Cặp vợ chồng già "vác tù và hàng tổng" ở làng phong

21:15 22/03/2019
Chồng đảm nhận chức "xóm trưởng" không lương, không phụ cấp chức vụ, còn vợ là người có công thành lập Chi hội Phụ nữ thôn. Hàng chục năm qua, 2 vợ chồng đã miệt mài cống hiến, nỗ lực kéo hàng trăm con người ở làng phong Quỳnh Lập từ chỗ bị xa lánh, hắt hủi và kỳ thị hòa nhập với xã hội.


Kỳ tích làng phong Quỳnh Lập

Thôn Đồng Mỹ là tên mà người dân sinh sống ở làng phong Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) tự nghĩ ra, được ghi vào trong từng cuốn sổ hộ khẩu của 105 hộ dân sinh sống tại đây. Về mặt quản lý nhà nước, nói như ông Nguyễn Văn Nho - Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho hay, toàn xã chỉ có 13 thôn, trong bản đồ quản lý hành chính hoàn toàn không có thôn Đồng Mỹ. Dù vậy, địa danh "thôn Đồng Mỹ" từ hàng chục năm nay, đã được hơn 300 con người sinh sống ở vùng đất này, mặc nhiên mặc định đó là tên gọi làng của mình.

Đồng Mỹ là địa danh không chỉ người dân ở vùng bãi ngang, mà đối với bất kỳ thế hệ 6X, 7X nào cũng đều có thể gợi lại một ký ức buồn. Khi đó là khởi đầu sự gặp gỡ của những phận người thiếu may mắn bởi căn bệnh phong. Đây là một vùng biệt lập, trước mặt là biển, lưng dựa vào núi. Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi căn bệnh này đang bị kỳ thị, hắt hủi thì Đồng Mỹ được chọn để làm địa điểm xây dựng bệnh viện điều trị căn bệnh phong.

Vợ chồng ông Định, bà Hợp gần 40 năm "vác tù và hàng tổng".

Những người chẳng may mắc căn bệnh này từ miền Bắc và miền Trung, lầm lũi đến để chữa bệnh, hay nói đúng hơn là để cách ly với gia đình và xã hội. Trong cơn bĩ cực phận người, họ tìm đến với nhau, hàng trăm gia đình cũng đã được xây dựng, nên duyên phận bởi những bệnh nhân phong.

Cứ như vậy, làng phong Quỳnh Lập ra đời. Dĩ nhiên, định kiến xã hội lúc bấy giờ, chẳng ai thừa nhận đó là một làng, lại càng không được chính quyền địa phương coi đây là một phần địa giới hành chính về mặt quản lý nhà nước. Vậy nên, những bệnh nhân phong, dưới sự tổ chức của Ban giám đốc bệnh viện, họ cứ thế lầm lũi sống, bao bọc lẫn nhau để bước qua sự ghẻ lạnh của xã hội.

Với những người đã tự nguyện đến với làng phong, tự nhận mình là "bạn của bệnh nhân phong" như bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quỳnh Lập, hay như Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn - "cha đẻ" của trường học đầu tiên ở làng phong Quỳnh Lập mang tên Lê Văn Tám… thì đây là những người tiên phong trong cuộc chiến nhằm xóa đi kỳ thị của xã hội đối với bệnh nhân phong.

Sự nỗ lực đó, cộng với nội lực của từng con người ở thôn Đồng Mỹ, làng phong Quỳnh Lập đã từng bước được xã hội đón nhận, giúp đỡ, chính quyền địa phương quan tâm. Bằng chứng là trong vài năm trở lại đây, xã Quỳnh Lập đã đưa các hoạt động như mừng thọ đầu xuân, các hội thi các cấp về Đồng Mỹ để hòa nhập.

Sổ hộ khẩu gia đình ghi "xóm Đồng Mỹ" nhưng trên thực tế không được công nhận.

Từ ngày mở ra KCN Đông Hồi, tuyến đường ra Đồng Mỹ cũng được mở rộng, không còn hoang vu, biệt lập như trước đây, đỉnh dốc Ông Cò cũng không còn là nỗi ám ảnh, sợ hãi của nhiều người khi đứng tại đây để hướng mắt toàn cảnh về làng phong.

"Vác tù và hàng tổng"

Ông Nguyễn Văn Định - Khối trưởng khối cộng đồng dân cư Đồng Mỹ - là một con người khá đặc biệt. Trên con đường dẫn chúng tôi về làng phong rợp cờ hoa, ông Định kể: Hơn ba chục năm qua, hai vợ chồng ông cần mẫn "vác tù và hàng tổng".

Khối trưởng là cái chức hữu danh vô thực, do bà con bầu ra, nhưng không được chính quyền công nhận, vì Đồng Mỹ cũng chỉ là tên gọi. Do vậy, ông không có phụ cấp chức vụ, chỉ là làm việc vì dân. Ấy vậy mà, suốt bao nhiêu năm qua, ông vẫn tận tụy, cần mẫn cập nhật từng thông tin, chỉ thị, chỉ đạo của cấp trên về cho 106 hộ gia đình với 336 nhân khẩu đang sinh sống tại đây.

Vợ ông, bà Hoàng Thị Hợp giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khối cộng đồng dân cư làng phong, được thừa nhận cách đây khoảng hơn 10 năm. Bà Hợp kể, trước đây, khi Chi hội Phụ nữ khối cộng đồng dân cư làng phong chưa được công nhận thì mọi chính sách xã hội của làng đều không được như các  làng khác.

Năm 2007 chỉ có 5 hội viên tham gia tự phát, bà Hợp đã không ngừng vận động chị em tham gia sinh hoạt phát triển chi hội. Thời gian đầu, không có phụ cấp, Hội Phụ nữ xã ủng hộ mỗi tháng 20.000 đồng, chia đều cho 5 con người. Đến nay, chi hội Phụ nữ khối cộng đồng dân cư làng phong đã ổn định sinh hoạt với 96 hội viên và được lãnh đạo địa phương công nhận là một Chi hội Phụ nữ của xã Quỳnh Lập.

Làng phong Quỳnh Lập hôm nay.

Cũng như bao cặp vợ chồng khác ở làng phong này, ông Định và bà Hợp là những người bệnh được đưa từ khắp nơi trong cả nước về đây điều trị. Trong đó, ông Định từng là quân nhân, là Đảng viên, quê ở tỉnh Nam Định. Quá trình lưu trú để chữa bệnh, hai người nảy sinh tình cảm và nên duyên vợ chồng.

Cái duyên "vác tù và hàng tổng" cũng tình cờ như duyên phận của hai ông bà vậy, khi thấy người bị bệnh phong bị kỳ thị, xa lánh, không những quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng bị lãng quên, mà những đường lối, chính sách của Đảng cũng không đến được với nhân dân, ông Định, bà Hợp đã tự nguyện đứng ra kêu gọi bà con chung tay vì tình làng nghĩa xóm.

Nếu như ông Định xung phong nhận chức trưởng thôn, nỗ lực kết nối làng phong với chính quyền địa phương và người dân bên ngoài, thì bà Hợp tập hợp các chị em, vận động học chữ xóa mù, chung tay vì cộng đồng, thông qua những công việc như cắt cử nhau vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Mỗi tối thứ 7 hằng tuần đều diễn văn nghệ, vui chơi, sinh hoạt các câu lạc bộ dân ca, ví dặm…

Dưới sự kết nối của hai vợ chồng ông Định, bà Hợp, những con người bệnh tật đã xích lại gần nhau hơn, thương yêu nhau nhiều hơn và cùng nhau đi qua những ngày gian khó. Để rồi hôm nay, diện mạo của làng phong đã thay đổi, những con người mang trong mình căn bệnh này cũng không còn mặc cảm thân phận, họ đã đứng lên, mạnh mẽ sống và nuôi dạy con cái khôn lớn, trưởng thành.

Từ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, những con người nghị lực và chăm chỉ qua thời gian đã và đang xây dựng nên một "làng phong tươi mới" với sự giàu đẹp, văn minh, đầy nghĩa tình. Những năm gần đây, đời sống của người dân đã khá hơn rất nhiều.

100% hộ đã thoát nghèo, con em làng phong đều được học hành, đa số các em đều tốt nghiệp cấp 3; nhiều em đậu cao đẳng, đại học, thậm chí có bằng thạc sỹ, tiến sỹ; có không ít con em của làng giữ vị trí, chức vụ cao trong xã hội.

Các hộ dân tại khối cộng đồng dân cư làng phong đến nay đã được hưởng các chính sách xã hội như: vốn nước sạch, vốn giải quyết việc làm, vốn hộ nghèo... Đặc biệt, từ năm 2017, xã tổ chức mừng lão cho các cụ bệnh nhân phong trên 70 tuổi và làm thủ tục nhận chế độ 270.000 đồng đối với các cụ trên 80 tuổi. Ngoài ra, xã Quỳnh Lập cũng kịp thời đến động viên, thăm hỏi các gia đình bệnh nhân phong khi gặp rủi ro hay có chuyện buồn.

Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Việt Dương - Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập cho biết thêm: Hiện tại, tại cơ sở 1 của bệnh viện đóng chân tại làng Đồng Mỹ vẫn đang điều trị và nuôi dưỡng tập trung cho gần 200 bệnh nhân bị bệnh nặng, chăm sóc toàn diện từ bón ăn, tắm giặt vệ sinh, cắt tóc giặt giũ đến thuốc men… Cơ sở 1 cũng là nơi khởi đầu của bệnh viện, được thành lập từ năm 1957, với tên gọi ban đầu là Trại Phong Quỳnh Lập.

Nhiệm vụ chính lúc bấy giờ là nuôi dưỡng và điều trị tập trung cho những người không may mắc bệnh phong, một căn bệnh mà thời bấy giờ được liệt vào "tứ chứng nan y", sự định kiến nặng nề của xã hội và chính gia đình, người thân của họ, thậm chí họ còn bị người thân như cha, mẹ, anh chị em ruột và vợ con ruồng bỏ. Dĩ nhiên, đó là chuyện của hàng chục năm về trước, giờ đây, xã hội phát triển, những thành kiến về bệnh phong cũng dần được xóa bỏ, bệnh nhân có cơ hội tiếp cận các loại thuốc, phương pháp chữa trị tiên tiến mà bệnh phong được đẩy lùi. Hiện, bệnh nhân phong chủ yếu là người già và trung niên, trẻ em của làng giờ không còn ai mắc căn bệnh này nữa.

Kỳ tích đó ở làng phong Quỳnh Lập hôm nay có một phần công sức của vợ chồng ông Nguyễn Thế Định và bà Hoàng Thị Hợp - những người đã miệt mài "vác tù và hàng tổng" hàng chục năm trời, để làm nên một làng phong tươi mới như hôm nay.

Thiện Thành

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文