(Đọc tập truyện ngắn "Rừng xa" của Đặng Bá Canh, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2021)

Rừng xa, nỗi niềm gần

14:19 02/12/2021

Tập "Rừng xa" có mười ba truyện ngắn. Mỗi truyện là một "lát cắt" cuộc sống. Những lát cắt này đặt cạnh nhau tạo thành một bức tranh khá nhiều màu sắc về một vùng đất mới nghe cảm thấy thật sâu trong không gian, thật xa trong tưởng tượng, nhưng lại thật gần gũi trong cảm nhận, vùng bon*  làng Tây Nguyên "thì hiện tại tiếp diễn", với những thân phận, với những vui buồn của những con người cụ thể đang diễn ra bên cạnh chúng ta.

Ý tưởng nghệ thuật của tác phẩm hiện lên qua nỗi niềm, tâm tư của tác giả. Đặng Bá Canh nhẩn nha sống nhưng nặng lòng với những gì đang diễn ra chung quanh, cả những điều tốt đẹp lẫn những gì xấu xa. Anh lặng lẽ quan sát, rồi ghi nhớ, nắm bắt, lựa chọn những vấn đề đang đặt ra từ cuộc sống, nhào nặn chúng thành ý tưởng rồi làm "nóng" trang viết của mình từ những vấn đề thiết yếu này.

Nhà văn Đặng Bá Canh - Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Nông, Tổng biên tập Tạp chí Nâm Nung.

Ý thức nghệ thuật của trang viết hiện lên khi hân hoan khẳng định, ca ngợi những điều lương thiện tốt đẹp, hoặc khi thì nồng nhiệt phản bác những tiêu cực, nhức nhối. Thái độ công dân tích cực ấy cho thấy ngòi bút của Đặng Bá Canh chưa bao giờ nguội lạnh trước thế thái nhân tình nơi vùng đất anh sống.

Chẳng hạn, nạn phá rừng hầu như không thể ngăn ngừa trong đời sống chúng ta. Qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng từ nhiều năm qua, ai cũng biết rừng Tây Nguyên đang bị tàn phá, đang bị xẻ thịt, trục lợi bằng nhiều cách thức khác nhau. Bọn lâm tặc có khi được tiếp tay bởi kiểm lâm, hoặc các lực lượng được phân công quản lý rừng (truyện ngắn Rừng và thị trấn). Đã có nhiều biện pháp, từ các diễn đàn quốc gia nóng bỏng, đến các sự vụ hành chính ở cấp cao nhất đến cấp cơ sở, nhưng tệ nạn vẫn không được ngăn chặn. Bằng truyện ngắn Rừng xa, Đặng Bá Canh kiến nghị một biện pháp căn cơ, bằng cách để người dân tự nguyện tham gia bảo vệ rừng.

Già làng Điểu Bang ở bon làng Bu Nor (truyện ngắn Rừng xa) được chính quyền địa phương tin cậy, lập chốt gác, bảo vệ rừng đêm ngày đã góp phần ngăn chặn nạn phá rừng dai dẳng ở quê hương ông. Tận sâu xa trong tâm tư mình, già làng Điểu Bang biết rõ: "Rừng là cuộc sống, là mạch nguồn máu thịt của lão và bà con trong làng của lão" (tr. 8). Việc làm của già làng Điểu Bang tưởng đơn giản, nhưng thực chất đã ở trong chiều sâu căn cốt của đời sống, khêu gợi tình yêu rừng núi có tự ngàn đời, đã trở thành "văn hóa rừng" trong cộng đồng người dân vùng cao. Với họ, giữ rừng vừa là trách nhiệm, vừa là tự nguyện trong ý thức sống chết với rừng. Việc làm đúng đã kích thích tinh thần công dân tích cực trong mỗi cá nhân. Họ đã tự nguyện noi theo già làng vào rừng lập chốt ngăn chặn kẻ xấu. Bài học rút ra ở đây là, cần phải đặt quyền lợi của người dân trong quyền lợi quốc gia thì việc khó mấy cũng không phải không có cách giải quyết. Bởi vì dân là tai mắt của chính quyền, không có gì qua mắt được người dân, không có gì là không có cách giải quyết nếu được người dân ủng hộ…

Chỉ một truyện ngắn dung lượng không lớn, Đặng Bá Canh chuyển tải được một vấn đề không nhỏ đang nhức nhối trong cuộc sống hôm nay. Nhưng đáng chú ý là ngòi bút của Đặng Bá Canh không làm người đọc bị "thuyết giáo" bằng ngôn ngữ sách vở, lên gân, mà ngược lại bằng ngôn ngữ giản dị, khách quan. Bài học bảo vệ rừng ai cũng hiểu, thuyết giáo nữa chỉ thêm thừa. Bởi vậy, lựa chọn một cách nói giản dị bằng cách kể lại một câu chuyện thường ngày chính là việc làm có từ nếp ăn, nếp ở của đồng bào vùng rừng xa. Ý nghĩa giáo dục của truyện ẩn sau câu chữ.

Bìa tập truyện ngắn ''Rừng xa'' của nhà văn Đặng Bá Canh.

 Ở một góc độ khác, truyện ngắn Thanh âm suối ngàn tác giả gửi đi thông điệp khẩn thiết cần bảo vệ những di sản văn hóa quý giá của Tây Nguyên đang mỗi ngày một biến mất trong cuộc sống hiện tại. Chúng ta đã từng biết nạn "chảy máu cồng chiêng" nhức nhối ở Tây Nguyên. Ở truyện ngắn này, Đặng Bá Canh thông báo một thực trạng nhức nhối khác. Cây đàn đá Goong Lú và âm thanh kỳ diệu của nó bao đời nay gắn với tâm hồn, tình yêu đôi lứa bên suối ngàn Đak Kar, trầm tích văn hóa ngàn năm của bon làng đang bị thế lực của cái "ăn xổi ở thì" ô trọc trước mắt truy lùng thôn tính bằng mọi cách.

Ngòi bút của Đặng Bá Canh mềm mại như suối rừng ban mai chảy quanh bon làng Bu Bir, hợp với câu chuyện tình cảm động tác giả đang kể: "Tiếng Goong Lú (đàn đá) lại vang lên. Róc rách, âm ỉ, ào ạt, êm đềm như dòng suối Đak Kar đi qua bao mùa mưa nắng… Phương yêu đến say mê con suối Đak Kar hiền hòa và đau đáu cho những đổi thay nơi bon làng mình. Phương vẫn muốn giữ mãi cái thanh bình, yên ả, mặc kệ bao đổi thay đang ồn ã, phả hơi nóng vào cái bon làng nhỏ bé" (tr. 16, 17). Nhưng cái "thanh bình, yên ả" ấy đã bị đảo lộn bởi lối sống vì đồng tiền. Ý tưởng bảo vệ di sản văn hóa khẩn cấp như bảo vệ hạnh phúc lứa đôi làm thành một mạch ngầm song song như một lời nhắn gửi có từ đầu đến trang cuối. Thông điệp đó được giữ kín đáo cho đến khi kết thúc câu chuyện. Đó chính là sự hấp dẫn của truyện ngắn này.

Đa phần trong truyện ngắn của Đặng Bá Canh là mô típ nhân vật xa quê vào vùng đất mới mưu sinh. Nhiều người hòa nhập với vùng đất mới, cuộc sống mới, nhưng cũng không ít người vỡ mộng, rơi vào bi kịch. Đặng Bá Canh có ý thức để nhân vật của anh không rơi vào một chiều đơn giản. Bởi vậy, nhân vật trong truyện ngắn của anh có đời sống hiện thực khá phong phú, có đời sống nội tâm khá phức tạp.

Trong truyện ngắn Chuyện của Dó, người con gái lớn tên là Dó trong một gia đình dân tộc Mông từ vùng núi phía Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con, mẹ ốm nặng, Dó đành phải nghỉ học làm rẫy để nuôi cả gia đình. Tuy vậy, là người chịu khó lao động, Dó đã tìm được sự an vui trong sự hy sinh của mình. Trường hợp của Nhâm trong truyện ngắn Đano Farm rất khác với Dó. Nhâm vào Tây Nguyên, gắn bó với miền đất mới, vận động bà con trồng cà phê sạch, vừa sản xuất vừa làm du lịch tại chỗ, được bà con bon làng thương yêu, tín nhiệm. Nhâm đã hòa nhập với bon làng, tìm thấy hạnh phúc trong công việc.

Mụ Khùng trong truyện ngắn Rẫy hoang là nhân vật phức tạp, thú vị. Mụ sống tự do, mang nhiều điều tiếng về lối sống của mình. Tuy bề ngoài xấu xí, tính tình phức tạp, nhưng thâm tâm mụ bản tính thiện như là căn cốt của con người mụ. Mụ thương yêu con cái, thương yêu người đàn ông của mình hết lòng, vượt lên mọi thị phi. Lòng nhân ái của mụ Khùng như một ngọn lửa không bao giờ tắt, để lại dư vị ấm áp trong lòng người đọc.

Nhưng không phải ai cũng "xuôi chèo mát mái" như Nhâm trong truyện ngắn Đano Farm trên kia. Không thiếu những cảnh ngộ "ngậm ngùi" như Triết (truyện Ngậm ngùi), như người vợ mê đề đóm (truyện Gió rừng vẫn thổi) đã làm gia đình bao phen đến bên bờ vực. Rất may mắn cho họ, khi bên cạnh họ có những người thân luôn biết chia sẻ, biết độ lượng tha thứ, đã kéo họ về với cuộc sống lao động bình thường và họ đã tìm thấy sự bình yên trong cuộc sống.

Chỉ một ít truyện ngắn trong tập Rừng xa, Đặng Bá Canh hé mở cho người đọc khá nhiều thân phận khác nhau trong cuộc sống hôm nay. Tác giả kéo "rừng xa" đến gần chúng ta, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ trong nhận thức của người đọc, bởi nhiều câu chuyện, nhiều tâm trạng nhân vật, nhiều vấn đề nóng bỏng làm những ai đọc tới đều không thể bàng quan. Với lối kể chuyện tự nhiên, giản dị, tác giả buộc người đọc phải yêu ghét, phải xót thương hoặc phẫn nộ với từng con người, từng hoàn cảnh, từng "lát cắt" được lựa chọn từ các góc độ của cuộc sống chung quanh. Đó chính là "bản sắc" của ngòi bút Đặng Bá Canh. Như quan niệm của nhân vật tôi trong truyện Lão và tôi qua đoạn đối thoại mở đầu câu chuyện: "Lâu không thấy ông viết… Ông định viết cái gì?". "Thì về những thứ loanh quanh anh em mình". Chính những thứ "loanh quanh" là đề tài quen thuộc như một "bí mật" của Đặng Bá Canh.

Bí mật của câu chữ là điều không phải ai cũng biết, vì đôi khi chúng ta vẫn nhầm tưởng văn chương là địa hạt của cái không bình thường. Ví như đề tài phải "siêu khủng", nhân vật phải dị biệt, ngôn từ phải vang vọng, cảm xúc phải rưng rưng… Kỳ thực, văn chương lại rất cần sự giản dị. Nhưng giản dị không có nghĩa là sơ lược, dễ dãi, mà là tinh túy của quá trình sống, cảm nhận và sáng tạo, cũng như ngôn ngữ của nhà văn.

Người ta thường nói văn chương là đời sống, chính là vì vậy. Đây vốn là cách làm của những cây bút nổi tiếng như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, hoặc Lỗ Tấn, Tsekhov… Nhưng muốn văn chương chính là đời sống, thì nhà văn phải dấn thân với mục đích hiểu biết sâu sắc bản chất cuộc sống để khám phá và sáng tạo. Đây là điều tối cần thiết nhưng bản thân nó lại chứa đựng nghịch lý: sự hiểu biết cuộc sống là không có giới hạn. Chuyển tải cái không giới hạn này vào một truyện ngắn với dung lượng tối giản cũng là một thách thức đối với mỗi ngòi bút. Thách thức này cũng chính là thước đo tài năng. Bước đầu, Đặng Bá Canh đã có những nhận thức đúng về nghề viết. Những bước tiếp theo của anh hy vọng sẽ mang lại nhiều thành công hơn nữa.

Lê Thành Nghị

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文