“Lục Vân Tiên” viên ngọc sáng của văn hóa nhân loại!

14:45 16/12/2021

Tin chính thức từ kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng UNESCO đã thông qua danh sách những Danh nhân văn hóa được vinh danh trong năm 2022. Việt Nam có hai nhà thơ lớn là Hồ Xuân Hương (nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh) và Nguyễn Đình Chiểu (nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh)... Với Nguyễn Đình Chiểu, một căn cứ quan trọng để UNESCO khẳng định là trước tác thơ yêu nước, giàu giá trị nhân đạo, trân trọng, yêu quý con người, mang ý nghĩa văn hóa giáo dục sâu sắc, có tầm ảnh hưởng lớn.

Tựa vào những quan niệm mới về triết học văn hóa, bài viết xin nhìn lại những đóng góp lớn lao của “Lục Vân Tiên” – tác phẩm đã được dịch ra ba thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật, có một đời sống riêng ở các xứ sở mới dù khác biệt về văn hóa nơi sinh ra.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888).

Bước vào thời toàn cầu hóa, liên văn hóa được mở rộng, khái quát thành trào lưu triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) hướng đến những điểm tương đồng trên nền tảng những khác biệt văn hóa. Đây là một xu hướng tất yếu, không chỉ là nhận thức đời sống từ cái nhìn dân tộc, đa chiều hơn, hướng đến những giá trị phổ quát, nhân loại, hay được gọi là mẫu số chung của văn hóa toàn cầu.

Liên văn hóa rất chú ý tới hiệu quả giao tiếp thể hiện thành các giá trị văn hóa, là những tiêu chuẩn, những điều mong muốn tác động đến sự lựa chọn văn hóa. Liên văn hóa trong một tác phẩm cụ thể biểu hiện ở việc học tập, kế thừa, phát triển và nâng cao văn hóa dân tộc, ở tiếp nhận văn hóa có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có văn hóa nước nhà. Nó được thể hiện ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật, ở nhiều cấp độ nhưng biểu hiện tập trung ở biểu tượng, nhân vật, ngôn ngữ.

Với “Lục Vân Tiên” thì ngay chính tác giả của nó đã rất ý thức coi đó là một “liên văn hóa”. Đây là mấy câu mở đầu: “Trước đèn xem truyện Tây Minh/ Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le/ Hỡi ai lẳng lặng mà nghe/ Dữ răn việc trước, lành dè thân sau”. Nhưng trên thực tế là không hề có “truyện Tây Minh” nào cả. Điều này đã được cả hai giới học giả Việt - Trung xác nhận. Như vậy Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tạo truyện trên cơ sở một thói quen tiếp biến văn hóa của phương Đông, nhất là giao lưu văn hóa Việt - Trung, mà “Truyện Kiều” là một kết tinh tiêu biểu.

Cơ bản nhất là nội dung truyện với một thế giới nhân vật sống động rất tiêu biểu cho quan niệm phương Đông về nhân nghĩa, chính tà, về tinh thần nghĩa hiệp xả thân cứu người... Trên đường đi ứng thi, Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga. Nguyệt Nga cảm động vẽ hình chàng và nguyện suốt đời gắn bó với ân nhân. Vân Tiên gặp bao trắc trở, mẹ mất phải bỏ thi về chịu tang, bị mù, bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông. Võ Công (cha Võ Thể Loan) bội hôn đẩy Vân Tiên vào hang. Vân Tiên được người tốt và thần Phật cứu, mắt sáng lại, đi thi đỗ Trạng, vâng lệnh triều đình đi phá giặc Ô Qua.

Nguyệt Nga bị ép đi cống giặc bèn ôm hình Vân Tiên nhảy xuống sông, thoát chết lại bị cha con Bùi Kiệm ép duyên. Nàng bỏ trốn rồi được thần, Phật cứu. Phá xong giặc, Vân Tiên gặp lại và cưới Nguyệt Nga. Những kẻ bất nhân bất nghĩa bị trừng phạt: Võ Công xấu hổ mà chết; mẹ con Võ Thể Loan bị cọp tha, Trịnh Hâm bị cá nuốt. Những người nhân nghĩa được đền bù xứng đáng...

Như vậy, cốt truyện chịu ảnh hưởng rõ rệt của truyện cổ tích, truyện Nôm dân gian với kết cấu bổ đôi phân cực chính tà và kết thúc có hậu theo nguyên tắc “ác giả ác báo”, “ở hiền gặp lành”. Cơ bản hơn là nhân vật được xây dựng trở thành biểu tượng cho khát vọng của dân gian về con người lý tưởng mà Lục vân Tiên là một kết tinh rất đẹp: Quân tử, nghĩa hiệp, dũng khí, võ giỏi văn hay, thương người... Những vấn đề này chính là liên văn hóa theo chiều dọc truyền thống (hay gọi là giao tiếp nội văn hóa- intracultural communication).

Bìa hai tập “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” in bằng tiếng Pháp, Anh, Việt/Nôm.

Như một ngọn lửa đặt dưới thấu kính văn hóa hội tụ ba luồng ánh sáng của ba triết học Nho, Phật, Lão, “Lục Vân Tiên” càng bừng cháy những ánh sáng nhân văn cao cả. Trên bầu trời liên văn hóa (intercultural) phương Đông, tác phẩm là tấm gương về đạo lý hiếu nghĩa. Đó là một thuyết minh bằng nghệ thuật sinh động cho các phạm trù “trung”, “hiếu”, “tiết”, “hạnh”. Chính tác giả đã “tuyên ngôn”: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Vân Tiên là đỉnh cao của trung hiếu. Chàng đánh cướp cứu Nguyệt Nga mà không cần đòi ân huệ. “Tiểu đồng” tưởng Vân Tiên chết thật bèn làm chòi ở mả chủ mà thờ. Nguyệt Nga là kết tinh của tiết hạnh...

Ở thời toàn cầu hóa xô bồ hôm nay, đạo đức xuống cấp, đạo lý bị coi thường... nhìn vào “Lục Vân Tiên” mới thấy những tính cách đó đích thực là tấm gương để con người soi vào mà “trau mình”. Một thời bị cái nhìn hẹp hòi chi phối tác phẩm từng bị coi là minh họa cho giáo điều phong kiến, đến nay càng thấy rõ những gì là tinh hoa sẽ không bao giờ bị vùi lấp. Con người đẹp một cách mẫu mực như Lục Vân Tiên luôn được tỏa sáng!

Nàng Nguyệt Nga, như tên gọi, mãi mãi là ánh trăng soi rọi triết lý tình thương, vị tha, chung thủy, ân nghĩa, trách nhiệm cho con người hôm nay. Nàng có một tâm hồn nghệ sĩ. Lòng kính trọng, biết ơn hay sự khâm phục một tài năng, một tấm lòng đã khiến nàng vội lấy bút vẽ mà họa một bóng hình lý tưởng. Chưa trao lời nhưng nàng đã trao tâm hồn mình cho Vân Tiên, tự coi mình là “vợ” của chàng.

Nghe tin Vân Tiên ốm chết, tiếng khóc của nàng không còn tiếng khóc thông thường mà là tiếng đau xót xa của tình thương, tình nghĩa thấu cảm cả trời đất. Chấp nhận lệnh vua phải đi cống giặc, trước khi đi, nàng làm lễ cúng “chồng”, đến thăm cha “chồng” (Lục ông) còn gửi ít tiền để ông “dưỡng già”. Chưa là dâu nhưng nàng gọi “cha”: “Một ngày một bước một xa/ Của này để lại cho cha dưỡng già”. Trong chữ “cha” ấy có biết bao đau xót của một trái tim rất biết bổn phận và trách nhiệm của người con... Ngày hôm nay đang rất cần những Nguyệt Nga như thế!

Nhưng “liên văn hóa” rất chung mà cũng rất riêng. “Truyện Tây Minh” chẳng có bên không gian văn hóa Trung Hoa, nó chính là hiện thân của xã hội phong kiến thối nát triều Nguyễn giữa thế kỷ XIX. Chủ đề chính của tác phẩm là vấn đề nhân nghĩa nhưng là nhân nghĩa gắn liền với nhân dân lao động. Hình tượng người anh hùng dù có bóng dáng của tiểu thuyết Minh Thanh (Trung Quốc) nhưng vẫn khác nhiều về phẩm chất. Như ở nhân vật Hớn Minh. Sau khi “bẻ giò” con quan huyện Đặng Sinh, Hớn Minh không theo con đường “hảo hán” của tiểu thuyết Minh Thanh là lên núi lập hội mà ở lại cùng Vân Tiên đánh giặc cứu dân. Rõ ràng tư tưởng nhân dân rất sâu đậm trong quan niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Thước đo giá trị một tác phẩm là tầm ảnh hưởng. Khi mới ra đời, “Lục Vân Tiên” là một “hiện tượng” của tiếp nhận văn học Đàng Trong. Ông Bagiô – một nhà nghiên cứu Pháp, năm 1886 thuật kể: “Những đám người ngồi xổm, xúm xung quanh một người ăn mặc rách rưới, thường là kẻ mù lòa để nghe anh ta gân cổ lên kể chuyện “Lục Vân Tiên”, có khi hàng giờ mà không biết chán”. Tác phẩm được viết ra để “kể” chính là chủ ý của tác giả, thể hiện ở ngay phần mở đầu “Hỡi ai lẳng lặng mà nghe”. Vì sao vậy? Vì hồi đó hầu hết người dân mù chữ nên sáng tác để “kể” là con đường ngắn nhất đi vào công chúng. Điều này lý giải tác phẩm có cấu trúc không liền mạch mà được ngắt ra thuận lợi cho việc kể nhiều quãng, kể ở nhiều thời điểm khác nhau. Có nhà nghiên cứu nước ngoài so sánh thú vị việc này tương tự với việc nhà thơ mù Hôme kể “Ilyát” và “Ôđixê” hàng chục nghìn năm trước.

Theo khảo sát xã hội học ban đầu, ở các nước lưu hành bản dịch tác phẩm đều được giới nghiên cứu và độc giả đón nhận. Họ tìm thấy ở đó một “mẫu số chung” vì con người, ca ngợi vẻ đẹp nhân tính, nhân văn mà chống lại những gì phản nhân văn. Người ta còn tìm thấy ở đó một quan niệm mỹ học về cái đẹp: là sự hài hòa, tương xứng (Vân Tiên/Nguyệt Nga), là khát vọng vươn lên vẻ đẹp tận thiện tận mỹ (Nguyệt Nga, Hớn Minh)...

Có nhà nghiên cứu nước ngoài đặt câu hỏi vì sao nhà thơ mù lại có sáng tác vĩ đại như vậy? Và ông ta tự trả lời: Khi người ta “thiền” thường nhắm mắt để nhìn đời bằng con mắt nội giới bên trong. Theo nhà Phật, nếu nhìn bằng con mắt thường thì chỉ là “thông đạt sự tướng hữu vi” (nắm bắt cái vỏ bên ngoài). Phải nhìn bằng con mắt bên trong mới đạt được “thông đạt không tướng vô vi” (hiểu cái lõi sự vật). Đó là trí huệ. Nguyễn Đình Chiểu đã viết bằng con mắt trí huệ như vậy!

Nguyễn Thanh Tú

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文