Thơ suy cảm và thơ duy lý
Xin quay lại một câu chuyện tưởng như rất cũ trong thơ, ấy là câu chuyện về hai yếu tố cơ bản làm nên chất liệu của thơ: cảm xúc và tư tưởng.
Sinh thời nhà thơ Xuân Diệu đã từng nói: “Quy luật của thơ là quy luật của cảm xúc. Cũng như đã là nước thì có thể đục, có thể trong, nhưng không thể khô”. Còn nhớ, có lần tôi đã thử gạn hỏi ông: “Thế còn tư tưởng thì sao ạ?”. Ông đáp ngay, lạnh lùng và mỉa mai: “Kinh nghiệm cho hay thời gian sẽ thanh toán nó trước tiên”. Tôi không dám tranh cãi với ông, nhưng trong bụng vẫn còn cấn cái. Thỉnh thoảng tôi lại tự làm một cuộc đối thoại với ông trong tưởng tượng, tôi lấy chính thơ ông để bắt bẻ ông, chẳng hạn: “...Yêu là chết ở trong lòng một ít…”, “. . . Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây. ..” thì là cảm xúc hay tư tưởng?. . . Ông còn có cả một bài thơ toàn mùi triết lý:
Đi thuyền
Thuyền qua mà nước cũng trôi
Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay
Tôi đi trên chiếc thuyền này
Dòng mơ tơ tưởng cũng thay khác rồi
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này.
Tự hỏi xong, rồi tôi lại tự bào chữa cho ông: Nhưng đấy đâu phải là những bài thơ hay nhất, giàu sức sống nhất của ông. Lại nhớ tiếp: Sau khi đáp lại một cách lạnh lùng và mỉa mai như trên, một lúc sau, không hiểu do thương tình, nể nang hay đã suy nghĩ lại, ông cười một nụ cười rộng mở, cặp mắt sáng lên sau mắt kính, nói thêm: “Tớ và cậu cộng lại chia đôi thì vừa”. Đúng là ông đã nói như thế, trong một cuộc họp gì đó ở số nhà 51 Trần Hưng Đạo và cũng chỉ một lần duy nhất mà thôi.
Xuân Diệu là nhà thơ tôi kính trọng và yêu mến bậc nhất, nên mỗi kỷ niệm về ông tôi đều nâng niu và mỗi lời nói của ông đều gợi ra cho tôi những suy nghĩ. Như chúng ta đều biết, Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới (lời Hoài Thanh), ông xuất thân Tây học, thông thạo và chịu ảnh hưởng thơ Pháp rất nhiều. Thế nhưng bên cạnh những dấu vết ảnh hưởng ấy, thơ ông vẫn rất đồng cảm gần gũi với người Việt Nam, cả về nội dung lẫn nghệ thuật diễn đạt.
Tôi dám quả quyết rằng trong cuộc đời sáng tạo của mình, đặc biệt là thời gian đầu, ở trong ông đã diễn ra một cuộc đấu tranh, có thể là rất âm thầm, giữa xu hướng thơ phương Tây và thơ phương Đông, giữa ảnh hưởng ngoại lai và sức sáng tạo độc lập của tài năng và hồn thơ vốn có. Cuộc đấu tranh đó không hẳn là bất phân thắng bại, nhưng cũng không hẳn là một bên ca khúc khải hoàn trọn vẹn và một bên kéo cờ trắng đầu hàng không điều kiện.
Có lẽ chính vì thế thơ Xuân Diệu phong phú, phức tạp khi mổ xẻ nội tâm, nhiều cung bậc, giọng điệu trong thể hiện - nếu đặt ông cạnh Nguyễn Bính chẳng hạn, ta sẽ thấy ngay điều đó. Tôi cũng nghĩ như nhiều người rằng thơ Nguyên Bính thấm đẫm tâm hồn, tính cách và lời ăn tiếng nói của con người nhà quê Việt Nam, nó sẽ còn sống lâu dài với các thế hệ, bởi vì trong mỗi con người Việt Nam đều có một người nhà quê, và chính trong quá trình đô thị hóa, văn minh hóa, như một phản xạ tất yếu, con người đó luôn khao khát trở về với cội nguồn, gốc gác của mình để tìm lại sự cân bằng cho tâm hồn.
Tuy nhiên, sự vận động của cuộc sống là hướng tới nền văn minh hiện đại mà cho đến nay châu Âu (nói rộng hơn là phương Tây) vẫn luôn đi đầu. Một trong những đặc điểm của nền văn minh hiện đại là sự giải phóng cá nhân đến cao độ, con người được sống trọn vẹn với riêng mình - đó là một quyền lợi tối thượng đáng ao ước, nhưng như vạn sự trên đời, nó liền mang theo mặt trái, cái phía âm bản của mình - ấy là con người rơi vào cô đơn bất tận khi phải đối diện với chính mình, luôn tuyệt vọng một cách say sưa nhấm nháp cái mùi vị đắng cay không phương cứu chữa có tên là “thân phận con người”, luôn cảm thấy những trạng huống mà thơ Xuân Diệu từng diễn tả rất tài tình: “Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề...” , “...Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ...”, v.v...
Có người có lẽ vì quen sống đơn giản và cực đoan nữa, đã cho rằng chỉ có Nguyễn Bính mới chung đúc tâm hồn người Việt Nam, còn một số nhà thơ khác trong đó có Xuân Diệu lại diễn đạt những cảm xúc vay mượn, ngoại lai, hoặc chỉ tồn tại trong một bộ phận nhỏ những người mà họ gọi là “tiểu tư sản”. Tôi e rằng như thế là vô tình họ đã quá tôn vinh cái gọi là tâm hồn “tiểu tư sản”, vì rõ ràng nó phong phú hơn, tinh vi hơn, phức tạp hơn, nghĩa là nó ở một mức độ phát triển cao hơn.
Thật ra, đó là vì những người ấy đã quá chủ quan, họ những tưởng đang hăng hái bênh vực những giá trị truyền thống, nhưng tôi đồ rằng họ đã đơn giản hóa, đã không hiểu hết những giá trị đó, lại càng không hiểu được rằng những giá trị đó đang vận động về phía trước, gấp gáp và mạnh mẽ hơn ta tưởng rất nhiều.
Không ai có thể cưỡng được quy luật. Bản thân tôi cũng là một người nhà quê chính hiệu: sinh ra và sống gần trọn vẹn tuổi niên thiếu ở nông thôn, ký ức đầy ắp những kỷ niệm thôn quê, nhưng sao những lúc buồn bã, cô đơn - nghĩa là những lúc cần đến thơ nhất - tôi đều trở về với Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử... và xa hơn nữa, là thơ Đường. Ở đó tôi tìm thấy hầu như tất cả những thanh âm đồng điệu, sự hiểu thấu và cảm thông, mà thực ra tôi cũng chẳng còn nhớ là đang lẩm nhẩm thơ ai, hay đấy chính là hồn mình đang tự tách ra để an ủi chính mình.
Nói như thế cũng là để trở lại với câu chuyện ở trên. Cuộc giằng co mà tôi tin là đã hơn một lần diễn ra trong Xuân Diệu và những nhà thơ cùng “típ” với ông. Kết quả của mối duyên nợ “từ đối đầu trở thành đối tác” ấy đã sinh hạ một sinh linh thật đẹp: Xuân Diệu đã tiếp thu cách nghĩ cách cảm, cách nhìn của phương Tây để bổ sung cho phương Đông, và ngược lại đã đem quy luật của cảm xúc vốn là bản chất và đặc thù của nền thơ phương Đông để thuần hóa đặc thù duy lý của thơ phương Tây, đặng cung cấp cho chúng ta những món ăn vừa lạ vừa quen, bổ dưỡng như một thứ Tây dược đã được tinh chế, nhưng vẫn không mất đi mùi vị thảo mộc của thuốc Nam.
Và như thế, con người ấy đã chuyển đến chúng ta một thông điệp đầy tin cậy về con đường đi cho những ai muốn cách tân thơ mình theo hướng hiện đại hóa: Hãy khám phá và diễn đạt thật chính xác, sâu sắc thế giới tâm hồn tinh vi của mình, thông qua việc chuyển tải những cảm xúc tràn đầy, bằng sức mạnh tổng hợp của ngôn từ: ngữ nghĩa và ngoài ngữ nghĩa - nhạc điệu, tiết tấu, sức lay động của âm thanh...
Nguyệt Cầm
(Thơ Xuân Diệu)
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần,
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm,
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.
Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh.
Lung linh bóng sáng bỗng rung mình,
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh.
Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời;
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận.
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…
Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề…
Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.
(Rút từ tập “Gửi hương cho gió”, 1945).