Nguyễn Ngọc Tư: Tiếng nói nữ quyền

14:04 25/05/2023

"Mình đã để lạc mất cô dâu". Đó là câu mà Nguyễn Ngọc Tư dùng để mở đầu truyện ngắn "Đánh mất cô dâu" (in trong tập truyện "Đảo", NXB Trẻ, 2019). Vừa là kể về đứa con tinh thần, thực thể được sinh hạ từ quá trình vật lộn hư cấu của nhà văn: "Không biết Ngà lẫn vào đâu trong cái đống chữ lộn xộn mà mình vừa viết... Không phải lần đầu tiên mình để rớt rơi nhân vật... Ở dòng thứ năm của trang ba, mình viết Ngà đi làm tóc về, lơ đãng đứng chỗ bến sông".

Vừa là kể về một con người cụ thể, một cô dâu, đang tồn tại sờ sờ trên đời, đang giao tiếp sống động với chính người kể chuyện, bỗng dưng mất tích mất dạng trong ngày cưới của mình, và sự biến mất đột ngột ấy đã gây một tác động mạnh đến tất cả, trong đó có nhà văn/ người kể chuyện: "Mọi người ngơ ngác nhìn nhau bảo không biết, mới đây thôi mà đã mất biệt rồi. Mình hơi lạnh gáy"...

Nghĩa là ở đây luôn có sự chồng lấn, xâm nhập lẫn nhau giữa thế giới của hư cấu và thế giới của đời thực, giữa người kể chuyện như là tác giả và người kể chuyện như một nhân vật của truyện ngắn. Đây thực sự là cách kể chuyện tạo nên độ mờ nhòe đáng kể, và nó càng mờ nhòe hơn nữa khi nhà văn/ người kể chuyện trong "Đánh mất cô dâu" đưa ra mấy khả năng cho sự mất tích của nhân vật Ngà trong truyện ngắn "Lấy chồng": hoặc Ngà, từ chỗ bến sông, đã "để nguyên quần áo rẽ nước bơi đi" cùng một thằng bé đen trùi trũi; hoặc Ngà, vẫn chỗ bến sông đó, đã nhảy lên chiếc ghe của một người đàn bà thương hồ, để được "sống đời rày đây mai đó, tự do như chim trời cá nước". Không có khả năng nào chắc chắn cả.

Những người đàn bà trong phim “Tro tàn rực rỡ”.

Có thể thấy ở thiên truyện ngắn này, Nguyễn Ngọc Tư đã dùng năng lực kể chuyện đầy sáng tạo của mình để khoan trúng những vấn đề nhức nhối, tồn tại gần như muôn thuở và ở mọi nơi, trong việc tổ chức đời sống của con người: vấn đề bất bình đẳng giới, thể hiện ở sự phụ thuộc của người phụ nữ vào người đàn ông trong mô hình gia đình khép kín, rộng hơn, trong xã hội mà người đàn ông giữ vai trò khuynh loát. Phụ thuộc đến mức người phụ nữ bị tước đoạt sạch sẽ tính tự trị và quyền được cất lên tiếng nói về sự tồn tại cũng như vị thế của mình. Họ chịu đựng, nhưng cũng có khi họ phản kháng, bằng cách này hay cách khác.

Đúng là Tư có những "cô dâu" như vậy, theo nghĩa đen, ngoài cô dâu tên Ngà trong truyện ngắn "Đánh mất cô dâu". Tôi muốn nói đến truyện ngắn "Tro tàn rực rỡ", cũng in trong tập truyện "Đảo", với hai cô dâu, một cô tên Nhàn, cô còn lại chính là nhân vật người kể chuyện xưng Em. "Em, chồng và Tam, Nhàn cưới cùng năm. Tam và Nhàn cưới trước, hai bảy tháng hai". "Em" vừa có nghĩa là "Tôi", tự sự ở đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, với cả thế giới, "Em" cũng vừa có nghĩa là... em, là người vợ đang hướng lời nói lời kể của mình về phía người chồng, một cách tuyệt vọng. Tuyệt vọng nhưng lại bình thản, như không, vì đã quá chai lì với tuyệt vọng.

Ta sẽ thấy, qua lời kể của Em: "Như mọi đàn ông ở cái xó quê này, họ thường không còn nhìn thấy vợ mình chỉ sau đám cưới vài ba tháng, nhiều lắm là vài ba năm", Tam ngập trong rượu và những cơn tủi thân khi say - "vì con chó nhà hàng xóm sủa dữ quá, và Tam nghĩ nó khinh mình, hay vì cái rễ cây me tây gồ lên khỏi mặt đường làm anh vấp té" - trong mắt Tam không có vợ, mà chỉ có những đám cháy rực rỡ do chính anh tự tay châm lửa đốt nhà của mình, hết lần này đến lần khác, và Nhàn cũng hết lần này đến lần khác cặm cụi dựng lại nhà, bình thản, không xót xa hay oán thán.

Còn chồng của nhân vật người kể chuyện xưng Em, sau một đám cưới gượng ép, thì biền biệt đi bạn cho ghe biển, họa hoằn mới về nhà, khi về thì lại "nằm cuộn trên võng như chui vào kén", mặc kệ cho vợ kể và kể, hết chuyện này sang chuyện khác, mà nhiều nhất vẫn là chuyện anh Tam đốt nhà và chị Nhàn dựng lại nhà. Nghĩa là, trong mắt của những người chồng ấy thì sự tồn tại của vợ họ, những "cô dâu" ấy, là sự tồn tại rỗng không, là khoảng trống, là một zero tròn trĩnh. Nhưng, như một đối ứng nghịch lý, người đàn ông càng không nhìn thấy thì người phụ nữ lại càng tha thiết, thậm chí thèm khát được chồng nhìn thấy mình.

Nhân vật người kể chuyện xưng Em cứ kể và kể, với chồng, là vì thế: "Cho nhà có tiếng người giống một gia đình đúng nghĩa: tiếng đàn bà nói rốp rẻn, đàn ông khạc nhổ và trẻ con cười, em lại kể chuyện, mong lấp đầy khoảng trống". Và Nhàn, ở lần cháy nhà lần cuối cùng, đã không trở ra từ đám cháy, cũng là vì thế. "Nhàn đã không chạy ra khỏi đống lửa như mọi khi, anh à. Không biết chị thấy mệt rồi hay vì nghĩ chỉ ở giữa đám cháy Tam mới nhìn thấy chị".

Em giả định, nhưng cũng chính là khẳng định. Bởi vì, ở trong một thế giới đàn ông thậm bất thường như thế - cái quyền lực tối thượng và đầy phi lý của họ thể hiện ở sự không cần, không thèm nhìn thấy người phụ nữ trong vai vợ mình - thì cơ hội để người phụ nữ được chồng mình nhìn thấy, có thể, chỉ là cái chết. Sự chết đi, may chăng mới khiến cho khoảng trống bị rách ra, và người phụ nữ mới chồi lên và được nhận biết như một tồn tại người, một nhân vị người vợ.

Xét từ góc độ nào đó, cái chết của Nhàn mang ý nghĩa biểu đạt cho một hành động phản kháng. Và khi Em kể với chồng về chi tiết cuối cùng này, với "cảm giác cắt nhát kéo vào sợi dây diều", thì cái cảm giác ấy chính là cảm giác về một sự phản kháng đang mọc mầm, "mãnh liệt và vang vọng hơn cả khi gào thét", như Tư đã viết về các nhân vật nữ của mình, ở truyện "Đánh mất cô dâu".

Bìa tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư

Cái bi kịch, phải nói là thảm kịch mới đúng, vì bị phải làm phụ nữ, phải làm những "cô dâu" trong thực tế hoặc trong tiềm năng trở thành thực tế, được Tư đẩy đến tột độ thê lương trong truyện ngắn "Củi mục trôi về", và tột độ bông phèng trong truyện ngắn "Đảo" (đều in trong tập truyện "Đảo"). Ở truyện "Củi mục trôi về", trong thời gian hiện tại của truyện kể, có một người phụ nữ độc thân, bị tâm thần, và thường chìm trong men rượu. Cái sự tâm thần và sự say ấy là kết quả của một cuộc sang chấn lớn bắt nguồn từ thuở ấu thơ, khi cô bị gã trai mười bảy tuổi cùng xóm cưỡng hiếp trên đường đi học, rồi bóp cổ suýt chết. Người biết chuyện thương cô, nhưng không ai hỏi cưới cô. Và càng độc thân thì cô lại càng phiêu diêu trong thế giới bất thường của mình, càng mụ mị say sưa bằng chén rượu uống nhờ từ đám cưới của những kẻ khác.

Còn ở truyện "Đảo", nhân vật người phụ nữ lại là "cô dâu hờ", một gái bán hoa được người ta trả tiền để lên đảo làm vợ một đêm với một người đàn ông mù, nhưng tên là Sáng. Kẻ chịu ơn Sáng đã gửi "cô dâu hờ" ấy đến cho ông, như một món quà tri ân, và người kể chuyện cũng gọi luôn cô là Quà. Đành phải gọi vậy, vì cô không có tên, hay nói cho đúng hơn, vì cô có quá nhiều tên: Đào, Phượng, Mỹ Châu, Út Hên. Đằng sau mỗi cái tên ấy, qua lời cô huyên thuyên kể với Sáng, là một cuộc đời đàn bà chìm nổi. Không biết cuộc đời nào mới đúng là cuộc đời của cô, hay tất cả đều chỉ là những cuộc đời được thêu dệt, như một trò đùa? N

hưng điều chắc chắn là nhân vật cô gái bán hoa trong truyện "Đảo", cũng như nhân vật cô gái điên và thường say khướt trong truyện "Củi mục trôi về", đều đã bị số phận chỉ định là phải cô quả mãn kiếp, không bao giờ được hưởng một mái ấm gia đình chồng vợ bình thường như những người phụ nữ bình thường khác. Họ có thể chỉ là món quà để mua vui cho thế giới đàn ông; hoặc họ cứ tồn tại đấy, như một cuộc đời bị hỏng, một minh chứng về sự tàn tạ thảm hại mà quyền lực đàn ông có thể tạo tác trên số phận của người phụ nữ.

Tất cả những số phận phụ nữ ấy, những cuộc đời "cô dâu" như được viết ra từ bóng tối ấy, Tư hầu như đều đặt họ trong một không gian cố định: Thổ Sầu. Chẳng biết nó là một thị trấn hay một xã, nó có thật hay chỉ là sản phẩm của hư cấu, nhưng Thổ Sầu là một cái khung, nơi những thảm kịch đàn bà được Tư thấm và ngẫm, đã diễn ra. Họ bị trì níu bởi những nếp nghĩ và nếp sống mang tính bản năng thâm căn cố đế. Họ muốn thoát ra mà không sao thoát ra nổi.

Và sự bất bình đẳng giới cứ thế tiếp diễn, cho đến lúc Tư nói ra. Tư nói ra, như là nói hộ những người phụ nữ đã phải chịu sự câm nín truyền đời, những người phụ nữ mang kiếp vong thân bởi nỗi không còn cái bản ngã tự trị. Tư nói ra, và nếu vì thế mà cho rằng Tư là một nhà văn nữ quyền, thì đây là một văn chương nữ quyền rất ít thấy trong văn học Việt Nam đương đại: nữ quyền mà không cần đến diễn ngôn thể xác, nữ quyền gần như phi tính dục.

Hoài Nam

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

Ngày 27/4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức, hoạt động “Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty ma nhằm mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội, với tổng giao dịch hàng chục ngàn tỷ đồng…

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文