(Đọc tập thơ "Thức bước thời gian" của nhà thơ Bùi Kim Anh, NXB Hội Nhà văn, 2022)

Kim Anh thức bước thời gian

14:54 18/11/2022

Bùi Kim Anh, sinh ngày 25/2/1948 tại quê lúa Thái Bình và chị gắn bó cả đời với mình Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chị gắn bó với nghề dạy văn phổ thông trung học ở Thủ đô cho đến khi nghỉ hưu.

Song hành cùng nghề giáo là sự nghiệp văn chương. Ngoài tập tản văn “Sống chậm”, Bùi Kim Anh dành trọn vẹn hành trình sáng tác của mình cho thơ. Trình làng tập thơ đầu tay “Viết cho mình” năm 1995 và sau gần 30 năm chị là tác giả của 11 tập thơ. “Thức bước thời gian” dày 191 trang, với 120 bài thơ gắn với tập sách thứ 12.

Nhà thơ Bùi Kim Anh.

Điều dễ nhận thấy hầu hết các bài thơ đã chụm lại làm rõ chủ đề tập thơ “Thức bước thời gian”. Có thể nói thời gian là thông điệp chính nhà thơ muốn trải lòng khi đã chạm đến tuổi “thất thập ngũ niên”. Ý niệm thời gian từ cụ thể đến khái quát thể hiện từ nhan đề từng bài thơ, như: “Ánh hoàng hôn mùa đông”, “Buổi sáng nơi ngõ hẹp”, “Chỉ còn là đêm”, “Chiều Buôn Mê”, “Chiều nắng hạ”, “Chiều thứ 7”, “Cho một chiều dành lại”, “Chủ nhật với hoa cúc”, “Đêm Nha Trang”…

Nhà thơ đã quá nhạy cảm để nhận biết sự chảy trôi của thời gian: “Không viết cho mùa thu nữa/ ánh hoàng hôn mùa đông tím lịm/ những ngày tháng mùa đông sương mờ/ bài ca ánh mặt trời mang bốn mùa đi xa” (Ánh hoàng hôn mùa đông). Nhà thơ cảm nhận màu thời gian “thời gian đóng dấu màu chì lên thơ ta” (Chỉ có tiếng gió); biến đổi thời gian qua cảnh vật thiên nhiên “chiếc lá bàng như một chấm đỏ run rẩy… Khi những chiếc lá cuối năng quăn nếp nhăn rơi trên lối phố” (Chiếc lá cuối đông); “cây bàng đầu ngõ đợi sang lá đỏ” (Chiều thứ 7). Thời gian như “đang vội vã hoán đổi/ mùa vô tình và ta vô tình” (Đủ cảm giác ngày đông)… Chị quá nhạy cảm để nhìn lá cảm nhận dấu hiệu tuổi tác “bạn sẽ hiểu tuổi già/ khi bước chân nhức mỏi” (Chiếc lá cuối đông); “quanh ta có bao kẻ vô tình tự an ủi già rồi/ có ai nỡ trách người già” (Đủ cảm giác ngày đông)…

Sự an nhiên trước sự chảy trôi cuộc đời: “bình thản mùa đông gió lạnh về/ bình thản khẩu trang khoác áo ấm đi ra phố… ta ngồi bình thản trong căn nhà đóng cửa/ lo lắng nào ngoài kia” (Bình thản). Thơ chị chẳng né niềm đau, nỗi buồn “buồn ta già với bơ vơ gió mùa/ lẻ loi một mối buồn thừa” (Lẻ loi một mối buồn thừa). Nhà thơ đón nhận nỗi buồn cũng hết sức bình thản: “buồn ta âu đã mấy người/ cười thế khóc thì cũng thế” (Buồn ta âu cũng mấy người); “đánh thức buổi sáng bằng tiếng đàn piano gõ từng nhịp như đếm/ trẻ nhà bên không đi học tập đàn” (Buổi sáng ơi ngõ hẹp). Cũng có khi nhà thơ rơi vào tâm trạng hẫng hụt thời gian “viết mãi chưa hết cuộc đời/ ngã lại dậy đi / xóa rồi lại viết” (Đi mãi chưa hết căn nhà). Thơ có sự thảng thốt: “nghe được cả tiếng thì thầm mách bảo/ đợt lá rơi cuối cùng của mùa cây… chậm lại đi/ lẽ nào chiếc lá…”. Bài thơ “Đừng hẹn nữa ngày mai” là như một lời cầu khiến “chớ để ngày mai/ đừng hẹn nữa ngày mai”… An nhiên với đời kể cả khi “một bàn tay rất nhẹ / dắt đi” và điểm vịn tựa chính là thơ “làm thơ như ngồi thiền”…

Chân dung tự họa của người đàn bà thơ với nhiều trạng thái. Khi dịu dàng, đằm thắm “em nghĩ về mùa thu của em… em làm thơ trong giấc ảo một mình” (Đêm nơi thanh thản); lúc thanh thản bên “những bông cúc nhỏ và những bình hoa nhỏ” (Chủ nhật với hoa cúc); khi “thu tôi trong vạt váy hoa phô sắc lời vô duyên mắc lại” (Căn nhà cũ). Cô đơn như “đặc sản” thường trực với thi nhân “luẩn quẩn một ta tha thiết một ta” (Cho lời âu yếm cũ). Có lúc rơi vào tâm trạng mệt mỏi “người đàn bà kiên nghị trong ta mệt mỏi” khiến “câu thơ đã hồi phục rồi cũng đau” và “tiếng thở dài” dù “có khẩu trang che” (Chỉ có tiếng gió). Cũng có lúc thơ xót xa, trắc ẩn, thậm chí bế tắc “ai cũng bảo chết đi cho đỡ khổ” (Con nam mô gì nữa)…

Trong mọi tâm trạng, nhất là những lúc rối lòng nhất, thơ như người bạn tâm tình để thi nhân “Yên tĩnh làm thơ” (Chủ nhật với hoa cúc). Tự thấy “ta thuộc về thơ đâu cần trọn vẹn/ cứ để lời dở dang lơi lỏng nỗi niềm” (Câu kết bài thơ); “đi tìm suốt một đời cho thơ” (Cho thơ lời âu yếm cũ)…

Thơ chị khắc khoải tâm trạng, chứa chất bao nỗi niềm, buồn đau, nghịch cảnh… Nhưng bên cạnh đó là một tâm thế khác đầy nội lực vươn lên, chiến thắng nghịch cảnh khi chị trải lòng với Hà Nội, bạn hữu và những người thân yêu. Thơ chị vì thế luôn dào dạt cảm xúc. Hà Nội là một phần máu thịt “cho tôi chạm ký ức xưa Hà Nội” (Căn nhà cũ). Chị yêu Hà Nội thao thiết với vẻ trầm tĩnh, lắng sâu với “ly cà phê pha kiểu hôm nay/ nơi này không có dáng mẹ/ Hà Nội phố chật chột/ cà phê phố cổ lặng lẽ” (Cà phê phố cổ)… Bài thơ “Hà Nội ơi đêm lạnh” là tâm trạng chuyển mùa để thấy “Hà Nội vào đông yên ắng lạ… có một Hà Nội năm tháng bền lâu”...

Bìa tập thơ "Thức bước thời gian".

Thơ chị đậm tính thời sự trong cuộc chiến chống đại dịch COVID -19 với “Phiếu đi chợ”, “Phố giãn cách”, “Sau một đêm”… Chị có nhiều bài thơ ám ảnh về đại dịch đã làm xáo động cuộc sống bình thường “Hà Nội thức sau một đêm/ tinh mơ nháo chợ nháo siêu thị/ chẳng cần thịt sạch rau sạch…”. Nhà thơ quan sát “bên đường đôi người yêu không đeo khẩu trang nói gì khi bị phạt” (Phố giãn cách); chạnh buồn khi “công viên khóa lâu rồi/ không tỉa tót cỏ xanh màu cỏ dại…”. Những khái niệm giãn cách, cách ly cũng khiến thơ xáo trộn “thơ ơi sao đi không đợi… đã gần bao giờ mà cách ly/ thơ nhiễm dịch đâu mà nghi ngại”… Cầm “Phiếu đi chợ”, nhà thơ cảm nhận như “gọi nhau về với ngày xưa ấy” - cái thời bao cấp “rổ rá xếp hàng/ lo tem phiếu/ rau thịt chia…”. Dẫu bao bộn bề trong cuộc chiến căng mình đó thì thơ chị vẫn là chất Hà Nội đằm sâu, lắng đọng trong tâm hồn thơ giàu nội lực bởi “tháng Ba vẫn còn đó sắc xuân” (Sau một đêm); “những ngày vắng chợt nhớ thương con phố… phố giãn cách vẫn mua được bó cúc vàng đẫm màu nắng/ bó hoa trên tay có là cần thiết” dẫu “hôm nay chưa đến ngày rằm” (Phố giãn cách). Thời giãn cách mỗi người lắng chậm lại để yêu thương.

Thơ viết về cha mẹ luôn ấm áp như một nơi vịn tựa tin yêu “tôi là miếng cắt non từ mẹ/ sinh mệnh nhỏ nhoi thuộc về tôi từ đấy/ định hình/ vẽ một cung đường mẹ uốn tôi/ lưu nét cô đơn của mẹ/ tôi làm thơ” (Mẹ & tôi); “tóc bạc rồi con vẫn cần có mẹ… nén nhang này con thắp tới mẹ không/ quần áo bạc tiền đốt thành tro thưa mẹ” (Con nam mô gì nữa); “vọng về cha một nén tâm hương/ lời con gửi đêm nay/ nghĩa trang làng mờ hơi sương gió/ người con gái xa cha từ ngày ấy lọt lòng” (Gửi cha ngày thanh minh)…

Thơ chị có nỗi đau thế sự với tấm lòng bao dung, nhân ái, nhà thơ đồng cảm với người làm xe ôm, người gánh hàng rong, người đàn ông già mài dao kéo…              

Là tập thơ thứ 11, Bùi Kim Anh đã định hình, thủy chung, vẹn nguyên tạo nên một phong cách sáng tác. Thơ chị mang cái tôi riêng, giọng điệu riêng độc đáo của một hồn thơ rất mực đàn bà vừa phóng khoáng lại vừa kín đáo, dung dị; vừa mạnh mẽ, bản lĩnh lại vừa dịu dàng, tinh tế; vừa có nỗi ẩn ức, nghi ngại, trắc ẩn, lại vừa có sự quyết đoán, trí tuệ, nhân hậu; vừa mang âm hưởng dân gian, lại vừa rất hiện đại…

Bùi Kim Anh làm nhiều thể thơ: thơ tự do; thơ 6 chữ (Buồn ta âu cũng mấy người); thơ 8 chữ; thơ lục bát (Lục bát hai câu, Chi bằng ta gọi mình hay)…

Làm thơ lục bát hay, nhưng không đơn giản nếu không nắm chắc vần luật, thanh điệu. Thơ lục bát Bùi Kim Anh khá độc đáo “bây giờ tôi dựa vào tôi/ hoàng hôn dựa vạt nắng rơi cuối chiều” (Lục bát hai câu)… Câu thơ rất gợi bởi hình ảnh đối lập “ta không ngủ khiến đêm phải thức” (Giấc đầu tiên của năm). Dù âm tiết trong một dòng thơ kéo dài, nhưng nhà thơ vẫn chú ý phối vần điệu, thanh điệu…

Ở các tập thơ trước, ngoài tập ĐI TÌM ĐI GIẤC MƠ (chữ in hoa), các tập “tóc trắng nắng mai”, “hình như mùa đã lỡ”, nhà thơ Bùi Kim Anh thường không viết hoa chữ đầu tên tập thơ; chữ mở đầu mỗi dòng thơ; hạn chế dấu câu, thì đến tập thơ “thức bước thời gian” hạn chế tối đa dấu câu; tên tập thơ không viết hoa; tên bài thơ chữ in hoa.

Xin chúc mừng nhà thơ Bùi Kim Anh với cuốn sách thứ 12:

Thất thập ngũ niên gieo mây trắng
Mười hai mơ thức gặt giấc mai.

Lê Thị Bích Hồng

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文