Uống rượu cần cùng người Tây Nguyên
Lần đầu tiên tôi được uống rượu cần cùng người Tây Nguyên là vào một buổi sáng của một ngày cuối tháng 5. Tây Nguyên đã chớm vào mùa mưa nhưng những cơn mưa chỉ thoáng qua bất chợt, mưa ào đến rất nhanh lúc sáng sớm rồi sau đó thì tạnh hẳn, trả lại bầu trời cao nguyên xanh lồng lộng.
Sáng hôm đó chúng tôi được các anh chị ở Phòng Văn hóa thông tin huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk dẫn tới thăm buôn Drai Đết, xã Dliê Yang. Đón tiếp đoàn chúng tôi tại ngôi nhà dài của người Ê Đê là một khung cảnh khá rộn ràng và đầy mến khách. Ngay trên sàn trước cửa nhà đã có những cô gái trẻ trung, xinh đẹp đang nhún nhảy điệu múa suang chào khách.
Bước vào hẳn trong nhà là không khí trầm vang của tiếng cồng chiêng do các nghệ nhân ngồi ở hàng ghế sát vách nhà thể hiện. Chợt nhớ lúc trước khi đến đây đoàn chúng tôi đã được ông Nguyễn Huy Dũng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ea H'Leo, nói rằng: "Nghe tiếng chiêng của người Ê Đê sẽ có cảm tưởng như những cô gái tuổi xuân thì, đầy sức sống".
Ở ngay giữa ngôi nhà dài đã đặt sẵn những ché rượu cần. Tôi hơi thắc mắc: "Sao bầy sẵn nhiều ché rượu cần to nhỏ như vậy?". Từng cặp đôi tiếp nhau bước đến ché rượu cần và nhẹ nhàng ngồi xuống. Những chiếc cần uống rượu giờ có cảm tưởng như những dòng nước ngọt ngào thơm phưng phức đang không ngừng tuôn chảy. Chỉ hơi tiếc là thời gian có hạn bởi cũng trong sáng hôm đó đoàn chúng tôi còn đi thăm mấy cơ sở nữa nên cuộc vui bên ché rượu cần mới chỉ gọi là thoáng qua.
Phải cho đến bữa đoàn chúng tôi đến Buôn Treng, một buôn của người Gia Rai ở xã Ea H'Leo thì chúng tôi mới có nhiều thời gian hơn. Chúng tôi đã đến Buôn Treng ngay từ buổi chiều và ở đó cho tới đêm mới chào bà con để trở về nơi đoàn nghỉ. Ở Buôn Treng chúng tôi cũng được chào đón bằng những nhịp chân nhún nhảy trong điệu múa suang do các cô gái Gia Rai trình diễn. Chúng tôi cũng được hòa vào tiếng cồng chiêng rộn vang rừng núi do các nghệ nhân trong buôn say sưa dùng dùi gỗ đánh lên. Và thích thú nhất là chúng tôi được thưởng thức những món ăn truyền thống do các bà, các chị Buôn Treng chuẩn bị. "Bàn tiệc" được chia làm hai khu vực phân cách bởi ché rượu cần to đùng đặt chính giữa nhà.
Nghệ nhân Y Chua, người mà tuần trước tôi đã được làm quen và hỏi chuyện khi ông đến buôn Kri dạy đánh cồng chiêng. Y Chua vốn ít nói, chỉ luôn nở nụ cười thân thiện, thì nay cầm micro trân trọng mời các vị khách và bà con cùng ngồi xuống dự bữa. Rất chân thành và giản dị bởi chủ nhà không hề có chuyện sắp xếp chỗ ngồi. Khách cũng như chủ đều tự giác ngồi xuống sau khi tự chọn cho mình một vị trí thích hợp. Cuộc vui diễn ra đầm ấm. Tôi liếc sang phía bên cánh đàn ông con trai đang ngồi. Không có tiếng đồng thanh hô "dô" như thường thấy ở các bữa tiệc hay bữa cỗ của người Kinh. Người Gia Rai ăn uống khá từ tốn và không ồn ào, những chén rượu chưng cất được đóng chai rồi được rót vào từng chiếc chén nhỏ và được đưa mời nhau nhưng chỉ mời bằng ánh mắt khích lệ.
Ché rượu cần đặt ngay chính giữa ngôi nhà dài, nhưng chỉ có ché rượu lớn nhất mới được cắm sẵn hai ống hút. Tôi thấy cũng như ở buôn Drai Đết, thứ tự nối nhau tính từ ché rượu cần lớn là những ché rượu cần nhỏ dần. Tôi nhẩm tính "chắc có tới 5 ché".
Tôi vừa "ăn cỗ" vừa kín đáo quan sát, thỉnh thoảng lại thấy một cặp đứng dậy bước tới chỗ đặt ché rượu cần. Dĩ nhiên mỗi lần đến uống rượu cần thì chỉ có hai người. Hai người này có thể là một chủ và một khách. Có thể là hai khách và cũng có thể là hai chủ. Họ đến ngồi đối diện nhau hoặc là quỳ gối để uống hoặc là ngồi hẳn xuống sàn cho thoải mái. Uống rượu cần là uống thong thả, uống chậm rãi và vừa uống vừa nhìn nhau khích lệ. Uống xong thì hai người lại trở về vị trí mâm của mình.
Tôi hỏi anh Huy Dũng: "Sao mỗi lần chỉ có hai người tới uống rượu cần thôi?". Anh Huy Dũng cho biết: "Người Tây Nguyên uống rượu cần là như thế. Từng cặp đôi hoặc ăn cùng mâm mời nhau đến uống hoặc là đã "nhấp nháy" nhau rủ nhau đến uống rượu cần. Người Tây Nguyên khi uống rượu cần bao giờ cũng tìm người mình ưng, chọn người để thành một cặp đôi uống rượu. Uống cặp đôi như thế mới thể hiện thân quý nhau thực sự. Chứ không uống kiểu cùng kéo đến cho đông".
Nghe anh Huy Dũng nói thế, tôi chợt nhớ đến mình cũng đã nhiều lần được uống rượu cần Tây Bắc. Ở Tây Bắc, người trong bản thường đặt chính giữa nhà một chum rượu cần lớn. Miệng chum được cắm rất nhiều ống hút. Mỗi lần uống có tới cả chục người cùng uống. Uống đông người nên khi ngậm ống hút thường phải đứng hoặc người ngồi người đứng mới đủ chỗ. Người Tây Bắc cho rằng uống càng đông người cùng lúc càng vui, càng đầm ấm.
Người Tây Nguyên lại khác. Không uống đông người cùng lúc. Chỉ có hai người gọi là thấy "ưng cái bụng" mời nhau cùng uống. Rượu trong ché lớn cạn dần thì sẽ được tiếp từ những ché rượu nhỏ. Tiếp đến khi nào không còn người uống nữa thì thôi. Cách thức này đảm bảo chất lượng rượu uống từ lần đầu cho tới lần cuối, uống từ giọt đầu cho tới giọt cuối thì rượu vẫn đều như nhau. Rượu ngon say cho đến hết vẫn ngon say.
Sau hồi "nấn ná" cuối cùng thì tôi cũng mạnh dạn bước tới ché rượu cần, thực ra lúc ấy nghệ nhân Y Chua đã nhìn tôi kiểu như anh muốn mời tôi để thành một cặp đến chung uống rượu cần. Nhìn ánh mắt của anh đầy mời mọc nên tôi vui vẻ đến bên. Y Chua chừng như hiểu tôi còn chút e dè nên anh ngậm đầu ống hút uống trước. Uống xong Y Chua một tay giữ ống hút, ngón tay cái của anh che kín đầu ống. Y Chua nhìn tôi khích lệ.
Tôi ngậm đầu ống hút uống một ngụm nhỏ rồi buông ống hút. Thấy vây Y Chua vừa cười vừa nhìn tôi kiểu nhìn như muốn nói rằng uống như thế là chưa thực lòng. Tôi lại ngậm đầu ống, lần này thì tôi hút thực sự bởi lần "uống thử" trước đó vài giây tôi đã nhận ra rượu cần của người Gia Rai có hương vị nồng nàn khác biệt bởi được tạo nên từ vị đắng, vị ngọt, vị cay của cây rừng, nhờ vậy khi "hút" một cần rượu, ta nghe đâu đây hương vị núi rừng tràn về ngây ngất.
Sau lần uống thật sự đó thì Y Chua nở nụ cười, anh còn giơ ngón tay cái lên ý bảo rằng "được". Sau đó Y Chua chỉ tay vào thanh tre nhỏ cỡ ngón tay đặt ngang miệng ché rượu. Tôi đưa mắt nhìn thì nhận ra đó giống như một thanh thước. Thanh thước tre trước khi tôi uống hơi nghiêng thì bây giờ đã cân bằng trở lại, chứng tỏ ông và tôi đã uống ngang nhau.
Tôi hỏi sau khi đã cùng Y Chua uống rượu cần: "Làm thế nào biết được thanh tre sẽ cân bằng?". Nghệ nhân Y Chua trả lời: "Đã cùng nhau đến ché rượu cần chung uống là tự giác, là thật thà. Có cùng uống như nhau mới vui". Đúng là người Gia Rai, người Ê Đê nói riêng, người Tây Nguyên nói chung, chân thành chứ chẳng giả dối với nhau. Đã vui là vui chung thế thôi.
Y Chua nói nghe vẻ đơn giản chứ tôi thầm nghĩ: "Hình như ché rượu cần này có hai ngăn cách biệt nhau. Có thế mới "xảy" ra tình huống thanh thước tre bị lệch nếu như có một người uống ít hoặc chưa uống? Hơn nữa chỉ có hai ống hút được cắm ở hai vị trí cách nhau và không cắm ở giữa ché". Và tôi đã nhận thức ra rằng: Uống rượu cần không chỉ là tập tục, là truyền thống của người Tây Nguyên mà cao hơn vì đó là: Nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, là phong cách, là lối sống, là cách ứng xử, là thể hiện sự tôn trọng nhau, là biểu hiện của tính công bằng, là nét đẹp riêng có của người Tây Nguyên.