Về miền biên viễn

07:12 28/07/2024

"Nơi ngỡ hấp dẫn tôi bằng ngọn núi Bà Đen/ Cô tu sĩ làm thơ chỉ đường cho Giải phóng/ Tòa thánh thất vàng son, thâm u và bí ẩn/ Hay rừng cao su trùng điệp tới chân trời…". Những câu thơ của nhà thơ Bằng Việt như vẫn còn quanh quẩn đâu đây trong tâm trí khi chúng tôi tìm về mảnh đất Tây Ninh trong những ngày tháng sáu.

Trời trong, nắng nhẹ. Thời tiết như đang chiều lòng người để cho cuộc "hành quân" của chúng tôi trên miền đất biên viễn này thêm nhiều ý nghĩa. Từ cửa khẩu Xa Mát đến rừng Chàng Riệc, lên núi Bà Đen, ghé Ma Thiên Lãnh, qua hồ Dầu Tiếng... đâu đâu cũng là những câu chuyện, những huyền tích, những trận đánh và cả những cuộc tiếp đón thân tình khiến chúng tôi - những người mới đặt chân đến đây lần đầu phải lắng lòng mình lại. Dường như ở Tây Ninh, đất và người đã hòa nhau thành một, gió bạt nắng nhiều đã trui rèn nên những con người nghĩa tình, bất khuất, trung kiên.

Trên chiến khu xưa

Chúng tôi đến Chàng Riệc khi trời đã đứng bóng nhưng những tán cây rừng che chở bên trên, để bước chân đi vẫn không hề mệt mỏi. Là gắm, vên vên, dầu nước, sao đen, sến mủ, giáng hương, bằng lăng, trai, gõ, căm xe... và đặc biệt lá trung quân mọc rải rác khắp rừng. Mái nhà lợp lá trung quân không bắt lửa, che mưa, che nắng, đã cùng chiến sĩ ta đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ. Tất cả, tạo nên khu rừng với biết bao tên gọi: "Rừng biên giới", "Rừng chiến khu", "Rừng anh hùng", "Chiến khu R"... Và cả miền rừng huyền ảo và uy nghiêm ấy bỗng phút chốc trở nên sôi động và ấm áp hơn nhờ sự xuất hiện của các cựu chiến binh từng chiến đấu ở nơi này. Mái đầu đã bạc trắng, đôi tay đã run run, đôi chân không còn vững nhưng ngọn lửa trong tim vẫn rực cháy rạng ngời.

img_20240612_174954_1.jpg -0
Cột mốc núi Bà Đen với sương mù bao phủ.

Chúng tôi theo chân các cựu chiến binh đi qua khu lưu niệm, nhà truyền thống, trưng bày... cho những dòng hồi ức từ họ cứ chầm chậm chảy sang qua từng câu chuyện kể. Như cô Năm Bào, một thành viên trong đoàn cựu chiến binh đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian 4 năm (1964 - 1968) ở nơi này. Cô bảo, thời gian mình ở nơi này còn ít ỏi, không thể so sánh với nhiều đồng đội khác, nhưng chừng đó cũng đủ để trải qua những cung bậc cảm xúc của đời người. Vui có, buồn có, khổ có và cả những lần quặn thắt trái tim khi nhìn thấy đồng đội ngã xuống. Giọng cô trầm lại, để trong tiếng gió, tiếng chim là tiếng súng xa mờ, là tiếng quân đi rầm rập và cả tiếng cười của tuổi xuân hiến mình cho đất nước.

Trong nhà trưng bày ở Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi được nhìn lại những kỷ vật của các đồng chí lãnh đạo và chiến sĩ của một thời khói lửa như: chiếc xe đạp, đôi dép của đồng chí Nguyễn Văn Linh; kính lúp, máy cát sét, đĩa nhựa của đồng chí Phạm Văn Đảng; thư của Hồ Chủ Tịch gửi luật sư Nguyễn Hữu Thọ; dao, mác, súng ngựa trời do các nông dân miền Đông và Tây Nam bộ tự chế;... Và đặc biệt là sa bàn về diễn biến chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City của quân Mỹ vào căn cứ Bắc Tây Ninh. Chúng tôi đi, nghe và thấy, cảm tưởng như mình cũng được trở về một thời chiến đấu sục sôi.

Rời khỏi Khu di tích, chúng tôi ghé cửa khẩu Chàng Riệc, một cửa khẩu chính trao đổi giao thương hàng hóa, bên kia là cửa khẩu Dar của nước bạn Campuchia. Với chiều dài đường biên giới lên tới 240km, không quá khi nói rằng Tây Ninh là một trong những tỉnh có nhiều cửa khẩu nhất cả nước với ba cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam; hai cửa khẩu chính là Kà Tum, Chàng Riệc và hơn mười cửa khẩu phụ khác. Đường biên giới dài, tình hình an ninh biên giới phức tạp đặt những người lính mang quân hàm xanh phải giữ tinh thần tập trung cao độ, kiên quyết đấu tranh trước các loại tội phạm. Có những đêm không ngủ, có những lần trèo đèo lội suối gian nan nhưng những người lính ở Đồn biên phòng Chàng Riệc vẫn giữ nụ cười trên môi, ân cần thăm hỏi. Chính điều đó khiến những người mới đến đây lần đầu như chúng tôi cũng cảm thấy thân quen.

Tháng sáu, cánh rừng trở nên xanh hơn nhờ những cơn mưa đầu mùa tưới tắm và cả màu xanh áo lính. Chúng tôi đứng đây, trong từng hơi thở dường như có quá khứ và hiện tại đan xen, nhen nhóm bên trong lòng biết ơn vô hạn. Biết ơn cánh rừng đã che chở cho quân và dân giữa bom rơi lửa đạn. Biết ơn dòng máu nóng đổ xuống đã hóa thành bất tử, thấm vào đất này cho cây cối thêm tươi. Biết ơn những người lính dẫu trong thời bình cũng ngày đêm canh giữ bình yên cho đất trời Tổ quốc.

Giữa vùng đất thánh

Gọi là "vùng đất thánh" bởi ở nơi này không chỉ có ngọn núi Bà Đen linh thiêng, mà còn là nơi khởi phát của đạo Cao Đài, một tôn giáo được hình thành trên cơ sở dung nạp giáo lý của nhiều tôn giáo lớn như Kitô giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Hồi giáo và cả Ấn Độ giáo. Đã nhắc tới đạo Cao Đài chắc chắn không thể bỏ qua Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh hay còn gọi là Thánh địa Cao Đài, tọa lạc tại phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành. Thánh địa Cao Đài nằm trên diện tích khoảng 1km2 được bao bọc xung quanh bởi hàng rào và 12 Cổng tam quan. Bên trong có Sân Đại Đồng xã, Bá Huê viên, Giáo Tông đường, Hộ Pháp đường, Khách Đình, Nhà thuyền Bát Nhã... và nổi bật nhất là Đền Thánh (Tòa Thánh Tây Ninh) - một công trình kiến trúc được xây dựng hoàn toàn bằng đôi tay và sức lực của con người mà không cần một bản vẽ hay một thứ máy móc nào hỗ trợ. 

Núi Bà Đen.

Chúng tôi đứng trên sân Đại Đồng xã để có thể chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của Đền Thánh trong ngày thứ hai ở lại Tây Ninh. Trước mặt chúng tôi, dưới ánh nắng ban mai, những loài hoa trong Bá Huê viên đang lung linh tỏa sắc. Xa xa, vài tín đồ Cao Đài trong trang phục áo dài trắng đang tiến vào Đền Thánh.

Những gót chân thiên di lại tiếp tục lên đường đến núi Bà Đen, giống như vài người bạn của tôi từng nói: "Đến Tây Ninh mà chưa ghé núi Bà Đen thì chưa gọi là đã đến Tây Ninh". Núi Bà Đen với chiều cao 986m, là ngọn núi cao nhất ở Nam bộ được mệnh danh là "Đệ nhất thiên sơn". Dẫu đây là lần đầu tiên nhiều người trong chúng tôi mới đặt chân đến nhưng những sự tích ly kỳ nhuốm màu huyền thoại xung quanh ngọn núi này thì đã được nghe nhiều. 

Đó là sự tích về ba lần báo mộng của bà Đen - nàng Lý Thị Thiên Hương, con của quan trấn nhậm Trảng Bàng Lý Thiện và bà Đặng Ngọc Phụng. Lần thứ nhất là báo mộng cho sư Trí Tân kể về cái chết của mình trong hình dạng một người phụ nữ đen đúa. Vì vậy nhà sư gọi là nàng Đen, người đời sau gọi là bà Đen để tỏ lòng tôn kính. Lần thứ hai là chúa Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, nghe đồn về sự linh thiêng của bà Đen đã khẩn cầu trợ giúp. Bà đã hiện về báo mộng, chỉ đường cho chúa Nguyễn Ánh thoát thân. Lần thứ ba là nhập xác hiển linh trò chuyện với Tả quân Lê Văn Duyệt, để rồi sau đó được ông thay mặt vua sắc phong "Linh Sơn Thánh Mẫu", tạc tượng để thờ ở núi Một (nay là núi Bà Đen).

Đó là Động Ba Cô, nằm ở khu vực Chùa Bà. Truyền thuyết kể rằng vào đầu thế kỉ 20, có ba người con gái đồng trinh từ miền Tây đến nơi này tu hành. Hằng ngày, họ xuống núi giúp dân nghèo chữa bệnh, rồi tối về gõ mõ tụng kinh. Sau khi qua đời, người dân lập miếu thờ ở nơi ba cô tu hành, tạo nên một nơi linh thiêng và đầy huyền bí. Với rất nhiều người dân trong vùng, lên Động Ba Cô cầu tình duyên và sức khỏe luôn cảm thấy linh nghiệm một cách lạ kỳ.

Nhưng ngọn núi Bà Đen đâu chỉ nổi danh nhờ độ cao hay những huyền tích, mà còn là những chiến tích anh hùng. Đó là trận chiến chiếm Căn cứ truyền tin của địch trên núi Bà Đen của Tiểu đoàn Trinh sát 47 diễn ra từ ngày 6/12/1974. Bất chấp sự ác liệt, thương vong, ta và địch quyết giằng co từng mỏm đá, tấc đất, gốc cây trên núi. Và sau 31 ngày đêm anh dũng chiến đấu, căn cứ truyền tin của địch bị san phẳng, ngọn núi Bà Đen được giải phóng cùng ngày với giải phóng Phước Long.

Trong làn sương mờ ảo trên đỉnh núi tựa như những ngọn khói đang bay về trời, chúng tôi cầu cho Tổ quốc, cho gia đình, không quên cầu cho 181 anh linh chiến sĩ Tiểu đoàn Trinh sát 47 còn nằm lại trên ngọn núi này. Chúng tôi tin, dẫu thời gian đã trôi qua 50 năm, rồi 100 năm hay nhiều hơn nữa thì thế hệ trẻ sẽ luôn ghi nhớ công ơn của những con người trung hiếu đã hy sinh thân mình cho đất nước bình yên.

Quốc Việt

Màn trình diễn của U23 Việt Nam trong trận đấu tối 22/7 chưa thể khiến người hâm mộ yên tâm. HLV Kim Sang Sik và các đồng sự còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn đi tới cái đích cuối cùng tại Giải vô địch U23 Đông Nam Á.

Cháu bé 10 tuổi sống sót trong vụ lật tàu ở Quảng Ninh đang được điều trị và hỗ trợ tâm lý ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Cùng với đó, nam sinh (18 tuổi, phường Đại Thanh, Hà Nội) có 4 người trong gia đình tử nạn đã được chuyển về bệnh viện gần nhà để tiếp tục điều trị. 

Hiện nay, vùng mây lớn từ phía bắc của hoàn lưu bão số 3 đang di chuyển thẳng vào khu vực Hà Nội Trong vài giờ tới, các quận nội thành được dự báo sẽ có mưa rào và dông mạnh, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lốc, sét và gió giật. Miền Bắc sẽ có mưa lớn đến cuối tuần.

Chiều 22/7, thông tin từ UBND phường Đồ Sơn (TP Hải Phòng) cho biết, dù bão số 3 đã đi qua, nhưng do ảnh hưởng của bão nên khu vực Đồ Sơn đang phải đối mặt với hiện tượng triều cường, nước biển dâng cao.

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2025), 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2025) và 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, ngày 22/7, Cục Công tác chính trị (Bộ Công an) đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Tây Ninh và các nhà hảo tâm tổ chức trao kinh phí hỗ trợ 480 triệu đồng xây dựng, sửa chữa “Mái ấm tình thương” cho 6 CBCS, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Sự việc đoàn kiểm tra liên ngành của UBND phường Vũng Tàu (TP Hồ Chí Minh) bất ngờ đến kiểm tra khu vực đang xây dựng, san lấp lấn biển tại khu du lịch Hồ Mây (do Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu làm chủ đầu tư) khiến dư luận rất quan tâm. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng và đã nhiều lần bị xử phạt, đình chỉ…

Tổ công tác Thủy đoàn 1, Cục CSGT phát hiện tàu cá mang số hiệu QNg 92614-TS bị gió lốc xô lật chìm trên sông Chanh nên đã nhanh chóng điều động tàu Grip cùng 8 CBCS khẩn trương tiếp cận hiện trường, kịp thời hỗ trợ đưa toàn bộ thuyền viên vào bờ an toàn, đồng thời tổ chức cứu vớt tài sản bị trôi dạt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.