Tranh cổ động Việt Nam - Một tiếng nói sắc sảo

07:30 16/02/2015
Mỹ thuật Việt Nam sẽ như thế nào nếu không có dòng tranh cổ động, nhất là loạt tranh được ra đời trong các cuộc cách mạng, cứu nước? Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, nếu vậy, hẳn mỹ thuật Việt sẽ thiếu tính đa dạng, mất đi một tiếng nói trực diện và sắc sảo không kém gì các lĩnh vực khác như kịch hay phim ảnh nếu không có dòng tranh cổ động, tuyên truyền.

Ra đời trong bão táp cách mạng

Trên thế giới, tranh cổ động đã có từ lâu, nhằm tuyên truyền cổ động, quảng cáo cho các hoạt động chính trị, văn hóa, thương mại… đặc biệt tranh cổ động được coi trọng, phát triển và đạt được thành công rực rỡ ở các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Ba Lan…

Còn ở Việt Nam, thật khó xác định đâu là bức tranh cổ động đầu tiên, tác giả của nó là ai, ra đời trong hoàn cảnh nào. Như nhiều người biết, ở nước ta, tranh cổ động gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc. Trong những năm 20 của thế kỷ XX, khi Việt Nam đang bị thực dân Pháp và phong kiến đô hộ, nhiều tổ chức cách mạng đã xuất bản báo chí - cơ quan ngôn luận riêng của mình và trên các tờ báo ấy, những bức tranh biếm họa, châm biếm, đả kích đã xuất hiện mang sứ mệnh phục vụ công nông, phục vụ cách mạng.

Một số tài liệu cho rằng tranh cổ động của Việt Nam xuất hiện từ những ngày tiền khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, cuộc cách mạng đã làm thức tỉnh ý thức chính trị cho toàn giới mỹ thuật Việt Nam. Những bức tranh cổ động đầu tiên ra đời trong bão táp cách mạng với sự có mặt của thế hệ họa sĩ yêu nước, tiêu biểu là Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị... cùng nhiều tác giả giàu tâm huyết với tự do, độc lập của Tổ quốc.

Tuy vậy, có một đặc điểm chung là đa số các tranh tuyên truyền cổ động đều khuyết danh tác giả. Một số họa sĩ thời kỳ đó từng kể, được phục vụ kháng chiến là niềm hạnh phúc của họ, được góp chút khả năng của mình vào kháng chiến là rất vẻ vang rồi. Các họa sĩ thường nghĩ công sức của mình rất nhỏ bé, nằm trong công sức của nhiều người. Chính vì thế vẽ xong họ thường không ký tên vào tranh. Cũng có một bộ phận tác giả không phải là họa sĩ chuyên nghiệp mà là những chiến sĩ, trong những hoàn cảnh đặc biệt cần đến sự cổ vũ, tuyên truyền, họ tạm rời cây súng để cầm bút vẽ, phục vụ các nhiệm vụ trong kháng chiến.

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Bước sang thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954, trong điều kiện thời chiến khó khăn, tranh cổ động dù chỉ được sáng tác bằng tay, với công cụ thô sơ, thậm chí trên nền giấy không mấy chất lượng, nhưng với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, lối biểu đạt rõ ràng mang đậm tính hình tượng và sự thừa hưởng của màu sắc truyền thống trong tranh dân gian, các họa sĩ đã đưa nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam lên tầm cao mới, sáng tạo nên những tác phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao, biến tranh cổ động thành công cụ truyền tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, truyền tải quyết tâm, ý chí và hành động của cả dân tộc, đồng thời tái tạo chân thực mọi mặt của đời sống xã hội đương thời, cổ vũ toàn dân, toàn quân vững tin vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc.

Có thể nói, đây là những bằng chứng sống động về một giai đoạn lịch sử bằng hình ảnh, bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình. Công chúng có thể thấy rõ bước chuyển mình về quan điểm nghệ thuật của lớp nghệ sĩ kháng chiến được thể hiện qua nội dung, đề tài thể hiện, phương pháp, kỹ thuật tạo hình và cách thức tiếp cận, chuyển tải tới công chúng, có nhiều nét đặc sắc riêng trong thể loại, trong kỹ thuật cũng như nội dung tư tưởng. Tuy được sáng tác nhằm mục đích tuyên truyền cách mạng, nhưng là một loại hình nghệ thuật nên tranh cổ động đã tìm và hình thành tiếng nói tự thân giàu khả năng biểu cảm thẩm mỹ, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của đông đảo công chúng.

Đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của đất nước, nghệ thuật tranh cổ động tự hào đã hoàn thành những nhiệm vụ trong những thời khắc cam go nhất. Nhiều ý kiến cho rằng thời điểm đó, cuộc chiến của người họa sĩ không diễn ra ngoài chiến tuyến mà diễn ra đằng sau giá vẽ.

Làm giàu kho tàng ngôn ngữ tạo hình Việt Nam

Tranh cổ động có mặt ở mọi nơi, không chỉ tác động đến nhiều mặt thuộc tình cảm con người, mà còn bổ sung cho kho tàng ngôn ngữ tạo hình Việt Nam nhiều dạng thức biểu đạt mới.

Có mặt ở triển lãm “Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 – 1954” do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức trong năm 2014 để dõi mắt xem từng bức tranh, thường có kích thước nhỏ, vẽ đen trắng hoặc tô màu đơn giản mới thấy sức sáng tạo không ngừng nghỉ của những “họa sĩ” thời đó. Ngoài các tiêu đề của tranh đa phần là khẩu hiệu, chú thích – một yếu tố gần như là đặc tính của tranh cổ động, nhiều tranh cổ động thời kỳ kháng chiến chống Pháp nối tiếp truyền thống của tranh dân gian thường có đề thơ. Những bài thơ, câu ca có âm hưởng ca dao giúp quần chúng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc và tuyên truyền cho người khác những điều mình đã được xem.

Ví dụ cổ động phong trào Mùa đông binh sĩ, năm 1946, Ty Thông tin và Phòng Thông tin huyện Đại Từ (Thái Nguyên) phát hành bức tranh cổ động in khắc gỗ trên giấy dó, trên đó có in 4 câu thơ: “Trấn thủ mẹ đã may xong/ Gửi con, con mặc, mùa đông tới rồi/ Con ơi! Mặc áo nhớ lời/ Giết cho hết giặc đời đời tự do!”.

Còn Ty Thông tin Lạng Sơn phát hành bức tranh cổ động in đá trên giấy dó, khổ ngang (34,5x24cm), với hai câu thơ: “Anh đi vận tải Bình Lương/ Em về tiếp tế dẫn đường quân ta”.

Nhân dịp Tết Kỷ Sửu, để tuyên truyền kháng chiến và cổ động nhân dân tham gia vào Hội Liên Việt và tặng quà bộ đội, có bộ tranh gồm 3 bức khác cũng rất thú vị, dù ít chi tiết, nhưng nổi bật những câu thơ: “Ngày Tết Kỷ Sửu năm nay/ Vào Hội Liên Việt thêm tay diệt thù”; hoặc: “Anh đi vì nước xa nhà/ Có chút quà Tết gọi là tặng anh”.

Cũng trong thời kỳ này, bộ tranh cổ động gồm 5 bức liên hoàn in đen trắng trên giấy dó (khổ 9,15x26cm) cũng in kèm những vần thơ thú vị. Mỗi bức in 4 câu thơ: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao/ Toàn dân nổi dậy ào ào/ Giặc nào chẳng khiếp, Tây nào chẳng ghê” (bức số 1). Ở bức số 4 thì có thơ đề: “Chị vào tiếp tế, tải lương/ Tôi đi du kích phá đường, bắn xe/ Mai sau thắng trận trở về/ Bên tôi có chị, câu thề lập công”. Còn bức số 5 thì: “Mây trôi gió cuốn ngang trời/ Còn non còn nước còn người đánh Tây/ Mé ơi! Vất vả bao ngày/ Mé say, mé giã gạo này nuôi quân”. Đó là những vần thơ để tuyên truyền cổ động nhân dân tích cực tham gia giết giặc, thanh niên vào bộ đội, du kích, phụ nữ tiếp tế tải lương, mẹ già giã gạo nuôi quân.

Theo ông Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia – nơi còn lưu giữ được một kho tranh cổ động phong phú, đa dạng bậc nhất trong số các bảo tàng ở nước ta thì trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, tranh cổ động là một loại hình mỹ thuật non trẻ, nhưng đã trưởng thành mau chóng, đáp ứng yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ cách mạng. Tranh cổ động là một trong những loại hình của mỹ thuật ứng dụng, mang tính khái quát cao với những yêu cầu phương châm kịp thời, dễ hiểu, lối biểu đạt rõ ràng và thuyết phục.

Cùng với báo chí và truyền đơn, tranh cổ động đã trở thành những vũ khí sắc bén, xung kích, có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và hành động của đông đảo quần chúng nhân dân, truyền đạt kịp thời các nhiệm vụ cách mạng và cổ vũ quần chúng hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời chính những nhiệm vụ cách mạng đã thúc đẩy tranh cổ động Việt Nam phát triển không ngừng.

Cũng theo ông Hà, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ một số lượng lớn tranh cổ động thuộc nhiều loại hình, gắn với các thời kỳ lịch sử cách mạng Việt Nam, trong đó số lượng tranh thuộc giai đoạn sơ khởi của nền mỹ thuật cách mạng (1946-1954) lên tới gần 200 bản (gồm cả những bản vẽ mẫu). Nội dung phản ánh khái quát toàn bộ diễn trình lịch sử Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. “Đây được coi như một cuốn sử sống động bằng hình ảnh, bằng ngôn ngữ nghệ thuật trong lịch sử cách mạng Việt Nam”, ông Hà nhấn mạnh.

Nguyễn Thanh Bình

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương đã có buổi khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trong CAND nhiệm kỳ 2025-2030 tại Đảng bộ Cục An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB).

Từ năm 2023 đến khi bị bắt, những kẻ phạm tội đã câu kết với nhau thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội để tạo lập, thu thập và mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trái phép của hàng nghìn người trên địa bàn huyện Thạch Thành, Thanh Hóa và các tỉnh thành trên cả nước, sau đó bán lại cho người khác, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

Ngày 5/1, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 1 đối tượng về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 6 bánh heroin và 12 nghìn viên ma túy tổng hợp.

Chiều 6/1, đoàn xe đón đội tuyển bóng đá Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, sau đó di chuyển qua nhiều tuyến phố, rất đông người hâm mộ đón chào thầy trò HLV Kim Sang Sik. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm an ninh trật tự và TTATGT cho lộ trình đón đoàn từ sân bay Nội Bài về Văn phòng Chính phủ.

Năm 2025, các ngân hàng và các chuyên gia kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ ổn định đi ngang do quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn; mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa.

Ngày 6/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Hòa (Phú Yên) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam 10 đối tượng trong một đường dây tội phạm. Các đối tượng không chỉ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mà còn tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá cược bóng đá, ghi số lô đề với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Đêm 5/1, sau khi trận bóng đá chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 với chiến thắng thuyết phục của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan và lên ngôi vô địch, hàng chục vạn người Hải Phòng đã xuống đường ăn mừng. Tuy nhiên có một bộ phận quá khích gây ảnh hưởng đến ANTT, TTATGT đã bị lượng Công an kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文