“Nhặt bóng người”, hay là sự nhòe của cái viết

15:24 20/02/2025

Tôi có thể khẳng định ngay: Tiểu thuyết “Nhặt bóng người” của Vũ Thanh Lịch là tác phẩm thể hiện, hoặc minh chứng, cho một kiểu nghệ thuật tự sự mà tôi tạm gọi là “sự nhòe của cái viết”.

Ngoài đời, nhà văn Vũ Thanh Lịch là một cán bộ quản lý văn hóa chuyên về mảng các di tích, di chỉ khảo cổ trên quê hương của vua Đinh, vua Lê. Sự trải nghiệm này đã từng thể hiện trong tập truyện ngắn có tên “Nhà thánh” của chị, in vài năm trước, và nó lặp lại lần nữa qua cuốn tiểu thuyết đầu tay mà Vũ Thanh Lịch vừa cho ra mắt độc giả, tác phẩm có tên “Nhặt bóng người” (Tao Đàn & NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024. Một trong mười cuốn sách ấn tượng năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bầu chọn).

“Nhặt bóng người”, hay là sự nhòe của cái viết -0
Nhà văn Vũ Thanh Lịch.

Tôi có thể khẳng định ngay: Tiểu thuyết “Nhặt bóng người” của Vũ Thanh Lịch là tác phẩm thể hiện, hoặc minh chứng, cho một kiểu nghệ thuật tự sự mà tôi tạm gọi là “sự nhòe của cái viết”. “Nhặt bóng người” kể chuyện một nhà khảo cổ học say mê và tận tâm với nghề đang cùng anh em trong nhóm của mình khai quật tại một di chỉ khảo cổ ở làng Hạ Điền, nơi anh thực hành điền dã lần đầu tiên mấy chục năm trước, khi mới vào nghề, và cũng có thể là nơi sẽ khép lại sự nghiệp khoa học của anh trong lần trở lại này.

Chuyện được kể từ nhiều điểm nhìn tự sự: điểm nhìn của một người kể chuyện giấu mặt, vô danh nhưng luôn biết Trai, tiến sĩ khảo cổ học, đang nhìn, nghe, hành động như thế nào, cảm nhận và suy nghĩ ra sao trước mọi việc; điểm nhìn của những nhân vật xưng Tôi tự kể các câu chuyện của họ, thể hiện qua những đoạn in chữ nghiêng trên trang sách. Có nhiều nhân vật xưng Tôi tự kể như vậy. Đó có khi là Trai, nhân vật chính của tiểu thuyết, có khi là bà chủ và ông chủ lò gốm Diên Vĩ lừng danh từ một thời rất xa rất xưa, có khi lại là một người thợ gốm nữ tài hoa nhưng bạc phận đã chết từ mấy kiếp trước.

Những câu chuyện ấy giao thoa, bện chặt, lẫn vào nhau như những lớp đất cát nằm sâu dưới mặt đất - đó chính là sự nhòe của nó - mà phải thật nhẫn nại và khéo léo, người làm khảo cổ mới có thể bóc tách từng lớp mà nghe những hiện vật, những mảnh vỡ của quá khứ cất lên tiếng nói.

Hóa ra tất cả những cái Tôi tự kể ấy đều có liên quan đến nhau và đều có sự tương tác với nhà khoa học khảo cổ Trai. Hồn ma và người sống gặp gỡ hỏi han nhau, kể chuyện cho nhau nghe, than thân trách phận với nhau, không phải ở không gian âm ty địa ngục, càng không phải ở trong không gian của cuộc đời thực, mà là ở trong những cơn đau, những cơn sốt, những khoảng lạc thần mê sảng của Trai.

Sự đồng hiện quá khứ/ hiện tại ấy tạo nên sự nhòe về mặt thời gian của truyện kể, và mặt khác, như nhấn mạnh thêm tính chất “sinh ư nghệ, tử ư nghệ” của nhân vật chính, kẻ một đời chuyên chú cho việc đi tìm dấu vết của những thời gian đã mất: “Cầm miếng gốm trên tay, Trai rưng rưng quan sát từng đường nét hoa văn, từng vệt màu đậm nhạt, từ hai khóe mắt, những giọt nước nóng hổi lăn xuống hòa vào nước mưa ánh lên những tia nhìn rực rỡ”.

Có thể nói, thế giới trong “Nhặt bóng người” rất gần, thậm chí dường như là một hình đồng dạng với cái thế giới quen thuộc trong những tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương: sự nhập nhoạng giữa cõi âm và cõi dương, giữa ma với người, giữa hư và thực, giữa xưa với nay, giữa những đêm trăng sáng kỳ lạ và những nhân vật bị động kinh hoặc mắc chứng hoang tưởng, tâm thần phân liệt.

Tuy nhiên vẫn có những sự khác, ít nhất ở một điểm: trong tác phẩm của Vũ Thanh Lịch không thể hiện cái “mỹ cảm với bạo lực” như trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Thay vào đó, Vũ Thanh Lịch chuyển hướng chú ý của mình vào công việc của các nhà khảo cổ học, cái giá phải trả cho niềm đam mê và ý nghĩa của sự đào bới, khai quật ký ức chỉ để “nhặt bóng người” trên những viên gạch cũ, như chị đã viết ở trang đầu cuốn sách, trong lời “Thưa cùng bạn đọc”:

“Những câu chuyện được các nhà khảo cổ học đánh thức từ lòng đất đã cộng hưởng, khuếch tán trí tưởng tượng của tôi, thôi thúc tôi viết câu chuyện này... Từ trái tim mình, tôi xin được bày tỏ lòng cảm mến và trân quý với các nhà khảo cổ học, những người đã không quản ngại gian khó dẫn dắt tôi và rất rất nhiều người khác nữa đến gần hơn với ký ức người, ký ức của tổ tiên chúng ta. Và nếu có một điều ước nào đó có thể thành hiện thực, tôi ước mình có thể hiểu được những bóng người, những bóng người chợt thấy rồi chợt xa”.

Bìa tiểu thuyết “Nhặt bóng người” của Vũ Thanh Lịch.

Cái tâm sự ấy được hiện thực hóa, được bộc lộ trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của Vũ Thanh Lịch chủ yếu xoay quanh nhân vật Trai, nhà khảo cổ học không chỉ đào sâu vào lòng đất, mà còn biết nghe những câu chuyện dân gian bản địa, biết quan sát những phong tục dân dã xung quanh, biết đọc bản nháp của những nhà nghiên cứu tiền nhiệm - chứ không phải những báo cáo khoa học đã được gọt giũa đến nhẵn nhụi trơn tru - để từ đó chắp nối tư liệu và tự tìm lấy hướng đi, cách giải quyết vấn đề của riêng mình.

Trai yêu nghề và say nghề khảo cổ. Nhưng chính cái sự yêu và say ấy đã khiến cho anh phải trả giá, không phải bằng những nỗi vất vả nhọc nhằn - điều đó có, nhưng không đáng kể - mà bằng một đời sống tình cảm lạnh giá, những cuộc tình chỉ có va chạm thân xác mà không hề có nồng đậm tinh thần, một cuộc hôn nhân rốt cuộc chỉ để dẫn đến ly hôn và một đứa con gái mà anh yêu quý rất nhiều nhưng lại có rất ít thời gian cho nó.

Kể ra thì trong lịch sử đời tư của mình, trái tim Trai đã có một lần run rẩy, ở chính vùng đất này. Ấy là khi anh ngồi cùng với Hiện, cô gái dẫn đường cho đoàn khảo cổ, trong một hang đá giữa đêm mưa. Mưa ngoài hang, bếp lửa tàn trong hang, hơi ấm cơ thể và ánh nhìn cháy bỏng của Hiện đã ám ảnh anh suốt mấy chục năm cho dẫu đêm đó không có gì thực sự xảy ra giữa hai người cô nam quả nữ. Có chăng, nó chỉ đánh dấu sự hy sinh tình cảm cá nhân của Trai cho cái nghề dẫn dắt người đời “đến gần hơn với ký ức người, ký ức của tổ tiên chúng ta”.

Ở phương diện này, có thể nói, nhân vật Trai là một diễn giải khá bất ngờ, thậm chí đặc dị, của Vũ Thanh Lịch về cái được cái mất của những người làm nghề khảo cổ.

Thế nhưng, như chính Tiến sĩ khảo cổ học Trai có lần tự vấn: “Nếu ký ức cũng mất tăm mất tích như mấy xác hoa này... Thì sao nào... Thì sao... Có phải ai cũng có ký ức không. Có bao nhiêu người cần ký ức. Mình có cần không, mảnh đất này có cần không, mình đi tìm ký ức cho mình hay cho ai”.

Đây là những câu hỏi căn bản mang tính mục đích luận - “ký ức thì để làm gì?” - không hề đơn giản và không thể trả lời một lần là xong. Tuy nhiên nó lại dẫn đến một lối rẽ khác, nếu ta chú ý đến câu chuyện của các hồn ma ở những đoạn sau của tiểu thuyết, ấy là việc kiến tạo ký ức bằng sáng tạo nghệ thuật.

Như hồn ma của ông chủ lò gốm Diên Vĩ từng giải thích với Trai: khi con người ta chết đi, là hết, là không còn gì cả, nhưng nếu người ta dồn toàn bộ tài năng, tâm huyết và sức lực của mình để làm ra những tác phẩm gốm đẹp đẽ có một không hai thì cái chết ấy chỉ là cái chết thân xác mà thôi, người ta sẽ sống từ đời này qua đời khác cùng với những món đồ gốm phi thường kia, như thể bóng người đã in dấu vào những viên gạch được nung đủ độ. Đó là một trong những phương cách để tạo nên ký ức, và hơn thế, tạo nên sự vĩnh cửu. (Cho dẫu ký ức ấy, sự vĩnh cửu ấy luôn luôn đòi hỏi phải được trả giá bằng những nỗi đau ghê gớm, mà hồn ma của bà chủ lò gốm Diên Vĩ, kẻ trải qua bao nhiêu kiếp vẫn ôm khư khư cái bình đỏ huyết tuyệt đẹp do người chồng tài hoa của bà làm ra, chính là một ví dụ sống động).

Nói chung, có lẽ đến đây thì câu hỏi “ký ức thì để làm gì?” đã có câu trả lời. Để nhận chân quá khứ bằng những gì còn sót lại - một viên gạch, một mảnh gốm vỡ chẳng hạn - và từ đó, để biết rằng rốt cuộc chúng ta thực sự là ai.

Khép lại bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh một ý: “Nhặt bóng người”, tiểu thuyết đầu tay của Vũ Thanh Lịch có thể là một tác phẩm có đủ độ hấp dẫn với cả những độc giả “cứng rắn” lẫn những độc giả “non gan” nhưng lại luôn hiếu kỳ trước tất thảy những gì thuộc về “tâm linh”. Tiểu thuyết mở ra một thế giới ma mị, quái gở và đầy ám ảnh. Một thế giới ma ở lẫn với người và người thì nhiều kẻ nếu không bất thành nhân dạng cũng nghiêng về phía dở dở ương ương (như bà đồng Riêng hay cô Hơn béo ú bán thuốc giả, chẳng hạn).

Một thế giới mưa nhiều hơn nắng, mưa sậm sụt suốt đêm và người ta ngủ mà nước cứ chảy dưới lưng và ngập tràn bờ bãi. Một thế giới thu gọn vào cái đền Hạ khen khét mùi khói hương lưu cữu với một ông thủ từ gầy giơ xương, một thằng bé không cha không mẹ luôn nhảy như choi choi và luôn vô cớ hú hét. Một thế giới mà người lạ (như nhà khảo cổ học Trai) luôn bị lạc đường và cứ mỗi khi bị lạc đường thì lại xuất hiện một con cú mèo cứ đứng nhìn chòng chọc...

Dẫu vậy, đây vẫn là thế giới thực, nơi con người tự bao đời đã lao tác trên đất, lao tác với đất và làm nên cả một ký ức nhiều tầng vỉa, nhiều câu chuyện về nó. Nhiều đến mức một hoặc một vài truyện ngắn độc lập là không đủ đối với người viết. Mà phải là khung khổ của một tiểu thuyết với sự đan dệt, nhòe mờ về không gian và thời gian của những tuyến tự sự khác nhau. Theo tôi, đó là một trong những lý do để Vũ Thanh Lịch bắt tay vào cuốn tiểu thuyết đầu tay này.

Hoài Nam

Chiều 29/4, Đoàn đại biểu của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an do Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm Trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP Hồ Chí Minh), tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh và dâng hoa, dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng.  

Chiều 29/4, sau khi kết thúc ngày làm việc, người dân bắt đầu rời Hà Nội về quê cũng như đi du lịch nhân kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, mật độ giao thông Thủ đô tại nhiều khu vực cũng vì thế mà "tăng nhiệt nhanh" như đường Giải Phóng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, hướng ra Pháp Vân – QL1A... Lực lượng CSGT Hà Nội ứng trực 100% quân số và triển khai từ sớm trên khắp các tuyến đường, cửa ngõ Thủ đô để đảm bảo TTATGT.

Chiến sĩ trẻ Nguyễn Quốc Khánh, học viên Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân II và đồng  đội đang háo hức chờ đón giây phút vinh dự được có mặt trong khối diễu binh, diễu hành Cảnh sát gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025.

Ngày 29/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An cho biết, vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Tôn Quý Hòa (SN 1982, trú tại khối Văn Trung, phường Hưng Dũng, TP Vinh) – là Huấn luyện viên trưởng Bộ môn đá cầu - về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ngày 29/4, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan trong vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và một số địa phương liên quan. Bị can Hoàng Thị Thúy Lan được xác định đã nhận nhận hối lộ 25 tỷ đồng và 1,3 triệu USD, tổng số tiền gần 50 tỷ đồng.

Hình ảnh CSGT diều người cựu chiến binh đến vị trí thuận lợi để xem cảnh tổng duyệt diễu binh, hay hình ảnh người phụ nữ cõng mẹ đi xem diễu binh gây xúc động mạnh trong những ngày diễn ra các hoạt động chuẩn bị Đại lễ 30/4.

Người nữ cán bộ CSGT vừa bế cháu bé vừa hét khản cổ để tìm người thân cho bé khi bé lạc mẹ giữa đám đông hàng chục ngàn người chờ xem tổng duyệt... Còn rất nhiều hình ảnh mà khoảnh khắc ấy chỉ có những người trong cuộc, những người tham gia đoàn người chờ đón các đoàn diễu binh đi qua mới có thể ghi lại được. Những bức ảnh không rõ nét, hơi nhòe nhưng chứa đầy những cảm xúc, khiến người xem bật khóc…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.