" tuổi ấu nhi. 

Tiếp đến đem trộn trộn thật đều hai món nếp - tẻ với nhau trước khi đem ngâm nước rồi cho vào cối đá xay. Khi đã có thứ bột nhuyễn đến mức không thể chuẩn chỉ hơn, bấy giờ người ta đem luộc chín và nhào thật nhanh tay, còn hơn cả "làm xiếc". Người Xuân La đặc biệt coi trọng khâu kỹ thuật luộc bột.  Và khi làm bột phải tính toán tới yếu tố thời tiết.  Vào lúc mùa đông bao giờ họ cũng làm bột dẻo hơn giai đoạn mùa hè. Công đoạn tiếp theo, bột được nắm lại thành từng vắt.

Anh Tiên chia sẻ, một trong những khoản quan trọng bậc nhất là nhuộm màu cho bột. Ngày xưa, các thế hệ tiền bối của làng Xuân La có truyền thống sử dụng các loại màu có nguồn gốc thực vật đem đun sôi với một ít bột. Các màu chủ đạo gồm có bốn màu. Màu vàng được "chiết xuất" từ hoa hòe hoặc củ nghệ. Màu đỏ từ quả gấc. Màu đen nhờ vào thứ cây nhọ nồi. Màu xanh lại lấy từ lá riềng hoặc lá trầu không, rau ngót. Còn các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này mà ra. Thời nay, màu thực phẩm công nghiệp được dùng để thay thế màu truyền thống. Vì nó đẹp hơn, gia công nhanh, đều, đỡ tốn thời gian, công sức.

Cũng lại là cái dạo ngày xưa, thường thì người làng Xuân La nặn sẵn tò he ở nhà rồi mang ra chợ bán. Và, các con tò he không được gắn vào thanh tre như bây giờ mà được nặn và đặt lên những vòng tròn như chiếc đĩa. Đến khi "công nghệ" que tre ra đời người ta tạo hình tò he trực tiếp lên đó, và làm ngay tại chợ hoặc các điểm vui chơi công cộng.

Một thùng gỗ nhỏ hoặc thùng xốp với vài cục bột màu; một chiếc lược con và nắm que tre nhỏ… những "nghệ sĩ chân đất" của làng Xuân La có mặt "trên từng cây số"  khắp các vùng miền gần xa mang niềm vui, sắc màu đến cho các lứa tuổi thiếu nhi. Và giúp cho những người không còn trẻ may mắn có cơ hội tìm lại ký ức tuổi thơ của mình, ấy thế!

*

Đã có lúc những món tò he  -  sự sáng tạo mang tính dân gian thuần Việt của ở Xuân La tưởng như rã đám mai một trước sự xuất hiện tràn ngập của  những thứ đồ chơi công nghệ từ ngoài biên giới tràn vào. Và khi ấy, những người nông dân -  nghệ sĩ của làng Xuân La đã tưởng sẽ phải "chia tay hoàng hôn" với nghề tổ, do không thể sống được với nghề nữa rồi.

Nhưng vì ý thức được giá trị với cái nghề mà cha ông bao đời khó nhọc sáng tạo nên mà để lại như một thứ "của để dành" vô giá cho hậu sinh, người Xuân La đã bảo nhau giữ cho bằng được loại hình nghệ thuật dân gian có một không hai: Nặn tò he. Một trong những nhân vật tiên phong trong việc tìm lại sự sống cho nghề tò he Xuân La chính là nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Thành, người được xem là một trong những kỳ nhân trong quá trình  hồi sinh làng nghề truyền thống.

Cứ như thổ lộ của nghệ nhân Nguyễn Văn Thành thì, nghề tò he truyền thống của quê anh "sống lại" không chỉ thuần túy với việc giúp cho bà con "có thêm đồng ra, đồng vào" một cách ổn định. Mà hơn thế, nghệ thuật sáng tạo tò he dân gian của người Xuân La đã - đang thật sự  có chỗ đứng lâu bền đầy chân giá trị trong đời sống văn hóa thời 4.0, góp phần giáo dục nhiều thế hệ tuổi thơ tại khắp mọi miền đất nước về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt.

Cặp mắt sáng lấp lánh nét đẹp trí tuệ bỗng trở nên rưng rưng, kèm theo đó là cái giọng nghèn nghẹn, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành bảo, Hà Nội đã vào Thu. Và chả mấy nữa là tới 28-8 âm lịch, ngày mà theo di lệ kế thừa, những "nghệ sĩ nông dân" làng tò he Xuân La trên khắp mọi miền đất nước lại trở về làng thành kính trở về nhà thờ nghề tổ của mình thắp nén tâm hương kính cáo với các bậc tiên liệt hậu hiền của làng mình rằng, gần 20 năm qua, nghề tò he truyền thống của quê hương đã chính thức được phục hồi, phát triển một cách căn cơ, bài bản. Và nghề tổ đã nuôi được người thợ tò he Xuân La.

Mà đâu chỉ có vậy, tò he - loại hình nghệ thuật đặc sắc độc nhất vô nhị của người Xuân La với những tác phẩm là chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo; những cô thôn nữ áo mớ bảy mớ ba rực rỡ hay hình tượng anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc.

Và đây, chàng Thạch Sanh dũng mãnh đánh thắng trăn tinh… mang tâm hồn thuần Việt đã và đang tự tin bước ra khỏi lũy tre làng Xuân La để có mặt tại rất nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc… như một sự khẳng định: tò he - di sản văn hóa phi vật thể của cha ông là đại diện cho một phần nào đó văn hóa Việt truyền thống, ấy thế!.

Vũ Lê

Ngày 20/1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án, mở rộng điều tra vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” do đối tượng Nguyễn Văn Bình (SN 1988, trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh) và Hoàng Quốc Việt (SN 1983, trú tại phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) cùng nhiều đồng phạm khác thực hiện.

Chữa nám, nâng mũi, tiêm meso trẻ hoá lan da… để đón Tết là những liệu pháp làm đẹp được nhiều chị em sử dụng mỗi khi Tết về. Nhưng có rất nhiều người nghe quảng cáo trên mạng, xem những video clip, tik tok làm đẹp đã được thổi phồng công dụng của những cơ sở sapa, thẩm mỹ… và bỏ tiền triệu đến hàng chục triệu để làm đẹp. Hậu quả, rất nhiều người phải nhập viện cấp cứu với gương mặt đen xì, thủng mũi, chảy mủ ở ngực…

Sáng 20/1 theo giờ địa phương, tại Thủ đô Praha, Cộng hòa Czech, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược giữa Câu lạc bộ (CLB) Công an Hà Nội và CLB Slavia Praha về đào tạo cầu thủ trẻ, trao đổi chuyên môn kỹ thuật và tổ chức các trận giao hữu quốc tế.

Ngày Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025 đang đến thật gần với sắc thắm của hoa đào, sắc vàng của quất chín mọng. Không khí Tết cận kề gợi nhớ da diết bữa cơm đoàn viên bên gia đình, người thân. Với những phạm nhân đang chấp hành án, mong ước về một bữa cơm tất niên bên gia đình là điều không thể.

Sau 5 ngày xét xử và nghị án kéo dài, chiều 20/1, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với các bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.

Sáng 20/1, dưới sự chủ trì của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Bộ Công an đã tổ chức Giao ban trực tuyến cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự xã hội Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Tham dự buổi giao ban có lãnh đạo một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an. Buổi giao ban được tổ chức trực tiếp từ hội trường Bộ Công an, trực tuyến đến các điểm cầu Công an ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.