Ấn Độ tẩy chay hàng Trung Quốc: Nói dễ, làm khó
Tại thủ đô New Delhi, một quan chức địa phương trên mạng xã hội Whatsapp "tuyên chiến" với những sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc.
Một viên tướng về hưu xem việc tẩy chay hàng Trung Quốc là hình thức cụ thể nhất để "tấn công vào cột sống" của nước láng giềng muốn xâm lấn lãnh thổ của Ấn Độ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc dùng đòn kinh tế để trả đũa Bắc Kinh sau xung đột ở biên giới Ấn - Trung là một việc không dễ với chính quyền New Delhi. Ngước lại Trung Quốc cũng tổn thất nếu mất thị trường Ấn Độ.
Trả đũa để giữ thể diện quốc gia?
Về mặt chính thức, hai tuần sau vụ đụng độ đẫm máu trên dãy Himalaya, New Delhi tìm nhiều cách để "trả đũa" Bắc Kinh. Biện pháp thứ nhất là ban hành lệnh cấm người dân Ấn Độ sử dụng 59 ứng dụng do các tập đoàn Trung Quốc cung cấp, trong lúc 65% điện thoại di động đang lưu hành tại quốc gia Nam Á này đều mang nhãn hiệu Trung Quốc. Chỉ riêng ứng dụng chia sẻ video như TikTok cũng của Trung Quốc đang thu hút đến 120 triệu thanh niên Ấn Độ và đây cũng là thị trường lớn nhất của TikTok ngoài Trung Quốc.
Người dân Ấn Độ đập, đốt điện thoại, tivi, các sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc trong cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh. Ảnh: The Straits Times. |
Theo Times of India, một cuộc khảo sát online trên trang LocalCircles tại Ấn Độ cho thấy có tới 87% trong số 32.000 người được hỏi tuyên bố sẽ không bán và không sử dụng hàng hóa "Made in China" trong vòng ít nhất một năm. Trước đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp Ấn Độ cũng đồng loạt kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Bộ Viễn thông Ấn Độ ra lệnh cho các hãng dịch vụ viễn thông nhà nước cũng như tư nhân ngừng mọi thỏa thuận với doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng bị cấm tham gia đấu thầu mọi dự án phát triển hạ tầng viễn thông Ấn Độ, bao gồm kế hoạch nâng cấp dịch vụ 4G.
Liên minh Thương nhân Ấn Độ (CAIT) - đại diện hơn 60 triệu thương nhân nước này - cho biết sẽ tẩy chay 450 thương hiệu bán hơn 3.000 sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Chủ tịch đảng Cộng hòa Ấn Độ Ramdas Athawale cũng kêu gọi người dân nước này nói "không" với đồ ăn và nhà hàng Trung Quốc.
Kế tới là việc tăng cường các hàng rào thuế quan nhắm vào 300 mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Chính quyền của Thủ tướng Modi cũng đã "mạnh mẽ khuyến khích" cơ quan Nhà nước "giảm mức độ lệ thuộc" vào hàng Trung Quốc. Cổng mua bán trên mạng Government E-market của Nhà nước yêu cầu các nhà cung cấp ghi rõ xuất xứ những mặt hàng bán ra ở địa chỉ này.
Gần như cùng lúc, New Delhi tăng tốc thắt chặt luật đầu tư nước ngoài mà chủ yếu là nhằm cản đường các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mở thêm địa bàn trên xứ sở của Bollywood. Cũng chính quyền của Thủ tướng Modi kêu gọi các tập đoàn viễn thông Ấn Độ "tránh" mua trang thiết bị của Huawei. Một phương tiện khác nữa cho phép Ấn Độ trả đũa nước láng giềng là kéo dài thủ tục hành chính ở hải quan mỗi khi hàng của Trung Quốc cập các cảng Ấn Độ trước khi được chuyển đi tiếp sang một quốc gia thứ ba.
Người dân Ấn Độ biểu tình phản đối Trung Quốc (ảnh: Indian Express). |
Kinh tế Ấn Độ sẽ thiệt hại nặng khi "trả đũa" Trung Quốc
Câu hỏi đặt ra liệu Ấn Độ có đủ sức dùng đòn kinh tế trả đũa Trung Quốc hay không khi mà kinh tế Ấn Độ phụ thuộc đáng kể vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ sau Mỹ. Thương mại với Trung Quốc chiếm hơn 10% tổng thương mại Ấn Độ.
Thực tế, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng từ 3 tỷ USD năm 2000 lên mức cao nhất mọi thời đại là 95 tỷ USD vào năm 2018. Cán cân thương mại nghiêng về phía Trung Quốc khi xuất khẩu của nước này gấp 4 lần nhập khẩu từ Ấn Độ. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc là mức thâm hụt lớn nhất trong tất cả đối tác kinh tế. Năm 2019, xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ trị giá 74,83 tỷ USD vào năm 2019, vượt xa lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ Ấn Độ: 17,98 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc sang Ấn Độ là điện thoại di động và thiết bị cầm tay, trong khi nước này nhập khẩu chủ yếu là sợi bông, quặng sắt và đồng. 14% hàng của Ấn Độ làm ra để bán cho Trung Quốc. Trong chiều ngược lại thì Ấn Độ chỉ chiếm có từ 1 đến 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.
Vì vậy, nếu Ấn Độ có tẩy chay hàng Trung Quốc, cỗ máy xuất khẩu Trung Quốc không hề hấn gì bởi thị trường Ấn Độ không chiếm một vị trí quá lớn trong số những khách hàng của Trung Quốc. Theo Times of India, thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy khoảng 15,3% hàng nhập khẩu vào Ấn Độ đến từ Trung Quốc. Chỉ 5,1% hàng xuất khẩu Ấn Độ đi đến Trung Quốc. Nếu Trung Quốc ngưng mua hàng của Ấn Độ thì các công ty Ấn Độ sẽ gặp khó.
Người biểu tình Ấn Độ cầm biểu ngữ tẩy chay hàng Trung Quốc tại New Delhi vào 12-6. Ảnh: AFP |
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ chỉ sau Mỹ. Ấn Độ và Trung Quốc là hai mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng của toàn cầu. Ấn Độ chủ yếu bán nguyên liệu cho Trung Quốc và mua vào những mặt hàng có giá trị gia tăng. Ví dụ như bán sắt cho Trung Quốc nhưng mua vào thép, mua vào đồ điện và máy móc, vi tính… mà Trung Quốc làm ra.
Những mặt hàng đó tối cần thiết cho đời sống hàng ngày của mỗi người dân Ấn Độ. Nhìn đến công nghệ cao, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu cho Ấn Độ. 80% trang thiết bị năng lượng mặt trời của Ấn Độ được mua từ Trung Quốc; 40% trang thiết bị điện tử của Ấn Độ được nhập từ Trung Quốc và ngành công nghiệp xe hơi Ấn Độ lệ thuộc đến 25% vào phụ tùng của Trung Quốc. Nói cách khác, cho dù là một ngành công nghiệp mũi nhọn, nhưng nếu không có Trung Quốc thì sẽ không có xe hơi Ấn Độ.
Do đó, giới chuyên gia nhận định Ấn Độ sẽ chịu nhiều tổn thất nếu "xóa sổ" hàng hóa Trung Quốc.
Không dễ "bỏ" nhau
Chỉ khoảng 10 ngày, Chính phủ Ấn Độ đã hai lần nới lỏng biện pháp trả đũa Bắc Kinh gây hấn ở biên giới Ấn-Trung. Hôm 30-6, chính quyền Ấn Độ đã nới lỏng các biện pháp cấm vận nhằm vào các sản phẩm cần thiết nhất trong ngành dược phẩm. Tuy rằng đây là một công nghệ xuất khẩu quan trọng của Ấn Độ nhưng các hãng dược phẩm Ấn Độ lại lệ thuộc đến 60% vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.
Cùng một ngày, New Delhi cũng đã rút lại biện pháp đòi trừng phạt các tập đoàn nước ngoài hiện diện tại Ấn Độ làm ăn với Trung Quốc. Các tên tuổi như Samsung, Honda hay Toyota bị đưa vào danh sách này nhưng trừng phạt các tập đoàn nói trên thì chính nền công nghiệp của Ấn Độ bị thiệt hại trước tiên.
Từ công nghệ cao cho đến dược phẩm và ngay cả những mặt hàng điện tử thông dụng nhất tới đầu tư nước ngoài, Ấn Độ đều cần Trung Quốc bởi đầu tư từ Trung Quốc vào Ấn Độ tăng đều đặn trong 20 năm qua. Báo cáo của fDimarkets cho thấy từ năm 2003-2020, khoảng 225 công ty Trung Quốc đổ tiền vào Ấn Độ. Ngành viễn thông Trung Quốc có sự hiện diện đáng kể tại Ấn Độ. Huawei và Xiaomi đang triển khai tới 13 dự án quy mô lớn tại Ấn Độ, ZTE và Vivo có 5 dự án.
Ngược lại Trung Quốc cũng cần Ấn Độ, bởi với hơn 1 tỷ dân, đất nước đông dân thứ hai thế giới này luônlà một thị trường đầy tiềm năng không thể bỏ qua của Trung Quốc.
Ấn Độ là một trong những thị trường tiêu dùng kỹ thuật số tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay, với ngày càng nhiều người lên mạng mỗi ngày. Xu hướng này khiến Ấn Độ trở thành thị trường béo bở cho các công ty công nghệ. Các hãng của Trung Quốc như Alibaba, Tencent và ByteDance (chủ sở hữu TikTok) thường xuyên cạnh tranh với Facebook, Amazon và Google để tiếp cận người dùng Ấn Độ.
Trong báo cáo của mình, Gateway House cho biết, Trung Quốc còn nhìn thấy một cơ hội khác ở Ấn Độ từ sớm, với sự chuyển đổi tiềm tàng sang xe điện. Trong khi Ấn Độ có các mục tiêu đầy tham vọng trong lĩnh vực này, Trung Quốc đã chi phối thị trường và chuỗi cung ứng, sản xuất nhiều bộ phận chủ chốt.
Một người cầm biểu ngữ tẩy chay các ứng dụng điện thoại di động của Trung Quốc hôm 30/6 ở New Delhi. Ảnh: CNBC |
"Trung Quốc hy vọng Ấn Độ sẽ ngừng nhắm mục tiêu vào xuất khẩu của Trung Quốc để đảm bảo mối quan hệ thương mại lành mạnh và ổn định", Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc - Gao Feng cho biết.
Trung Quốc chobiết sẽ không có bất kỳ sự trừng phạt kinh tế nào đối với Ấn Độ sau cuộc đụng độ biên giới giữa hai nước, đồng thời báo hiệu rằng nước này không có ý định tham gia vào một cuộc tranh chấp thương mại "ăn miếng trả miếng" với nước láng giềng Ấn Độ.
Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Gao Feng cho biết, Trung Quốc hy vọng Ấn Độ sẽ ngừng nhắm mục tiêu vào xuất khẩu của Trung Quốc để đảm bảo mối quan hệ thương mại lành mạnh và ổn định giữa hai quốc gia.
"Trung Quốc rất coi trọng việc tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực và hy vọng cả hai bên sẽ tiến về phía nhau. (Trung Quốc) hy vọng rằng phía Ấn Độ sẽ ngay lập tức sửa chữa các hành vi phân biệt đối xử đối với Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc", ông Gao nói.