Tiếng sấm vọng mọi chân trời văn hóa!

14:20 09/09/2021

Hồi thứ 21 của “Tam quốc diễn nghĩa” có tên “Tào Tháo uống rượu luận anh hùng” được coi là một trong những chương đoạn đặc sắc nhất của một trong “tứ đại kỳ thư”. Lúc bấy giờ anh em Lưu Bị đang nương nhờ Tào Tháo - một kẻ đa nghi, quỷ quyệt nên phải ém mình chờ thời. Tháo biết nhưng muốn thử Lưu Bị “tầm cỡ” thế nào bèn làm một cuộc rượu để “luận anh hùng”.

Lưu Bị kể ra năm vị kiệt xuất có thể thay đổi thiên hạ là Viên Thuật, Viên Thiệu, Lưu Biểu, Tôn Sách, Lưu Chương. Tháo bày tỏ: “Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có tài bao trùm được cả vũ trụ, có khát vọng nuốt cả trời đất”. Nhìn thẳng vào mắt Bị, Tháo khẳng định: “Anh hùng trong thiên hạ ngày nay chỉ có sứ quân với Tháo này mà thôi!”.

Hoảng hốt vì bị nói đúng con người thật, Lưu Bị đánh rơi cả đũa. Đúng lúc ấy một tiếng sấm rền vang. Chớp lấy cơ hội, Lưu Bị nói như để “thanh minh”: “Gớm thật! Tiếng sét dữ quá”. Nghĩa là Lưu Bị đổ vấy cho việc đánh rơi đũa là do tiếng sét. Nếu không, ông ta cầm chắc cái chết vì Tháo đã nhìn thấu ruột gan. Câu nói “chữa thẹn” của Bị: “Đức Thánh ngày xưa gặp lúc sấm dữ gió to cũng đổi sắc mặt. Huống chi là tôi đây sao lại không sợ!” như “củng cố” thêm nhận định sai ở Tháo: Thì ra Bị cũng tầm thường thôi!

Dớt - vị thần của bầu trời và sấm sét trong thần thoại Hy Lạp.

Tiếng sấm ấy do “Trời” ban cho!

Nếu hiểu tiếng sấm như một biểu hiện cho sự “giật mình” của bất cứ ai thì cũng đã phần nào nắm được ý đồ nghệ thuật xây dựng nhân vật của La Quán Trung. Nhưng có lẽ cần hiểu rộng hơn để thấy vấn đề sâu xa hơn thế. Đó là trong văn hóa Trung Hoa cổ xưa, tiếng sấm đã mang tính biểu tượng cho nỗi sợ hãi. Huyền sử kể hai người sản sinh ra sức mạnh sấm chớp là Lôi Công (sấm) và Điện Mẫu (chớp).

Lôi Công học nhiều phép thuật rồi cùng Khương Tử Nha phò giúp Chu Vũ Vương đánh bại Trụ Vương. Vì có pháp thuật cao cường, tính khí lại nóng nảy nên ông ta trở thành nỗi sợ hãi của nhiều người. Có thể hình tượng này đi vào Kinh Dịch mà quẻ Chấn là sự tương ứng với sấm sét tức sự rung chuyển của vũ trụ đem đến sự lo âu. Thế nên câu chữa thẹn kia của Lưu Bị là rất hiểu văn hóa và rất khôn ngoan: Đức Thánh còn sợ huống gì tôi!!!

Trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản, Raijin là vị thần sấm chớp. Vốn là một quý tộc, là thi nhân cũng là một nhà chính trị, sau khi chết hóa thân thành vị thần sấm chớp ngụ nơi trời cao. Đầu Raijin có sừng trâu, mặt quỷ, quấn khố da hổ, đeo sau lưng là dàn trống Taiko, khi phát ra sấm chớp thì dàn trống ấy kêu. Vì lẽ này hiện tượng sấm chớp là điềm lành, biểu hiện của no đủ, của hòa bình và cảm hứng cho các nhà thơ, nhất là cảm hứng về âm thanh.

Truyền thuyết cổ Ấn Độ coi vị thần tối cao Indra là người “quản lý” sấm sét. Là con của thần trời và thần đất, nhờ được uống rượu thần soma mà cao lớn khác thường và có sức mạnh khủng khiếp, đến nỗi làm cho bố mẹ cũng sợ hãi mà bỏ chạy. Vì chạy theo hai hướng ngược nhau thành ra trời và đất mới cách xa như ngày nay. Thế là Indra tự nhiên “vùng vẫy” khoảng không gian giữa, tức bầu trời. Lý giải việc hình thành vũ trụ nhưng truyện cho thấy hai ý nghĩa đi kèm: Thiêng hóa và sợ hãi thần sấm!

Thần thoại Hy Lạp thì coi thần Dớt cũng là thần sấm sét, là thần của các vị thần, thần của bầu trời tối cao. Thần thoại La Mã gọi thần sấm sét là Thor. Thần này quan trọng và cần thiết đến mức người ta lấy tên một ngày trong tuần dành cho thần. Ngày nay, ngày thứ Năm (Thursday) có gốc Latin tức “Ngày của Thor”. Trong thần thoại các nước Bắc Âu thì Thor là vị thần của sấm, giông bão và sức mạnh, được xếp hàng đầu trong các thần. Thần Thor cũng nổi tiếng là rất hay nổi nóng, ăn cực khỏe. Thor cũng là thần của nông dân luôn cưỡi trên một cỗ xe được kéo bởi hai con dê đực. Vũ khí của Thor là cây búa sét Mjollnir, khi phóng ra sẽ tạo sấm sét.

Người da đỏ lấy tên Thunderbird đặt tên cho vị thần sấm sét. Cái tên này được thiêng hóa bằng cách khắc lên các cây cột tổ trong nghi thức cầu mưa. Theo truyền thuyết, Thunderbird là con chim khổng lồ cai quản bầu trời và tạo ra sấm sét bằng cách vỗ cánh thật mạnh (!).

Thần Sấm Indra trong truyền thuyết Ấn Độ.

Ở vùng sa mạc thì sấm sét rất kinh hoàng, dữ dội nên văn hóa Ai Cập coi sét là vị thần của sa mạc, bão tố và bạo lực. Thần này rất ác, giết chết anh trai (thần Osiris) để giành quyền cai trị Ai Cập…

Có một điểm mang tính mẫu số chung giữa các nền văn hóa (kể cả ác cảm cũng như thiện cảm) là thần sấm sét luôn mang tính biểu tượng hai mặt vừa khai tử vừa tái sinh, vừa sợ hãi vừa kính nể, vừa ghét, vừa yêu... Vì đơn giản là sét đánh gây tai họa, làm sợ hãi rồi mang mưa to gió lớn đến gây lụt lội nhưng đang hạn hán mà có tiếng sấm tức báo hiệu sắp mưa thì lại đem đến sự may mắn, niềm vui mừng.

Với văn hóa Việt thì trong biểu tượng tiếng sấm có một quan niệm khá hài hòa, uyển chuyển... Thần Sấm của ta vừa thiêng liêng, cao xa vừa gần gũi, đời thường. Trong hệ thống “tứ pháp” (Pháp Vân – Thần Mây; Pháp Vũ – Thần Mưa; Pháp Lôi – Thần Sấm; Pháp Điện – Thần Chớp) tuy là thần (thiêng) nhưng đều được thờ ở các chùa Bà dân giã (như Pháp Lôi thờ ở chùa Bà Tướng). Trong cổ tích, truyền thuyết, truyện Nôm... Thiên Lôi là biểu tượng của công lý. Thằng Lý Thông tàn ác nên bị Thiên Lôi cho một lưỡi tầm sét rồi hóa kiếp thành con bọ hung. Truyện Nôm “Phạm Công - Cúc Hoa” có kẻ bạc ác bất nhân là Tào Thị được cho về quê quán, cũng như Lý Thông bị Thiên Lôi đánh chết!

Nhưng Thần Sấm cũng bị “tầm thường hóa”. Chả là vì tính tình nóng nảy lại mải chơi nên nhiều khi Trời sai việc này lại làm việc khác, có khi đánh lầm cả người lương thiện. Thế nên có lần thần bị anh nông dân lừa bằng cách đổ chất nhờn lên mái nhà. Thiên Lôi ta hung hăng cầm búa xuống định “trừng phạt” nên bị trượt chân ngã, thế là bị anh nông dân nọ đánh cho một trận đau nên thân! Thì ra có là người trời, có vũ khí, có sức mạnh nhưng vẫn chịu thua anh nhà quê Việt mưu trí, dũng cảm...

Với quan niệm của nền văn minh nông nghiệp nên nhiều thần thoại của dân tộc Việt coi gà trống là tướng Nhà Trời có nhiệm vụ trừng phạt Thiên Lôi vì tội trái lời. Lần ấy Trời bắt Thiên Lôi chịu phạt phải nằm im ở một góc rừng để thỉnh thoảng gà đến mổ một cái thật đau. Đến khi thoát tội Thiên Lôi còn giật mình sợ hãi khi nghe thấy tiếng gà. Từ đó dân gian nuôi gà trống để dọa sét...!!!

Là người nông dân, ai cũng biết câu ca dao: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Lúa chiêm gieo vào tháng giêng, gặt vào khoảng tháng năm, tháng sáu âm lịch. Khoảng tháng 3 mùa mưa bắt đầu, có tiếng sấm, tức có mưa, lúa sẽ tốt nhanh. Thế là lúa thì “phất cờ”, còn người – tác giả dân gian thì “mở cờ” trong bụng, cảm ơn trời đất, cảm ơn sấm mưa!

“Truyện Kiều” có 4 lần tiếng sấm xuất hiện hầu như cùng nghĩa của dân gian. Mụ quản gia khuyên Kiều: “Kẻo khi sấm sét bất kỳ/ Con ong cái kiến kêu gì được oan” (câu 1757, 1758). Từ Hải nổi giận: “Từ công nghe nói thủy chung/ Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang” (câu 2296, 2297). Kiều biết ơn Từ Hải: “Trộm nhờ sấm sét ra tay/ Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi” (câu 2423, 2424). Từ Hải có uy vũ của sấm sét: “Thừa cơ trúc chẻ ngói tan/ Binh uy từ ấy sấm ran ra ngoài” (câu 2439, 2440). Chỉ nhìn từ góc độ chữ này cũng cho thấy Từ Hải là biểu tượng của sức mạnh, công lý!

Nhìn chung mã văn hóa tiếng sấm là biểu trưng cho uy lực, sức mạnh, sự thay đổi bất ngờ... Với tư cách một hình tượng nghệ thuật tiếng sấm vọng cả vào văn học hiện đại. Nhưng có lẽ sự ám ảnh bởi tư duy biểu tượng truyền thống mà nhiều khi bị hiểu thiên lệch, gán ghép đẩy ý nghĩa hình tượng đi quá xa. Ví như bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Thi phẩm là sự cảm nhận tinh tế về bước đi của thời gian trong sự thay đổi không gian cuối hạ đầu thu: “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se”. Sương thu mơ màng giăng mắc: “Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về”. Mây hờ hững vô tư: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Có tiếng sấm vừa đủ nghe: “Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi”. Đây chỉ là tiếng sấm tự nhiên nhưng rất nhiều sách (cả sách giáo viên) lại hiểu theo nghĩa biểu tượng chỉ “bão táp, giông gió cuộc đời” mà con người trải qua, thì phải chăng là suy diễn, áp đặt (?!).

Nguyễn Thanh Tú

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文