Cầu Ghềnh, cầu yếu và cầu biểu tượng
- Cứ xong trước một ngày, dự án cầu Ghềnh mới sẽ tiết kiệm từ 8 đến 12 tỷ đồng
- Nhịp cầu Ghềnh cuối cùng đã được tháo gỡ
- Cầu Ghềnh đã được trục vớt thế nào?
Trong suy nghĩ nhiều người, tai nạn giao thông chủ yếu chỉ diễn ra trên đường bộ, nơi có nhiều người, nhiều loại phương tiện tham gia giao thông. Vậy mà, thống kê của Bộ GTVT cho thấy chỉ riêng năm 2015, toàn quốc có tới… 96 vụ tai nạn giao thông đường thủy, tăng 6 vụ so với năm 2014, làm chết 74 người, bị thương 15 người. Điều đó cho thấy, an toàn giao thông đường thủy cũng bộc lộ nhiều điểm mất an toàn và để khắc phục nó cần phải tiến hành nhiều giải pháp kịp thời.
Tổng mức đầu tư khôi phục lại cầu Ghềnh vừa được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ được kiến nghị là 298 tỷ đồng. Thủ tướng đã đồng ý, đồng thời giao VNR thực hiện dự án này. Tiến độ hoàn thành dự án VNR đặt ra là 120 ngày kể từ ngày dự án được phê duyệt.
Ngoài ra, VNR cho biết thêm, cần sửa chữa, cải tạo mở rộng nhà ga, ke ga, kéo dài và đặt thêm đường ga ở các ga Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom. Chi phí cho các hạng mục này cũng cần tới số tiền 75 tỷ đồng. Vậy đấy, hơn 300 tỷ đồng là một con số vô cùng lớn. Nó có thể giải quyết nhiều việc hệ trọng cho những địa phương gặp nhiều khó khăn. Còn những kẻ gây ra thiệt hại trên chắc chắn không bao giờ khắc phục một phần hậu quả từ việc làm tắc trách của mình.
Trong số 251 cây cầu yếu đó, có tới 32 cầu phải có ngay phương án đảm bảo an toàn giao thông hoặc cần được dỡ bỏ, cải tạo, nâng cấp như cầu Đuống (sông Đuống), cầu Long Biên (sông Hồng), cầu đường sắt sông đào Hạ Lý, cầu đường sắt Ninh Bình (sông Đáy)… Khu vực miền Trung có 64 cầu không đảm bảo tĩnh không thông thuyền, trong đó có 12 cầu thuộc diện ưu tiên như cầu Hàm Rồng (sông Mã), cầu Yên Xuân (sông Lam), cầu đường sắt Lèn (sông Lèn)…
Các cây cầu này đều đã quá cũ kỹ, xuống cấp ở mức báo động, nhưng vì kinh phí có hạn nên đành phải… để vậy. Khi qua những cây cầu đó, ai cũng có thể hiểu, nếu không duy tu, bảo hành, sửa chữa, nâng cấp thì cầu sẽ tự sập, cũng có thể do con người làm sập vì một lỗi bất cẩn nào đó, hoặc do sự khắc nghiệt của thời tiết cũng có thể nhấn chìm cây cầu xuống dòng nước.
Trong cuộc họp gần đây, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh: Thời gian tới, cần rà soát lại toàn bộ các cây cầu yếu và tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng tàu qua lại đâm va vào cầu. Nếu cứ chờ làm cầu mới thì chưa biết bao giờ mới có tiền để làm. Chúng ta không có giải pháp ngay bây giờ thì chắc chắn tiếp tục xảy ra những vụ sập cầu mà hậu quả thật khó lường. Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ bố trí gói tín dụng để đầu tư cải tạo cầu yếu, với mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ xóa toàn bộ cầu yếu trên cả nước. Rõ ràng, đây là việc rất nên làm, khi chúng ta đã nhìn ra những điểm yếu cần khắc phục để không phải chứng kiến những vụ sập cầu tương tự.
Không biết các bạn nghĩ sao chứ tôi rất thích ngắm nhìn cũng như đi qua những cây cầu. Không đơn thuần chỉ phục vụ việc đi lại, những cây cầu còn tạo nên vẻ đẹp, sự duyên dáng cho những dòng sông dù đó là cây cầu đã tồn tại hàng thế kỷ hay vừa mới xây xong.
Hiện chúng ta có 10 cây cầu được coi là đẹp nhất Việt Nam. Đó là cầu Nhật Tân, Hà Nội - biểu tượng mới của Thủ đô với 5 nhịp tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội; cầu Pá Uôn, Sơn La được xác lập kỷ lục có trụ cao nhất Việt Nam; cầu Phú Mỹ được xem là biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của TP Hồ Chí Minh; riêng Đà Nẵng có tới 3 cây cầu ấn tượng với nhiều du khách tới đây là cầu Rồng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế, Cầu quay sông Hàn là cầu quay duy nhất ở Việt Nam và cầu Thuận Phước là cầu treo dây võng hiện đại dài nhất Việt Nam nối liền 2 bờ vịnh Đà Nẵng. Ngoài ra phải kể đến cầu Bãi Cháy được ví như "cây đàn Hạ Long", tiếp đến là cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Thị Nại. Tất cả đều mang lại vẻ đẹp riêng và trở thành những biểu tượng đặc biệt cho thành phố, địa phương đó.
Sẽ là thiếu sót khi chúng ta chỉ nói tới những cây cầu đẹp, hoành tráng, hiện đại mà quên đi những cây cầu treo, cầu khỉ mà người dân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh vì sự mưu sinh hàng ngày vẫn phải đi qua. Mùa nước chảy xiết, các em nhỏ đến trường chỉ còn cách đu dây hoặc chui vào túi nilon.
Điều đầu tiên chúng ta có thể nhận ra, đó là sự nguy hiểm cho những người qua đây. Chỉ bất cẩn một chút hoặc vào đúng thời điểm cây cầu không thể chịu đựng được nữa, người đi trên cầu có thể bị rơi xuống dòng nước. Nhẹ thì thương tích, nặng thì tử vong. Chính vì thế, mỗi lần có dịp qua đây, tôi luôn ao ước những cây cầu này sẽ được thay thế bằng những cây cầu kiên cố hơn, an toàn hơn.
Những cây cầu hiện đại trong tương lai sẽ được xây dựng trên những dòng sông rộng và biết đâu còn vươn mình qua biển lớn như nhiều nước trên thế giới đã làm. Điều cuối cùng tôi mong muốn, đó là những cây cầu không chỉ kiên cố, hiện đại mà còn phải đẹp, độc đáo và trở thành biểu tượng của một dân tộc.
Thế hệ chúng tôi đến hôm nay vẫn còn mê đắm với tiểu thuyết "Những cây cầu ở quận Madison" của Robert James Waller và sau này được đạo diễn tài năng Clint Eastwood chuyển thể thành bộ phim cùng tên còn hấp dẫn hơn cả tiểu thuyết. Những cây cầu nhỏ ở vùng ngoại ô Nam Iowa của nước Mỹ trở nên gần gũi, thân thiết và duyên dáng lạ lùng. Vâng, tôi muốn chúng ta sẽ có những cây cầu đi vào huyền thoại như thế bởi nó không chỉ sống mãi với thời gian mà còn là máu thịt của một vùng đất, một quốc gia.