Sức nóng truyền thông và độ nguội văn chương

09:32 15/06/2023

Phê bình văn học luôn cần sự cộng hưởng chặt chẽ giữa văn học và báo chí. Bởi lẽ, phê bình văn học trên báo chí thúc đẩy sự thưởng thức, sự đối thoại, sự tranh luận làm nên không khí sinh động đời sống văn chương và đời sống truyền thông. Vậy mà, đáng tiếc thay, vài năm trở lại đây, mảng phê bình văn học trên báo chí cứ nguội lạnh dần, cứ teo tóp dần. Có cả nguyên nhân chủ quan lẫn nguyên nhân khách quan, nhưng thực trạng ấy phải được nhìn nhận và suy ngẫm một cách nghiêm túc.

Nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam, hễ giai đoạn nào phê bình văn học phát triển mạnh mẽ trên báo chí thì giai đoạn ấy xuất hiện nhiều gương mặt tác giả nhất và cũng được công chúng quan tâm nhất. Ví dụ, thử bỏ đi thể loại phê bình văn học trên báo chí, chắc chắn văn học tiền chiến sẽ ít nhiều bị mờ nhạt. Chỉ trên 5 tờ báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Hà Nội Báo, Ích Hữu, Phụ Nữ Tân Văn và Ngày Nay, mà Giáo sư Thanh Lãng (1924-1978) đã thống kê khoảng 300 bài viết để tập hợp thành bộ sách "13 năm tranh luận văn học 1932-1945" dày hơn 1500 trang. Bây giờ, đọc lại "13 năm tranh luận văn học 1932-1945", độc giả hình dung được tương đối đầy đủ diện mạo văn học lúc ấy với những gương mặt lừng lẫy như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Quách Tấn, Băng Tâm, Khái Hưng, Nhất Linh, Xuân Diệu, Thạch Lam...

Tác phẩm văn học đích thực không sợ khen chê, mà chỉ sợ lãng quên. Do đó, phê bình văn học trên báo chí có ý nghĩa kết nối độc giả và tác giả, đồng thời giúp tác phẩm được tắm gội trong dư luận như một cuộc đem vàng thử lửa đầy thuyết phục. Khác với những cuốn sách phê bình văn học phần nhiều nghiêng về xu hướng gọt đẽo nghiêm ngắn và lan tỏa trong phạm vi hẹp, những bài phê bình văn học trên báo chí luôn có yếu tố tương tác mạnh mẽ. Những lời tán thưởng ngay lập tức hay những ý phản hồi ngay lập tức, không chỉ khiến các cây bút phê bình cảm thấy hưng phấn mà chính tác phẩm hay vấn đề được đề cập cũng có cơ hội soi rọi ở những chiều kích khác nhau.

Các tạp chí văn nghệ xuất bản trong giai đoạn kháng chiến tại Huế.

Tùy mỗi thời mà phê bình văn học trên báo chí sẽ có màu sắc riêng. Những ai yêu văn học Việt Nam vẫn chưa quên cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh giữa Hoài Thanh (1909-1982) và Hải Triều (1908-1954) vào cuối thập niên 30 thế kỷ XX. Những ai yêu văn học Việt Nam vẫn còn nhớ cuộc tranh luận văn học đổi mới xoay quanh truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và thơ Lê Đạt. Tuy nhiên, dù có gay gắt chừng nào hay dù có nóng bỏng bao nhiêu, thì có tiếng nói nhất định cũng tốt hơn sự im lặng đáng sợ. Phê bình văn học trên báo chí, dẫu đôi khi thiếu một chút bình tĩnh, vẫn góp phần khơi gợi tư duy thẩm mỹ tiếp nhận sáng tạo cho cộng đồng.

Sẽ là vọng tưởng, nếu khẳng định phê bình đi trước tác phẩm. Và sẽ là khiếm nhã, nếu khẳng định phê bình ăn theo tác phẩm. Phải xác định với nhau một sự thật lạc quan, phê bình đồng hành tác phẩm, phê bình chịu chung vinh nhục với tác phẩm. Mỗi bài phê bình văn học trên báo chí thường được độc giả ngắm nghía giống như một cái lọng che đầu cho tác giả và tác phẩm. Một cái lọng diêm dúa hay một cái lọng đơn sơ đều phải tương thích với đối tượng. Bài phê bình văn học mà tán tụng quá mức sẽ thành trò hề lố bịch cho cả người viết lẫn người đọc.

Phê bình văn học trên báo chí lắm lúc co lại thành những mục nho nhỏ mang tính chỉ ra chi tiết sai sót của tác phẩm hoặc tác giả, nhưng cũng lôi cuốn người đọc như một đặc sản. Tiêu biểu nhất là trường hợp chuyên mục "Dọn vườn" trên Báo Văn nghệ từ năm 1955 đến năm 2005. Đáng tiếc, chuyên mục "Dọn vườn" hiện tại không còn nữa, và độc giả có thể tìm thấy phẩm chất tương tự "Dọn vườn" ở chuyên mục "Quán mắc cỡ" trên Báo Tuổi trẻ cười. Vì sao báo chí mấy năm gần đây thiếu vắng cả những bài phê bình văn học tầm vóc lẫn những mẩu "Dọn vườn" khiêm tốn? Lỗi tại báo chí, lỗi tại nhà phê bình, hay lỗi tại ai?

Sòng phẳng mà nói với nhau, phê bình là công việc thêm thù bớt bạn, nếu người viết thực sự tuân thủ những giá trị sự thật và những giá trị nghệ thuật. Giới cầm bút nước ta vẫn mắc căn bệnh trầm kha là thích khen ngọt khen lạt hơn chê bùi chê đắng. Một tác phẩm được khen lung tung thì vẫn được tác giả hào hứng hơn bị chê đích đáng. Vì vậy, các nhà phê bình đâm ra ái ngại, lâu dần bỗng thành phản xạ khôn ngoan, trước bất kỳ tác phẩm nào cũng đưa ra những đánh giá vu vơ chung chung, miễn sao vui vẻ cả làng.

Để biện minh cho các nhà phê bình, cũng cần phân tích cơ chế truyền thông. Thứ nhất, không phải tờ báo nào cũng bấm bụng nhường những vị trí đẹp đẽ trên mặt báo cho những bài phê bình văn học. Vì vậy, những bài phê bình văn học rơi vào dạng sản phẩm hạng hai trên báo chí, có cũng được mà không có cũng không sao. Thứ hai, không phải tờ báo nào cũng đủ bản lĩnh để cầm trịch cho một cuộc tranh luận văn học. Tâm lý e sợ sẽ diễn ra những màn đôi co quyết liệt, khiến nhiều tờ báo chỉ ưu tiên đăng tải những bài phê bình vô thưởng vô phạt. Bạn đọc không thu hoạch được điều gì bổ ích từ dạng phê bình ấy, nên đành thở dài quay lưng. Thứ ba, nhuận bút dành cho các bài phê bình văn học trên báo chí, dường như cũng không đủ hấp dẫn để các nhà phê bình đầu tư một cách tử tế. Chất lượng các bài phê bình văn học trên báo chí cứ lớt phớt, cứ đưa đẩy, cứ xun xoe như món hàng trang trí không được ưa chuộng.

Trước đây, với báo in, nhiều người lấy cớ khuôn khổ trang báo có hạn, không thể in những bài phê bình văn học. Hôm nay, với biên độ vô biên của báo điện tử, những bài phê bình văn học vẫn cứ thưa thớt. Mảng phê bình văn học trên báo chí chỉ còn tồn tại những bài điểm sách với ngôn ngữ tiếp thị lấn lướt ngôn ngữ văn chương. Thậm chí, những công ty sách còn trả tiền quảng cáo để in bài điểm sách theo ý đồ thương mại của họ. Và kết cục tất yếu, độc giả rơi vào mê hồn trận các kiểu đánh bóng tác giả và lăng xê tác phẩm vô tội vạ. Hiện tượng lệch lạc trong văn hóa đọc ấy, có ai bận tâm không? Nếu thực sự tôn vinh những bài phê bình văn học trên báo chí, có lẽ đã xuất hiện những lời phản biện sốt ruột, như Thế Lữ (1907-1989) từng viết vào năm 1940: "Sau các tủ kính, loại văn chương rơm rác xếp cùng hàng với những tác phẩm khác, vàng thau lẫn lộn và đánh lừa được nhiều khách hàng. Đó là một lối buôn hời... Thì ra nghề xuất bản có thể là bước hiển đạt của những hiệu thuốc phong tình".

Những bài phê bình văn học trên báo chí có còn xứng đáng tồn tại trong kỷ nguyên truyền thông kỹ thuật số không? Rất cần, không chỉ những tờ báo chuyên ngành mà những tờ báo phổ thông cũng rất cần những bài phê bình văn học mạch lạc và thuyết phục. Phê bình văn học trên báo chí đem lại lợi ích cho cả văn học lẫn báo chí, trên con đường tiến về chân lý và lẽ phải. Thật xấu hổ, khi ở bối cảnh hội nhập văn minh mà công chúng chỉ có thể đọc những bài phê bình vuốt ve và mơn trớn. Hãy thiện chí mà học tập thái độ cầu thị của các bậc tiền bối làng văn làng báo trong việc đón nhận những bài phê bình văn học trên báo chí.

Chẳng hạn, Phan Khôi (1887-1959) đã bày tỏ quan niệm khi đối diện bài phê bình của Thiếu Sơn (1908 -1978) rất cởi mở vào năm 1931: "Ông Thiếu Sơn nhè tôi mà phê bình trước hết, chỗ đó có phải lý. Tôi - Phan Khôi - có đáng là người đem ra mà phê bình không, ấy lại riêng một vấn đề. Nhưng ông Thiếu Sơn bắt đầu từ tôi, có lẽ ông chỉ tin tôi là người chịu được cho kẻ khác phê bình, là đối tượng tiện cho ông dùng trước khi dùng, chớ ông không hỏi đến đáng cùng không đáng. Mà quả thật thế, tôi chịu được. Nếu trong cơ thể tôi có cái gì có thể thêm được sự tri thức cho khoa học thì tôi tình nguyện nằm yên trên bàn mổ xẻ cho ông bác sĩ chuyên khoa giải phẫu, làm gì đó thì làm".

Lê Thiếu Nhơn

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文