Nửa thế kỉ chợ lá gói Tết về nhà

14:45 21/02/2024

Trong kí ức của người Sài thành, phiên chợ lá Ông Tạ là nơi đầu tiên đất này nhắc nhớ dân phố thị về một đoạn thời gian ngắn nữa là năm hết Tết đến. Nửa thế kỉ trôi qua, chợ lá vẫn theo mùa tìm về, bán buôn nhộn nhịp, người quen kẻ lạ nhưng cùng chung một tâm thức giữ gìn nét văn hóa dân dã giữa thời đại liến xáo khiến nhiều nét đẹp cổ truyền đã mai một.

Từ chợ lá giữ hồn quê xứ

Tôi về ngang chợ lá một tối muộn của ngày cuối tuần, bây giờ đã qua rằm tháng chạp, nhiều sạp hàng chợ lá đã bày bán, đèn thắp sáng choang cả con đường Cách mạng Tháng Tám, ngay cái ngã ba trứ danh Sài thành mà dân xứ này hay gọi Ông Tạ. Một khu vực của người miền Bắc xuôi vào Nam lập thân những năm 1954 chọn định cư, tạo nên tập tục gói bánh giữ hồn quê xứ khiến chợ lá hình thành và đi qua biến thiên thời cuộc vẫn tồn tại như một bản sắc của đô thành phồn hoa bậc nhất nước này.

Chợ lá dong Ông Tạ ở Sài Gòn.

Thời trước 1975, ngã ba này là giao lộ của đường Lê Văn Duyệt và Thoại Ngọc Hầu. Bây giờ là Cách mạng Tháng Tám và Phạm Văn Hai. Nhưng, với những cư dân sinh sống tại mảnh đất nắng ấm phương Nam này, có khi đọc cái tên đường lại chẳng thể định hình được trong đầu. Chỉ cần nói ngã ba Ông Tạ là thiên hạ biết ngay vị trí, chạy một mạch tới đúng cái ngã ba sầm uất bán buôn, đặc biệt là những món hàng phục vụ người gốc Bắc ở TP Hồ Chí Minh.

Kì thực, Ông Tạ chính là Lương y Trần Văn Bỉ (1918 - 1983) quê Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Sau khi tu và học nghề thuốc ở núi Bà Đen (Tây Ninh), ông về Sài Gòn, ngang qua cái ngã ba có tháp canh của lính Pháp thì nhận thấy đất này có một vị trí thuận lợi do có chùa và xung quanh đều là đất trống, nên chọn một góc làm điểm khám chữa bệnh. Thời Pháp, nơi đây được xem là cửa ngõ để kiểm soát dân từ Củ Chi, Hóc Môn tiến vào thành đô, nên được đặt tên ngã ba Tháp.

Với kiến thức học được trên núi ông đã dùng những cây thuốc nam chữa bệnh và chuyên chữa cho trẻ con và phụ nữ. Ông nổi tiếng mát tay và thiện tâm. Hiệu thuốc đông y Thủ Tạ đặt ngay góc ngã ba đường thường xuyên chữa bệnh cho người nghèo, phía ngoài có để thùng nhôm để mọi người bỏ tiền lẻ vào giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo đường sá xa xôi có lộ phí đi về chữa bệnh. Tiếng tăm ông thời ấy lan xa khắp Nam kỳ lục tỉnh. Dần dà thiên hạ khắp nơi truyền miệng nhau gọi nhanh, gọi tắt để dễ nhớ nên góc ngã ba đấy định danh Ông Tạ trong lòng người dân.

Người Bắc di cư đến và sống quần tụ tại khu vực này, giữ nếp xưa tục cũ nấu bánh những mùa Tết, lá dong theo đó mà cập bến khu này, ban đầu là từ Bà Điểm (Hóc Môn), rồi Gia Kiệm (Đồng Nai). Sau này, khi đường sá giao thông phát triển, lá từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) chuyển xuống, lá từ ngoài Bắc cũng được chuyển vào khu chợ này để phục vụ cho số lượng lớn thị dân cần mua để gói bánh mùa Tết. Không những lá dong, còn dây lạt, lá chuối, ngày nay thêm khuôn gói bánh. Dân thị thành gói bánh chưng hay bánh tét đều tìm về chợ lá như một nơi mặc định trong tâm trí mình. Cứ vậy mà theo thời gian, cái chợ lá họp theo mùa, ngay trên vỉa hè của đoạn đường, không ai quản lý, không chịu tiền mặt bằng chi hết, từ rằm tháng chạp đến tận sáng 30 âm lịch nhộn nhịp thanh âm nói cười đến tận nửa khuya về sáng.

Đến nếp quen vọng Tết thị dân

Tôi nhớ ngoại mình từng nói từ trên cao nhìn xuống thành phố này như tàu lá. Đầu lá là chót miệt Củ Chi. Cuống là nằm tận Cần Giờ. Đoạn cuối ngoặt cong ra biển Đông. Một chiếc lá khổng lồ ôm trọn thành phố với những gân lá là chi chít các con đường, các đại lộ lẫn những hẻm nhỏ dọc ngang thị thành này. Cái đặc trưng của Sài thành kì thực nếu cho ngoại chọn đó là lá. Ngoại sinh thời Pháp, sống thời Mỹ, học Petrus Ký, những lần xuống đường bị bố ráp cũng núp vào những hàng cây xanh rì màu lá mà trốn. Những lần hành quân cũng đắp lá ngụy trang để băng rừng lên tận Tây Nguyên hay ngược về biên giới Tây Nam. Khoảng đời của ngoại gắn liền với thảo thơm hoa lá từ rừng đến phố. Lá cũng là thuốc, lá cũng có thể ăn, lá che mình và lá để thành phố thở. Tôi chỉ mới là cậu học trò trung học chưa hiểu những sâu thẳm trong tiếng thở dài đắng đót của ngoại.

Chợ lá ngày giáp Tết.

Nhưng, khi đã bắt đầu lớn lên, bàn chân rong ruổi khắp thị thành này, mỗi bận nắng hươm vàng phố, chợ lá họp gọi Tết, tôi mới thấm thía lời của ngoại. Từ phiên chợ lá đó, người bán người mua dần dà quen mặt rồi cứ thế tìm về đôi khi lại là một câu chuyện ẩn sau một chữ tình. Như có năm sau cơn đại dịch hoành hành thành phố, Tết năm đó chợ lá họp chậm, mãi sau rằm tận gần ngày đưa ông Táo mới thấy lá về trên các vỉa hè. Dân Sài thành dáo dác chạy tới chạy lui để hỏi han, rồi tìm sạp quen mấy mươi năm là mối của mình. Sợ họ không họp chợ bởi bất trắc từ cơn dịch. Chừng người mua quay lại sau vài ngày gặp người bán quen hồ hởi gọi nhau, hỏi han đủ chuyện. Vậy là vui, vậy là mừng. Dặn nhau lựa bó lá mướt xanh, to tròn để luộc bánh cho đẹp màu. Chuyện chợ lá đâu chỉ là chuyện bán mua lệ thường mỗi mùa mà còn là chuyện tâm tình của người với người, của một thời với một đời.

Tỷ như mua riết quen nên dì Năm tôi chỉ mua lá của một bà ngoại già dân Bà Điểm. Bây giờ bà ngoại già giao sạp hàng lại cho con rồi về miền mây trắng. Dì Năm vẫn giữ mối quen cứ đến đúng cái sạp ngay trước cổng trường Tân Bình mua lá. Ngày dì yếu dặn lại con dâu phải mua ngay cái sạp lá đó. Hai bà già người bán người mua giờ hóa thiên cổ, nhưng hai cô con gái lại nối tiếp cái chuyện tình người để giữ gìn một tấm lòng xưa nghĩa cũ của thế hệ trước để lại. Đâu chỉ mua lá, chị dâu tôi mỗi bận đi chợ lá là đi cả buổi. Là gặp lại sau cả năm trời thì tỉ chuyện để nói, nói suốt buổi chưa hết chuyện. Lắm khi người mua chạy xe về tới nhà mới hay bỏ quên mớ dây lạt gói bánh. Thì mai chạy ra lấy, có nề hà chi đâu. Kiểu đi chợ lá của người Sài thành như đi tìm kỉ niệm. Mà tôi tin đất này cũng trăm ngàn người đi chợ lá như thế.

Tình chợ lá còn thể hiện trong cách bán. Ví như những năm tôi sinh viên, lúc đó đoàn trường hay làm mấy chương trình đón Tết cho sinh viên. Đám sinh viên mặt non choẹt cầm ít tiền chạy rà rà xe vào lề đường hỏi giá lá. Nhìn đám nhỏ lí nhí trả giá thấp xuống rồi nói mua về gói bánh tổ chức ăn Tết sinh viên. Sinh viên những năm đầu 2000 thì thường nghèo và cũng không mấy việc làm thêm để có khoản thu nhập ngoài. Người đàn ông từ Gia Kiệm lên họp chợ nghe chuyện đám sinh viên nên vừa bán vừa cho. Hồi sau đám sinh viên mới để ý thằng nhỏ đen nhẻm dong dỏng cao theo phụ bán lá mùa Tết đang mặc cái áo thun thể dục của một trường Cao đẳng nghề tại đất này. Ông bán lá cười hà hà, giúp cho tụi bây cũng như giúp cho thằng con chú, một mình nó trọ học đất này, may gặp toàn người tốt hỗ trợ. Vậy nên, giờ ông bán lá cho chúng tôi như một phần đáp lễ với mảnh đất này.

Dân bán chợ lá riết quen mối. Mối nào là cơ sở gói bán bánh, mối nào chuyên mua để nấu bánh cho từ thiện, mối nào mua để nấu gia đình ăn. Đôi khi chỉ cần thắng xe cái két là biết ngay tên để gọi. Người bán người mua trông nhau và trông Tết. Có lẽ cái chợ này vẫn là cái chợ duy nhất mà thị dân ít trả giá hay toan tính mắc rẻ, lời lỗ trong cuộc bán mua.

Nắng gió phương Nam thổi cái nồng nàn lên đất này mỗi bận Tết đến. Cái chợ lá dong cứ hiển nhiên theo mùa ấm áp mà tìm về, gọi Tết dậy lên tâm thức thị dân.

Tống Phước Bảo

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa song Người để lại cho hậu thế những di sản vô cùng quý giá. Di sản Hồ Chí Minh luôn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng, là kim chỉ nam dẫn đường, chỉ lối cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Di sản ấy là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do chính Người sáng tạo, để lại cho Đảng, dân tộc Việt Nam.

Mặc dù chưa có “Chấp thuận chủ trương đầu tư” của cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhưng nhiều năm qua, cơ sở băm dăm của chi nhánh Công ty TNHH Thanh Thành Đạt tại xã Xuân Hoà, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp quy định pháp luật.

Trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam, đặc biệt là đoạn giáp ranh với tỉnh Nghệ An có chiều hướng gia tăng, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường công tác đấu tranh, tham mưu chính quyền địa phương các cấp siết chặt quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn.

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文