50 năm vươn khơi bám biển

18:00 25/06/2015
50 năm dong thuyền ra khơi, sống chết cùng biển cả, điều đọng lại duy nhất trong trái tim lão ngư phủ Phạm Thế Hiển (ngụ phường 3, TP Vũng Tàu - Bà Rịa - Vũng Tàu) là tình yêu dành cho biển chưa bao giờ vơi cạn. Người lính biển không đeo quân hàm hơn nửa cuộc đời cầm vô lăng vượt sóng vươn khơi, bám giữ ngư trường trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Những người vác đá xây đảo

Ông đi biển từ năm 17 tuổi. 50 năm cầm lái mưu sinh trên khắp vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhà giàn DK1, ông Hiển không kể về những gian khổ của đời ngư phủ, mà kể về những ngày tháng ông cùng cán bộ, chiến sĩ trên tàu Mỹ Á vận chuyển vật liệu từ đất liền ra xây đảo Đá Lát, Trường Sa. Những lần vác đá xây đảo ngày ấy đã tiếp cho ông sức mạnh để tiếp tục bám biển và gắn bó với nghề.

Tháng 5 năm 1985, thực hiện phong trào: "Tất cả vì Trường Sa thân yêu", hàng vạn ngư dân, hàng nghìn ghe cá ở các tỉnh ven biển như Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa… xung phong đi Trường Sa cùng bộ đội hải quân xây đảo. Mặc dù đã có thâm niên 20 năm làm ngư phủ, nhưng để mua một con tàu riêng cho mình lúc đó quá khó đối với ông. Phải làm gì để cùng chiến sĩ Trường Sa xây đảo? Đối với vùng biển Trường Sa, ông chẳng lạ gì, nhưng xây đảo cùng các chiến sĩ thì chưa từng trải qua. Tiền đâu mà mua tàu, trong khi một vợ ba con, ăn còn chưa đủ? Ông đã nhiều đêm không ngủ được.

Ông Phạm Thế Hiển với chiếc máy I-Com - kỷ vậy một thời chiến chinh trên biển.

Ông đem ý định mua tàu gỗ tham gia phong trào đi Trường Sa xây đảo cùng bộ đội hải quân bàn với vợ. Vợ ông gạt đi: "Ông khùng hay sao mà mang tiền đổ ngoài biển". Ông Hiển phân trần: "Mình góp công sức cùng bộ đội xây đảo là bảo vệ Tổ quốc. Bây giờ Tổ quốc đang cần, mình không làm thì lúc nào làm được". Trước thái độ cương quyết của chồng, bà Võ Thị Phần đành gật đầu đồng ý. Con tàu gỗ ông Hiển mua hơn 30 triệu đồng, một số tiền quá lớn vào thời điểm đó.

Ông vận động họ hàng, bạn bè đóng góp được hơn 5 triệu, số còn lại bà Phần đi vay lãi và thế chấp căn nhà mà vợ chồng đã tích cóp hơn 20 năm từ nghề đi biển. Bà nhớ lại: "Lúc đó ông đi biển tôi lo lắm. Ba đứa con còn nhỏ quá. Tài sản thì đổ cả vào cái ghe, nhưng tính mạng con người là quan trọng. Lỡ ông không về thì mẹ con biết sống làm sao. Lo là vậy, nhưng cuối cùng ông cũng về. Có điều, về tay trắng thôi".

Ngày dong thuyền ra khơi, ông Hiển kiêu hãnh cầm vô lăng thẳng hướng Trường Sa, còn bà Phần mắt đỏ hoe tiễn chồng mong ông bình yên trở về. Sau 2 ngày đêm chồm lên, ngụp xuống trong sóng và ngược gió, ông Hiển và 6 thuyền viên đến đảo Đá Lát. Tàu của ông được giao nhiệm vụ chở đá, cát, xi măng từ tàu Mỹ Á vào đảo Đá Lát cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân xây dựng. Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, giữa sóng biển gầm gào suốt ngày đêm, ông và 6 thuyền viên vẫn hăng say lao động cùng với những người lính công binh.

Bà Phần luôn là hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm bám biển giữ ngư trường.

 Thủy triều lên, ông lái cho ghe chạy sát mép đảo, thủy triều xuống thì dừng lại cách đảo chừng 100 mét rồi chuyển vật liệu vào đảo bằng tay. Một ngày làm 12 giờ, ngâm mình trong nước biển. Trưa giải lao ăn cơm cũng đứng ăn dưới biển. Sau một ngày làm cật lực, nhìn nhau chỉ thấy con mắt và hàm răng. Ai cũng đen nhẻm vì nắng gió.

Những ngày chạy đua với thời gian, đảo Đá Lát mọc lên từ sóng nước. Nhìn ngôi nhà mang hình Tổ quốc sừng sững giữa biển trời, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân ôm nhau khóc vì sung sướng. Trong niềm hạnh phúc vô bờ ấy, có cả giọt nước mắt mặn mòi của ông Hiển và 6 người lính không đeo quân hàm.

Và cũng đúng đêm ấy, bỗng nhiên sóng gió nổi lên, sấm chớp ầm ầm, mưa trút dữ dội. Những con sóng lừng lững cuộn từ lòng biển dâng cao như ngọn núi rồi đổ ập xuống chiếc ghe nhỏ bé như lá tre giữa đêm đen. Ông Hiển cùng cán bộ, chiến sĩ đứng trên tàu Mỹ Á nhìn ghe bị sóng nhấn chìm mà đứt từng khúc ruột. Ông kể: "Lúc đó, bỗng dưng thấy tàu Mỹ Á "phật" một cái. Tôi chạy ra sau lái thì thấy ghe của mình đã bị sóng đánh đứt dây trôi ra xa.

Tôi hô lên: "Tàu tôi chìm rồi, ghe chìm rồi". Mọi người chạy ào về đầu mũi sóng trong tiếng thét gào của gió mưa. Chưa đầy 5 phút sau, chiếc ghe bị sóng biển nhấn chìm. Ông Hiển bật khóc. Các chiến sĩ trên tàu Mỹ Á vỗ vai động viên. Nhưng cũng chính từ vụ chìm ghe này, mà sau này ông Hiển quyết tâm sắm tàu lớn ra Trường Sa đánh bắt xa bờ.

"Tổng đài" canh biển

Ông Hiển vào trong buồng đem ra chiếc máy I-Com cũ bọc kỹ trong bao nilon. Tay ông mở, miệng ông phân trần: "Cái máy này tôi mua từ năm 1997, hơn 22 triệu đồng (tương đương hơn 4 cây vàng) chỉ để gọi tàu tránh bão. Nó đã gọi hàng ngàn lượt ghe, tàu, cứu nhiều thuyền viên từ biển trở về".

Để giúp những ghe, tàu nắm chắc thông tin thời tiết, chủ động vòng, vượt, trú, tránh an toàn mỗi lần bão tố, ông Hiển đã bỏ tiền mua chiếc máy I-Com sóng ngắn, rồi tự ông làm "tổng đài canh biển". Khi bão tố đến, "tổng đài" của ông trực canh 24/24 giờ hàng ngày.

Những bản tin báo bão được ông cập nhật, thông báo liên tục trên kênh quy định 16A và kêu gọi các ghe tàu khẩn cấp tránh bão. Đánh cá xa bờ, ngoài nghe thông tin từ máy I-Com thì không có loại thông tin nào bắt được sóng. Khi có bão tố, đài duyên hải Vũng Tàu chỉ phát bản tin 2 tiếng một lần, nhưng không phải tàu nào cũng nghe được.

Cặp tàu của ông Hiển vượt sóng ra khơi.

Tin ông Hiển lập "tổng đài canh biển" cứu hộ các ghe tàu gặp nạn trên biển được truyền đi tận Trung ương. Năm 2007, Cục Dân quân, Bộ Quốc phòng đã quyết định bổ nhiệm ông giữ chức Trung đội trưởng Trung đội Dân quân biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có nhiệm vụ thông báo tình hình trên biển. Chiếc máy I-Com cũ kỹ được ông dời từ "tổng đài tại gia" xuống gắn trên tàu, cùng với 20 ngư dân vượt sóng ra biển Hoàng Sa, Trường Sa. Họ vừa đánh cá, vừa  nắm tình hình.

Dẫn chúng tôi lên tầng lầu nơi đặt bàn thờ tổ tiên, chỉ tay vào một góc nhà, ông Hiển bảo: "Chỗ này trước đặt đài canh. Khi bão tố đến, tôi ngồi ở đây, bên cạnh là chiếc đài radio. Đặt đài canh sát nơi thờ tự cho yên tĩnh, lại không phiền đến giấc ngủ của vợ con. Mỗi lần phát bản tin, tôi lại thắp nén nhang cầu khấn cho ghe tàu nhanh chóng vào bờ tránh nạn".

Vẫn mãi là biển cả

45 năm làm vợ, bà Võ Thị Phần không nhớ hết bao đêm thức trắng chờ ngóng tin chồng từ biển mỗi lần bão tố, bao lần gạt nước mắt tiễn chồng đi đánh bắt xa bờ. Dẫu cuộc chia tay nào cũng hẹn ngày trở lại, nhưng biển xa sóng gió, giông bão bất thường, biết điều gì sẽ xảy ra giữa đại dương bao la.

Ngày ông Hiển dong thuyền ra khơi, cũng là ngày tim bà thảng thốt, lòng bà đau đáu chờ đợi ngày tàu ông cập bến an toàn. Thiên chức của người vợ ngư phủ nuôi 6 con ăn học nên người cũng không nặng nhọc, lo toan bằng mỗi lần bão giông ập đến, khi tàu chồng mải miết bám ngư trường.

Bà Phần chia sẻ: "Làm vợ thuyền trưởng mà chẳng khác nào vợ lính thời chiến trận. Ông ở biển nhiều hơn ở nhà. Ông đi miết tận biển Hoàng Sa. Lần tàu của ông chìm ở Trường Sa, tôi nghe tin chỉ biết ôm con khóc. Đành rằng chiếc ghe là tài sản lớn, nhưng khi biết nó dùng để chở vật liệu xây đảo Đá Lát, tôi thấy yên lòng hơn. Tôi hiểu được việc ông bám biển vừa mưu sinh, vừa để giữ ngư trường của mình". Bà Phần nhìn tấm ảnh vợ chồng chụp nhân kỷ niệm 33 năm ngày cưới, hãnh diện: "Gia đình có 7 người, 3 là đảng viên. 6 đứa con nhưng mỗi thằng út và con rể theo nghề cha nó. Nghề đi biển cực nhọc, nhưng cũng không ít niềm vui".

Đảo Đá Lát hiên ngang trước giông bão.

Trong khi 5 anh, chị chọn nghề công nhân, kỹ sư, thì người con trai út Phạm Minh Chánh quyết tâm theo nghề bố. Phần muốn hiểu nỗi cực nhọc của cha, phần muốn góp sức cùng những ngư dân khác giữ ngư trường truyền thống. Anh Chánh cho biết: "Nghề đi biển cực lắm. Mỗi lần ra khơi là bao rủi ro ở phía trước rình rập. Tôi nghĩ mình dân biển, phải bắt biển đẻ ra tiền". Thấy con trai nói chuyện "biển đẻ ra tiền", ông Hiển phân trần: "Cái nhà này tôi làm từ năm 1988. Tiền làm nhà cũng lấy từ biển. Nhìn vậy thôi, trong từng viên gạch, lớp hồ là máu, nước mắt cả đấy. Những ngày tháng còn lại của cuộc đời, nếu làm việc gì về biển, đảo, tôi luôn sẵn sàng, kể cả hiến tài sản, tính mạng. Tôi vận động con cháu sẵn sàng ra biển".

Ở tuổi 67, chuyện đi biển đối với ông Hiển gặp nhiều trở ngại về sức khỏe, nhưng tinh thần ông vẫn hăng hái như thời trai trẻ. 17 tuổi ra Trường Sa đánh bắt, điều ông Hiển trăn trở nhất là vận động được nhiều tàu trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tự nguyện vào "Tổ đoàn kết giúp nhau trên biển". Để mỗi lần "biển Đông dậy sóng", khi Tổ quốc cần, những đoàn tàu ấy lại vượt sóng ra Hoàng Sa, Trường Sa bảo vệ ngư trường và chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Ngọc Thiện - Mai Thắng

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文