Nhà văn Tống Ngọc Hân: Từ đau đớn kiệt cùng đến tận hiến yêu thương
Tống Ngọc Hân không còn là một cái tên xa lạ trên văn đàn bởi bề dày thành tích và nội lực của nữ sĩ. Với tấm bằng sư phạm, ngỡ cuộc đời sẽ quen thuộc với nghề gõ đầu trẻ thì biến thiên của số phận cuốn chị sang ngã rẽ bất ngờ. Làng văn có thêm một cây bút bỉ bền với những câu chuyện thân phận con người, mà nhất là phụ nữ.
1.Tống Ngọc Hân không còn là một cái tên xa lạ trên văn đàn bởi bề dày thành tích và nội lực của nữ sĩ. Với tấm bằng sư phạm, ngỡ cuộc đời sẽ quen thuộc với nghề gõ đầu trẻ thì biến thiên của số phận cuốn chị sang ngã rẽ bất ngờ. Làng văn có thêm một cây bút bỉ bền với những câu chuyện thân phận con người, mà nhất là phụ nữ. Độc giả tìm thấy chính họ qua từng câu chuyện của chị. Làng văn tìm thấy một "nữ quái kiệt" với đề tài trung du miền núi phía Bắc.
Ai tìm ai thấy, nhưng riêng Tống Ngọc Hân vẫn mải miết đi tìm câu chữ. Rất đỗi bình thản trên con đường văn chương, bằng chính trái tim luôn đau đáu với tha nhân. Chính những trăn trở đó, chị kể với chúng tôi vào một đêm tôi miên mải trên con phố khuya của thị trấn mờ sương buổi nọ. Khuya lắm, mà câu chuyện về văn chương vẫn chưa hề muốn ngủ.
Tôi biết và đọc Tống Ngọc Hân từ khi còn chưa dấn thân trên con đường văn chương. Một chiều mùa hè năm 2016, tôi ngồi nơi quán cà phê sách trong con hẻm nhỏ ở Bình Thạnh thì vô tình cầm được một tạp chí và đọc ngấu nghiến truyện ngắn "Cây sa mộc chết đứng". Một truyện ngắn khiến tôi nhớ ngay cái tên Tống Ngọc Hân trong đầu.
Câu chuyện ấn tượng mãi đến hôm vừa rồi có dịp lên Sapa tôi nhất quyết đi tìm cây sa mộc. Một miền núi mênh mông thẳm xanh của rừng, một miền sương mù mịt phủ lên phận người và yêu hận đan xen cứ nén chặt cho đến tận cùng của ái tình si dại như vẫn còn nguyên trong tôi cảm giác tựa thể lần đầu đọc Tống Ngọc Hân. Cây sa mộc vẫn còn đó, nhưng nữ sĩ gắn bó hơn 20 năm với Sapa hiện đã về Tam Nông - Phú Thọ mất rồi.
Sáng đó, tôi nhớ như in, cây bút trẻ Lê Đình Trung lang thang trên một triền dốc nhỏ, sương ôm lấy thị trấn, sương mờ ảo giăng màn mỏng theo mỗi bước chân, và chúng tôi căng mắt đi tìm sa mộc. Lưng chừng con dốc, chúng tôi bắt gặp sa mộc và đứng ngẩn ngơ ngắm nhìn, rồi nhắc về chị với nỗi háo hức chờ đợi cuộc gặp chị vào hôm sau theo lịch trình đã hẹn. Hóa ra không phải mình tôi, mà rất nhiều cây bút trẻ vẫn nhớ về chị với câu chuyện của cây sa mộc nơi vùng đất mù sương này.
Từ ấn tượng ban đầu, tôi tìm đọc Tống Ngọc Hân nhiều hơn, những "Bến trăm năm", những "Hồn xưa lưu lạc", những "Tam không", những "Sình ca" bắt đầu chiếm hữu tâm trí tôi. Một vùng núi với những câu chuyện từ đau đớn kiệt cùng đến yêu thương tàn tận luôn là thứ tôi tìm thấy ở Tống Ngọc Hân. Thể như chính chị bắc ấm nước, pha chén chè, và nhẩn nha kể cùng tôi. Kì thực khi ấy, tôi vẫn thôi thúc lòng mình, nếu có dịp phải tìm gặp chị một lần. Tôi tin văn như đời, để kể ra những câu chuyện như thế, hẳn đời người cũng thăng trầm gieo neo trong bể trầm luân rất nhiều và rất dữ dội.
Mãi đến hôm tôi ngồi cùng nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, nghe anh kể những vụn vặt về nữ văn sĩ họ Tống mới thấy đường văn trải cho chị những hoa hồng nhưng đầy gai nhọn. Trong ánh mắt và giọng nói, Tuấn thương chị Hân như người chị ruột. Mà kể ra thì chị cũng thương Tuấn và đúng giọng điệu bà chị với cậu em khi kể chuyện về Tuấn. Tôi thấy Sapa cho chị một trường thiên kí ức để viết điều đó không có gì bàn cãi, nhưng thứ quý nhất Sapa cho chị đó là tình chị em với nhà thơ Hoàng Anh Tuấn. Thứ tình cảm đi từ văn chương ra cuộc đời, không dễ để có và khó thể ruột rà như Tống Ngọc Hân và Hoàng Anh Tuấn.
Từ ngã rẽ bất ngờ đến nay, Tống Ngọc Hân sở hữu một gia tài văn chương mà không ít người viết phải ngưỡng mộ như 3 tập tiểu thuyết, 15 tập truyện ngắn, 2 tập truyện thiếu nhi, 2 tập thơ. Trong số đó có rất nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng lớn như Giải thưởng cuộc thi viết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức (2011- 2015) cho tiểu thuyết "Âm binh và Lá ngón"; Giải Ba Cây bút vàng do Bộ Công an trao (2017) cho truyện ngắn "Đường Biên giới màu đỏ"; Giải A Giải thưởng Fansipan (2012-2017) Do UBND tỉnh Lao Cai tổ chức cho tiểu thuyết "Huyết Ngọc"…
2.Chị gởi tặng đám trẻ chúng tôi ngày hội ngộ Sapa tập truyện ngắn "Bức nude thứ 9", tập truyện mới in vào cuối tháng 8, tập truyện mà như chị nói, gom vào đó những truyện thích nhất với chị, gồm 10 truyện ngắn, hơn 200 trang in. Tập truyện mà khi trao tay chị bảo chưa phát hành và cũng ít người được chị gởi, nhưng hạnh ngộ bạn bè văn chương là cái duyên, trao nhau tác phẩm là điều để nhớ về nhau mãi sau này. Có lẽ với văn chương, chỉ cần một tác phẩm được trao tay, được kí tặng thì đó đã là một nghĩa cử gắn kết ăm ắp tấm lòng, và chứa chan cái tình. Chính cái tình đó khiến tôi ngấu nghiến ngay tác phẩm này trong đêm khuya sương lạnh ám màn đục nơi phòng nghỉ.
Giây phút chờ bay tôi lôi truyện ra đọc, bỏ mặc những liến xáo ồn ã, tôi cuốn vào ngay không gian chị dựng lên trong từng truyện ngắn. Tôi thấy "Nàng" hiện diện qua 9 bức vẽ khoảnh khắc đẹp nhất của người phụ nữ. Những yêu thương được gởi vào nét bút như ghi lại từng khoảng thời gian từ thai máu, tượng hình đến giai đoạn căng phồng và rồi hạ sinh. Có lẽ trong muôn vàn cái đẹp thì thời gian thai kì với phụ nữ luôn là cái đẹp thiêng liêng và mang đầy sự hy sinh. Nhưng, không phải cái đẹp nào cũng được trầm trồ thán phục. Có những cái đẹp bị đánh đồng cùng sự tha hóa. Câu chuyện đan xen giữa yêu và hận, giữa niềm tin và nghi ngờ, giữa nhẫn nhịn và buông bỏ, cứ vậy những lớp lớp tình tiết đan cài nhau dẫn đến một nỗi đau nặng nề trong cuộc sống gia đình. Sợi dây tin yêu mỏng mảnh trước bóng tối của cuồng loạn quáng mù. Chỉ khi trơ trọi với mất mát con người ta mới sáng tỏ nhất.
Thân phận phụ nữ trong cuộc sống hôn nhân gia đình dường như là chủ đề xuyên suốt tập truyện này, bởi không phải từ truyện ngắn lấy làm tựa đề toàn tập mà ở nhiều truyện ngắn khác, nhân vật chính vẫn là phụ nữ. Những lát cắt nhỏ, vụn nhưng lại là ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng của những người đàn bà, những người đàn ông, thậm chí nó lan đến thế hệ thứ 2, thứ 3 trong một gia đình. Để cứ quay tròn như một vòng quay của kiếp người giữa guồng máy bất tận thời gian. Chất chồng lên theo năm tháng luôn là những vết thương hằn trong tâm khảm, đến khi cạn cùng cuộc đời đôi khi người ta mới ngộ ra được niềm tin giản đơn đôi khi ngay trước mắt mình.
Như chính nhân vật "cô" qua lời kể của đứa cháu trong truyện ngắn "Điền Hương". Hay như trong truyện ngắn "Khuy áo đỏ", câu chuyện khiến tôi phập phồng lo âu từ mở đầu cho đến tận cùng bởi sự dẫn dắt tài tình của Tống Ngọc Hân. Câu chuyện người con gái và lán trại đào vàng trộm được viết bằng giọng văn lúc chậm rãi, lúc dồn dập. Tình tiết liên tục đưa người đọc đi vào những lo lắng cho một sự bung bét vỡ toang. Ngay tại đỉnh điểm của tình tiết, Tống Ngọc Hân dùng một cao trào khác để giải quyết. Lạ kì là nó hợp lý một cách bất ngờ. Vốn sống, vốn hiểu biết, tỉ mẩn chăm chút từng chi tiết nhỏ và chính sự "quái kiệt" bất ngờ ấy, khiến độc giả tấm tắc đọc và gật gù khen. Chính những điều đó làm nên một Tống Ngọc Hân không lẫn vào đâu trên văn đàn này.
3.Đêm đó chị dẫn chúng tôi đi loanh quanh thị trấn cả đêm. Mấy đứa viết trẻ được nghe chị nói chuyện văn chương mê ly, cứ thế mà bỏ vào đầu nhiều câu chuyện về nghề. Sáng hôm sau lại tất tả gọi điện thoại bắt đi ăn sáng. Khi về lại dặn dò có ra Phú Thọ phải ghé chị đấy nhé!
Trong những lần trò chuyện cùng nhau, chị luôn bảo phải viết, phải sục sạo vào những mảnh đời bé nhỏ và đưa họ lên trang viết. Bởi không ai khác mà người viết chúng ta phải đi từ những thứ đời thường nhất, bình dị nhất mới tìm thấy thứ ánh sáng tốt đẹp nhất. Như ngay lúc thành phố tôi đang sống trải qua cơn dịch hoành hành, chị nhắn bảo cẩn trọng và lắng lại, sẽ có lúc em nhìn cơn đại dịch bằng một tâm thế an tĩnh nhất, đó là lúc ngòi bút tự phát sáng. Những thứ viết ra từ trái tim, ắt sẽ tìm thấy một trái tim thấu cảm.