Nhiều bất ngờ về gia tài văn xuôi của Thâm Tâm

13:14 15/10/2021

NXB Văn học đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để giới thiệu đến bạn đọc cuốn "Truyện ngắn Thâm Tâm". Vậy là sau cuốn "Thâm Tâm truyện ngắn" được xuất bản năm 2000 bởi NXB Văn hóa - Thông tin do nhà phê bình văn học Văn Giá và Nguyễn Thanh Hương sưu tầm và giới thiệu, sự tái xuất hiện của "Truyện ngắn Thâm Tâm" (có bổ sung một số tác phẩm mới sưu tầm) và tập "Truyện vừa Thâm Tâm" sắp được NXB Quân đội Nhân dân ra mắt sẽ giới thiệu đến bạn đọc đầy đủ hơn về gia tài, chân dung văn học của Thâm Tâm.

Cuốn "Truyện ngắn Thâm Tâm" do NXB Văn học giới thiệu đến công chúng lần này gồm 50 tác phẩm, trong đó có 38 tác phẩm đã được giới thiệu trong cuốn "Thâm Tâm truyện ngắn" do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2000 và 12 truyện mới được con trai nhà thơ Thâm Tâm là ông Nguyễn Tuấn Khoa sưu tầm được trong thời gian gần đây. Theo ông Nguyễn Tuấn Khoa, việc nhà phê bình Văn Giá và chị Nguyễn Thanh Hương sưu tầm và giới thiệu đến công chúng cuốn "Thâm Tâm truyện ngắn" đã cho ông và gia đình một nguồn động lực to lớn trong việc tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm những tác phẩm, sáng tác của cha mình.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa - con trai cố nhà thơ Thâm Tâm và vợ.

Ông Tuấn Khoa cho biết: "Nhiều anh chị văn nghệ sĩ và bạn đọc trong nước cũng như ở nước ngoài yêu mến nhà thơ Thâm Tâm đã giới thiệu cho gia đình nguồn tư liệu số hóa của các ấn phẩm "Tiểu thuyết thứ bảy", "Tuần báo Truyền bá", "Nhà xuất bản Tân Dân"... nên chúng tôi đã sưu tầm thêm được một số truyện ngắn, truyện dài, kịch ngắn... từ cơ sở dữ liệu số hóa bản ảnh gốc của Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Quốc gia Pháp và qua một số nhà sưu tầm. Vì thế, cuốn "Truyện ngắn Thâm Tâm" do NXB Văn học xuất bản lần này có bổ sung thêm 7 truyện ngắn so với bản in năm 2000, in kèm phụ lục 5 kịch ngắn đã in trên "Tiểu thuyết thứ bảy" từ năm 1939 đến 1944 và giới thiệu một số minh họa đã in trong bản gốc. Tôi rất mừng vì nhờ công nghệ thông tin, mạng internet ngày càng phát triển đã giúp gia đình tôi biết thêm nhiều thông tin, sưu tầm được nhiều tác phẩm của cha tôi đã từng xuất bản và lưu lạc. Chúng tôi mong muốn được giới thiệu đến bạn đọc yêu mến Thâm Tâm hiểu đầy đủ hơn về các sáng tác của cha mình!".

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Khoa, cha ông - nhà thơ Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình đi kháng chiến từ tháng 12-1946. Nhà thơ chỉ về thăm nhà được 1 lần vào cuối năm 1948 khi gia đình đang tản cư về quê nhà Hải Dương và có bài thơ đầy tâm cảm "Chiều mưa đường số 5" rồi hi sinh vào ngày 18-8-1950, được an táng tại một bản nhỏ dưới chân đèo Mã Phục (Cao Bằng). Sau đó, quân đội đã cho người về đón mẹ con ông lên ATK Định Hóa rồi về sống ở Đại Từ cho đến sau ngày giải phóng Thủ đô mới trở lại Hà Nội.

Chiến tranh loạn lạc, thay đổi chỗ ở liên miên nên tác phẩm, di cảo của nhà thơ Thâm Tâm gia đình hầu như không còn lưu giữ được. Vì thế, có thể nói, cuốn "Thâm Tâm truyện ngắn" ra đời năm 2000 là một công trình sưu tầm, tuyển chọn rất đặc biệt, công phu của PGS.TS, nhà phê bình văn học Văn Giá và chị Nguyễn Thanh Hương - người thủ thư công tác tại thư viện Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực tìm kiếm những trang bản thảo nằm rải rác trong kho tư liệu tại thư viện.

Trước đây, do công nghệ thông tin chưa phát triển, công tác lưu trữ cũng như khảo cứu các tác phẩm văn học, báo chí ra đời từ trước năm 1945 gặp rất nhiều khó khăn, quá trình đi sưu tầm khảo cứu của nhà giáo, nhà phê bình Văn Giá kéo dài mấy năm, trong đó có 3 lần ông vào thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ đắc lực của chị Nguyễn Thanh Hương trong việc tìm kiếm, sao chụp các tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm đang lưu trữ bằng bản microfilm chất lượng rất kém, rồi về in ấn, đánh máy nên tốn rất nhiều thời gian, công sức.

Bìa cuốn Truyện ngắn “Thâm Tâm” do NXB Văn học ấn hành.

Theo nghiên cứu của nhà phê bình văn học Văn Giá, mãi đến năm 1988 tập "Thơ Thâm Tâm"  mới ra đời với khổ nhỏ bỏ túi và có 1 truyện ngắn nhan đề "Tháng ba sấm động" được tuyển vào "Tổng tập Văn học Việt Nam", tập 30B, NXB Khoa học xã hội 1995. Chính vì thế, khi tập truyện "Thâm Tâm truyện ngắn" ra đời, gồm có 38 truyện ngắn đã được đăng rải rác trên tờ "Tiểu thuyết thứ bảy" từ năm 1941 đến 1944, trong đó có tới 37 truyện lần đầu tiên được tái công bố. Đó là lý do khi ra đời vào thời điểm năm 2000, "Thâm Tâm truyện ngắn" đã khiến nhiều người ngỡ ngàng và thích thú, bởi xưa nay nhiều người vốn tưởng Thâm Tâm chỉ làm thơ và đặc biệt nổi tiếng với bài "Tống biệt hành" cũng là bài được Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển vào "Thi nhân Việt Nam".

Nhà phê bình Văn Giá cho biết: "Tìm được những tư liệu về nhà thơ Thâm Tâm với tôi đúng là một cái duyên. Tôi được tiếp cận với tư liệu về tác phẩm văn xuôi của Thâm Tâm trong quá trình tìm kiếm tư liệu và nghiên cứu về nhà văn, nhà báo Vũ Bằng. Thật bất ngờ Thâm Tâm lại có nhiều truyện ngắn như thế! Trong cuộc đời làm nghiên cứu của mình, tôi rất muốn hướng về những nhà văn bị thua thiệt trong cuộc đời như Thâm Tâm, Vũ Bằng. Tôi cảm thấy quá hạnh phúc khi đã góp phần giới thiệu để công chúng có những hiểu biết đầy đủ và công bằng hơn đối với 2 nhà văn này!".

Không chỉ gia tăng số lượng về các truyện ngắn, thời gian gần đây gia đình con trai nhà thơ tiếp tục được tiếp cận với các sáng tác tiểu thuyết, truyện vừa của nhà thơ Thâm Tâm. Ngoài tiểu thuyết "Thuốc mê" đã được Tao Đàn và NXB Văn học ấn hành và giới thiệu cách đây vài năm, đến nay trên 10 truyện vừa của nhà thơ Thâm Tâm đã được gia đình sưu tầm, bảo quản, lưu giữ và dần chuyển hóa thành văn bản để xuất bản.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa không giấu được niềm vui mừng, xúc động khi tập "Truyện vừa Thâm Tâm" đang được NXB Quân đội Nhân dân hoàn thiện để giới thiệu tới bạn đọc. Điều đặc biệt ở tập "Truyện vừa Thâm Tâm" là đã tìm lại được trọn bộ truyện lịch sử "Dòng máu sông Hồng" bao gồm 4 truyện: "Người Giao Chỉ", "Bố Cái", "Chim làm tổ", "Rồng" và các truyện "Bọn trẻ tàn tật", "Gánh hát sử Nam", "Người giữ ngựa", "Tiếng mùa xuân". Ngoài ra, ông cũng được PGS.TS Lưu Khánh Thơ cung cấp một bản tiểu thuyết "Nỗi ân hận dài" dưới tên thật là Tuấn Trình do Á Châu xuất bản có độ dài 170 trang, khổ 12x24cm.

Ông Khoa cho biết, gia đình cũng sẽ có kế hoạch để giới thiệu tiểu thuyết này đến với đông đảo công chúng trong thời gian tới. Nói về di sản văn xuôi của Thâm Tâm, nhà phê bình Văn Giá bày tỏ: "Bên cạnh mảng thơ, Thâm Tâm có mảng văn xuôi khá phong phú. Đối với truyện ngắn của Thâm Tâm, ông đã đóng góp vào dạng "truyện ngắn trữ tình" giống như các nhà văn Thạch Lam, Thanh Châu... vẫn thể hiện. Truyện ngắn của ông có cảm quan hiện thực, được kể với ngôn ngữ tinh tế, giàu chất thơ, giống các bài "văn xuôi thế sự". Trong truyện ngắn của mình, Thâm Tâm quan tâm đến những con người có thân phận bé nhỏ trong cuộc đời, với một tấm lòng nhân ái, bao dung. Điều đặc biệt là Thâm Tâm có mảng truyện vừa với bộ truyện viết về lịch sử dân tộc với ý thức truyền tải lịch sử bằng văn chương với niềm tự hào dân tộc sâu sắc. Đây thực sự là những đóng góp quan trọng cho văn học Việt Nam!".

Có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Tuấn Khoa - người con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm và vợ ông là bà Nguyễn Ngọc Mỹ, thật xúc động được nghe ông bà kể lại những câu chuyện về gia đình, về sự may mắn trong hành trình đi tìm mộ người cha đã mất của mình.

Hiện nay, mộ nhà thơ Thâm Tâm đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) sau nhiều năm không rõ tung tích. Tuy nhiên, do trong quá trình quy tập, kho lưu giữ hồ sơ về các ngôi mộ bị pháo bắn trúng trong cuộc chiến tranh biên giới 1979, nên hiện vẫn chưa xác định được danh tính mộ của Thâm Tâm cũng như 150 người khác. Hiện nay, gia đình nhà thơ đã dựng một bia tưởng niệm tại nơi từng an táng nhà thơ (bản Pò Noa, xã Phi Hải), và mỗi lần có dịp lên thăm nghĩa trang liệt sĩ huyện Quảng Uyên lại thắp hương cho đủ 151 ngôi mộ trong đó có cha, ông mình. Ông Khoa cũng tin rằng, linh hồn cha mình đã run rủi cho ông có sự may mắn trong việc tìm lại các tác phẩm đã xuất bản.

Nhà thơ Thâm Tâm ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, nhiều dự định còn dang dở, nhưng với việc sưu tầm, hệ thống lại các tác phẩm, gia đình cố nhà thơ Thâm Tâm dần giới thiệu đến bạn đọc một chân dung văn học Thâm Tâm đầy đủ và trọn vẹn nhất: Rằng, Thâm Tâm không chỉ có thơ và "Tống biệt hành" mà còn có cả một di sản văn xuôi đáng nể!

Nguyệt Hà

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文