Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng...

08:53 03/11/2023

Xứ Bắc có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, mỗi mùa có vẻ đẹp riêng, nhưng mùa Thu có lẽ là mùa mà nhiều người coi là mùa của thơ, ca, nhạc, họa...

Tôi rất yêu mùa Thu, những năm sống ở nhà vườn Sóc Sơn tôi cảm nhận mùa thu thật tuyệt và thường ngân nga nhiều câu thơ viết về mùa thu của Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư... và nhiều nhà thơ hiện nay trong đó có những câu thơ viết về mùa thu của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng :

Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng
Ngày em còn nhỏ gót trần lang thang
Bầu trời thì xanh, chuồn chuồn thì đỏ
Lúa vàng dệt lụa giăng trên đồng làng...

                                                           (Gọi thu)

Mùa thu đẹp đến nao lòng
Nắng hơi hơi nắng mây bồng bềnh mây
Người thì nửa tỉnh nửa say
Nửa lo giá chợ, nửa ngây vì trời...

                                                               (Thu cảm)

Tôi đã đưa những câu thơ này vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2013).

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng.

Người thơ Nguyễn Thị Hồng đã xuất bản năm tập thơ theo như bìa sách cuốn “Nguyễn Thị Hồng Thơ tuyển”. Lâu nay tôi chỉ đọc thơ Nguyễn Thị Hồng in trên các báo trong đó có chùm thơ in trên tờ Tiền phong Chủ nhật, thời tôi làm Tổng biên tập Báo Tiền phong, nay mới được cầm trên tay thơ tuyển của Nguyễn Thị Hồng.

Phần cuối cuốn sách “Nguyễn Thị Hồng Thơ tuyển” có lời bình về mấy bài thơ như “Bình dị”, “Thu cảm”; “Lá cỏ”; “Hồn khèn” của Văn Công Hùng; Lò Ngân Sủn; Phạm Đình Ân; Phạm Ngọc Luật; Ngô Thế Oanh; Võ Gia Trị; Huy Thắng; Đoàn Hữu Nam; Vũ Quần Phương...

Đọc những lời bình về một số bài thơ của Nguyễn Thị Hồng tôi thấy nhiều nhà thơ yêu thích thơ chị.

Là cử nhân văn khoa, nhiều năm phụ trách phần văn học của Nhà xuất bản Phụ nữ, người thơ Nguyễn Thị Hồng tiếp xúc gần như thường xuyên với văn chương phái đẹp, nhất là thơ. Gần đây tôi mới biết Nguyễn Thị Hồng quê Thái Bình nhưng có nhiều năm sống ở vùng núi rừng Yên Bái, qua một người bạn của cha mình, Nguyễn Thị Hồng ngay từ thời còn học sinh phổ thông đã đọc nhiều tác phẩm của Tự lực Văn đoàn. Nguyễn Thị Hồng tâm sự với tôi rằng chị rất yêu thiên nhiên... Điều này giống tôi. Tôi cũng rất yêu thiên nhiên từ thuở chăn trâu cắt cỏ ở một vùng quê nghèo Hà Tĩnh với cánh rừng ăn ra biển của dãy Hoành Sơn... Và nhiều năm nay tôi sống giữa cỏ cây hoa lá hòa mình với thiên nhiên nên cảm nhận bốn mùa nhất là mùa thu rất rõ...

... Mùa thu ơi đẹp vừa thôi
Giăng chi khoảng cách giữa đời và mơ
Đời càng nhiều nỗi ưu tư
Người càng đơn lẻ trước thu tuyệt vời...

(Thu cảm)

Người thơ Nguyễn Thị Hồng trong bài thơ “Thu cảm” đã cảm nhận mùa thu đến tận cùng cảm xúc, tận cùng vẻ đẹp, tận cùng của nỗi ưu tư.

“ ...Mùa thu chỉ là cái cớ để chị giãi bày tâm tư... Đọc cứ nhẹ tênh mà đau đáu nỗi niềm” (Lời bình của Hồ My); Nhà thơ Ngô Thế Oanh nói đến sự “Dịu dàng, thẳm sâu... Là thơ cho những đời thường. Thơ không tìm cách gây ấn tượng mạnh. Thơ của tâm tình. Có khác chăng là hơi thở của những rung cảm hôm nay. Nhưng rất nhiều điều ta chỉ cảm nhận mà khó diễn mạch lạc trong đời... Gọi thu là gọi chính mình...” (trang 289).

Đọc những bài thơ viết về mùa thu của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng tôi lại nhớ đến hai câu thơ của thi sĩ Bích Khê mà trong “Thi nhân Việt Nam” Hoài Thanh cho là hai câu thơ viết về mùa thu “hay nhất nước Nam”:

Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông...

Đúng là hay thật! Nhưng, những bài viết về mùa thu cũng như nhiều bài không phải về mùa Thu trong thơ Nguyễn Thị Hồng theo tôi là những bài thơ hướng nội, với nỗi buồn và cô đơn muôn thuở của người nghệ sĩ, nỗi buồn nhiều khi tưởng như là vô cớ “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”.

...Tôi tan trong nắng thu vàng
Tôi tan trong giấc mộng vàng của tôi

                                  (Thu vàng)

...Cuộc đời thì ngắn mà tình ta dài
Làm sao sống được khi mình lẻ loi
Dưới ba tấc đất hồn mình đơn côi
Trên ba tấc đất hồn ta đơn côi...

                                (Lời tượng nhà mồ)

...Tôi thường mua hoa hồng
Hoa ơi, thiên nhiên ơi
Phút giây mong manh nhất
Tôi nương tựa vào người...

...Hoa chưa nở đã tàn rồi
Thiên nhiên cũng giả. Con người trọi trơ...

                                  (Hoa ướp lạnh)

... Em đi giữa hạ nồng thu lạnh
Thư tình của đất với trời
Tây hồ
Vằng vặc
Trăng soi
Sen tàn
Hương lặn
Nước
Vời
Vợi
Em..
. (Sen Tây Hồ)

Bài thơ “Bình dị” trong tuyển thơ này được nhiều người thích, cũng là một bài thơ nói lên được cảm nhận của người thơ Nguyễn Thị Hồng trước cuộc đời:

Em nguyên sơ như đất
Em nguyên sơ như cây
Em nguyên sơ như nắng
Như gió cao nguyên này
... (Bình dị)

Một hồn thơ giầu nữ tính, chân chất, hồn nhiên, dịu dàng mà sâu lắng... Ấy là cảm nhận của người đọc như tôi với người thơ Nguyễn Thị Hồng. Trong cuộc sống mà tôi cảm nhận có người hướng ngoại, có người sống hướng nội và trong thơ cũng vậy. Tôi là người sống hướng nội nên đồng cảm với thơ Nguyễn Thị Hồng chăng?! Dù ngoài đời gần như tôi chưa gặp trực tiếp bao giờ, cũng chưa biết gì nhiều về cuộc sống hàng ngày của chị.

Khi đọc hết “Nguyễn Thị Hồng Thơ tuyển” tôi bất ngờ vì đồng cảm với những nhật xét của nhà thơ Vũ Quần Phương trong bài viết của ông in cuối tập “Thơ Nguyễn Thị Hồng là những cơn lắng nghe. Lắng nghe trong yên tĩnh và đôi khi trong bão giông, những biến động của lòng mình. Lắng nghe trong thiên nhiên, một buổi chiều nhạt nắng nào đó trong ký ức hay tiếng côn trùng sau cơn mưa mùa hạ... Tâm hồn Nguyễn Thị Hồng, ngay từ những bài thơ đầu tiên và duy trì cho đến nay là hướng vào lòng mình, lắng nghe mọi cảm nhận của giác quan và lưu giữ chúng tạo nên ấn tượng nội tâm...” (trang 323 và 324). Tôi thích điều này!

Bây giờ không ít người làm thơ lên gân, lên cốt, uốn éo, quay ngang, quay dọc với những “triết lý” khó hiểu, vụn vặt... Để tự cho mình là “hiện đại”! Hay “Hậu hiện đại”! Tôi thiển nghĩ đó là quyền của mỗi người, nhưng, với tôi thơ vẫn là “Ngôi đền thiêng” như ông cha mình đã quan niệm! Giờ nhiều người coi thơ như “Quảng trường” nhiều khi bát nháo, nhộn nhạo... Chính điều này mà tôi tìm đến những người thơ như Nguyễn Thị Hồng.

                                                                                                                               Sóc Sơn 10/2023

Dương Kỳ Anh

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, hành nghề luật sư, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo quy định tại Điều 331, khoản 2 - Bộ luật Hình sự.

Trong vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại tỉnh An Giang, ngoài các bị can đã bị khởi tố và đề nghị truy tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản phải đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và tăng cường thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực khai thác và quản lý khoáng sản.

Từ 15h ngày 12/12, giá xăng tăng giảm không đáng kể, song ở giá dầu đồng loạt giảm từ 127- 551 đồng/lít/kg.

Sáng 12/12, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai lực lượng từ sớm tại nút giao thông Đại Cồ Việt – Giải Phóng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để thực hiện nhiệm vụ điều tiết, phân luồng giao thông đồng thời ngăn chặn, xử lý người cố tình vi phạm qua đó thiết lập “Ngã tư an toàn giao thông” tại Thủ đô giúp nhân dân lưu thông một cách an toàn.

Đến trưa 12/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy An (Phú Yên) đã kết thúc cuộc khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn xảy ra vào hồi 9h sáng cùng ngày, tại km 1319+390 trên đường quốc lộ 1A qua địa phận thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An.

Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Đảng, đất nước và CAND, vấn đề chính trị tư tưởng cần phải được đặc biệt quan tâm hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh đang tích cực đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bị can Lê Quang Bình (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68) bị đề nghị truy tố về ba tội: “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản” và “Rửa tiền”. Cơ quan điều tra kết luận, Lê Quang Bình đã thu lợi gần 294 tỷ đồng từ khai thác cát trái phép, sau đó dùng tiền biếu xén một số quan chức tỉnh An Giang và mua sắm hàng loạt bất động sản, xe sang.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文