Phiếm luận về vẻ đẹp của ong

16:45 25/12/2021

Trong các loài vật bé nhỏ mà làm nên nhiều điều vĩ đại khiến con người phải thán phục, không thể không nhắc đến loài ong.

1. Đứng về mặt cấu trúc, ong là loài côn trùng có đời sống tổ chức xã hội rất tốt và khoa học. Trong các tổ ong có số lượng có thể lên đến vài chục ngàn con, các loài ong được phân công công việc rất rõ ràng, từ ong chúa cho tới ong đực, ong thợ, ong non… Tục ngữ Việt có câu: “Ong kiến còn có vua tôi”.

Tinh thần đoàn kết của loài ong đã đi vào nhiều tác phẩm thơ ca, trong đó phải kể đến bài thơ “Con cáo và tổ ong” của Bác Hồ, được công bố lần đầu với bút danh Nguyễn Ái Quốc trên báo Việt Nam độc lập, số 130 ra ngày 1 tháng 7 năm 1942:

Tổ ong lủng lẳng trên cành/ Trông đầy mật nhộng ngon lành lắm thay/ Cáo già nhè nhẹ lên cây/ Tưởng rằng lấy được ăn ngay cho giòn/ Ong thấy cáo muốn cướp con/ Kéo nhau xúm lại vây tròn Cáo ta/ Châm đầu, châm mắt Cáo già/ Cáo già đau quá phải sa xuống rồi/ Ong kia yêu giống yêu nòi/ Đồng tâm hiệp lực đuổi loài cáo đi/ Bây giờ ta thử so bì/ Ong còn đoàn kết huống chi là người/ Nhật, Tây áp bức giống nòi/ Ta nên đoàn kết để đòi tự do”.

Mượn câu chuyện bầy ong, bài thơ đã có một ý nghĩa cổ vũ chính trị to lớn để nhân dân Việt Nam tăng thêm tình đoàn kết và sức mạnh đấu tranh cách mạng, dẫn tới một mùa thu lịch sử giành chính quyền thành công rực rỡ, mở ra một trang sử mới cho dân tộc.

2. Đứng về mặt hoạt động, người ta đã ước tính rằng, để làm ra một lít mật ong, đàn ong đã phải trải qua một quãng đường dài 48.000 dặm để thu thập số mật hoa cần thiết mang về sản xuất mật. Sự lao động miệt mài, cần mẫn, phi thường này đã trở thành một tứ thơ hay cho bài thơ “Hành trình của bầy ong” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình SGK tiểu học (Tiếng Việt lớp 5) nhiều năm qua.

Hành trình ấy cũng giống như sự cống hiến và sáng tạo để làm nên một giá trị cho cuộc sống, làm nên cái đẹp cho cuộc đời: “Với đôi cánh đẫm nắng trời/ Bầy ong bay đến trọn đời tìm hoa/ Không gian là nẻo đường xa/ Thời gian vô tận mở ra sắc màu/ Tìm nơi thăm thẳm rừng sâu/ Bập bùng hoa chuối, trắng màu hoa ban/ Tìm nơi bờ biển sóng tràn/ Hàng cây chắn bão dịu dàng mùa hoa/ Tìm nơi quần đảo khơi xa/ Có loài hoa nở như là không tên…”. Và rồi cho đến những câu thơ cuối cùng khép lại tác phẩm, nhà thơ đi đến kết luận, cũng là nâng lên một tầm khái quát mới trong sự ngợi ca vẻ đẹp của bầy ong: “Bầy ong giữ hộ cho người/ Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày”.

Thành quả lao động của bầy ong còn được nhiều tác giả khác phản ánh trong thơ. Trong bài “Tiếng ru”, Tố Hữu đã để ong xuất hiện ngay từ câu đầu tiên của tác phẩm: “Con ong làm mật yêu hoa/ Con cá bơi yêu nước con chim ca yêu trời”. Thi sĩ Trúc Thông trong tập thơ đầu tiên “Chầm chậm tới mình” cũng dành một bài thơ để viết về chủ đề đàn ong với tên gọi “Theo người nuôi ong”. Bài thơ được ra đời trong những năm tháng chống Mỹ, là lời ngợi ca những vẻ đẹp cuộc sống, vẻ đẹp của lao động và cống hiến, điều ấy được thấy từ những sinh vật nhỏ bé như bầy ong cho tới con người: “Nắng dữ dội. Mùa hoa đang ứa mật/ Mùa phấn đang phồn thịnh nõn nà/ Mặt trời lăn nặng nề trên áo/ Nước lợ mùi mặn xót làn da/ Đàn ong ơi chúng mình ra biển/ Trắng một trời hoa vẹt nhói lòng ta…/Hỡi bầy ong cần mẫn rất thương/ Nhưng thương nhất vẫn người nuôi ong ấy/ Mùa hoa nở tiếp mùa tàn lụi/ Tim em kề sát bước đi hoa/ Đi lặng lẽ với đàn ong sôi động/ Thấp thoáng sau cây, thấp thoáng sau nhà…”.

3. Cũng vẫn trong những năm tháng chống Mỹ, ong còn được ca ngợi như những người chiến sĩ, cùng góp sức chiến đấu của mình vào cuộc kháng chiến của toàn dân: “Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng/ Đến em thơ cũng hóa những anh hùng/ Đến ong nhỏ cũng luyện thành dũng sĩ/ Và hoa trái cũng biến thành vũ khí” (Ê-mi-ly, con – Tố Hữu).

Nhà thơ Lưu Quang Vũ trong những năm tháng chống Mỹ cũng có những câu thơ thật trong trẻo về bầy ong, bầy ong trở thành một vẻ đẹp của mảnh vườn trong phố, cũng là vẻ đẹp của tình yêu với bao khát vọng tuổi trẻ: “Trong thành phố có một vườn cây mát/ Trong triệu người có em của ta/ Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật/ Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra” (Vườn trong phố).

Lưu Quang Vũ tiếp tục phát triển bầy ong trong một bài thơ tình khác, trở thành thi đề và hình tượng trung tâm của bài thơ. Bầy ong lúc này là một cuộc kiếm tìm với nhiều khát khao trong tình yêu đôi lứa, mang theo nó đủ những cung bậc, cả ngọt ngào lẫn cay đắng xa xót, cả tuyệt vọng và hy vọng, cả ấm áp và bơ vơ, nhưng cuối cùng vẫn là một niềm tin không thay đổi về hạnh phúc: “Trong cơn mơ là cuộc đời thức dậy/ Con ong vàng bé nhỏ đến tìm em/ Con ong xanh có đôi mắt đen/ Con ong trắng bơ vơ trong tổ vắng/ Con ong đỏ là con ong thơ thẩn/ Bay đi tìm hương nhụy mất từ lâu/ Đã chết rồi ơi chú ong nâu/ Để hoa rụng mùa thu thương nhớ bạn…/ Anh thương em đây, anh lại êm đềm/ Làm con ong vàng đến ngủ giữa tóc em/ Con ong xanh có đôi mắt đen/ Con ong trắng là con ong thương nhớ/ Con ong đỏ chính niềm tin ấp ủ/ Còn hạnh phúc cuối cùng là khúc hát chú ong nâu” (Bầy ong trong đêm sâu).

Sau năm 1975, ong còn đi vào ca khúc thiếu nhi với sự hồn nhiên, nhí nhảnh, tươi sáng, mang giá trị giáo dục cho các em về sự ngoan ngoãn, chăm chỉ: “Chị Ong nâu nâu nâu nâu/ Chị bay đi đâu đi đâu/ Bác Gà Trống mới gáy/ Ông Mặt Trời mới dậy/ Mà trên những cành hoa em đã thấy chị bay/ Bé ngoan của chị ơi/ Hôm nay trời nắng tươi/ Chị bay đi tìm nhụy/ Làm mật ong nuôi đời/ Chị vâng theo bố mẹ/ Chăm làm không nên lười/ Trời xanh xanh xanh xanh xanh/ Chị Ong bay nhanh bay nhanh/ Hoa nở những cánh thắm/ Đi tìm mật trĩu nặng/ Chị ong uốn mình qua nghiêng đôi cánh chào hoa” (Chị ong nâu và em bé – Nhạc và lời: Tân Huyền).

4. Con ong còn có một đời sống khác nữa trong thành ngữ tục ngữ người Việt. Những thân phận thấp cổ bé họng, chịu nhiều áp bức bóc lột được ví với “con ong cái kiến”. Chê những người còn ít tuổi mà hay chống đối người khác, ông cha ta có câu “ong non ngứa nọc”. Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã từng sử dụng câu thành ngữ này trong một bài thơ với dụng ý phê bình, chế giễu lũ học trò dốt lại còn thích thể hiện: “Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ/ Lại đây cho chị dạy làm thơ/ Ong non ngứa nọc châm hoa rữa/ Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa” (Mắng học trò dốt).

Thành ngữ tục ngữ Việt còn có các câu khác như “ong làm mật mà không được ăn”, chỉ những người lao động vất vả mà không được hưởng kết quả lao động của mình; hay như câu “ong qua bướm lại”, chỉ những gái lầu xanh trong xã hội cũ, hàng ngày phải tiếp khách làng chơi với nhiều tủi nhục bẽ bàng. Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng từng sử dụng thành ngữ này ở đoạn Kim Kiều đoàn viên: “Thiếp từ ngộ biến đến giờ/ Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa”. Con ong trong thành ngữ tục ngữ của người Việt đôi khi được dùng với một biểu trưng tiêu cực, chỉ việc giúp đỡ một kẻ sẽ phản bội mình: “Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà”.

Tóm lại, tuy là một loài sinh vật bé nhỏ nhưng con ong lại có nhiều ý nghĩa to lớn với cuộc sống của con người. Mật ong được sử dụng hàng ngày để chữa ho hoặc tác động tốt cho hệ tiêu hóa. Các sản phẩm khác của ong như sáp ong, phấn hoa, bánh ong, keo ong đều được sử dụng rộng rãi, nhằm phục vụ cuộc sống của con người trong các lĩnh vực như ẩm thực, mỹ phẩm, y tế. Gần đây nhất, nọc ong còn được sử dụng một cách hiệu quả trong việc chữa bệnh đau khớp (thấp khớp). Trong ngôn ngữ sinh hoạt và ngôn ngữ văn chương nghệ thuật, ong tham gia vào việc cấu tạo nhiều thành ngữ tục ngữ, nhiều hình tượng thi ca giàu giá trị thẩm mỹ và biểu cảm, tạo nên những rung động sâu sắc, khó quên trong lòng người đọc, người nghe. 

Đỗ Anh Vũ

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an bắt quả tang Đặng Thị Ngọc Hiền (SN 1983) có hành vi mua bán số đề cùng với 8 người khác đang đánh bài ăn thua bằng tiền tại nhà lồng chợ ở xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文