Những tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc
Tôi đọc tập truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” của nhà văn Hiệu Constant trong tâm thế của một người chưa bao giờ được đặt chân đến Trường Sa, chỉ hình dung ra quần đảo thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió này qua báo, đài, qua những bài thơ khúc nhạc.
Tập truyện ký dung lượng vừa phải - gần 200 trang cả minh họa bằng hình ảnh đã dẫn dắt tôi đến Trường Sa theo một con đường khác: Con đường đồng hành với gần bảy mươi kiều bào trở về từ hai mươi bốn quốc gia trên khắp thế giới qua lộ trình hơn 1.000 hải lý và 10 ngày đến với Trường Sa của kiều bào.
Nhà văn Hiệu Constant quê ở Thường Tín (Hà Tây cũ) - Hà Nội. Chị theo chồng sang Pháp từ năm 1998. Là một kiều bào sống tại Paris hoa lệ, nhưng tấm lòng chị luôn hướng về đất mẹ Việt Nam. Theo dấu chân chị trong suốt cuộc hành trình, người đọc bị dẫn dụ bởi một lối kể chuyện tâm tình thủ thỉ, văn phong giản dị, ghi chép chắt lọc tinh tế. Từ những câu chữ mộc mạc những liên tưởng sâu xa, giàu hình ảnh, người đọc cảm nhận được con người và cuộc sống ở Trường Sa cũng như tình cảm của đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc hướng về quê hương xứ sở.
Đồng hành cùng tác giả từ chương mở đầu cho đến đoạn kết của tác phẩm, lối trần thuật theo trình tự thời gian của chị làm người đọc như cũng đang cảm nhận những điều chị tai nghe mắt thấy về thiên nhiên cảnh vật và cuộc sống của những chiến sỹ đang đóng quân trên đảo. Bắt đầu từ Cảng Cam Ranh, con tàu lớn màu trắng KN- 491 của Hải quân Việt Nam đã đưa đoàn vượt biển để ra thăm đảo – Miền đất thứ tư của Tổ quốc.
Những hòn đảo thiêng liêng, chủ quyền của Tổ quốc lần lượt hiện lên: “Đảo Song Tử Tây là một hòn đảo lớn có nhiều cây lâu năm và hoa thanh tao và tinh khiết”; đảo chìm Đá Nam “Một hòn đảo nhỏ tí ti không cây nằm chênh vênh trên mặt biển”, đảo Đá Thị với “Các màn đồng ca còn ngập ngừng” của chính các chiến sỹ trên đảo hát tặng kiều bào; đảo Sơn Ca “nhiều cây xanh lâu năm… những mái ngói đỏ lộ giữa những bóng cây xum xuê, những ngôi nhà lớn cao tầng, lịch sự khá vững chãi”; đảo Cô lin, Len Đao, Gạc Ma “với những chiến công thầm lặng và sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ hải quân”; đảo Sinh Tồn, đảo chìm Tốc Tan, đảo Phan Vinh, đảo chìm Đá Đông B… đều có đặc điểm riêng, đặc biệt đảo Trường Sa Lớn “là hòn đảo nổi khang trang nhất nhiều cây cổ thụ và có đường bay dành cho phi cơ… có nhà khách, nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh và ngôi chùa Trường Sa bề thế với khuôn viên rộng và nhiều tượng Phật”. Và nhà giàn DK1/18 Phúc Tần “đứng giẫm chân giữa trùng dương, sóng vỗ quanh năm” vững chãi trên biển được đổi bằng máu xương của những người chiến sỹ đã hy sinh.
Trong truyện ký, nhà văn Hiệu Constant đã dành riêng một chương để viết về những ngôi chùa ở Trường Sa - cột mốc tâm linh, chủ quyền của Tổ quốc. Những mái chùa là nơi che chở hồn dân tộc, nơi ghi dấu nếp sống muôn đời của tổ tông đã được chị ghi lại đầy xúc động, bởi với chị đó là “điểm hẹn văn hóa thuần khiết, tinh tế nhất của hàng triệu con tim yêu chuộng hòa bình, tôn trọng chủ quyền quốc gia trên khắp mọi miền thế giới, khi đặt chân đến quần đảo Trường Sa”.
Dẫn người đọc đi từ chùa Trường Sa Lớn đến là chùa Song Tử Tây, chùa Sinh Tồn, chùa Sơn Linh, chùa Vinh Phúc nằm trên các đảo, khu Tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa lớn, những quả chuông trong các chùa cũng mang nét đặc trưng biển đảo… Tất cả đều được tác giả miêu tả một cách chi tiết giúp người đọc phần nào hình dung về những công trình tâm linh trên quần đảo Trường Sa.
Làm nên chất ký của tập truyện này là những ghi chép chân thực cảm xúc của chính tác giả, của những nhân vật trong đoàn kiều bào về thăm Trường Sa, của những cán bộ trong chuyến công tác nói về kiều bào. Những cái tên cụ thể, những nhân vật có thật ấn tượng, những chi tiết thú vị như đoàn kiều bào Thái Lan đều đã cao tuổi, trẻ nhất 60 tuổi, lớn nhất gần 80 cũng ra với Trường Sa, những nhân vật cụ thể như Lý Thừa Vĩnh hậu duệ đời thứ 28 của vua Lý Thái Tổ từ Hàn Quốc trở về thăm viếng tổ tiên và nhận lại quê hương, tính tình hòa đồng thân thiện, nụ cười luôn nở trên môi, người không nhớ nổi số lần quay trở về; Hay những tên tuổi khác như anh Dư Hồng Quảng - Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ; Anh Nguyễn Đinh Bin - Cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp; Anh Bùi Minh Phong, Giáp Văn Chung - kiều bào Hungary đã có những vần thơ cảm xúc về chuyến đi; Anh Nguyễn Hoàng Tuyển - kiều bào Ba Lan mang theo hành trình cuộc đời nơi xa xứ là tinh thần dân tộc, yêu nước bảo vệ giống nòi, giữ gìn truyền thống quê hương... Cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân từ học sinh đến các thầy cô giáo, hay các ngư dân…
Đặc biệt những người chiến sỹ trên đảo hiện lên thật ấn tượng “Phần đông các chiến sỹ giữ đảo còn rất trẻ, những khuôn mặt rám nắng và gió biển” và sự hy sinh của các chiến sỹ trên đảo Gạc Ma, hay hy sinh khi bảo vệ nhà giàn đều chạm được vào trái tim bạn đọc. “Các anh chính là những vì sao lấp lánh trong lòng chúng tôi và con dân đất Việt”.
Trong suốt tập truyện ký nhà văn đã lồng vào đó những liên tưởng sâu xa, những đoạn văn giàu hình ảnh. Người đọc thả hồn theo những hình ảnh đẹp của thiên nhiên biển cả, trăng nước, cây cỏ: “Mảnh trăng đầu tháng treo lơ lửng trên bầu trời thăm thẳm, thi thoảng điểm những đám mây trắng bồng bềnh, những vì tinh tú nhìn xuống trần gian với cặp mắt nhỏ sáng lấp lánh”; “Phong ba mùa này bắt đầu ra nụ chúm chím, những lùm cây lum khum”. “Những vạt muống biển… Những bông hoa tím mịn màng, cánh mỏng manh… chúng cứ vươn dài, bò loang là là trên mặt đất như thách thức bão giông”.
Đây đó trong tác phẩm người đọc bắt gặp vùng đồng bằng trù phú miền Nam nước Pháp có gió Tramonatane và gió Espagne từ Tây Ban Nha thổi sang với sự liên tưởng khi nhìn thấy những cánh quạt tạo năng lượng gió trên đảo Sơn Ca. Hay những mái nhà ngói đỏ tại Pháp được phủ những tấm kính để tận dụng năng lượng thiên nhiên như trên đảo Tốc Tan. Từ vườn rau của các chiến sỹ gợi cho chị về hình ảnh người bố của mình - một thầy lang suốt đời cặm cụi với cây cỏ. Những liên tưởng thể hiện sự trải nghiệm dầy dặn và con mắt quan sát tinh tế của nhà văn Hiệu Constant trong chuyến hành trình ra thăm đảo.
Không phải tự nhiên mà Hiệu Constant được mệnh danh là Đại sứ kết nối văn hóa Việt và Pháp. Trong truyện ký “Kiều bào với Trường Sa”, chị dành hẳn một chương để nói về những hoạt động của kiều bào Pháp hướng về Trường Sa với dự án “Nước ngọt cho Trường Sa”; Chương trình “Rực rỡ biển đảo Việt Nam” tại Paris, “Triển lãm ảnh biển đảo Việt Nam tại Pháp” với nhiều bức ảnh đặc tả quần đảo Trường Sa, đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn, các chiến sỹ hải đảo ngày đêm kiên cường bám biển.
Với việc trần thuật những sự kiện và hành động thiết thực của kiều bào tại Pháp hướng về Việt Nam, nhà văn đã một lần nữa làm cầu nối tình cảm của người Việt xa xứ với Tổ quốc thân yêu. Trong toàn bộ tác phẩm, chị đã ghi lại cảm xúc của các kiều bào ta, cũng rất nhiều lần chị trực tiếp biểu lộ xúc cảm rưng rưng khi đến với Trường Sa: “Xung quanh tôi khi ấy, những kiều bào như tôi chẳng ai có thể kìm nén được... Tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt kiều bào”. Nhất là “khi tàu sắp rời cảng, các chiến sỹ ta xếp thành hàng dài… Họ đồng thanh hô to “Trường Sa yêu kiều bào”. “Không một ai trong đoàn chúng tôi cầm nổi nước mắt”. Ngay cả khi ngồi viết lại những dòng này, mắt tôi cũng cay cay”.
Truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” thể hiện được tình cảm nồng nàn máu thịt của những người Việt Nam xa xứ với Trường Sa, với Tổ quốc. Những người con dẫu có sống nơi đâu trên trái đất này vẫn mang dòng giống Tiên Rồng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét “Cuốn truyện ký như một tư liệu rất quý cho chúng ta biết vẻ đẹp của quân và dân Trường Sa, những người đang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió và thêm một cột mốc chủ quyền cắm cho quần đảo Trường Sa” rất đáng để đọc và trải nghiệm.