Các loại hình lao động robot độc đáo ở Nhật Bản

11:13 30/12/2019
Trong một tương lai không xa, nhiều robot có thể tương tác với khách hàng tại các khu mua sắm, phục vụ thức ăn tại nhà hàng hoặc lau sàn tại các văn phòng ở Nhật Bản trong bối cảnh lực lượng lao động nước này ngày càng già hoá nghiêm trọng.


Từ robot phục vụ

Những gợi ý về các loại hình robot phục vụ con người có thể được tìm thấy tại Triển lãm Robot quốc tế 2019, một triển lãm thương mại robot hai năm một lần diễn ra tại thủ đô Tokyo từ 18 đến 21 tháng 12. Với kỷ lục 637 công ty và tổ chức tham gia, triển lãm quy tụ rất nhiều loại hình robot khác nhau trong hầu khắp các lĩnh vực dịch vụ.

Chẳng hạn, công ty giải pháp xã hội Omron có trụ sở tại Tokyo trưng bày một robot có khả năng thực hiện ba nhiệm vụ: làm sạch, bảo mật và hướng dẫn. Masayuki Atsumi, phát ngôn viên của Công ty Omron Corp cho biết, các robot này có thể thay thế các nhân viên bảo vệ và người dọn dẹp. Robot này cao 87cm, được trang bị màn hình 21,5 inch, có thể đi bộ dọc theo các tuyến đường được lập trình sẵn và tránh va chạm với chướng ngại vật. Nó cũng có thể được vận hành bằng điều khiển từ xa.

Robot Pangolin của hãng Pangolin Robot Japan Co.

"Một số robot làm sạch được sản xuất bởi các công ty khác đã có mặt trên thị trường, nhưng chức năng của chúng có xu hướng bị giới hạn chỉ là làm sạch. Còn robot của Công ty Omron, dự kiến ra mắt vào tháng 5 năm sau, có lợi thế cạnh tranh vì có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ", Masayuki Atsumi nói:

"Chẳng hạn, nếu một trung tâm mua sắm chọn mua robot này, nó có thể lau sàn vào buổi sáng, đi lang thang với các quảng cáo trên màn hình và tương tác với người mua hàng vào ban ngày và làm nhân viên bảo vệ vào ban đêm". Omron cho biết nhu cầu về công nghệ robot trong lĩnh vực dịch vụ có thể sẽ tăng lên, vì vậy công ty đang tìm cách tăng cường nỗ lực của mình.

Các công ty khác tham gia triển lãm cũng đang tranh thủ giới thiệu robot của mình cho mục đích bảo mật hoặc hướng dẫn tại các trung tâm thương mại. "Các nhà hàng đang xem xét chuyển sang sử dụng robot trong bối cảnh thiếu lao động", đại diện của hãng Pangolin Robot Japan Co., một đơn vị của một công ty có trụ sở tại Trung Quốc cho biết.

"Các quán ăn đang ngày càng tìm cách chống lại sự thiếu nhân lực". Koichi Wakabayashi, một quan chức bán hàng tại công ty cho biết: "Trong khi đó, robot của chúng tôi làm việc trong nhà hàng có thể giao, nhận các đồ ăn. Pangolin chúng tôi được thành lập năm 2006 và đã sản xuất, vận hành khoảng 2.000 robot như vậy ở Trung Quốc. Chúng tôi gia nhập thị trường Nhật Bản vào năm 2017 và robot phục vụ đã được giới thiệu tại một số nhà hàng".

Cũng theo Koichi Wakabayashi, robot phục vụ của hãng có giá hợp lý và chức năng đơn giản. Chi phí trung bình hàng ngày là khoảng 1.000 Yên nếu một quán ăn sử dụng robot trong 5 năm. Hôm 6-12, hãng Softbank Robotics cũng vừa mới cho khai trương một quán cà phê mang tên Pepper Parlor ở quận Shibuya thuộc thủ đô Tokyo, trong đó sử dụng 3 loại robot trong việc chạy bàn, giải trí và dọn dẹp. Những robot phục vụ trong quán chỉ cao khoảng 1m20 nhưng có khả năng nói chuyện, nhận diện khuôn mặt và cảm xúc của người dùng…

Robot lễ tân và robot phục vụ trong chuỗi khách sạn Henn-na.

Đặc biệt, tại triển lãm, robot Taipa một lần nữa lại thu hút đông đảo người xem bởi loại robot này đang được nhà điều hành chuỗi khách sạn Henn-na sử dụng. Như ở khách sạn Henn-na Maihama Tokyo Bay, nằm gần Tokyo Disney Resort, các nhân viên ở đây phần lớn đều là robot chạy theo phần mềm android, bao gồm cả nhân viên ở quầy lễ tân đến nhân viên bảo vệ phòng. Phòng của khách sạn được mở khóa bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và bên trong mỗi phòng là một robot hoạt động như một trợ lý ảo…

Đến robot thông minh

Bên cạnh các robot cho lĩnh vực dịch vụ, Triển lãm Robot quốc tế còn trưng bày robot thông minh với những tính năng khó hơn. Nhiều công ty cũng đang trưng bày các công nghệ robot cho tự động hóa nhà máy và sử dụng công nghiệp.

Chẳng hạn, MusashiAI - một liên doanh giữa Israel và Nhật Bản đang cung cấp robot cho thuê bởi các ngành công nghiệp sản xuất, tạo ra cơ quan việc làm đầu tiên trên thế giới cho robot. MusashiAI được thành lập bởi Israel, Six Six Ltd., công ty của doanh nhân công nghệ Israel Ran Poliakine, nhà sản xuất giải pháp sạc không dây Powermat, và Musashi Seimitsu, một công ty liên kết của Tập đoàn Honda Motor khổng lồ tại Nhật Bản.

Robot tuần tra an ninh ở sân bay và nhà ga.

Liên doanh đã được thành lập vào đầu năm 2019 để phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo, tạo cơ sở cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chứng kiến quá trình tự động hóa và số hóa quy trình sản xuất.

MusashiAI hiện đã đưa ra những gì người ta nói là robot tự động hoàn toàn, một chiếc xe nâng robot và robot kiểm tra trực quan - để tích hợp liền mạch với các công việc của con người trong môi trường nhà máy công nghiệp 4.0. Những robot tiên tiến này sẽ có thể thực hiện một số công việc vất vả và lặp đi lặp lại được thực hiện bởi con người tại nơi làm việc công nghiệp, liên doanh cho biết trong một tuyên bố.

Musashi Seimitsu, một nhà sản xuất phụ tùng ôtô toàn cầu, hiện đang thử nghiệm hai robot trong 35 nhà máy sản xuất trên toàn thế giới, bản báo cáo ghi rõ. Đồng thời, liên doanh này cũng đang thiết lập một mô hình kinh doanh mới cho phép các công ty công nghiệp khai thác công nghệ thông qua một cơ quan tuyển dụng robot, thay vì đầu tư một số tiền đáng kể để mua robot.

Sáng kiến sẽ được triển khai đầu tiên tại Nhật Bản và sau đó vào năm 2020 đến các nơi khác bao gồm Đài Loan, Đức, Thụy Điển, Anh, Mỹ và Israel. Đại diện của MusashiAI cho biết, việc triển khai này sẽ cho phép các công ty thuê lao động robot theo giờ hoặc trả mức lương hoàn thành nhiệm vụ.

Nhật Bản vừa cho ra mắt robot cứu hộ Kaleido.

Kết quả các cuộc kiểm tra trước khi đưa robot này vào hoạt động cho thấy, nếu các robot thông thường mất hơn 20 giây cho mỗi thành phần để đạt được độ chính xác 70% thì các robot dựa trên AI của MusashiAI, hoạt động với hiệu quả tương tự như con người, chỉ trong chưa đầy 2 giây với độ chính xác trên 98%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển chóng mặt của công nghệ sẽ giúp các robot ngày càng được hoàn thiện và điều đó cũng có nghĩa người lao động rất dễ bị thất nghiệp nếu không nhanh chóng hoàn thiện các kỹ năng làm việc cho bản thân.

Nghiên cứu mới nhất của McKinsey & Company công bố hồi cuối tháng 11 cho thấy, đến năm 2030, có thể có đến 800 triệu nhân công trên toàn thế giới bị thay thế bởi robot. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, những lao động tay nghề thấp sẽ có nguy cơ bị mất việc làm gấp hai lần so với lao động tay nghề cao bởi hiện tại, chi phí sử dụng robot cũng đã rẻ hơn nhiều so với sử dụng con người.

Và robot an ninh, cứu hộ

Kể cả trong những lĩnh vực như an ninh, tình báo, quân sự, robot cũng đang dần có vị thế. Hãng tin The Japan Times đưa tin, nhiều công ty của Nhật Bản đang nghiên cứu sản xuất loại robot an ninh giống như robot tuần tra an ninh OB1FORC3 và K3NOBI mà Singapore mới thử nghiệm hồi giữa tháng 12. Khi đó, nhiều khách đi tàu điện ngầm ở ga Ang Mo Kio (Singapore) đã rất ngạc nhiên với hai chú robot an ninh mới.

Chúng do công ty chuyên cung cấp thiết bị an ninh Oneberry Technologies phát triển, được trang bị camera giám sát thông minh, bộ phận cảm biến cũng như khả năng phân tích video có độ phân giải cao và làm nhiệm vụ giám sát và phát hiện người hoặc vật có dấu hiệu khả nghi ra vào ga tàu. Hiện Nhật Bản cũng đang thử nghiệm loại robot tuần tra an ninh tại sân bay quốc tế Narita thuộc tỉnh Chiba, giáp thủ đô Tokyo từ hồi tháng 6. 

4 robot tuần tra có thiết kế với chiều cao 1,2m, được trang bị một loạt công nghệ đảm bảo an ninh như camera với góc quay 360 độ, thiết bị cảm biến nhiệt, máy dò kim loại. Mỗi cặp robot sẽ làm nhiệm vụ tuần tra an ninh tại cảng hàng không số 1 và số 2 của sân bay. Trước đó, Nhật Bản cũng đã thử nghiệm 7 robot tại sân bay Haneda. Các robot này giúp hành khách từ mang hành lý cho đến phiên dịch, cũng như hướng dẫn du khách…

Mới đây nhất, vào ngày 24-12, Công ty Kawasaki của Nhật Bản còn cho ra mắt robot hình người có tên là Kaleido được thiết kế để hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn tại các khu vực thảm họa. Robot hình người Kaleido cao 1m84 và nặng 85kg, có khả năng nâng người và các vật nặng bằng cánh tay của mình vào những thời điểm khẩn cấp.

Còn Công ty Alsok thì cho ra mắt một robot được phát triển để phục vụ như một nhân viên bảo vệ tại các nhà ga nhằm tăng cường an toàn trong thời gian diễn ra Thế vận hội và Paralympic Tokyo năm 2020. Được trang bị một camera an ninh được cung cấp bởi trí thông minh nhân tạo, robot có thể phát hiện và báo cáo những người hoặc vật thể khả nghi tại các trạm và dự kiến sẽ giúp giảm gánh nặng cho nhân viên.

Robot này còn có thể tránh chướng ngại vật và di chuyển trên mặt đường không bằng phẳng trong khi tuần tra; gửi thông báo đến điện thoại thông minh của nhân viên an ninh nếu phát hiện ra các vật thể không được giám sát trong một thời gian dài…

Nó được đặt tên là Per Perususbot, theo tên anh hùng thần thoại Hy Lạp Perseus và cao 167,5cm; rộng 61cm; dài 90,5cm. Một quan chức Nhật Bản cho hay, năm 2020, dự kiến lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản sẽ gia tăng đột biến nên robot an ninh sẽ có ích rất nhiều khi cùng hỗ trợ 21.000 cảnh sát, 14.000 nhân viên an ninh được thuê bởi các công ty tư nhân bảo vệ an ninh, an toàn cho sự kiện thể thao lớn nhất toàn cầu.

Châu Anh (tổng hợp)

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文